Tại phần tọa đàm với chủ đề "Bứt phá trong bình thường xanh để hưng thịnh trong tương lai mới" trong khuôn khổ FPT Techday 2021, các diễn giả là đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, đã thảo luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm ứng phó, vươn lên trong đại dịch.
Chuyển đổi số để đảm bảo chuỗi cung ứng
Ông André Heskamp, Giám đốc Khối kỹ thuật số và vận hành CNTT khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Schaeffler, cho biết Schaeffler là công ty đa quốc gia với 70 nhà máy và 80.000 CBNV trên toàn thế giới, doanh nghiệp này trong giai đoạn giãn cách gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.
Đại diện các doanh nghiệp bàn về giải pháp cho chuỗi cung ứng. |
Công ty đặt mục tiêu đảm bảo hoạt động, sức khỏe của CBNV, đồng thời đảm bảo cho 20.000 CBNV có thể làm việc ở nhà, sử dụng các công cụ số để làm việc, chuỗi cung ứng trên toàn cầu được duy trì ổn định, giảm thiểu các rủi ro, đưa sản phẩm tới khách hàng.
"Cơ sở hạ tầng số giúp CBNV có thể làm việc ở nhà. Đây là một trong những yếu tố giúp chúng tôi thành công trong giai đoạn phong tỏa và giãn cách. Các nhà máy quá trình chuyển đổi số đã giúp rất nhiều trong việc thông báo tình trạng máy móc, các vấn đề đang gặp phải. Chúng tôi cũng sử dụng thực tế ảo tăng cường để nhận hỗ trợ từ xa, từ các chuyên gia trên toàn cầu", ông André Heskamp chia sẻ giải pháp từ doanh nghiệp.
Ông André Heskamp trong phiên thảo luận. |
Đồng tình, ông Nguyễn Tuấn Hồng Phúc - Phó Tổng Giám đốc, Bộ phận chiến lược và hoạt động KPMG Việt Nam cũng nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn và vượt qua các thách thức của đại dịch. "Con người đóngvai trò rất quan trọng trong quá trình này, chúng ta có công nghệ rồi nhưng cũng cần có đội ngũ phù hợp", ông nói.
Rủi ro lớn nhất trong bình thường xanh là về chuỗi cung ứng
Nhận được câu hỏi "đâu là các thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải trong bình thường xanh", ông Nguyễn Tuấn Hồng Phúc cho rằng đó là rủi ro về chuỗi cung ứng.
Rủi ro về chuỗi cung ứng là rủi ro hàng đầu trong thời kỳ bình thường xanh, theo ông Phúc Nguyễn (bên phải). |
KPMG Việt Nam có một nghiên cứu toàn cầu, khi Covid-19, rủi ro đầu tiên là về cung ứng, tiếp theo là về giá, đặc biệt ở Việt Nam. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhiều công ty tập trung vào một hoặc một vài đối tác duy nhất để tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Bởi vậy, trong tương các doanh nghiệp phải thay đổi cách thức hoạt động của chuỗi cung ứng. Có thể các công ty tập trung vào áp dụng cách tiếp cận khác để có thể nhanh chóng chuyển đổi sang nhà cung ứng khác khi có khủng hoảng. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp có thể thích nghi với điều kiện mới. Đồng thời phải có khả năng chống chịu tốt hơn khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Hơn hết, các công ty cần phải linh hoạt. Có 3 yếu tố mà theo ông Phúc Nguyễn, các doanh nghiệp cần quan tâm để thích ứng linh hoạt. Một là đa dạng hóa các đối tác cung cấp, cần có thêm nhiều nhà cung cấp, đa dạng hóa tập khách hàng, đa dạng hóa công tác xuất nhập khẩu. Hai là cần chuyển đổi số, xem xét các công nghệ phù hợp. Ba là quản trị rủi ro một cách hiệu quả hơn để chủ động ứng phó với các rủi ro, dự báo trước các rủi ro.
