Chúng ta

Doanh nghiệp Việt 'khát' nhân sự ngành lập trình ôtô

Chủ nhật, 6/1/2019 | 12:30 GMT+7

Sự phát triển của ngành công nghiệp tự động hóa xe hơi trên thế giới cũng như tại Việt Nam kéo theo nhu cầu nhân sự lớn trong ngành này.

Lập trình phần mềm ôtô trong kỷ nguyên 4.0

Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới 2016 đã chỉ ra 9 lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó phải kể đến các ngành kỹ thuật ôtô, cơ điện tử và công nghệ cảm biến, kỹ thuật điều khiển tự động hóa, kỹ thuật quản lý và sản xuất toàn cầu... Không chỉ tăng trưởng về sản lượng sản xuất để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, ngành ôtô thế giới còn có những thay đổi đáng kể theo hướng tự động hóa.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển - Giám đốc Nguồn lực FPT Global Automotive, ôtô không người lái đang được các hãng lớn trên thế giới đầu tư mạnh mẽ. Các công ty ở Nhật Bản đã đầu tư rất nhiều tiền để phát triển, kiểm thử các công nghệ xe tự lái để cung cấp các phương tiện tự lái cho Olympic Tokyo 2020. Các công ty Mỹ như Google, Uber cũng đầu tư rất mạnh để phát triển công nghệ tự lái, với mục tiêu đưa xe tự lái vào đời thực năm 2025. Ngoài ra, doanh thu của thị trường xe không người lái sẽ đạt khoảng 27 tỷ USD vào năm 2025, và con số này vào năm 2035 sẽ là 364 tỷ USD (với 77 triệu xe). Những chiếc xe không người lái có thể chiếm tới 25% lượng ôtô bán ra trên toàn cầu vào năm 2035.

1482646684-w500-8992-154598089-5711-5248

Ôtô không người lái đang được các hãng lớn trên thế giới đầu tư mạnh mẽ.

Theo các chuyên gia, đối với việc phát triển xe không người lái và xe điện thì phần mềm đóng vai trò quan trọng nhất, được ví như não bộ, đảm bảo cho xe vận hành. Một chiếc xe hiện đại được điều khiển bởi 40 tới 100 hệ thống nhúng. 90% sáng tạo của xe hơi hiện nằm ở phần mềm. 100% xe sẽ kết nối với Cloud. Với xu hướng này, xe không người lái không còn là lãnh địa bất khả xâm phạm của Ford, Daimler, Toyota, Nissan... mà dần dịch chuyển thành lãnh địa của các công ty phần mềm. Các công ty công nghệ không hề có lịch sử, kinh nghiệm về ôtô như Google, Tesla, Uber, Lyft, Apple, Baidu... hay doanh nghiệp Việt như FPT, Vinfast... đều đang đứng trước cơ hội rất lớn trong lĩnh vực này.

Doanh nghiệp chủ động phát triển nhân lực

Trước những tiềm năng này, ngành lập trình phần mềm ôtô đang trở thành một trong những ngành hấp dẫn, được các doanh nghiệp săn đón. Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực cho ngành này vẫn còn thiếu hụt rất nhiều so với nhu cầu.

Trong khi một số doanh nghiệp ngoại loay hoay với các phương án đào tạo nội bộ, hay mời kỹ sư nước ngoài, đối tác sang Việt Nam để đào tạo thêm cho kỹ sư Việt, thì có doanh nghiệp Việt đã chủ động hơn khi trực tiếp đào tạo, hoặc hợp tác với các đơn vị đào tạo nguồn nhân lực công nghệ để đặt hàng đào tạo đội ngũ lập trình viên theo nhu cầu.

Mới đây, FPT Software (cụ thể là FPT Global Automotive - FGA) đã hợp tác với Đại học Trực tuyến FUNiX triển khai chương trình đào tạo Lập trình viên ứng dụng ôtô với C++. Ông Nguyễn Vũ Hạnh, Kiến trúc sư giải pháp của FGA, cho biết, C++ là kiến thức quan trọng với bất kỳ lập trình viên nào muốn theo đuổi ngành Automotive. Lập trình viên thông thạo C++ có rất nhiều cơ hội trong lĩnh vực công nghệ tự động hóa tại các doanh nghiệp công nghệ lớn như FGA, Vinfast, các trung tâm R&D về phần mềm ôtô của các hãng Huyndai, LG, Samsung ở Việt Nam, hoặc làm phần mềm nhúng ở các công ty Viettel, VNPT, FPT...

"Chương trình được thiết kế theo hình thức học online, thực hành song song qua dự án thực với sự hướng dẫn trực tiếp từ những chuyên gia trong ngành", đại diện Đại học trực tuyến FUNiX chia sẻ. Chương trình đào tạo này nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của FGA, vì vậy, học viên được FPT Software tài trợ đến 30% học phí, tốt nghiệp sẽ được cam kết làm việc tại dự án FGA với mức lương khởi điểm 10 triệu đồng.

"Nếu ngày xưa ôtô chủ yếu là sắt thép thì tới đây khoảng từ 70-80% giá trị ôtô sẽ là phần mềm. Tương lai các bạn sinh viên tham gia vào ngành này rất rộng lớn", là nhận định của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, về cơ hội của nhân lực automotive tại Cuộc đua số - cuộc thi phát triển phần mềm cho xe tự hành do FPT tổ chức năm 2017 và 2018.

>> Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông khai màn vòng trường Cuộc đua số

Theo VnExpress

Ý kiến

()