Dùng hình ảnh 3 vòng tròn đồng tâm, anh Trần Đăng Hòa nhấn mạnh sự quan trọng của ngành chip. Theo đó, vòng tròn thứ nhất là kinh tế số, vòng tròn thứ hai là các thiết bị điện tử, lõi trong cùng - vòng tròn thứ ba là chip bán dẫn.
Nếu Việt Nam muốn phát triển nền kinh tế số, phát triển ngành điện tử thì phát triển ngành bán dẫn chính là điều cốt lõi nhất.
Ngoài ra, buổi phỏng vấn còn xoay quanh nhiều câu chuyện về lý do và phân khúc chip được ưu tiên sản xuất tại Việt Nam.
Chip là cốt lõi của nền kinh tế số
- Từ góc độ doanh nghiệp, theo anh vì sao Việt Nam cần phát triển ngành chip bán dẫn vào thời điểm này?
- Tôi có 3 vòng tròn như thế này: Vòng tròn thứ nhất là kinh tế số. Vòng tròn thứ hai nằm trong kinh tế số là các thiết bị điện tử. Lõi trong cùng – vòng tròn thứ ba là chip bán dẫn. Nếu Việt Nam muốn phát triển nền kinh tế số, phát triển ngành điện tử thì phát triển ngành bán dẫn chính là điều cốt lõi nhất.
Thứ nhất, số lượng thiết bị kết nối Internet đang tăng lên rất nhanh. Chúng tôi ước tính một người có thể cần ít nhất là 20 con chip. Điện thoại, tivi, tủ lạnh,… Mỗi thiết bị đều cần tới hàng chục con chip. Tất cả các thiết bị điện từ đều cần chip. Nhưng 100 % thiết bị điện tử tại Việt Nam đều đang dùng chip nước ngoài. Đây là một thị trường rất lớn để phát triển chip nội địa.
Thứ hai, Việt Nam đang có lợi thế rất lớn trong ngành bán dẫn. Hiện tại, trên thế giới có 5 nước và khu vực được coi là có khả năng phát triển chip một cách toàn diện là: Mỹ, Nhật, Hàn, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Trong đó, 4 cái tên nổi trội đều có đặc tính khá giống Việt Nam từ văn hóa, con người đến cá tính,… 4 nước và khu vực này đều đã phát triển đất nước bằng công nghệ, đã làm được chip. Tôi tin tưởng Việt Nam sẽ là cái tên tiếp theo. Mặt khác, Việt Nam còn có lợi thế lớn về mặt con người. Những thay đổi về địa chính trị cũng đã tạo cơ hội cho Việt Nam, biến Việt Nam trở thành một ứng viên tiềm năng điền vào vị trí khuyết thiếu.
Chỉ cần 6 tháng để chuyển đổi một kỹ sư phần mềm sang làm chip
- Cụ thể lợi thế về mặt con người của Việt Nam là gì, thưa anh?
- Người Việt Nam rất giỏi toán. Chúng ta đã xây dựng ngành công nghiệp phần mềm với 1 triệu nhân sự. Nền công nghiệp phần mềm của Việt Nam không hề thua kém mặt bằng chung của thế giới. Việc chuyển từ phần mềm sang phần cứng sẽ không có nhiều trở ngại.
Trung bình, FPT mất 6 tháng tới 1 năm để đào tạo, chuyển đổi một kỹ sư phần mềm sang phần cứng, sang làm chip.
Tất nhiên, quy trình thiết kế chip sẽ có rất nhiều công đoạn. Có những công đoạn vẫn phải cần 5, 10 đến 20 năm để đào tạo nhân lực. Nhưng cũng có những công đoạn đặc biệt đơn giản, chỉ cần đào tạo 6 tháng đến 1 năm là kỹ sư có thể làm được.
Nhân lực cho ngành này không kén nhưng cần tỉ mỉ, chi tiết. Trong khi rất nhiều kỹ sư người Hàn Quốc, Nhật Bản không thích thiết kế chip vì ngành này không bay bổng thì không ít kỹ sư Việt Nam đã thành danh ở lĩnh vực thiết kế chip trên toàn thế giới.
Tập trung vào thiết kế thay vì gia công
- Khi phát triển sản phẩm công nghệ ở một đất nước đang phát triển, các nhà đầu tư thường nghĩ về việc gia công. Nhưng tại sao FPT Semiconductor lại quyết định đi ngược lại xu thế này, tập trung vào khâu thiết kế chứ không phải sản xuất chip?
