Theo đó, tính năng Tính nồng độ này được tích hợp trong ứng dụng Thông tin giao thông TP HCM (TTGT). Đây là tiện ích thứ 7 được đội dự án phát triển và tích hợp trong ứng dụng này. Giao diện của Tính độ cồn khá đơn giản với nền trắng, các thông tin được biểu hiện bằng chữ và hình vẽ ký hiệu.
Phần mềm tính toán nồng độ cồn trong máu dựa trên các thông tin giới tính, cân nặng, độ cồn và thể tích rượu bia đã tiêu thụ |
Phần mềm được lập trình hoạt động theo 2 bước. Với thao tác nhập đơn giản, người dùng tự điền các thông tin về giới tính, cân nặng và thể tích bia, rượu đã tiêu thụ. Sau khi click biểu tượng tìm kiếm, phần mềm sẽ tính toán, đưa ra kết quả nồng độ cồn, dự đoán thời gian hết cồn trong máu, tác hại tương ứng của mức cồn đối với nhận thức và mức phạt theo quy định pháp luật.
Theo chuyên gia Tư vấn giải pháp phần mềm Nguyễn Đức Minh Quân (FPT IS ENT), tiện ích Tính nồng độ được đội dự án phát triển trong 8 giờ và ra mắt trên nền tảng Android vào đúng thời điểm giao thừa Tết Canh Tý. Đối với ứng dụng TTGT trên nền tảng iOS, tính năng này được vận hành từ ngày 4/2.
Tuy mới ra mắt vào dịp tết nhưng tiện ích được nhiều người sử dụng và đánh giá tích cực. Theo thống kê của đội dự án, sau 1 tuần ra mắt trên Android, đã có 1,1 triệu lượt sử dụng tính năng, và thêm 7.000 người dùng mới. Để tải ứng dụng trên Android, truy cập tại đây. Với nền tảng iOS, người dùng tải tại đây.
Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 và lập tức gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống của đông đảo người dân. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ và nắm chắc các quy định cũng như mức phạt của bộ luật. “Vì vậy nhằm thông tin chính xác đến người dân thông tin của luật và cung cấp công cụ tính toán nồng độ cồn trong máu sau mỗi lần uống bia, team phát triển tính năng Tính toán nồng độ cồn và hoàn thành sau 8 giờ phát triển”, anh Quân cho biết.
TTGT TP HCM là cổng thông tin tích hợp cung cấp toàn bộ tình trạng giao thông, cảnh báo kẹt xe, hình ảnh các camera giám sát trên các tuyến đường thành phố, đồng thời cũng cho phép người dân phản ánh trực tiếp về các vấn đề liên quan đến hạ tầng, đường sá, đèn tín hiệu, hoặc đóng góp thông tin về những vị trí đang xảy ra sự cố giao thông.
Người dân có thể liên tục và tức thời tiếp cận các thông tin về tình hình giao thông trong thành phố từ bất kỳ thiết bị điện tử nào thông qua các nền tảng như website, bản đồ số, chatbot trên Zalo, cũng như Ứng dụng thông tin giao thông trên thiết bị di động dùng hệ điều hành iOS và Android.
Đây được đánh giá là một trong số 5 ứng dụng nhất định phải cài đặt khi sống và làm việc tại TP HCM. Tính đến hết tháng 11/2019, ứng dụng đã có 8.251.000 lượt truy vấn thông tin trên các nền tảng, 283.600 lượt tải ứng dụng. Bên cạnh đó, chatbot hỗ trợ tra cứu thông tin giao thông trên nền tảng ứng dụng Zalo cũng nhận được 198.000 lượt quan tâm.
Cổng thông tin cũng là một trong 5 cấu phần của nhóm giải pháp Giao thông thông minh đang được FPT, đơn vị tiên phong đồng hành cùng TP HCM tư vấn và xây dựng các giải pháp đô thị thông minh, nghiên cứu và triển khai cho thành phố. Các giải pháp này đều ứng dụng các công nghệ lõi của cuộc cách mạng số giúp thu thập dữ liệu, tự động phân tích, cập nhật thông tin với độ chính xác cao nhất.
Hoàng Hương
Ý kiến
()