API mô tả cách thức các hệ thống phần mềm (software components) tương tác và liên lạc với nhau qua các giao thức được định nghĩa rõ ràng (defined interfaces). Trước kia khi nói về API thì người ta hay nói về mô tả kỹ thuật (specification) của cấu trúc dữ liệu, thư viện phần mềm, và các lớp đối tượng (object classes). Ví dụ, thư viện java.sql cung cấp API (bằng ngôn ngữ lập trình Java) để truy cập và xử lý dữ liệu được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu (database).
Figure 1- java.sql Interface Connection |
Trong thời đại cloud hiện nay, khi nói đến API người ta thường nói đến Web API, là giao diện (interface) cho phép tài nguyên/dịch vụ được truy cập quay Internet, thường là bằng giao thức HTTP (cùng với giao thức của trình duyệt web chúng ta hay dùng). Web APIs cho phép kết hợp nhiều APIs với nhau thành những dịch vụ/ứng dụng mới được gọi là mashups. the Chicago Crimes Map là một ví dụ điển hình của thể loại này:
Figure 2- Chicago Crimes Map. |
Ứng dụng trên là một bản đồ của thành phố Chicago (bản đồ dùng dịch vụ API của Google Map) được lồng thông tin về tội phạm của thành phố lên (dữ liệu thông tin tội phạm của thành phố được cung cấp dưới dạng API để máy có thể truy cập). Kết quả là người dùng có thể hình dung ra tình trạng tội phạm của thành phố Chicago một cách dễ dàng; ngoài ra, người dùng có thể tương tác/khám phá dữ liệu một cách trực quan (xem thể loại tội phạm của một khu dân cư, hoặc tần xuất phạm tội ở các khung giờ khác nhau).
API không chỉ giúp tạo ra những mashup thú vị, nó còn là tiền đề để tạo ra những sản phẩm và mô hình kinh doanh hoàn toàn mới. Ví dụ, dịch vụ Google Adsense cho phép các trang web nội dung có thể kiếm tiền bằng cách đặt quảng cáo của Google vào trang của mình. AdSense sẽ tự động chọn những quảng cáo phù hợp với nội dung và độc giả của trang web đó. Toàn bộ sản phẩm quảng cáo này của Google được vận hành qua cơ chế Web API. Quý I/2014, Google kiếm được 3,4 tỷ USD, khoảng 22% doanh thu quý, từ dịch vụ AdSense này.
Nền kinh tế API
Trước đây, API là thuật ngữ kỹ thuật mà chỉ có lập trình viên mới biết tới, nhưng ngày nay mọi thứ đã thay đổi, API đã trở thành cấu thành cơ bản (building blocks) để thúc đẩy doanh thu và nâng cao gắn kết cho thương hiệu. Toàn bộ nền kinh tế điện tử (digital economy) được xây dựng xung quanh API được gọi là nền kinh tế API (API economy).
Các công ty công nghệ đã tạo ra phần lớn doanh thu từ các API của họ. Salesforce.com tạo ra hơn một nửa doanh thu gián tiếp qua hệ thống API chứ không phải trực tiếp từ các sản phẩm (mà người dùng cuối dùng trực tiếp) của họ. Amazon tạo ra 40% doanh số trong năm 2008 từ chương trình affiliate marketing Amazon Asociates. Gần 90% doanh số 2 tỷ USD năm 2013 của Expedia đến từ API của họ.
Figure 3- API Economy. |
Đấy là hiệu quả về doanh số, ngoài ra API còn giúp công ty tăng độ phủ khách hàng và độ xâm nhập thị trường (market penetration). Trong năm 2010, 75% traffic của Twitter đến từ ứng dụng của bên thứ ba (third-party applications). Trong những ngày đầu thành lập, giao web chuẩn của Twitter không đáp ứng đủ nhu cầu của một lớp người dùng; TweetDeck là một ứng dụng của lập trình viên độc lập, đã phục vụ tốt những nhu cầu không được đáp ứng này. Trong trường hợp này, API đã thực sự giúp Twitter tăng trưởng và chiếm lĩnh thị trường. TweetDeck trở thành ứng dụng Twitter thông dụng nhất với 23% thị phần (tháng 6/2010), chỉ đứng sau bản web của chính Twitter.
Hơn nữa, API có thể giúp các công ty truyền thống số hóa mô hình kinh doanh của mình để thay đổi và chuyển mình. Các nhà bán lẻ lớn ở Bắc Mỹ như BestBuy hay Walgreen đều cho phép lập trình viên bên ngoài truy xuất và khai thác các thông tin và tài nguyên kinh doanh qua dạng API. Từ đó, bên thứ ba có thể tạo ra những ứng dụng dịch vụ mà chính công ty mẹ không cung cấp (hoặc không nghĩ tới). Ví dụ, Walgreens Photo Prints API cho phép các lập trình viên ứng dụng di động cung cấp khả năng in ảnh (photo print) cho người dùng của mình. Người dùng có thể chọn lấy ảnh của mình từ 8000+ địa điểm của hàng của Walgreens. Khi dùng API này lập trình viên sẽ được chia sẻ phần trăm hoa hồng từ việc sử dụng dịch vụ in ấn của người dùng. Các nhà bán lẻ đều đang đầu tư mạnh vào những mô hình kết hợp giữu online và offline như thế này (omi-chanel).
Gartner, một hãng nghiên cứu thị trường uy tín trên thế giới, chỉ ra rằng, nhân loại đang tiến vào một kỷ nguyên công nghệ mới được gọi là Digitalization (số hóa), trong đó các doanh nghiệp được số hóa để tạo ra giá trị (value) và doanh số (revenue) từ việc khai thác tài nguyên số (digital assets). Dù với bất kỳ một chiến lược kinh doanh số nào (digitalization), thì API luôn là thành phần chính (core element) để thúc đẩy và hiện thực hóa tăng trưởng trong tương lai. Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu cách thức hoạt động của API, và cách mà API giúp tạo ra các hệ sinh thái xung quanh một doanh nghiệp.
Trần Tuấn Anh
Ý kiến
()