Ông André Heskamp cho biết thêm, ông hoàn toàn ủng hộ ý kiến vừa nêu. Covid-19 đã cho thấy chuỗi cung ứng còn nhiều điểm yếu, cần phải tận dụng nhiều hơn công nghệ số và dự báo tốt hơn. Đây là điểm cần phải tập trung giải quyết để đảm bảo chuỗi cung ứng linh hoạt và chịu đựng tốt hơn.
Chiến lược vượt dịch của Sovico
Tham gia phần thảo luận, ông Lưu Danh Đức, Giám đốc Ban công nghệ Thông tin Công ty cổ phần Tập đoàn Sovico cho biết, thảm họa Covid-19 gây ra hậu quả nghiêm trọng với các doanh nghiệp. Hầu hết ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là hàng không và nghỉ dưỡng. Đây cũng là hai ngành quan trọng của Sovico. "Do đó, chúng tôi cũng phải có những hành động để giảm thiểu những tác hại và chuẩn bị cho bình thường mới. Cũng giống như các doanh nghiệp khác, chúng tôi thực hiện 4 nhóm công việc", ông cho biết.
- Giảm chi phí: Nhiều dịch vụ bị dừng nên phải cắt giảm chi phí nhân công, vận hành, PR marketing.
- Cân đối giảm chi với việc duy trì nguồn lực: Đặc biệt là nguồn lực tinh nhuệ, vì không có nguồn lực này thì rất khó để khôi phục kinh tế trong bình thường mới. Duy trì các hoạt động bảo trì bảo dưỡng máy bay, thiết bị phòng ốc, đây là công việc buộc phải thực hiện.
- Tận dụng thời gian: Tận dụng khoảng thời gian bình thường ưu tiên cho hoạt động sản xuất để như triển khai văn phòng không giấy, ERP.
- Tạo doanh thu mới: Tập trung chủ yếu chuyển đổi một số dịch vụ lên nền tảng số, tạo trải nghiệm mới cho khách hàng. Ví dụ không chở khách thì trở hàng hóa, không đón khách trong nước thì chuyển sang đón khách cách ly. Đào tạo cho nhân viên các kỹ năng kiến thức để tạo những công việc, hoạt động duy trì nguồn lực chuẩn bị cho bình thường mới.
Ông Lưu Danh Đức chia sẻ về các hoạt động Sovico trong Covid-19. |
Công nghệ và sự gan lỳ giúp ngành gỗ thắng lớn trong dịch
Bàn về rủi ro từ đứt gãy chuỗi giá trị, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM, Tổng Giám đốc công ty aKa Furniture cho rằng, thời kỳ đầu Covid-19, người ta lo ngại đứt gãy sức mua hơn là đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, sức mua đâu đó vẫn rất tốt, thì lại đứt gãy ở chuỗi cung ứng.
"Một số nhà sản xuất như chúng tôi thấy đứt gãy là do cước vận tải cao, có thể chúng ta thiếu tàu hay thủy thủ hoặc gì đó khiến đứt gãy chuỗi cung ứng", ông Phương nêu quan điểm.
Chia sẻ thêm nguyên nhân của sự đứt gãy chuỗi cung ứng, ông Nguyễn Tuấn Hồng Phúc - Phó Tổng Giám đốc, Bộ phận chiến lược và hoạt động KPMG Việt Nam cho rằng, Việt Nam tập trung rất nhiều vào chi phí khi chọn nhà cung ứng, do đó thường chọn nhà cung ứng có chi phí thấp nhất.
"Tất nhiên trong giai đoạn bình thường mọi thứ sẽ ổn. Nhưng khi xảy ra vấn đề các nhà cung ứng này có thể sẽ rời bỏ chúng ta. Các công ty đang quản lý quá chi li chuỗi cung ứng của mình, nhà cung ứng ở xa khi đại dịch ở xa thì không thể chuyển nguyên vật liệu cho ta được. Cần phải bản địa hóa chuỗi cung ứng hoặc tìm các nhà cung cấp gần chúng ta hơn, hoặc là chọn các nhà cung ứng gần công ty hơn", ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM, Tổng giám đốc công ty aKa Furniture cho biết, Covid-19 đã kéo dài hai năm qua nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với các doanh nghiệp sản xuất là trong 3 tháng vừa qua.Trong bối cảnh Covid-19, ngành Gỗ và nội thất Việt Nam không những giữ được thị phần mà còn duy trì xuất khẩu, vượt qua đối thủ trở thành nước xuất khẩu gỗ lớn nhất vào Mỹ.
