Chúng ta

'Không thể phân biệt đâu là do xe lái, đâu là do người lái'

Thứ sáu, 25/8/2017 | 17:47 GMT+7

Phấn khích và háo hứng là cảm giác chung của đội vô địch Cuộc đua số 2017 khi trải nghiệm xe tự lái của hãng Tesla. Đội trường Nguyễn Duy Tùng Khánh nhận định sự khác biệt giữa những chiếc xe tự lái của Tesla so với xe thường chỉ là sự vượt trội về mặt công nghệ, còn cảm giác khi để xe tự lái hay người lái là như nhau. 

Với thành tích vô địch Cuộc thi lập trình xe tự lái đầu tiên tại Việt Nam - Cuộc đua số do FPT tổ chức, 4 sinh viên Nguyễn Duy Tùng Khánh, Nguyễn Duy Long, Lê Văn Thu, Lê Hải Sơn đến từ Học viện Kỹ thuật Quân sự đã nhận được giải thưởng là một chuyến trải nghiệm nước Mỹ và ghé thăm một trong những dòng xe mới tự lái mới nhất trên thị trường của Tesla tại Mỹ.

Xe tự lái đã xuất hiện trong phim viễn tưởng nhiều năm trước đây, tuy nhiên, một chiếc xe có thể tự chạy được trên đường thật lại chưa từng xuất hiện, cho tới khi CEO Tesla Elon Musk trang bị tính năng này trên những chiếc xe của mình. Theo Tesla, những chiếc xe mới của hãng được trang bị máy tính có khả năng tính toán gấp 40 lần so với thế hệ trước, bao gồm hệ thống xử lý thị giác, máy phát sóng siêu âm và các radar.

Năm 2017, những chiếc xe có trang bị tính năng tự lái trên đường cao tốc đã được Tesla đưa ra thị trường. Để có thể được trực tiếp trải nghiệm và sở hữu chiếc xe có tính năng tự lái của Tesla, hàng ngàn người Mỹ đã phải xếp hàng và chờ đợi mất gần 1 năm. Và 4 chàng trai vô địch Cuộc đua số là một trong số ít người Việt đầu tiên được trải nghiệm xe tự lái của Tesla.

2_1503652682.jpg

Các chàng trai vô địch Cuộc đua số có tới thăm Tesla Motor và trải nghiệm xe tự lái.

Trước khi bắt đầu ngồi lên xe và trải nghiệm, Đội trưởng MTA-Racer Nguyễn Duy Tùng Khánh cho rằng xe tự hành của Tesla cũng giống như một chiếc xe thông thường, chỉ có thêm tính năng tự lái và một số chức năng thông minh hơn. Trong khi đó, thành viên Lê Văn Thu tỏ ra khá căng thẳng và lo sợ bởi không biết xe tự lái có thật sự an toàn hay không.

Tuy nhiên, sau khi được trực tiếp trải nghiệm, Khánh và đồng đội cảm thấy rất phấn khích với những gì chiếc xe này làm được: "Xe giống như một chiếc máy tính có màn hình lớn để điều khiển, hiển thị thời lượng pin, nhiệt độ ngoài trời, tốc độ xe, đường đi… Máy tính này không chỉ dùng để điều khiển xe mà còn dùng để giải trí như đọc báo, nghe nhạc… Các tính năng này được phát triển rất mạnh trên xe giúp tài xế thư giãn bởi họ không còn phải tập trung vào việc lái nữa".

“Xe của Tesla khi chạy ở trên đường phố phải dùng điều khiển bằng tay. Tuy nhiên, khi đến đường cao tốc, xe tự động chuyển sang chế độ tự lái rất mượt đến mức bọn em không phân biệt được là đó có phải do người lái hay không”, Khánh chia sẻ.

Lê Văn Thu, thành viên tò mò nhất trong đội, lại cảm thấy ấn tượng nhất với cảm biến của chiếc xe này. Nếu như xe tự lái của Google gắn cảm biến Lidar ở trên đầu rất ngộ nghĩnh thì các thiết bị cảm biến đều được giấu kín trong xe của Tesla: "Mình tò mò không biết Tesla dùng cảm biến và công nghệ gì mà xe của họ có thể nhận biết các vật thể xung quanh và làn đường rất chuẩn xác, thậm chí cả những đoạn không có vạch chỉ làn. Vào các đoạn cua, xe cũng tự động nhận diện và chuyển hướng rất tốt”.

image-57.jpg

Câu khẩu hiệu "Let's Run The Race - Hãy bắt đầu cuộc đua nào!" cũng đã đặt chân tới lãnh địa xe tự lái Tesla. 

Bên cạnh cảm giác phấn khích, các chàng trai công nghệ của Việt Nam cũng chỉ ra một số điểm vẫn chưa được tối ưu như không có sạc dự phòng khi chạy trên đường đề phòng trường hợp xe hết điện, hay việc xe có thể được điều khiển bằng các thiết bị smartphone từ xa nên rất có thể bị hack hoặc chiếm quyền điều khiển…

Kết thúc chuyến trải nghiệm, cả 4 chàng trai đều có chung một nhận định rằng việc phát triển xe không người lái là một chặng đường dài, phải giải quyết rất nhiều bài toán công nghệ phức tạp khác nhau. Tuy nhiên, các bạn trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra công nghệ xe tự lái nếu được đào tạo bài bản, có cơ hội thử nghiệm.

"Trước mắt, khi trở về Việt Nam, cả đội sẽ nghiên cứu áp dụng một số công nghệ mới cho giải pháp xe tự hành mà mình đã phát triển trước đó trong cuộc thi Cuộc đua số. Hy vọng trong tương lai không xa, từ những cuộc thi như vậy, Việt Nam sẽ có những thiết bị tự hành chạy trong các nhà máy, khu công nghiệp… và xa hơn nữa có thể là những chiếc xe tự lái made in Việt Nam", Nguyễn Duy Long chia sẻ về định hương của cả đội sau chuyến trải nghiệm thực tế tại đây. 

Chuyến trải nghiệm của đội vô địch Cuộc đua số tại Tesla

Cuộc đua số là cuộc thi công nghệ xe tự hành đầu tiên ở Việt Nam do FPT tổ chức. Trong mùa đầu tiên, 8 đội thi đến từ 8 trường đại học trên cả nước lọt vào chung kết đã được học tập và sử dụng kiến thức công nghệ mới như xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo, học máy kết hợp với kiến thức về điều khiển tự động để xe có thể di chuyển chính xác nhất không chỉ trên đường thẳng, mà còn là khúc cua, leo dốc và điều chỉnh đường đi, tốc độ khi gặp vật cản.

Ở mùa thi tiếp theo (2017-2018), các thách thức công nghệ được nâng cao hơn. Cụ thể, xe sẽ phải chạy được trong môi trường ánh sáng ban ngày ở ngoài trời, tránh được chướng ngại vật cố định; Đường đi của xe sẽ không có vạch chỉ dẫn màu trắng xác định làn như năm trước; Xe phải biết tự nhận diện các biển báo giao thông cơ bản như tạm dừng, rẽ trái, cấm rẽ trái, cấm rẽ phải, hạn chế tốc độ, đường một chiều. 

Trong chuyến trải nghiệm 7 ngày tại Mỹ (từ 18-26/8), ngoài trải nghiệm xe tự lái, nhà vô địch Cuộc đua số còn được đến thăm các ông lớn công nghệ ở Silicon Valley như Google, Facebook… thăm văn phòng FPT và nhiều địa danh nổi tiếng khác. 

Đức Anh

Ý kiến

()