Chúng ta

Khi thầy và trò đồng tâm hiệp lực

Thứ sáu, 13/11/2015 | 15:56 GMT+7

Thầy là người vạch ra đường đi, hướng dẫn công nghệ. Trò thì trực tiếp thực hiện các mục tiêu đề ra trong ứng dụng. Sự phối hợp nhịp nhàng và trơn tru của thầy và trò đã mang lại thành công cho Smart Travel tại SMAC Challenge năm nay. 

Người thầy ấy chính là Lê Nhật Tùng, giảng viên Bộ môn Công nghệ phần mềm, ĐH Giao thông vận tải (GTVT) - Cơ sở 2. Còn “trò” chính là hai sinh viên “ruột” của thầy. Một là Trương Ngọc Sơn - sinh viên năm 3 trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP HCM) và hai là Lưu Toàn Định - sinh viên năm 3 trường ĐH GTVT - Cơ sở 2.  

Trong những ngày tất bật giữa việc học và “chạy” sản phẩm trước khi chính thức bước vào vòng bán kết, quả không dễ để có một cuộc trò chuyện với “bộ ba” thầy trò này. “Tôi vừa phải xin cho hai “đồng chí” sinh viên kia nghỉ học vài buổi. Hiện giờ cả hai đang cắm đầu vào code”, anh Tùng hóm hỉnh kể.

“Smart Travel” của “bộ ba” được thực hiện bài bản trong hai tháng với cố vấn là anh Tùng, còn Sơn và Định trực tiếp thực hiện với sự hướng dẫn của thầy. Ý tưởng nảy ra khi họ phát hiện những hạn chế của hướng dẫn viên du lịch và điều này có thể được khắc phục bằng một ứng dụng tiện lợi. Ứng dụng này có thể thực hiện một phần công việc của hướng dẫn viên du lịch là thuyết minh và giới thiệu các điểm đến, lộ trình. Từ đó, áp lực công việc sẽ giảm bớt và người hướng dẫn sẽ có nhiều thời gian để tập trung nâng cao chất lượng phục vụ khách.

“Với lộ trình du lịch được xác định trước từ công ty du lịch, khách hàng có thể sử dụng ứng dụng để nghe thuyết minh, đọc thông tin của điểm đến với nhiều sự lựa chọn khác nhau như: ngôn ngữ thuyết minh, các địa điểm muốn nghe hay nhạc nền giải trí”, chàng giảng viên giải thích.

DSC-3003-JPG-3391-1447388169.jpg

Thầy Lê Nhật Tùng (áo xanh) hướng dẫn cho hai sinh viên của mình tại SMAC Challenge. Ảnh: V.N.

Công nghệ mà nhóm sử dụng bao gồm: Hệ thống định vị toàn cầu (GPS), JaveScript Object Notation, Google Map, ngôn ngữ lập trình Java và nền tảng Android. Dữ liệu là các tệp âm thanh giới thiệu về khu du lịch (mp3 hoặc wav), các đoạn văn bản giới thiệu và hình ảnh đính kèm.

Smart Travel cung cấp cho người dùng các chức năng hướng dẫn bằng tay và hướng dẫn thông minh. Cụ thể, ở chế độ hướng dẫn bằng tay, người dùng có thể tùy chọn những khu du lịch cần giới thiệu trong lịch trình của mình. Ứng dụng sẽ phát trực tuyến đoạn âm thanh kèm theo văn bản giới thiệu về khu du lịch.

Trong khi đó, ở chế độ hướng dẫn thông minh, với lịch trình đã biết trước, Travel Smart sẽ dùng hệ thống định vị GPS để xác định khoảng cách từ vị trí hiện tại của người dùng tới khu du lịch có trong lịch trình cùng vận tốc di chuyển. Từ đó, ứng dụng sẽ cho ra đoạn video phù hợp nhất để phát. Ngoài ra, người dùng cũng có thể tìm hiểu thông tin của các khu du lịch như về giá cả, địa điểm, phong cảnh qua ảnh và các bài viết từ kho dữ liệu của ứng dụng.