Ông Nguyễn Chánh Phương (phải) phân tích các yếu tố giúp ngành gỗ thắng lớn trong dịch. |
Trong năm đầu tiên lo ngại về đứt gãy thị trường chỉ có một gián đoạn ngắn trong vòng tháng 3, tháng 4 của năm 2020. Lúc đó các doanh nghiệp Việt cũng thích ứng nhanh khi đứt gãy chuỗi liên lạc với khách hàng. "Chúng ta có may mắn là thế giới đang chuyển dịch qua thương mại điện tử và những trải nghiệm về mua sắm đồ gỗ khách hàng châu u vẫn mua qua thương mại điện tử. Điều này gián tiếp tạo ra các đơn hàng cho Việt".
Việt Nam vẫn giữ được liên lạc với các bạn hàng thông qua công nghệ, các showroom ảo trực tuyến và hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có. Nếu Covid-19 xảy ra 5 năm trước đây, ông Phương đánh giá sẽ gây thiệt hại kép là vừa đứt gãy thị trường vừa không đảm bảo liên lạc với khách hàng.
Theo ông, sự thành công của ngành gỗ là đã giữ được an toàn trong suốt 1,5 năm vừa qua: 2020 và nửa đầu 2021. Có những thời điểm Việt Nam tăng trưởng 60% doanh số. Tất nhiên gỗ là mặt hàng đặc thù, hàng nội thất cho gia đình, tức là người ta vẫn ở nhà, càng ở nhà người ta càng thay đổi đồ nội thất. Cùng với sự hỗ trợ công nghệ thông tin sức mua vẫn đang rất tốt. Cộng với sự tăng trưởng về nhu cầu của một số thị trường như Hàn Quốc. Trong suốt đợt dịch cao điểm lần thứ tư có 50% các nhà máy vẫn duy trì được sản xuất 3 tại chỗ, giúp thích ứng nhanh. "Vượt qua Covid-19 lần này có đóng góp rất lớn của công nghệ, và sự gan lỳ của người Việt", ông nói.
Đồng quan điểm, ông Lê Nguyễn Hoàng Minh - Tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh Innovation thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết thành tích của ngành gỗ đến từ việc doanh nghiệp thúc đẩy công nghệ, gắn kết với người tiêu dùng. Dịch bệnh đã thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai các công nghệ để gắn kết khách hàng.
Anh Phan Thanh Sơn - Giám đốc phát triển kinh doanh FPT IS, bày tỏ hy vọng sau dịch bệnh ngành gỗ sẽ hình thành một xu hướng nội thất mới, chuyển từ nội thất sang nội thất thông minh, tức furniture - tech.
Công nghệ hoàn thiện hệ sinh thái bất động sản
Ứng dụng công nghệ fintech và pro-tech trong lĩnh vực bất động sản được đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ tại toạ đàm.
Ông Lê Nguyễn Hoàng Minh - Tổng Giám đốc Công ty Hưng Thịnh Innovation thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, đây là hai thành tố phát triển mặc nhiên trên thị trường vì trình độ của khách hàng được nâng lên rất cao, nhất là khi nhu cầu giao tiếp offline không có điều kiện thực hiện trong dịch.
"Từ nhiều năm trước Hưng Thịnh đã định hướng phát triển Prop-tech và hệ sinh thái đi liền với Prop-tech. Hiện nay gần như đã hoàn chỉnh hệ sinh thái giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn, giúp người mua và người bán hưởng nhiều quyền lợi. Làm sao để những người ít tiền vẫn có thể sở hữu được tài sản. Đó là những cái chúng tôi chuẩn bị cho tương lai sắp tới", ông Minh cho biết.
