2019 là năm thứ ba cuộc thi Cuộc đua số được FPT tổ chức với mục tiêu thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu phát triển công nghệ ô tô tại Việt Nam theo xu hướng mới nhất của cuộc cách mạng 4.0.
Đến nay, thời hạn đăng ký tham gia cuộc thi Cuộc đua số 2018-2019 với chủ đề "Lập trình xe tự hành" đã kết thúc. Ban tổ chức cuộc thi vừa công bố lịch thi vòng trường.
Thay thế chiếc xe lắp ráp với hình thức thô sơ, xe đua năm nay có hình dáng mô phỏng giống xe đua thật. Kích thước xe cũng được tăng từ 1/10 lên 1/7 so với xe tự hành tiêu chuẩn. Khả năng xử lý thông tin tốt hơn, động cơ khỏe hơn, kích thước lớn hơn khiến chiếc xe đua của cuộc thi Cuộc đua số 2018-2019 gần với mô hình chuẩn xe tự hành hiện tại. Ảnh: Nguyễn Thắng. |
Cụ thể, điểm đến đầu tiên của vòng thi cấp trường cuộc thi Cuộc đua số 2018-2019 là Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông diễn ra ngày 8/1. Tiếp đó, trong hai ngày 12-13/1, vòng trường của cuộc thi lập trình xe tự hành năm 2018-2019 sẽ lần lượt được tổ chức tại Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP HCM và điểm thi chung ở TP HCM.
Sáu địa điểm thi khác của vòng trường cuộc thi Cuộc đua số 2018-2019 đã được Ban tổ chức ấn định tại Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP HCM (vào ngày 14/1); điểm thi chung ở miền Trung (ngày 16/1); Đại học FPT (ngày 17/1); điểm thi chung ở Hà Nội (ngày 19/1); Đại học Bách khoa Hà Nội (ngày 22/1) và Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội (ngày 23/1).
Cũng theo thông tin từ Ban tổ chức cuộc thi, tại vòng thi trường sẽ có 3 vòng thi nhỏ là: Năng lực xử lý hình ảnh, Phản biện và Kỹ năng lập trình nhanh. Trong đó, vòng thi Năng lực xử lý hình ảnh sẽ chiếm 40% tổng số điểm chung cuộc.
Với mục tiêu thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu phát triển công nghệ ô tô tại Việt Nam theo xu hướng mới nhất của cuộc cách mạng 4.0, từ năm 2016, FPT đã tổ chức cuộc thi Cuộc đua số. Cuộc thi này giúp sinh viên Việt Nam không chỉ được học hỏi các kiến thức về công nghệ mới mà còn có cơ hội trực tiếp tham gia vào ngành công nghệ phần mềm xe tự hành. Đây cũng là sân chơi để sinh viên các trường công nghệ thể hiện vốn kiến thức công nghệ, khả năng lập trình và xử lý hình ảnh được trau dồi trên giảng đường đại học và kỹ năng công nghệ thực tiễn.
Tiếp nối thành công của 2 mùa giải đầu tiên, Cuộc đua số 2018-2019 giữ nguyên tinh thần chung và bổ sung nhiều điểm thay đổi nổi bật nhằm khuyến khích sinh viên công nghệ tham dự.
Cụ thể, tham dự cuộc thi Cuộc đua số 2018-2019 với chủ đề “Lập trình xe tự hành”, sinh viên được nghiên cứu, sáng tạo, trải nghiệm công nghệ mới nhất trong lĩnh vực xe tự hành và có cơ hội nhận được tổng giá trị giải thưởng hơn 1,5 tỷ đồng.
Trong đó, giải thưởng dành cho đội Vô địch là một chuyến trải nghiệm, tìm hiểu về công nghệ mới tại Mỹ hoặc Nhật Bản trong vòng một tuần, giải thưởng tiền mặt 15 triệu đồng và một suất học bổng Tiến sĩ ngành Trí tuệ nhân tạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội dành cho thí sinh xuất sắc nhất. Top 4 đội thi chung cuộc sẽ có cơ hội được nhận thực tập và làm việc có lương tại Ban Công nghệ, Tập đoàn FPT. Cùng với đó là nhiều giải thưởng tiền mặt khác dành cho các đội thi tham gia.
Đề bài của cuộc thi năm nay cũng được nâng cao hơn so với năm trước. Cụ thể, tại vòng chung kết, các thí sinh sẽ phải lập trình để xe có thể Nhận diện và tuân theo biển báo giao thông, Xác định và tránh được vật cản, Xử lý được các tín hiệu nhiễu; Đi qua được các vị trí theo thứ tự lần lượt dựa trên đề bài cho trước của Ban tổ chức…
Để tham gia cuộc thi Cuộc đua số 2018-2019 chủ đề “Lập trình xe tự hành”, mỗi đội thi gồm 3-4 thành viên của cùng một trường đại học. Ban tổ chức khuyến khích đội thi có 2 thành viên thuộc chuyên ngành CNTT, một thành viên thuộc chuyên ngành cơ điện tử, một thành viên thuộc chuyên ngành điện tử viễn thông; các thành viên đội thi có kiến thức liên quan đến xử lý ảnh, học máy thống kê, lập trình nhúng, lập trình ROS, trí tuệ nhân tạo, kiến thức về lập trình trên Linux…; biết sử dụng ngôn ngữ lập trình C/ C++...
Theo kế hoạch của Ban tổ chức, từ vòng sơ khảo ở cấp trường, sẽ có tối đa 20 đội xuất sắc đại diện cho các trường tham gia vòng chung khảo. Trong vòng chung khảo, các trận thi đấu bán kết dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 3 để tìm ra tối thiểu 6 đội xuất sắc đại diện cho các trường đại học ở Việt Nam vào trận chung kết.
Ở trận thi đấu chung kết dự kiến diễn ra trong khoảng từ 20/4 đến 25/5, các đội sẽ được yêu cầu phải lập trình để xe chạy được theo làn đường trong điều kiện ánh sáng thay đổi; tránh được vỉa hè; khoanh vùng, xác định và tránh được vật cản (với hình dáng bất kỳ) xuất hiện trên đường, tự động phân tích loại vật cản đâm được hay không đâm được để từ đó ra quyết định di chuyển; nhận dạng và hành động được theo biển báo giao thông.
Ở trận cuối cùng này, với việc Ban tổ chức dự định mời một số đội thi đến từ các trường đại học trong khu vực châu Á tham gia, các đội sinh viên Việt Nam giành quyền tranh tài tại trận chung kết sẽ có cơ hội được giao lưu, học hỏi thêm những kiến thức và kỹ năng để chuẩn bị sẵn sàng làm việc trong môi trường toàn cầu.
>> Chiếc xe đua ứng dụng AI của Cuộc đua số mùa 3
Hà An
Ý kiến
()