Với 9,6 triệu người theo dõi trên Twitter, Giáo hoàng Francis, 79 tuổi, có lẽ là ngôi sao đột phá gây bất ngờ nhất trong thời truyền thông xã hội. Nhiệt thành mong muốn tiếp cận thế hệ trẻ, Giáo hoàng đã triệu tập người sở hữu nền tảng công nghệ cạnh tranh cả với nhà thờ Công giáo về phương diện thu hút thành viên thế hệ Y (Millennial, khoảng 21-34 tuổi). Đó là Kevin Systrom, CEO ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram hiện có hơn 500 triệu người dùng, trong đó có 63% là thuộc thế hệ Y của Mỹ.
Liên minh thần thánh: Kevin Systrom trực tiếp mời Giáo hoàng Francis dùng Instagram. |
Vốn là người giỏi quảng cáo, Systrom, 32 tuổi, đã chu đáo và khéo léo mang đến một món quà khi hai người gặp mặt tại Điện tông tòa ở Vatican hồi tháng 2 - cuốn sách nhỏ có 10 bức hình đăng trên Instagram về cuộc biểu tình ôn hòa, người tị nạn, nhật thực. Tất cả đều gần gũi với mối quan tâm của Giáo hoàng. “Ngài kể, khi ngài trò chuyện với lớp trẻ, không phải ai cũng hiểu ngôn ngữ của ngài, nhưng mọi người đều cho ngài xem hình ảnh trong điện thoại, và đó là cách giao tiếp hiệu quả nhất”, Systrom, người thừa nhận không “sùng đạo như nhiều người khác trên thế giới”, kể lại.
Nhưng cả hai đều cùng hát chung bài thánh ca bằng hình ảnh. Ba tuần sau đó, Systrom lại bay đến Rome. “Khi tôi gặp Giáo hoàng lần thứ hai, ngài chào mừng tôi, “Keviiinnn!”, như thể chúng tôi thân thiết, từng cùng học chung đại học, cùng chơi trong câu lạc bộ golf”, anh nói. Ngay khi Systrom, cao 1m95 trong bộ suit Italy sành điệu đứng cạnh, Giáo hoàng chính thức dùng Instagram với tài khoản (a) franciscus, và đăng bức ảnh ngài quy gối với dòng chữ “Pray for me” (Hãy cầu nguyện cho tôi) bằng chín thứ tiếng. Bức ảnh được 327 nghìn lượt “thích”.
Kể từ đó, Instagram đã trở thành nơi để công chúng có thể nhìn sâu hơn vào cuộc sống của Giáo hoàng, thế giới trước đây từng bị đóng kín và nằm ngoài tầm nhìn của thiên hạ. Họ giờ đây thấy cảnh @franciscus ban phước cho những chú chó ở quảng trường St.Peter, an ủi người bệnh, đi dạo bên cạnh những người tị nạn châu Phi và thậm chí còn cười khi chụp ảnh selfie cùng người mộ đạo. Chỉ trong bốn tháng, ông đã thu hút được 2,8 triệu người theo dõi, tương đương 1/3 lượng người theo dõi ông trên Twitter mà ông thu hút được trong khoảng 4 năm.
Người ta ghét những thứ không liên quan tới mình còn hơn quảng cáo. |
Điều gây ngạc nhiên không kém là lượng người theo dõi Facebook của Giáo hoàng: Không có ai. Ngài vẫn chưa mở tài khoản Facebook, và vẫn hài lòng tiếp xúc với công chúng qua Twitter, chia sẻ cuộc sống cá nhân cũng như chạm đến thế hệ Y nhờ Instagram. Và điều này cũng phù hợp với Mark Zuckerberg. Khi Zuckerberg quyết định chi gần 1 tỷ USD vào năm 2012 để mua lại ứng dụng chia sẻ hình ảnh này (khi đó mới có 30 triệu người dùng), ai cũng xem đây là dấu hiệu của “bong bóng” ở thung lũng Silicon. Song một lần nữa, đồng sáng lập kiêm CEO Facebook lại thông minh hơn tất cả. Trong bốn năm kể từ đó, Instagram đã trở thành một trong những nền tảng tăng trưởng nhanh nhất mọi thời đại, với lượng người dùng bằng cả Twitter (310 triệu), Snapchat (hơn 100 triệu) lẫn Pinterest (100 triệu) cộng lại.