Ngay đầu năm nay, tập đoàn này sẽ ra mắt những dự án lớn về công nghệ. "Tầm nhìn của chúng tôi là nhanh chóng thích ứng và đưa ra những chiến lược mới và thay đổi liên tục. Điều này được thể hiện qua những đầu tư về công nghệ suốt thời gian qua, chứ không phải chỉ tại thời điểm này mới thích ứng", đại diện Hưng Thịnh nói.
Đại diện Hưng Thịnh chia sẻ tại phiên thảo luận (Phải). |
Ngành gỗ và ngành bất động sản có những điểm tương đồng
Nhận định mảnh ghép của ngành gỗ có sự chuyển dịch như thế nào trong thời kỳ mới, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM, Tổng Giám đốc công ty aKa Furniture cho rằng, ngành gỗ và ngành bất động sản có những điểm tương đồng. Nội thất là những khoản đầu tư lớn, nên khách hàng cần những trải nghiệm thật, đến bây giờ vẫn nhiều công ty và khách hàng đi theo hướng này. Trong khi đó bất động sản lại càng đòi hỏi những trải nghiệm thật nhiều hơn. Những trải nghiệm thật này phần nào đó đối chọi với những mơ mộng về công nghệ như ngồi ở nhà mua một biệt thự, hay căn hộ. Nhưng rõ ràng khi công nghệ phát triển và khi chúng ta không có cơ hội để trải nghiệm thật thì đó là một cái yếu tố xúc tác cộng hưởng cho công nghệ bùng lên.
Đồng quan điểm với ông Phương, ông Nguyễn Tuấn Hồng Phúc tái khẳng định, giữa ngành gỗ và bất đọng sản có nhiều điểm tương đồng. Theo quan điểm của ông Phúc, trong tương lai, ngành này phải tiếp tục thay đổi để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, ví dụ như vấn đề tài chính.
Kịch bản phục hồi cho năm 2022-2023
Ông Lưu Danh Đức từ Sovico cho biết, một số chuyên gia dự báo mùa lễ sang năm, ngành hàng không sẽ khôi phục việc kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng chuẩn bị rất kỹ cho thời điểm bình thường mới này.
Sovico cũng chuẩn bị nhiều nền tảng cho bình thường mới. Vietjet có chương trình trở lại bầu trời, trọng tâm là kiểm soát dịch bệnh cho khách hàng và cung cấp thông tin cho qua quan quản lý trong việc kiểm soát dịch bệnh trên một nền tảng: Việt Nam khỏe mạnh.
Trọng tâm số hai là chuyển đổi số trong một vài lĩnh vực kinh doanh. Dựa trên nền tảng số cung cấp số dịch vụ và khách hàng, đại lý, đối tác sẽ cùng giao dịch trên một nền tảng số như bảo hiểm số, ngân hàng số và ngay cả bất động sản cũng có những sản phẩm như sàn giao dịch ảo.
Kế đến, đơn vị là có những công ty về fintech, tập trung xây dựng hệ thống loyalty thông minh tạo ra hệ sinh thái giữa các công ty trong tập đoàn, từ đó thúc đẩy việc thu thập dữ liệu khách hàng tập trung, thúc đẩy bán chéo sản phẩm giữa các cty trên nền tảng số.
Một nhiệm vụ cần tập trung khác là mảng back office để tăng hiệu quả trong hoạt động tập đoàn dựa trên nền tảng số với việc hoàn thiện hệ thống quản lý nguồn nhân lực, làm việc với các đối tác FPT, hệ thống ERP, hệ thống e-office.
"Chúng tôi nỗ lực đưa chương trình quản lý văn bản, văn phòng số không giấy tờ. Thúc đẩy sử dụng chữ ký số thông qua chương trình esign với FPT. Với khách hàng, đối tác cũng sẽ cung cấp công cụ như EKYC để hỗ trợ họ tương tác thự hiện giao dịch trên nền tảng số của chúng tôi. Các đối tác ngoài hệ sinh thái của tập đoàn, chúng tôi cũng đẩy mạnh chương trình thanh toán không tiền mặt, ví dụ như với Petrolimex cung cấp các tiện ích thanh toán không tiền mặt cho khách hàng ở xa", ông Đức chia sẻ.
