Có thể nói một cách tổng quát, khi mở API (Application Programming Interface) doanh nghiệp nhắm tới ba đối tượng chính: Các đơn vị nội bộ (hoặc là giữa các công ty thành viên của tập đoàn), các đối tác kinh doanh, và cho cộng đồng.
API dùng nội bộ
Công ty có thể mở API ra để dùng trong nội bộ công ty (hoặc tập đoàn). Các API nội bộ này thường được dùng để hỗ trợ việc tích hợp giữa các ứng dụng và hệ thống trong công ty một cách hiệu quả hơn. Khi phát triển một ứng dụng nội bộ cho doanh nghiệp, thường thì hệ thống mới phải truy xuất và lấy thông tin, dự liệu từ nhiều nguồn khác nhau (từ các phòng ban khác nhau). Công việc này (nếu không dùng hệ thống API chung) thì rất tốn thời gian vì các hệ thống khác nhau lưu trữ thông tin với các format khác nhau, và dữ kiệu được trao đổi với các phương thức khác nhau (data exchange protocol). Phần code được viết cho việc tích hợp này cũng không được tái sử dụng cho các trường hợp tương tự.
Khi việc tích hợp giữa các hệ thống này được triển khai qua một hệ thống API chung thì sẽ nhanh và hiệu quả hơn nhiều. Ví dụ, Công ty Comcast ở Mỹ, sau khi triển khai hệ thống API nội bộ, thì việc tích hợp dữ liệu giữa các hệ thống giảm từ vài ngày xuống còn 30 phút.
Việc dùng API nội bộ để phối hợp giữa các đơn vị còn giúp doanh nghiệp khai thác tối ưu tài nguyên và nguồn lực. Một ví dụ trong Tập đoàn FPT là việc phối hợp giữa nhóm Fshare và Nhạc số. Fshare cung cấp API về dịch vụ lưu trữ và trao đổi file online ra cho nhóm Nhạc số xây dựng dịch vụ nghe nhạc trực tuyến. Việc này giúp cho nhóm Nhạc số có thể tập trung phát triển sản phẩm âm nhạc mà không phải lo về các vấn đề kỹ thuật của cơ sở hạ tầng.
API cho các đối tác kinh doanh
API có thể được mở ra để doanh nghiệp tương tác với các đối tác kinh doanh. Trong nền kinh tế số thì các doanh nghiệp tương tác với nhau không chỉ qua các dịch vụ và tài sản hữu hình mà còn qua các tài sản dịch vụ vô hình. Việc này thường được thực hiện qua hình thức API. Một ví dụ điển hình cho hình thức này là CyRadar (một sản phẩm của FPT) mở dịch vụ kiểm tra web mã độc ra cho MOG (đối tác kinh doanh của FPT) sử dụng để tạo ra sản phẩm trình duyệt mobile Yolo. Người dùng trình duyệt Yolo có thể yên tâm duyệt web an toàn tiện lợi vì Yolo sau khi dùng công nghệ của CyRadar có khả năng cảnh báo đến 1,2 triệu website độc hại.
Một ví dụ khác trong việc mở API ra cho các đối tác kinh doanh rất thành công trên thế giới là trường hợp của Công ty Expedia, hơn 90% doanh thu của họ là đến từ kênh API. Expedia là một công ty đặt phòng khách sạn và vé máy bay trực tuyến, họ mở API để các trang đối tác truy cập toàn bộ thông tin về danh sách khách, đánh giá người dùng, dịch vụ tuyến bay... Các thông tin này được tích hợp để hiển thị vào trang web của bên thứ ba. Khi người dùng click vào nội dung thông tin cung cấp bởi Expedia thì được đưa về trang của Expedia. Việc này giúp Expedia tăng doanh thu, tìm được khách hàng mới.
API mở cho cộng đồng
Việc mở API ra cho cộng đồng không phải là việc mới lạ đối với các công ty công nghệ trên thế giới. Ví dụ như IBM Watson Developer Cloud, hay Google Cloud Vision API. Cả hai hãng công nghệ hàng đầu thế giới đưa ra cho cộng đồng dùng thử các kết quả nghiên cứu mới nhất của họ theo hình thức dịch vụ API (web services). Người sử dụng những công nghệ này có thể là bất cứ ai: công ty startups, nhà phát triển ứng dụng độc lập, hay là một nhà nghiên cứu.
Việc mở ra các cộng nghệ của một tổ chức cho cộng đồng như thế này sẽ có nhiều lợi ích. Một trong những lợi ích đó là khai thác được trí tuệ của cộng đồng. Ví dụ, Fitbit là công ty chuyên sản xuất các thiết bị theo dõi thông số sức khỏe cá nhân (fitness tracker). Lúc đầu, chỉ có một ứng dụng tương thích với phần cứng của công ty được chính công ty phát triển. Điều này không đáp ứng được với nhu cầu đa dạng của người dùng. Vì thế năm 2011, Công ty Fitbit mở API về dữ liệu (thu thập được từ thiết bị) ra cho các nhà phát triển khai thác. Đến giờ đã có hơn 30 ứng dụng được phát triển từ các bên thứ ba khai thác API của Fitbit. Việc có nhiều ứng dụng phục vụ nhu cầu đa dạng của người dùng giúp tăng giá trị của thiết bị Fitbit, đồng thời kích thích nhu cầu sử dụng của người dùng. Fitbit có được những ưu thế này mà không mất chi phí đang kể nào (ngoài việc duy trì vận hành API).
Ở Việt Nam, FPT thông qua cổng API openFPT.vn đang bắt đầu đưa ra cho cộng đồng khai thác các công nghệ trong tập đoàn. Một số mục tiêu của dự án này như sau:
• FPT thông qua chương trình Open FPT để tạo tiền đề thúc đẩy quá trình digitalization.
• Hỗ trợ hệ sinh thái công nghệ và khởi nghiệp nói chung.
• Hộ trợ gia tăng giá trị cho các công ty khởi nghiệp của FPT Ventures và FPT Accelerator.
• Với các tài nguyên và công nghệ mà FPT đầu tư nhiều năm, hy vọng khi mở ra các nhà phát triển sẽ tạo những dịch vụ và sản phẩm mới.
Những công nghệ này là kết quả nghiên cứu của các cán bộ công nghệ FPT trong nhiều năm. Các dịch vụ này sẽ được mở ra theo dạng API qua một cổng API chung của FPT tại địa chỉ openFPT.vn. Qua cổng này, các nhà phát triển ứng dụng sẽ có thể tìm kiếm, đăng ký sử dụng dịch vụ của FPT. Đa số công nghệ của FPT sẽ được mở ra cho bên thứ ba sử dụng với quota miễn phí nhất định. Các nhà phát triển có nhu cầu sử dụng vượt quá ngưỡng miễn phí sẽ có những chính sách hỗ trợ riêng.
>> Những ảnh hưởng của IoT tới xã hội
Trần Tuấn Anh
Ý kiến
()