Chúng ta

Minh bạch hóa hoạt động mua sắm tại FPT bằng AI

Thứ hai, 22/7/2024 | 14:56 GMT+7

Được so sánh như hệ thống ‘camera giao thông’ giám sát giúp người dân tuân thủ tốt hơn, công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) đang được ngành dọc Mua sắm Tập đoàn áp dụng góp phần minh bạch hóa toàn bộ hoạt động mua sắm, tối ưu hiệu quả xử lý công việc với tính năng giám sát, cảnh báo gian lận.

Trong bối cảnh công nghệ AI đang phát triển mạnh mẽ và trở thành xu thế của thế giới, việc ứng dụng AI vào hoạt động kinh doanh, vận hành trong các doanh nghiệp ngày càng được chú trọng. Tại sự kiện trọng điểm “Future of FPT AI” vừa tổ chức với sự tham gia của ban lãnh đạo FPT, lãnh đạo CTTV cùng các chuyên gia công nghệ hàng đầu, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã nhấn mạnh thông điệp, FPT sẽ “đặt cược tất cả vào AI”. Anh Bình cũng chỉ ra hướng đi quan trọng để hiện thực hóa chiến lược này, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ AI trong toàn bộ các hoạt động của tập đoàn.

Nhưng “lời hiệu triệu” của anh Trương Gia Bình không phải mới xuất hiện tại “Future of FPT AI”. Thực tế, việc yêu cầu triển khai ứng dụng AI cho toàn Tập đoàn đã được ban lãnh đạo sớm đặt ra từ trước đó. 

Tự động hóa kiểm soát mua sắm

Tháng 6 vừa qua, hai tính năng mới ứng dụng công nghệ AI đã chính thức được ra mắt, hỗ trợ đắc lực vào quy trình xử lý công việc của ngành dọc Mua sắm. Các tính năng này được xây dựng dựa trên mô hình Machine Learning/Deep Learning (Học máy/Học sâu), cũng như đọc hiểu ngôn ngữ tự nhiên (dựa trên việc phân tích dữ liệu lịch sử mua sắm).

-3374-1721634939.jpg
 

Chị Trịnh Thị Thùy Linh, Trưởng ban Mua sắm Tập đoàn FPT cho biết, việc ứng dụng AI trong hoạt động mua sắm tại FPT trong thời gian qua không chỉ giúp nâng cao hiệu quả, tiết kiệm thời gian làm việc của CBNV, mà còn góp phần quan trọng vào việc minh bạch hóa, giám sát và cảnh báo gian lận, tương tự như hệ thống ‘camera giao thông’ giám sát giúp người dân nâng cao tính tuân thủ luật pháp. “Đây là bước đi nằm trong chiến lược phát triển của FPT, thể hiện cam kết của Tập đoàn trong việc tiên phong ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất để nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời bảo vệ lợi ích của công ty và các bên liên quan”, chị Linh khẳng định.

Với tính năng giám sát và cảnh báo gian lận (kiểm tra chênh lệch giá), thông qua việc phân tích, so sánh toàn bộ giá mua đầu vào trên phạm vi toàn Tập đoàn, AI có khả năng phát hiện những dấu hiệu bất thường trong các giao dịch mua sắm, từ đó đưa ra cảnh báo kịp thời cho các nhà quản lý, lãnh đạo cấp đơn vị và tập đoàn. Cụ thể, sau khi ‘buyer’ (người mua hàng) thiết lập xong phương án mua sắm (PAMS), AI sẽ kiểm tra và so sánh giá hiện tại với lịch sử mua sắm trong vòng 1 năm qua. Đặc biệt, việc so sánh giá sẽ được AI tự động làm liên tục, hạn chế tối đa việc bỏ lọt các giao dịch mua sắm bất thường. Điều này không chỉ giúp bảo vệ lợi ích của công ty và các bên liên quan, nâng cao tính minh bạch và uy tín trong hoạt động mua sắm, mà còn góp phần rà soát lại hiệu quả mua hàng, hỗ trợ cán bộ quản lý đánh giá sự ổn định về giá cả của hàng hóa và nhà cung cấp.

“Gợi ý nhà cung cấp” là tính năng thứ 2 được triển khai thành công. AI sẽ đọc hiểu thông tin sản phẩm cần mua trên PR (Purchase Request/Requisition - Yêu cầu mua hàng) và hỗ trợ người mua (buyer) bằng cách đề xuất các nhà cung cấp có lịch sử bán hàng hóa này cho FPT trong vòng 1 năm. Các thông tin AI đưa ra để ‘buyer’ có thể cân nhắc hợp tác bao gồm tên nhà cung cấp giá sản phẩm, rating trung bình, tỷ lệ giao hàng đúng hạn, thời gian có đơn hàng, và thông tin liên hệ của buyer để có thể trao đổi nếu cần.

-3255-1721634939.jpg
 

Là người trực tiếp trải nghiệm các tính năng mới áp dụng, anh Nguyễn Quốc Khánh - cán bộ Mua sắm thuộc FPT Smart Cloud - chia sẻ, các tính năng AI đang được tích hợp trên hệ thống Mua sắm rất thiết thực và có tính ứng dụng cao trong công việc.