Ông André Heskamp, Giám đốc Khối kỹ thuật số và vận hành CNTT khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Schaeffler đưa ra lời khuyên để các doanh nghiệp tận dụng các cơ hội trên thị trường. "Trong giai đoạn Covid-19, chúng tôi đã chuyển đổi số rất nhiều để nắm bắt các cơ hội. Cần hiểu rõ hơn nhu cầu của khách hàng để đáp ứng nhu cầu và dự báo trước các nhu cầu, thay đổi của thị trường. Công ty đang tập trung rất nhiều vào đảm bảo tính bền vững của các nhà máy, bảo vệ môi trường, áp dụng các công nghệ số để linh hoạt hơn, dự báo được các sự cố và cách thức phản ứng, xử lý các thay đổi", ông cho biết.
Ngoài ra, theo ông André Heskamp, doanh nghiệp cần phải chuyển từ việc thụ động sang chủ động quản lý chuỗi cung ứng và đảm bảo con người thay đổi theo tình hình mới, xây dựng năng lực cho nhân viên.
Doanh nghiệp trước yêu cầu phát triển bền vững
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, Tổng Giám đốc công ty aKa Furniture, nhận định, trong thời điểm Covid-19 này, việc đưa ra dự báo rất khó, ngay cả với các chuyên gia. Tuy nhiên, trong 1-2 năm nữa, đi lại, giao thương vẫn còn khó khăn, thiếu hụt cung ứng vẫn còn diễn ra.
Theo ông, bối cảnh mới đặt ra yêu cầu cao về môi trường và phát triển bền vững. Ngành gỗ là ngành sử dụng nguyên liệu tự nhiên và có thể tái sinh, nhưng với yêu cầu lớn về phát triển bền vững, trong tương lai gần một số tiêu chuẩn về hàng hóa có thể thay đổi, mà doanh nghiệp cần đáp ứng lại.
"Trước đây, ngành gỗ chỉ đáp ứng làm sao sử dụng gỗ hợp pháp để sản xuất hợp pháp, việc này đã diễn ra 1 cách tốt đẹp cho khách hàng khó nhất là châu u, sau đó đến Mỹ. Vấn đề thứ hai là khi cung cấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu, phải đáp ứng các tiêu chuẩn xã hội là rất quan trọng. Ngành gỗ Việt Nam cũng đã vượt qua điều này. Sắp tới phải đáp ứng thêm các tiêu chuẩn về phát triển bền vững. Có thể sẽ có nhiều thay đổi, đặc biệt là từ châu Âu", ông Phương nhận định.
Theo đó, Hawa có vai trò chuẩn bị thông tin cho các doanh nghiệp để chuẩn bị cho các thay đổi lớn, là cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính Phủ.
"Tất cả những dịch vụ hiệp hội đang cung cấp cho các hội viên luôn luôn lấy xương sống là Digital", đại diện Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM cho hay. Đầu năm 2020, với sự giúp đỡ của FPT, hiệp hội đã tổ chức các hội nghị trực tuyến, các khóa huấn luyện online, sau đó là triển lãm trực tuyến và hiện nay vẫn duy trì liên tục showroom ảo trên nền tảng đó. Sắp tới là xác thực nguồn gốc gỗ hợp pháp. Hiệp hội cũng chuẩn bị ra mắt nền tảng có thể giúp các doanh nghiệp xác nhận chuỗi cung ứng, đặc biệt là nguồn gốc gỗ là hợp pháp.
"Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng phần lớn là do thiếu thông tin. Phần B2C thế giới làm rất tốt, nhưng B2B có vẻ hơi chậm hơn B2C có thể là do thiếu những nền tảng chuyên ngành. Chúng tôi đang tham vọng về một hawa social network, trong đó có những nền tảng về thị trường cho mọi người thay cho cách truyền thống hiện nay. Tất cả những dịch vụ mà sắp tới Hawa sẽ làm cho hội viên trên nền tảng số, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số", ông Phương chia sẻ.