Ban đầu, “biệt đội” thầy trò mới chỉ xây dựng một ứng dụng giúp tra cứu thông tin về một địa điểm cụ thể có trong tour bằng tiếng Việt. “Nhưng trong thời gian phát triển chúng tôi đã thêm vào nhiều nội dung mới như thuyết minh đa ngôn ngữ, thông báo khoảng cách, chia sẻ cảm xúc qua mạng xã hội, đánh giá và cho điểm khu du lịch cũng như đánh giá và cho điểm công ty tổ chức tour”, Toàn Định cho hay.

Chàng sinh viên trường ĐH GTVT chia sẻ, nhóm đã từng tìm hiểu những ứng dụng tương tự tại Việt Nam và phát hiện ra rằng rất ít trong số đó hỗ trợ đa ngôn ngữ. “Muốn tìm hiểu về khu du lịch trong tour đã đặt với công ty, khách phải tự tìm hiểu, tra cứu bằng tay. Điều này đồng nghĩa với việc họ chỉ đọc bằng mắt chứ chưa nghe được qua giọng nói”.

Còn nếu cài đặt Travel Smart, khi khách đặt một tour, họ sẽ được cấp một mã tour và nhập vào ứng dụng. Ngay tức thì Travel Smart sẽ trả về cho khách các thông tin chi tiết về khu du lịch cả bằng văn bản và giọng nói với nhiều loại ngôn ngữ khác nhau do người dùng tùy chọn.

DSC-3022-JPG-6779-1447388169.jpg

Smart Travel trình bày ý tưởng và công nghệ của mình với Ban giám khảo (Smart Travel vừa là tên nhóm, vừa là tên ứng dụng dự thi). Ảnh: V.N. 

Để có được một sản phẩm hoàn thiện tham gia SMAC Challenge, cả nhóm đã làm việc ngày đêm trong vòng hai tháng. Công việc được phân chia cụ thể với cố vấn là anh Tùng. Định phụ trách phân tích và khảo sát. Trong khi đó, Sơn thực hiện mảng công nghệ. Tất nhiên, vì đang là thời gian của năm học nên cả hai sinh viên cũng khá vất vả trong việc sắp xếp thời gian để chu toàn cả việc học và thi.

Đánh giá về học trò của mình, anh Tùng cho biết, cả Sơn và Định đều có khả năng lập trình tốt và học hỏi công nghệ nhanh. “Hai bạn mới chỉ làm việc với ngôn ngữ lập trình Java hơn 4 tháng nhưng đã có thể thực hiện khá hoàn chỉnh mục tiêu mà ứng dụng cần đạt được. Bên cạnh đó, cả hai luôn đảm bảo rất tốt tiến độ công việc mà tôi phân công từ việc học tập cho đến hoàn thiện chức năng của ứng dụng”, giảng viên tự hào kể về học trò của mình.

Trước vòng bán kết sắp diễn ra, như bao “sĩ tử” khác, các thành viên Smart Travel thổ lộ, họ rất háo hức nhưng cũng không kém phần hồi hộp. Tại vòng trước, nhóm đã hoàn thiện sản phẩm với ngôn ngữ tiếng Việt và chia sẻ cảm xúc tại ứng dụng. “Tuy nhiên, lúc đó sản phẩm của chúng tôi chưa có tính năng chia sẻ cảm xúc qua Facebook, Twitter cũng như phần đa ngôn ngữ vẫn chưa hoàn thiện. Đến nay, chúng tôi đã bổ sung tất cả các mục này”, Toàn Định “bật mí” trước giờ G.

Mục tiêu của “bộ ba” đến với SMAC Challenge năm nay là giao lưu và học hỏi. “Đồng thời chúng tôi cũng muốn tìm hiểu về FPT và những định hướng công nghệ mà FPT đang lựa chọn”, chàng sinh viên trường ĐH GTVT chia sẻ. Sau cuộc thi, cả ba thầy trò dự định sẽ tiếp tục cùng nhau “chiến” trên nhiều dự án khác. Với đội hình gồm một người thầy hết lòng vì sinh viên và hai cậu học trò thông minh, năng nổ, sự phối hợp nhịp nhàng này hứa hẹn sẽ mang đến nhiều sản phẩm thú vị trong tương lai.

>> Chàng trai 'một mình một ngựa' thi SMAC Challenge

Yến Nhi 

Ý kiến

()