Sáng 31/7, chương trình DevOps Sharing số 3 với chủ đề “CICD with GIT in FSoft” đã diễn ra tại phòng Athena, tầng 4 tòa nhà 3A Duy Tân, Hà Nội với sự tham gia của hơn 70 CBNV đến từ đơn vị FHN (Đơn vị sản xuất phần mềm chủ lực Hà Nội được sáp nhập từ FSU1, FSU2, DTL... thuộc FPT Software). Chương trình do Ban Cải tiến năng suất (PID) phối hợp cùng Trung tâm Đào tạo FPT Software tổ chức.
Diễn giả của chương trình là anh Vũ Công Quyết (FHN.PMO); anh Lê Khánh Sơn (FHN.PMO) và anh Nguyễn Thanh Cương (FHN.M8). Các anh đều đã có thời gian làm việc nhiều năm ở FPT Software với kinh nghiệm thực tế làm các dự án liên quan đến GIT và CICD. GIT là một hệ thống quản lý phiên bản phân tán. Nhờ GIT, việc quản lý code và làm việc nhóm của Developer trở nên đơn giản, thuận tiện hơn. Trong khi đó, CI/CD hoặc CICD có thể đề cập đến các thực tiễn kết hợp của tích hợp liên tục và phân phối liên tục và/hoặc triển khai liên tục.
Chương trình thu hút hơn 70 CBNV nhà Phần mềm Hà Nội tham gia. |
Mở đầu chương trình, anh Vũ Công Quyết (FHN.PMO) đã chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện các dự án DevOps ở FPT Software và giới thiệu về mô hình DevOps đang áp dụng cho các dự án hiện nay, đặc biệt là các dự án tại FHN. Các khó khăn mà đội dự án DevOps thường gặp phải khi triển khai ở FPT Software gồm: mô hình làm việc outsourcing ở FPT Software với nhiều khách hàng, bị ràng buộc bởi khách hàng và tính bảo mật; CBNV FPT Software chưa thực sự tìm hiểu, thực hành nhiều với DevOps; cơ sở hạ tầng của FPT Software chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai DevOps.
Theo anh Quyết, ở FPT Software có rất nhiều công cụ để quản lý source code như: SVN; GIT; TFS... Trong đó, GIT là công cụ khá phổ biến giúp tối ưu việc quản lý source code (mã nguồn) của dự án. “Việc ứng dụng văn hóa Devops (cụ thể là GIT) vào dự án agile (các dự án liên tục để khách hàng nhìn thấy sản phẩm của họ khi có bất cứ thay đổi nào) sẽ giúp việc chia sẻ source code trở nên dễ dàng hơn, tăng sự tương tác giữa các thành viên trong dự án. Từ đó chất lượng code được nâng cao”.
Anh Quyết cho biết, các đặc điểm của GIT sẽ giúp ứng dụng CICD DevOps dễ dàng và thuận tiện hơn. Để làm rõ hơn về những ứng dụng của GIT trong các dự án ở FPT Software, anh Lê Khánh Sơn (FHN.PMO) đã trình bày về ưu điểm, vai trò và ứng dụng của công cụ này.
“GIT thuận tiện, phổ biến trong quá trình phát triển nhanh. Với GIT, Dev có thể làm việc offline (không cần kết nội mạng), thao tác nhanh. Kiến trúc phân tán của GIT sẽ mang đến hiệu suất làm việc cao, tạo kết nối thân thiện, dự án vẫn phát triển bình thường mà không bị ảnh hưởng khi mất kết nối server”.Diễn giả Lê Khánh Sơn còn cho biết, các dự án sử dụng GIT thì lịch sử luôn được lưu trữ, không bị mất đi. “Kiến trúc của GIT chỉ thêm dữ liệu vào chứ không bao giờ mất đi”. Danh sách kết nối của Git còn có thể thay đổi lịch sử và cho phép nhìn thấy tất cả lịch sử thao tác trước đó, anh Sơn nhấn mạnh.
