Chúng ta

Học viện Bưu chính Viễn thông vô địch Mobile Robot Challenge

Thứ bảy, 23/11/2013 | 18:56 GMT+7

Với hai phần thắng áp đảo trong 3 nội dung thi, đội SRC PTIT đến từ Học viện Bưu chính Viễn thông giành giải Nhất cuộc thi viết ứng dụng di động trên hệ điều hành Android (Java) điều khiển robot (Mobile Robot Challenge) lần đầu tiên được FPT tổ chức.
> Robot múa nón, nhảy Gangnam Style / ‘Ý tưởng của các đội thi Robot rất phong phú’ / Mobile Robot Challenge chọn 4 đội vào chung kết

Ngay từ phần thi khởi động, đội SRC PTIT đã khẳng định họ là đối thủ đáng gờm của vòng chung kết. Dưới sự điều khiển của SRC PTIT, robot Nao cầm chiếc nón lá thể hiện những động tác nhảy uyển chuyển như những vũ công trên nền nhạc bài "Việt Nam quê hương tôi". Chỉ vài giây sau khi đổi nhạc sang bài "Gangnam Style", các động tác của robot Nao trở nên nhanh và sôi động hơn.

Giám đốc Công nghệ FPT Nguyễn Lâm Phương cho rằng, dù không có nhiều động tác mạo hiểm nhưng tổng thể bài nhảy của đội SRC PTIT khá hài hòa và nhịp nhàng.

v

Bài múa nón của đội SRC PTIT, Học viện Bưu chính Viễn thông.

Các giám khảo cũng đánh giá cao ứng dụng Nao - Smart Friend của SRV PTIT trong việc dùng người máy để dạy tiếng Anh. Nao - Smart Friend có thể dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt hoặc ngược lại, tìm hiểu nghĩa của từ, nhận biết đồ vật và trò chuyện với trẻ.

Giành được điểm cao ở cả hai phần thi này nên dù không thắng ở phần thi tìm cup trong mê cung, SRC PTIT vẫn đoạt ngôi vô địch Mobile Robot Challenge mùa thứ nhất.

Hôm nay (ngày 23/11), vòng chung kết Mobile Robot Challenge được diễn ra tại ĐH FPT, khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Bốn đội xuất sắc tranh tài ở vòng chung kết là các đội: BKCTVHDG (ĐH Bách Khoa Hà Nội), SRC PTIT (Học viện Bưu chính viễn thông), Cloudy (ĐH Công nghệ) và QATM (ĐH FPT).

Từ 7h sáng, hàng trăm sinh viên đến từ bốn trường đại học trên đã hào hứng di chuyển từ FPT Cầu Giấy lên ĐH FPT tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Không khí sôi nổi, đầy hào hứng của tuổi trẻ được duy trì trong suốt 4 giờ vòng chung kết diễn ra.

v

Ứng dụng của các đội thi được Ban giám khảo đánh giá cao.

Bốn đội phải trải qua ba phần thi, gồm: Khởi động, Tăng tốc và Về đích. Ở phần Khởi động, các đội thi lập trình cho robot nhảy múa trên nền nhạc. Đội QATM đã mang đến cho khán phòng bầu không khí đậm chất dân gian và cũng khá sáng tạo khi để robot mặc áo yếm, váy đụp múa bài "Trống cơm".

Trong khi đó, BKCTVHDG lại mang đến vũ điệu sôi động như giám khảo Phan Xuân Hiếu, giảng viên ĐH Công nghệ, nhận xét là “rock kết hợp với thái cực quyền”. Các động tác múa của robot mềm mại và khó.

Trên nền nhạc của ca khúc "Là con gái thật tuyệt", đội Cloudy đã biểu diễn cho khán giả những động tác nhảy duyên dáng của robot. Tuy có trục trặc về kỹ thuật, nhưng phần thi của đội cũng chiếm được cảm tình của người xem.

Ở phần Tăng tốc, các đội lập trình cho robot thực hiện ứng dụng với chủ đề giúp việc gia đình. Tiêu chí chấm điểm là ý tưởng sáng tạo, hữu ích, phương pháp thực hiện thông minh. Hai thành viên QATM mang tới ứng dụng robot bảo vệ, với mong muốn sử dụng trong các nhà xe. Nhờ đặc điểm nhận diện hình ảnh, robot chụp ảnh biển số xe và thông báo trong trường hợp xe không đúng chủ nhân hay nhắc nhở chủ xe về thời hạn bảo hành, bảo dưỡng. Ứng dụng này cũng có thể phát triển trong lĩnh vực an ninh, giao thông...

b

Khán giả chăm chú theo dõi các phần thi.

OurTranslator của đội ĐH Bách khoa lại muốn dùng robot như “phiên dịch” giữa người bình thường và người kiếm thính, khiếm thị hoặc trở thành từ điển cử chỉ. Nhờ ứng dụng này, người khuyết tật có thể giao tiếp theo bảng chữ cái tiếng Việt bằng ngón tay.