- FPT có 3 trụ cột công nghệ ưu tiên: Một là AI, hai là chip bán dẫn và ba là phần mềm ôtô.
Trong đó, sản xuất chip là một bài toán quy có mô lớn, số tiền đầu tư có thể lên tới hàng tỷ đô la. Mới đây, Chính phủ Hàn Quốc vừa thành lập một trung tâm sản xuất chip với 471 tỷ đô la. Nhật hay Mỹ cũng thành lập rất nhiều nhà máy tương tự. Đây là cuộc đua tiêu tốn nhiều rất nguồn lực mà chúng ta khó có đủ khả năng để đầu tư.
Ngoài đầu tư, Việt Nam còn phải cạnh tranh nữa. Quy mô càng lớn thì giá thành càng rẻ, khả năng cạnh tranh càng cao. Ví dụ: Một nhà sản xuất hơn 1 tỷ chip/năm như TSMC (Đài Loan, Trung Quốc) thì giá thành sản xuất sẽ rất nhỏ. Còn nếu một nhà máy chỉ sản xuất được 1 triệu chip/năm thì giá bán sẽ rất cao. Do đó, những người đi sau như chúng ta sẽ có nhiều rào cản lớn.
Ngược lại, thiết kế chip chủ yếu chỉ phụ thuộc vào con người. Việt Nam có 100 triệu dân với rất nhiều người giỏi toán, lập trình. Đây là điều kiện quan trọng để thành lập đội ngũ thiết kế chip, tạo lợi thế cho Việt Nam khi đầu tư vào chip.
Tuy nhiên, để tối ưu quy trình logistics và gia tăng hiệu suất cho ngành bán dẫn, việc tạo dựng chuỗi thiết kế - sản xuất liền mạch là điều vô cùng quan trọng. Hiện tại, chúng tôi phải mang bản thiết kế chip sang Hàn Quốc để sản xuất, sang Đài Loan để đóng gói. Đó là một hành trình rất dài.
Nếu chúng ta có nhà máy sản xuất, đóng gói ngay tại Việt Nam thì ngành chip nội địa sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí và công sức sản xuất. Việt Nam có thể làm điều này bằng mở rộng quan hệ hợp tác với đối tác quốc tế như Intel… mang nhà máy sản xuất về Việt Nam. Chúng ta không thể làm việc này một mình.
Tại sao lại là chip tầm trung (28 – 130nm)?
- Thưa anh, hiện tại FPT Semiconductor đang tập trung vào những dòng chip nào?
- Con chip đầu tiên mà chúng tôi sản xuất là dòng chip nguồn. Tức là loại chip chuyên để quản lý nguồn điện. Đây là con chip mà bất kể thiết bị nào cũng cần.
Năm 2022, màn ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) ở lĩnh vực y tế được xem là một bước đột phá.
Vào năm 2023 và 2024, FPT Semiconductor sẽ tiếp tục thiết kế, sản xuất dòng chip IoT platform cho ứng dụng thiết bị thông minh, IoT cho nông, lâm, thủy hải sản.
Gần đây, chúng tôi nhận được đơn đặt hàng 70 triệu chip trong 2 năm 2024 và 2025 cho các khách hàng ở Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực thiết bị y tế và ứng dụng điện tử.
Hiện tại, FPT Semiconductor đang phát triển 25 dòng chip. Đa phần các dòng chip này đều thuộc công nghệ tầm trung với kích cỡ từ 28nm - 130nm.
Chip do FPT sản xuất. Ảnh: Báo Nhân Dân |
- Tại sao lại FPT Semiconductor chỉ tập trung vào các dòng chip có kích cỡ từ 28nm – 130nm, thưa anh?
- Chúng tôi đang tập trung vào các dòng chip phổ biến với công nghệ vừa phải. Bởi công nghệ cao thì cạnh tranh rất gắt gao. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không muốn đầu tư vào công nghệ tầm trung nữa.
Đặc biệt, các dòng chip này có chi phí đầu tư và chi phí sản xuất phù hợp, giá thành bán cạnh tranh, vì thế đây sẽ là chiến lược để FPT Semiconductor gia nhập và thành công trong thị trường này.
Công nghệ “may đo” chip độc quyền
- Nếu cùng tập trung vào phân khúc tầm trung, chip của FPT Semiconductor sẽ có lợi thế cạnh tranh gì so với chip cùng phân khúc của các nước khác trong khu vực? Hay nói cách khác, cùng là chip 28 – 130nm, tại sao người dùng muốn chọn chip của FPT Semiconductor, chip của Việt Nam?