“Với tính năng nhận diện sản phẩm, khi nhận được một đề nghị mua sắm cần xử lý, có thể tìm kiếm trong lịch sử mua sắm trước đây đã mua sản phẩm tương tự chưa. Từ đó, người mua hàng nắm được thông tin về lịch sử của sản phẩm và nhà cung cấp sản phẩm đó. Với tính năng kiểm tra giá, sau khi nhập giá và chốt chọn sản phẩm, AI sẽ hỗ trợ kiểm tra và đưa ra cảnh báo nếu giá sản phẩm mình mua có đang bị cao/thấp bất thường so với lịch sử giá trên hệ thống”, anh Khánh hào hứng. Cán bộ ngành dọc cũng cho biết, nhờ hai tính năng này mà năng suất làm việc cũng tăng lên đáng kể.

Bên cạnh đánh giá cao các tính năng mới ứng dụng, anh Khánh cũng kỳ vọng vào việc cải thiện thêm về tính chính xác của thông tin đưa ra: “Khi nhận diện các sản phẩm và đưa ra cảnh báo về giá bất thường, nhiều khi AI nhận diện chưa chính xác hoàn toàn sản phẩm đó, dẫn đến việc cảnh báo giá cũng không đúng”.

Hiện nay, Ban Mua sắm FPT đang khuyến khích người dùng tận dụng tối đa những tính năng mới này để tìm kiếm nguồn cung đảm bảo chất lượng với chi phí tốt nhất. Chị Linh cũng cho biết thêm, trong thời gian đầu của dự án, AI vẫn tiếp tục học hỏi dựa trên các thao tác và hành vi của người dùng, với tỷ lệ nhận diện mới đạt 80% cho nhóm sản phẩm là hàng hóa (không bao gồm dịch vụ). Tư lệnh ngành Mua sắm đặt niềm tin: “Qua thời gian sử dụng, khi AI hiểu hệ thống và người dùng, công cụ này sẽ còn hỗ trợ hiệu quả, đắc lực hơn nữa”.

Chặng đường ‘vượt chông gai’

Để có thành quả kể trên, chị Linh và cộng sự đã triển khai “AI hóa vận hành” ngay khi nhận yêu cầu từ Tập đoàn, bắt đầu từ việc khoanh vùng các vấn đề và ghi nhận mong muốn của nhân sự. Chị Linh chia sẻ: “Với từng hạng mục, chúng tôi sẽ ngồi lại đánh giá và đề xuất giải pháp công nghệ phù hợp, ưu tiên sử dụng AI để giải quyết”.

-9954-1721634939.png

Mua sắm là một trong những bộ phận thuộc khối đảm bảo sớm đẩy mạnh ứng dụng AI trong vận hành.

Trưởng ban Mua sắm FPT cho biết, đơn vị đã phối hợp với đội dự án AI Quy Nhơn (QAI, FPT Software) triển khai dự án ứng dụng AI vào quy trình vận hành trong 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài 3 tháng. Giai đoạn 1 xây dựng hệ thống AI nhận diện sản phẩm cần mua với độ chính xác lên đến 80%, giúp ‘buyer’ chọn đúng sản phẩm một cách nhanh chóng. Giai đoạn 2 nâng cấp độ chính xác của hệ thống lên đến 90%, đồng thời phát hiện tình trạng bất thường trong hành vi mua sắm (giá cao hơn bất thường so với các sản phẩm cùng loại trước đó).

Anh Nguyễn Chí Cường (Chuyên gia dữ liệu, FPT AI Quy Nhơn) nhấn mạnh đến những khó khăn khi nhóm dự án phải xử lý nguồn dữ liệu đầu vào không đồng nhất. “Dù gặp nhiều thách thức, hai nhóm đã nỗ lực phối hợp, điều chỉnh giúp sản phẩm đi đúng hướng và đáp ứng tiến độ dự án. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là chuẩn hóa định dạng dữ liệu và tối giản thông tin sản phẩm trước khi đưa vào, đảm bảo khả năng tự học của hệ thống trong tương lai, khi có nhiều sản phẩm mới xuất hiện”, anh Cường cho hay.

Việc ra mắt thành công hai tính năng công nghệ mới của ngành dọc Mua sắm cho thấy tương lai tươi sáng khi ứng dụng AI vào vận hành, mang lại nhiều lợi ích cho người dùng. Nó cũng chỉ ra, ngay cả FPT, một tập đoàn công nghệ lớn, “chuyển đổi số” bằng AI trong nội bộ cũng mới bắt đầu. Đây là một chặng đường dài đòi hỏi sự đầu tư liên tục vào công nghệ, sự kiên trì và nỗ lực của toàn bộ đội ngũ. Qua đó giúp FPT có thêm cơ hội giành phần thắng trong cuộc ‘đặt cược’ lớn nhất trong lịch sử tập đoàn.

Khánh Hưng

Ý kiến

()