Chúng ta

FPT lướt đầu ngọn sóng IoT

Thứ tư, 5/10/2016 | 09:11 GMT+7

Internet of Things - IoT đã lan rộng, đi sâu và cải thiện mô hình kinh doanh của nhiều đơn vị. Bài toán của FPT là nỗ lực tạo ra những sản phẩm hữu ích cho người dùng, bắt nhịp với các công ty công nghệ toàn cầu nhằm xác lập vị thế tiên phong trong cuộc cách mạng số ở Việt Nam và thế giới.

Tháng 5/2016, Nhóm phát triển IoT Ban Công nghệ FPT (FTI) đã giới thiệu sản phẩm Rogo Alfa - một thiết bị trung tâm có khả năng tương tác với các thiết bị điện tử trong nhà tới cộng đồng. Với việc sử dụng công nghệ kết nối Bluetooth 4.0 (BLE 4.0) cùng thư viện đã được mã hóa online trên Cloud, Rogo Alfa có thể điều khiển được nhiều loại thiết bị điện tử thông dụng và có khả năng thay thế các loại điều khiển khác nhau cho từng thiết bị riêng biệt. 

Chỉ bằng những thao tác đơn giản, Rogo Alfa sẽ nhận dạng mã điều khiển từ các thiết bị, từ thiết bị điện tử thông dụng (tivi, điều hòa, quạt…) đến các thiết bị đầu kỹ thuật số (FPT Play, K+, VTV Cab, An Viên…) Người dùng có thể sử dụng các nút điều khiển theo nhu cầu hoặc chỉ cần dùng một nút có thể tắt/mở cùng lúc nhiều thiết bị khác nhau.

FPT đang sở hữu bức tranh đa sắc trong sân chơi IoT.

FPT đang sở hữu bức tranh đa sắc trong sân chơi IoT.

Anh Lê Ngọc Tuấn, FTI, cho biết, trong lần thử nghiệm này, Rogo Alfa sẽ được tích hợp thêm các tính năng như điều khiển điều hòa theo nhiệt độ môi trường, theo thói quen hành vi người dung… Dự kiến đến cuối năm, thiết bị này sẽ được ra mắt.

Nghiên cứu và phát triển các sản phẩm thông minh thâm nhập thị trường chính là những bước đi đầu tiên của FPT trong sân chơi lớn IoT. Nhiều công ty thành viên cũng đã bắt nhịp với những biến chuyển lớn từ xu hướng này.

Tại thị trường trong nước, FPT IS được xem là mũi nhọn về IoT trong các lĩnh vực giao thông, y tế, năng lượng... Trong đó, điển hình nhất của Hệ thống thông tin FPT chính là dự án Giao thông thông minh triển khai thí điểm tại TP HCM. Khi thành công, giải pháp sẽ nâng cao năng lực quản lý, điều hành và chất lượng giao thông trên địa bàn các thành phố, trung tâm lớn như Hà Nội, TP HCM, tiến tới “phủ sóng” rộng trên cả nước. 

“Nguồn dữ liệu từ xe bus, camera… đã được phân tích, sẽ giúp mô hình hóa giao thông của thành phố. Từ đó hỗ trợ cơ quan quản lý đánh giá, quy hoạch giao thông trong thành phố”, Nguyễn Đức Minh Quân, Công ty Giải pháp Công nghệ FPT (FTS thuộc FPT IS), chia sẻ.

Sở hữu nhiều nền tảng để xây dựng thành phố thông minh (Smart city), từ bệ phóng này, chiến lược kinh doanh của FPT IS là vận dụng những kinh nghiệm triển khai các dự án IoT thành công ở Việt Nam để mang ra nước ngoài.