- Lợi thế lớn của FPT Semiconductor là khả năng linh hoạt, tùy biến, thay đổi và “may đo” chip theo nhu cầu của khách hàng. Cụ thể, Đài Loan (Trung Quốc) và nhiều nước khác thường làm một mẫu chip y như nhau. Khách hàng muốn thay đổi, họ cũng không thay đổi. Bởi thay vì ưu tiên lĩnh vực “may đo” chip, các nước này thường chỉ tập trung vào dòng chip công nghệ cao. Đây là thị trường ngách của Việt Nam.
Nếu như các nhà cung ứng khác chỉ thiết kế một mẫu chip nguồn để bán rộng rãi thì FPT Semiconductor có thể thiết kế chip nguồn riêng cho từng loại thiết bị, tùy biến theo nhu cầu của khách hàng. Ví dụ: Chip nguồn riêng cho camera, chip nguồn riêng cho điện thoại, chip nguồn riêng cho máy in,…
Có thể nói đây là công nghệ cạnh tranh độc quyền của FPT Semiconductor cho tới thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, thị trường này không quá lớn nhưng lại mất rất nhiều công. May mắn là Việt Nam có lợi thế lớn về nhân lực.
Hiện tại, chỉ có 5 nước trên thế giới có khả năng sản xuất chip. Tuy nhiên 4 nước còn lại đều có thu nhập bình quân cao gấp 10 lần Việt Nam. Do đó, giá để chi trả cho nhân công rẻ hơn so với tất cả các nước còn lại.
- Như anh đã nói, 100 % thiết bị điện tử tại Việt Nam đều đang dùng chip nước ngoài. Tại sao chip make in Việt Nam chưa cạnh tranh được trong chính thị trường nội địa, thưa anh?
- Thứ nhất, trước đây Việt Nam có nhiều cơ hội kinh doanh khác hơn là làm chip.
Thứ hai, những biến động lớn về địa chính trị diễn ra trên thế giới đã làm thay đổi cục diện ngành chip. Trước đây, thị trường này đã ổn định, các nhà cung cấp đều đã có vị trí vững chắc, không có kẽ hở để Việt Nam đặt chân vào. Chính vì thị trường ổn định nên không có nhà cung cấp nội địa nào nữa. Do đó, chúng ta cũng không có chip nội địa.
Quan trọng hơn, như tôi đã nói lúc đầu, Việt Nam phải phát triển vòng tròn thứ hai - thiết bị điện tử để thiết bị chip nội địa có thể đi vào các sản phẩm này.
Chúng ta đã có những thương hiệu quốc tế như: Samsung, LG,… nhưng vẫn cần thêm các công ty sản xuất thiết bị điện tử nội địa.
Việt Nam sẽ là số một Đông Nam Á
- Theo anh Việt Nam có thể đứng ở đâu trong bảng xếp hạng của Đông Nam Á?
- Việt Nam sẽ là số một ở Đông Nam Á và top 5 thế giới trong ngành chip.
Tuy nhiên, để nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ chip thế giới, khối tư nhân cần dũng cảm tham gia vào lĩnh vực này. Thứ chúng ta cần không phải là 1-2 công ty, 1-2 người mà là cả một ngành công nghiệp với hàng trăm công ty.
Phải biến Việt Nam thành một “cái chợ” với rất nhiều sự lựa chọn. Nếu nhà đầu tư không thích công ty này họ có thể tìm ngay tới một công ty khác. Chúng ta phải tạo ra tính cạnh tranh nội đại để tăng sức hút cho Việt Nam trên bản đồ chip thế giới.
Tuy nhiên đây là một hành trình dài hơi, cần duy trì trong nhiều năm thì mới thành, tránh việc làm nửa vời.
- Theo anh, hành trình này sẽ cần bao nhiêu năm để hoàn thành?
- Việt Nam đang có có cơ hội rất lớn cho ngành bán dẫn nhưng chỉ trong một vài năm (có thể là 2 năm tới). Đó sẽ là bước tạo đà quyết định để hoàn thành mục tiêu dài hạn (có thể là trong 20 năm). Lộ trình của Việt Nam bao gồm nhiều giai đoạn nhỏ, và để chinh phục từng mục tiêu chúng ta cần hành động mạnh mẽ, hiệu quả và nhất quán. Nếu cơ hội lần này vuột qua khỏi tầm tay thì Việt Nam có thể phải chờ rất lâu nữa hoặc không bao giờ có lại thời điểm vàng như hiện tại.
- Xin trân trọng cảm ơn anh.
theo Báo Nhân Dân
Ý kiến
()