Đội Cloudy lại muốn biến robot thành quản gia để giúp đỡ, phục vụ người dùng trong một số vấn đề như bảo mật (nhận diện người lạ/khách quen), tìm đường (dẫn khách đi tham quan), trò chuyện mua vui hay điều khiển thiết bị điện tử mà không cần điều khiển.

Nếu phần thi Tăng tốc khá trầm lắng bởi các đội phải thuyết trình nhiều thì phần thi Về đích lại rất sôi nổi. Khán giả đồng loạt đứng lên để chúng kiến màn tìm cup trong mê cung của các đội. Đây là một phần thi khó. Robot của các đội thường xuyên đụng tường hoặc xoay tròn trong mê cung. Các đội đều phải xin Ban giám khảo “retry” (đi lại) nhiều lần mới đến được khu vực đặt cup. Ở phần thi này, Cloudy là đội duy nhất giành được được điểm tuyệt đối, khi robot giơ cao chiếc cup trong tiếng hò reo, vỗ tay của người xem.

v

Đội SRC PTIT giành giải Nhất Mobile Robot Challenge.

Sau 3 phần thi sôi động và gay cấn, đội SRC PTIT - Học viện Bưu chính Viễn thông đã giành giải Nhất với trị giá giải thưởng là 15 triệu đồng. Về Nhì là ĐH Công nghệ và giải Ba thuộc về ĐH Bách khoa, lần lượt nhận phần thưởng có giá trị tương ứng 10 triệu đồng và 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, các thành viên trong đội đạt thứ hạng cao còn có cơ hội được tham gia dự án nghiên cứu khoa học của Ban Công nghệ FPT sau này.

Anh Nguyễn Lâm Phương nhận định: “Mobile Robot Challenge là sân chơi, nơi các em sinh viên ngành CNTT-VT không chỉ được tiếp cận những công nghệ mới nhất, học cách vận hành chúng trực tiếp trên robot, mà còn là môi trường lý tưởng để rèn luyện kỹ năng mềm như thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý thời gian biểu…”.

Giám đốc Công nghệ FPT cũng đánh giá cao sự sáng tạo của các sinh viên tham gia cuộc thi này và tin rằng, với những kiến thức và kỹ năng học được từ cuộc thi, các em sẽ có thêm cơ hội thành công cả trong cuộc sống và công việc sau này.

“Cuộc thi rất bổ ích, những người tham gia sẽ học được nhiều điều”, Đặng Thái Thụy, sinh viên ĐH Công nghệ, nhận xét. Cậu sinh viên năm thứ 3 này đã không ngừng cổ vũ trong các phần thi của Mobile Robot Chanllenge. Thái mong muốn, cuộc thi không chỉ dừng lại ở các trường đại học trên địa bàn Hà Nội mà có thể mở rộng quy mô trên toàn quốc vào năm sau.

Anh Phương cho hay, sau cuộc thi mang tính thử nghiệm năm nay, dự kiến Mobile Robot Challenge sẽ tiếp tục được tổ chức với quy mô lớn hơn trong những năm tiếp theo. Mục tiêu của cuộc thi nhằm tạo một sân chơi thú vị và bổ ích cho sinh viên ngành CNTT-VT. Thông qua cuộc thi, FPT cũng mong muốn tìm kiếm được những sinh viên có đủ năng lực để tham gia vào những dự án nghiên cứu khoa học của FPT trong thời gian tới.

Thế giới công nghệ đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, từ công nghệ máy chủ, máy tính cá nhân, sang Big Data (Dữ liệu lớn), Cloud Computing (Điện toán đám mây), Mobility (Công nghệ di động)… FPT đã nhanh chóng bắt kịp dòng chảy công nghệ này, xác định chiến lược tập trung phát triển sản phẩm dịch vụ thông minh (smart services). Năm 2012, FPT có bước thử nghiệm công nghệ quan trọng: Phát triển nền hệ thống (platform) cho robot Smartoshin.

Các kỹ sư FPT đã hoàn thiện bộ công cụ lập trình, công cụ mô phỏng và thư viện Ai (Artificial Intelligence - Trí tuệ nhân tạo), là cơ sở để các lập trình viên trên robot nói chung và Smartoshin nói riêng phát triển hệ thống phần mềm ứng dụng. Trong Mobile Robot Challenge, FPT thử nghiệm đưa robot Smartoshin làm công cụ cho các sinh viên CNTT phát huy ý tưởng sáng tạo.

Để tạo ra những ứng dụng hữu ích trên nền tảng di động, các đội thi phải nỗ lực học tập và nghiên cứu nhiều công nghệ mới như xử lý tiếng nói, hình ảnh, nhận diện đường đi cho robot, cảm biến siêu âm... Điểm khác biệt nhất ở cuộc thi này là các đội được làm trực tiếp trên robo thật với nhiều cử động linh hoạt.

Triệu Mẫn

Ảnh: Nguyên Anh

Ý kiến

()