FPT Software được xem là đơn vị có nhiều “cửa sáng” nhất tại thị trường quốc tế khi hầu hết ông lớn đều quan tâm tới IoT. Mới đây, đơn vị đã có dự án Predix đầu tiên tại Nhật Bản. Theo đó, nhiệm vụ của đơn vị là thực hiện tất các công đoạn (full life cycle) để hệ thống IoT Platform hoạt động như bình thường với Predix cũng như các môi trường Cloud đã hỗ trợ trước đó. Việc triển khai dự án với công ty IT Services số 1 của Nhật Bản được kỳ vọng sẽ giúp FPT khẳng định năng lực của mình trong mảng IoT.

Hiện, Phần mềm FPT đẩy mạnh triển khai theo hướng Services Provider (nhà cung cấp dịch vụ) và Embedded (phần mềm nhúng). Cùng với việc thiết lập mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp lớn, đơn vị cũng tích cực tham gia các eco-system (hệ sinh thái) và thăm dò cơ hội tại các mảng Utility, Retail, Heathcare, Automatic...

Ở các đơn vị còn lại, IoT đang được cụ thể hóa và "dò đường" bằng những phép thử nhỏ. Với hạ tầng rộng khắp 59 tỉnh thành trong cả nước, FPT Telecom sở hữu cơ hội lớn trong mảng giải pháp nhà thông minh, M&A và bảo mật (Security). FPT Retail mong muốn áp dụng công nghệ để có thêm khách hàng, tăng độ gắn kết. FPT Trading cần công nghệ hóa để tiếp cận thẳng người tiêu dùng. Đại học FPT có thể tham gia sân chơi này bằng việc thay đổi một số chương trình đào tạo cho phù hợp…

FPT mới đang ở giai đoạn đầu tư cho công nghệ. Để xác lập vị thế khi nhiều đối thủ trong nước tham gia sân chơi này, theo anh Tuấn, tập đoàn cần đặt mục tiêu rõ ràng trong việc đưa sản phẩm ra thị trường và tham gia được hệ sinh thái IoT với các hãng lớn. 

“Các công ty thành viên cần phải có định hướng nghiên cứu và xây dựng ít nhất một sản phẩm IoT. Tại sân chơi quốc tế, FPT cần xây dựng mô hình sản phẩm điển hình cho các hệ thống lớn như IoT Hub của Amazon hay Microsoft, kết hợp và đứng trên vai người khổng lồ, đưa ra các sản phẩm có tính ứng dụng để thấy năng lực thiết kế và làm sản phẩm của FPT”, anh nói.

Theo dự báo, đến năm 2020, thế giới sẽ có khoảng 50 tỷ thiết bị, trong đó 85% số thiết bị chưa được kết nối. Số tiền các công ty đầu tư cho IoT cũng dao động khoảng 1.700 tỷ USD. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đánh giá, IoT là xu thế tất yếu cho quá trình đổi mới và ước đoán sẽ mang lại các giá trị tương đương 19.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Việt Nam cần phát triển IoT, không thể đứng ngoài cuộc chơi chung của toàn cầu. Những công ty ở ngoài xu hướng này sẽ khó có thể tồn tại.

Tuy nhiên, trên thực tế, dù IOT "hiện hữu" ở khắp mọi nơi, nhưng giá trị đem lại của nó chưa thực sự được kiểm chứng và xác thực. “Ai cũng nói tới IoT, nhưng khái niệm rộng, cách hiểu khác nhau. Về kinh doanh, chưa có nhiều doanh nghiệp thành công, hiệu quả đầu tư chưa rõ ràng. Một vài trường hợp điển hình, thử nghiệm về mặt khái niệm thì ổn nhưng khi đưa ra áp dụng diện rộng lại vướng phải vấn đề về giá cả. IoT có nhiều cơ hội nhưng để làm thì khó. Các đơn vị cần dè dặt và đi theo chiến lược 'bắn đạn nhỏ', thử nghiệm nhiều”, Trần Tuấn Anh, FTI, chia sẻ. 

Tiểu Thanh

Ý kiến

()