Đặc biệt, anh Lê Khánh Sơn đã chỉ ra 8 sai lầm thường gặp của các dự án đang sử dụng GIT gồm: xác nhận muộn; chờ đủ sự thay đổi đủ lớn mới commit (cam kết); đối diện với conflict càng sớm càng tốt; nhiều branches để mở quá lâu; centralized GIT (Tập trung GIT); đẩy các thông tin cá nhân quan trọng lên dự án; “cuồng merge” (sáp nhập liên tục); nhu cầu chỉ dừng lại ở Dropbox.
Phần trình bày về công cụ GIT với những ưu điểm, lợi ích lớn cho các dự án của anh Lê Khánh Sơn (FHN.PMO) nhận được sự quan tâm lớn của người tham gia. |
Để mọi người hiểu sâu hơn về ứng dụng của GIT vào các dự án, anh Nguyễn Thanh Cương đã chia sẻ về 2 trường hợp áp dụng GIT cho dự án với khách hàng Viettel. Anh Cương cũng đưa ra cách giải quyết bài toán làm sao để GIT quản lý các dự án theo mô hình micro service (dịch vụ vi mô) và giải quyết bài toàn về bảo mật khi không có sự kết nối giữa dự án với khách hàng. “GIT giải quyết được các vấn đề này”, anh Cương khẳng định.
Nội dung chia sẻ của các diễn giả về CICD và GIT đã nhận được sự tương tác từ đông đảo CBNV tham gia chương trình. Phần lớn CBNV tham gia đều quan tâm đến cách ứng dụng GIT vào dự án và những lợi ích mà nó lại mang lại.
Các CBNV FHN tích cực đặt câu hỏi cho các diễn giả để hiểu sâu hơn về CICD và GIT. |
Rất hài lòng với những kiến thức nhận được sau chương trình, anh Phan Quốc Thắng (FHN.DSL) chia sẻ: “Có nhiều vấn đề hằng ngày tôi gặp phải khi triển khai dự án nhưng chưa biết cách khắc phục. Buổi ngày hôm nay đã giúp tôi hiểu rõ hơn về GIT và biết cách xử lý với GIT để giải quyết được những vấn đề đang tồn tại”.
Ấn tượng với phần trình bày chi tiết về GIT của diễn giả Lê Khánh Sơn, anh Trịnh Hoàng Trung (FHN.DSL) bày tỏ: “Sau buổi ngày hôm nay tôi đã thu nhận được rất nhiều kiến thức hữu ích cho dự án tôi đang làm. Tôi cũng đã hiểu hơn nhiều điều mà trước đó còn đang lờ mờ, chưa nắm rõ”.
Anh Nguyễn Bá Quang (FHS.BU1) rất hứng thú với buổi chia sẻ và anh mong muốn có một buổi demo ứng dụng GIT với một dự án cụ thể. “Sau ngày hôm nay, tôi sẽ đề xuất những giải pháp liên quan đến CICD và GIT có thể áp dụng triệt để đối với dự án đơn vị mình đang làm”, anh Quang khẳng định.
DevOps là một giải pháp nhằm tối ưu hóa vòng đời phát triển phần mềm với sự kết hợp giữa văn hóa, thực tiễn và những công cụ giúp đẩy mạnh quá trình từ phát triển tới triển khai đến tay người dùng cuối với chất lượng đảm bảo một cách nhanh nhất. DevOps là sự kết hợp của chặt chẽ giữa nhóm phát triển (Development) và nhóm vận hành (Operation), hai nhóm trước đây vốn tách biệt nhau. DevOps xuất hiện ở FPT Software lần đầu năm 2016 với phiên bản đầu tiên mang tên CICD và được áp dụng cho hơn 500 dự án nhà Phần mềm. |
>> PID lần đầu họp mặt cộng đồng Codelearn
Diệu Anh
Ý kiến
()