Đầu tư bất động sản: Thận trọng nhưng cũng là kênh an toàn
Trong lĩnh vực bất động sản, ông Lê Nguyễn Hoàng Minh cho biết rất khó đưa ra dự báo cho năm 2022-2023. Tuy vậy, có thể thấy khó khăn lớn nhất hiện nay là kinh tế có sự thăng trầm do ảnh hưởng của Covid-19, khách hàng sẽ có những quyết định khó khăn và thận trọng trong đầu tư.
"Tuy có khó khăn nhưng kênh đầu tư an toàn nhất hiện nay vẫn là bất động sản, nên là chúng tôi cũng xem đây là thuận lợi trong các năm tiếp theo", ông Minh nói.
Về quản trị và phát triển thích ứng với điều kiện mới, đơn vị có rất nhiều chuẩn bị từ nhiều năm trước, tập trung vào 3 kế hoạch chính. Đầu tiên là chuyển đổi số trong nội bộ, khởi động cách đây hai năm. Hiện nay đơn vị đang tiếp tục vòng tiếp theo của chu kỳ chuyển đổi làm sao để cải thiện tất cả các hoạt động vận hành trong nội bộ, tiết kiệm được tối đa chi phí, cũng như là tạo sự thuận lợi nhất cho kinh doanh. Đây là hoạt động đơn vị đang tập chung và gần về đích.
Tiếp theo, Hưng Thịnh tập trung phát triển các công nghệ trên nền tảng platform, sẽ triển khai triệt để các thế mạnh của AI và Blockchain để thay đổi những giao dịch thông thường của cuộc sống hàng ngày chuyển sang nền tảng số. Mà trên đó khách hàng có sự minh bạch và thuận tiện trong giao dịch, cùng chia sẻ những lợi ích. Làm sao để những người có thu nhập thấp có thể tham gia thị trường bất động sản với khoảng ngân sách hạn chế? Tương lai đơn vị sẽ cung cấp cho cộng đồng những tiện ích công cụ để làm việc đó, hiện thực hóa việc đầu tư vào bất động sản, không cần phải có nhiều tiền.
Cuối cùng, Hưng Thịnh thay đổi tầm nhìn hàng này, tập trung vào tiếp thu những nền tảng công nghệ mới nhất của thế giới để đưa vào ứng dụng trong hệ sinh thái tập đoàn. Hiện nay chúng tôi đang liên kết với những trường đại học lớn, tập đoàn công nghệ như FPT để khai thác những chất xám, thành tựu công nghệ đưa vào hệ sinh thái của Hưng Thịnh. Ví dụ như thành phố thông minh, nghiên cứu vật liệu mới vừa bảo vệ môi trường vừa cải tiến tài nguyên thiên nhiên, tối ưu hóa quá trình sản xuất xây dựng, hạ giá thành sản phẩm.
Covid-19 thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số
Kết thúc phiên thảo luận, anh Phan Thanh Sơn cho biết điểm chung trong chia sẻ của các diễn giả là niềm tin vào chuyển đổi số. Trước khi dịch bệnh xảy ra chúng ta đã có niềm tin này rồi và dịch bệnh như một phép thử. Sự thay đổi của thế giới xảy ra phải mất 10 -20 năm mới diễn ra một cuộc cách mạng nhưng Covid-19 đã đẩy nhanh hơn tiến trình này, chỉ trong 1-2 năm. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã xảy ra xong rồi và đang chuẩn bị cho cuộc mạng công nghiệp 5.0. Chuyển đổi số không phải là đích hướng đến mà là một chặng đường với những mục tiêu cao hơn, nhưng cũng có những bất định làm chúng ta vững vàng hơn.
Các diễn giả bày tỏ niềm tin trong chuyển đổi số. |
Ý kiến
()