Chúng ta

Google và Facebook chia nửa buồn vui

Thứ năm, 29/6/2017 | 12:06 GMT+7

Mạng xã hội lớn nhất thế giới đã cán mốc 2 tỷ người dùng dịch vụ, lớn hơn dân số bất kỳ quốc gia nào và chiếm cho hơn 1/4 người trên toàn thế giới. Ở thái cực khác, gã khổng lồ tìm kiếm bị Liên minh châu Âu phạt số tiền kỷ lục vì vi phạm luật chống độc quyền.

Mốc ấn tượng của Facebook vừa được CEO Mark Zuckerberg đăng trang cá nhân. Theo đó, Facebook dựa trên số người dùng đã đăng nhập và truy cập dịch vụ thông qua các nền tảng web, thiết bị di động hoặc ứng dụng Messenger trong vòng 30 ngày.

2017-06-29-091624-7894-1498703847.jpg

Nhà sáng lập kiêm CEO Facebook cập nhật ảnh bìa trang cá nhân là bản đồ thế giới với những khoảng sáng thể hiện cho người dùng mạng xã hội này trên toàn cầu. Ảnh chụp màn hình.

Trước đó, hồi tháng 5, hãng này công bố các tài khoản trùng (do một cá nhân đăng ký nhiều tài khoản) có thể chiếm khoảng 6% lượng người dùng trên toàn thế giới, Reuters dẫn thông tin.

Với con số trên, Facebook tiếp tục là mạng xã hội lớn nhất thế giới nhờ lượng người dùng vượt trội so với các đối thủ. Tháng 4, Twitter cho biết số người dùng hoạt động hằng tháng là 328 triệu, trong khi Snapchat có 166 triệu người dùng hằng ngày vào cuối quý 1. Mạng xã hội lớn thứ hai sau Facebook là WeChat, thương hiệu thuộc Tencent Holdings phổ biến tại Trung Quốc, có lượng người dùng hằng tháng đạt 938 triệu người trong quý 1.

Mốc 1 tỷ người dùng được Facebook ghi nhận là tháng 10/2012.

Nhưng các ông lớn công nghệ Mỹ chưa thể ca khúc khải hoàn bởi các nhà quản lý chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố phạt Google số tiền kỷ lục trong tuần này.

Ngày 27/6, EU quyết định phạt Google số tiền kỷ lục 2,4 tỷ Euro (khoảng 2,7 tỷ USD) với cáo buộc lạm dụng sự độc quyền ở châu Âu. Cụ thể, Alphabet, công ty mẹ của Google, đã bị bà Margrethe Vestager, Giám đốc Ủy ban cạnh tranh của Liên minh châu Âu, tuyên phạt do vi phạm luật chống độc quyền của EU. 

Khoản tiền phạt dành cho đại gia công nghệ Mỹ dự kiến sẽ phá vỡ kỷ lục phạt tiền 1,06 tỷ Euro trước đó đối với Intel, nhà sản xuất chip vào năm 2009. Hơn thế, Liên minh châu Âu còn yêu cầu Google phải thay đổi các hoạt động kinh doanh để giải quyết các quan ngại của EU. 

2screen-shot-20150415-at-14345-2204-2902

Bằng chứng cho rằng Google đã tăng hạng các kết quả tìm kiếm của họ, trong khi hạ bậc các đối thủ. ẢnhBusiness Insider.

Các nhà chức trách EU cáo buộc Google cố tình cho các dịch vụ mua sắm trực tuyến của hãng xuất hiện trên đầu các kết quả tìm kiếm, gây thiệt hại cho các dịch vụ tương đương về giá khác. Đây chỉ là một trong ba vụ xử lý chống lại Google và nằm trong số nhiều vụ xử lý chống độc quyền khác, liên quan đến các công ty lớn của Mỹ, bao gồm cả Starbucks, Apple, Amazon và McDonalds.

Cùng thời điểm, CEO YouTube - bà Susan Wojcicki, công bố thương hiệu này (thuộc Google) đã vượt mốc hơn 1,5 tỷ người dùng, tương đương với việc cứ 5 người trên thế giới sẽ có một người sử dụng trang chia sẻ video lớn nhất thế giới. CNBC cho biết, thông tin trên được chia sẻ tại hội nghị video trực tuyến VidCon được tổ chức thường niên tại California, Mỹ.

CEO Wojcicki lý giải, một phần của thành công là do YouTube Red, một dịch vụ thuê bao cung cấp "nhạc không bị gián đoạn, không có video quảng cáo và nhiều tiện ích khác nữa". "Cho đến nay, chúng tôi đã tung ra 37 loạt phim và bộ phim gốc trên YouTube Red, và chúng chiếm gần 1/4 tỷ lệ lượt xem", bà Wojcicki cho hay. Đại diện YouTube cũng thông báo, người dùng dành hơn một giờ mỗi ngày để xem video trên các thiết bị di động.

YouTube ra đời năm 2005, là sản phẩm của các cựu nhân viên PayPal gồm: Chad Hurley, Steve Chen và Jawed Karim. Năm 2006, Google đã mua lại thương hiệu này với giá 1,65 tỷ USD khi nó đang sở hữu khoảng 700 triệu lượt xem mỗi tuần. Ngày nay, YouTube là nơi đến quen thuộc của các nhà sản xuất phim, diễn viên, nhạc sỹ và nhiều người khác để chia sẻ những video sáng tạo của họ với thế giới.

>> Quản lý FPT Software trở thành 'biệt kích SEAL'

Chi Vy

Ý kiến

()