Chúng ta

Hải quan Mỹ thẩm vấn kỹ sư phần mềm khi nhập cảnh

Thứ năm, 2/3/2017 | 17:55 GMT+7

Giới công nghệ dậy sóng khi thông tin một kỹ sư phần mềm người Nigeria khi nhập cảnh đã bị hải quan Mỹ giữ lại và yêu cầu trả lời hai câu hỏi liên quan đến thuật toán/công nghệ.

Theo đó, ngày 26/2, sau kỳ về thăm nhà ở Lagos, Nigeria, Celestine Omin quay lại Mỹ. Anh bay bằng vé phổ thông của hãng Qatar Airways. 6 tháng qua, Omin làm việc tại Andela, một khởi nghiệp (start-up) về CNTT có sự hậu thuẫn của Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook, và vợ. Vai trò của Omin là phát triển ứng dụng JavaScript cho công ty fintech (công nghệ tài chính) First Access.

Tuy nhiên, khi đến Mỹ, Omin bất ngờ bị hải quan tại sân bay John F. Kennedy (New York) giữ lại trong phòng kín. Sau một giờ chờ đợi, chàng kỹ sư đến từ Nigeria bắt đầu bị một nhân viên hải quan Mỹ thẩm tra. "Visa của anh nói anh là kỹ sư phần mềm. Có đúng vậy không?”, LinkedIn thuật lại lời nhân viên hải quan.

untitled-1488353048580-6872-1488428647.j

Celestine (giữa) và đồng nghiệp tại Andela. Anh từng xuất hiện khá nhiều trên các trang tin công nghệ. Ảnh: LinkedIn.

Sau đó, người này đưa cho Omin một tờ giấy, một chiếc bút và yêu cầu trả lời 2 câu hỏi: “Write a function to check if a Binary Search Tree is balanced?” (tạm dịch: Viết một hàm để kiểm tra nếu một cây tìm kiếm nhị phân có cân bằng hay không?) và “What is an abstract class, and why do you need it?” (Abstract class là gì, tại sao bạn lại cần abstract class?).

Với Omin, sau chặng bay và quá cảnh dài đến 24h chưa được ngủ, những câu hỏi của hải quan Mỹ dường như là đánh đố. Trong khi đó, chàng trai người Nigeria đã là một kỹ sư phần mềm lành nghề với hơn 7 năm kinh nghiệm.

Không có tình huống cụ thể hay hướng dẫn, lúc này Omin "quá mệt mỏi, thậm chí để nghĩ", cậu vẫn ngồi xuống và cố gắng hết sức để làm bài kiểm tra. Sau khoảng 10 phút, nhân viên hải quan thông báo rằng câu trả lời của Omin đã sai. "Không ai có thể nói cho tôi biết lý do tại sao bị thẩm vấn", Omin nói với biên tập viên LinkedIn qua điện thoại. “Mỗi lần tôi hỏi lý do về việc phải làm bài kiểm tra, viên chức hải quan lại uy hiếp tôi... Tôi đã không có sự chuẩn bị cho việc này”.

"Khi đó, tôi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ được nhập cảnh Mỹ nữa", Omin bày tỏ bằng giọng sợ hãi.

Omin giải thích, các câu trả lời là đúng về mặt công nghệ, nhưng anh nghi ngờ rằng viên chức hải quan chịu trách nhiệm thẩm vấn đã không được đào tạo về kỹ thuật, do đó không thể hiểu câu trả lời. Thời gian nặng nề trôi qua, và Omin bắt đầu chuẩn bị tinh thần để lên máy bay trở về Nigeria. Sau đó, với một vài giải thích, viên hải quan nói rằng Omin được nhập cảnh.

"Anh ấy nói: 'Hãy nhìn tôi! Tôi sẽ để bạn vào Mỹ, nhưng câu trả lời của bạn là không thuyết phục'", Omin kể lại. "Tôi không nói gì thêm, cứ lẳng lặng bước đi".

Sau đó, Omin được biết hải quan Mỹ chỉ cho phép anh nhập cảnh sau khi các quan chức gọi Andela và First Access để xác nhận về nhân thân.

"Celestine là kỹ sư phần mềm đầu tiên tại một trong những trang thương mại điện tử nổi bật nhất ở châu Phi và đây chính xác là người chúng tôi muốn mời đến Mỹ để thể hiện tài năng”, Jeremy Johnson, đồng sáng lập kiêm CEO Andela, nói. "Tiếp cận những tài năng đang tỏa sáng như Celestine là chìa khóa thành công cho nhiều công ty Mỹ, đặc biệt là mảng công nghệ".

Câu chuyện bi hài của Omin được đăng trên nhiều báo như Fortune, Mashable, Recode... và nhận được rất nhiều chia sẻ, bình luận.

Tình huống của Omin cũng được anh Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng Đại học Trực tuyến FUNiX, chia sẻ trên Workplace. Trong phần bình luận, Trưởng phòng IoT FPT Telecom Hoàng Mạnh Hùng cho rằng anh có thể trả lời câu số 2 chứ câu 1 “thì chịu”. 

Theo anh Đinh Đức Hiệp, PGĐ FGA, FPT Software: “Đây là những kiến thức cơ bản về lập trình khi học trong trường, nhưng thực tế khi đi làm thì không phải kỹ sư nào cũng được yêu cầu công việc liên quan tới những kiến thức này. Cho nên nếu có ai không trả lời được (nhất là câu 1) thì cũng không phải xấu hổ lắm”, anh Hiệp bình luận.

Từ đầu những năm 90, visa H-1B đã giúp cho các công ty Mỹ tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao giá rẻ từ nước ngoài. Loại visa này yêu cầu người được cấp phải có bằng cử nhân và thực sự xuất sắc trong lĩnh vực của họ.

Hiện tại, Cục Di trú (USCIS) thuộc Bộ An ninh nội điạ Mỹ cấp khoảng 85.000 visa mỗi năm cho người nhập cư. Sau khi được cấp visa H-1B, người lao động có thể đăng ký nhận thẻ xanh. Việc này giúp H-1B trở thành con đường phổ biến để người nhập cư tiếp tục làm việc và định cư tại Mỹ.

Theo Goldman Sachs, trong năm 2015, khoảng 70% visa H-1B được cấp cho các kỹ sư, nhà thiết kế và lập trình viên Ấn Độ. Theo sau là Trung Quốc, Mexico, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Brazil và Nhật Bản. 

>> FPT Software lần thứ tư liên tiếp lọt danh sách Global Outsourcing 100

Nguyên Văn

Ý kiến

()