Số người dùng mạng xã hội tại Mỹ. Đơn vị tính: triệu người. |
Và trong lúc Facebook cũng làm thiên hạ tròn mắt với các vụ thâu tóm lớn và đắt đỏ hơn khác như dịch vụ nhắn tin WhatSApp và hãng sản xuất thiết bị thực tại ảo Oculus VR, thì Instagram đã mang về doanh thu khoảng 630 triệu USD trong năm 2015, theo eMarketer.
Dĩ nhiên con số này vẫn nhỏ bé so với người khổng lồ Facebook, với 1,7 tỷ người dùng và 18 tỷ USD doanh thu. Nhưng chúng ta đều có được bài học trong thời đại số là một dịch vụ phổ biến - dẫu đó là Yahoo hay AOL hoặc BlackBerry - đều có thể tan biến khi nền tảng thú vị tiếp theo xuất hiện. Cứ hỏi bất kỳ ai dưới 18 tuổi (nhóm tuổi xem Facebook như mạng xã hội của cha mẹ họ), thì sẽ biết Instagram chính là nền tảng thú vị tiếp theo. Systrom cùng đội nhóm ít ỏi của mình đang là lá chắn cho Facebook trong tương lai, và trong quá trình đó anh chứng minh được vụ mua lại của Zuckerberg là một trong năm thương vụ tốt nhất của thời đại Internet. Forbes ước tính, Instagram, nếu tách riêng, hiện có giá trị khoảng từ 25 đến 50 tỷ USD.
Và con số này dự kiến sẽ còn tăng. Trong khi Facebook cho thấy những dấu hiệu bão hòa, thì Instagram lại tăng thêm 100 triệu người dùng trong 9 tháng đầu năm 2016, còn doanh số năm nay dự kiến tăng gấp ba, lên thành 1,5 tỷ USD, và tăng gấp ba lần nữa, thành 5 tỷ USD đến năm 2018, theo eMarketer.
Đáng chú ý hơn, Instagram vẫn hoạt động như công ty độc lập bên trong Facebook: 350 nhân viên của họ bằng chưa đầy 3% “đội quân” 13.600 người của Zuckerberg. “Sự kết hợp của cơ hội hữu hình cho phép bạn kể câu chuyện của cá nhân, nhà tiếp thị và doanh nghiệp, với khả năng tiếp cận đúng đối tượng, là cực kỳ hiệu quả”, Sheryl Sandberg, COO của Facebook, cho biết. “Tài lãnh đạo của Kevin chính là yếu tố thúc đẩy”. Như bất cứ công ty nào có quy mô tương đương, Facebook đang trở nên khó lèo lái. Ở Instagram và Systrom, Zuckerberg vẫn duy trì cỗ máy kinh doanh hoàn hảo.
Bên trong trụ sở tại Menlo Park của Facebook, Instagram xây dựng boongke riêng, cố tình nằm ngay bên kia đường và chỉ cách trụ sở công ty mẹ một quãng đạp xe. Văn phòng công ty được trang trí những tấm ảnh Instagram cỡ lớn do nhân viên tuyển chọn: núi Everest, hồ Merritt ở Oakland, trang trí trên những tách cà phê. Bức tường khác treo đầy những dấu vân tay khổng lồ. Systrom cũng khác biệt so với Zuckerberg về phong cách cá nhân khi chuộng giày kiểu cách và những bộ suit đẹp thay vì áo khoác trùm đầu và áo thun (áo phông) một màu như Zuckerberg, và toát ra vẻ dễ chịu khiêm nhường tương phản với thái độ hơi căng thẳng của Zuckerberg.
Bỏ qua những khác biệt đó, con đường dẫn Systrom đến Facebook dường như được định đoạt từ trước. Năm 2005, Zuckerberg cố thuyết phục anh bỏ học năm cuối tại Stanford để lập dịch vụ hình ảnh Facebook. Systrom từ chối nên mất quyền lựa chọn cổ phiếu khi chắc chắn có giá tới hàng chục triệu USD. Kết cục, anh làm trong quán cà phê (nơi anh từng một lần phải phục vụ Zuckerberg), rồi tại Google và start-up Odeo. Lấy cảm hứng từ những ứng dụng dựa trên vị trí như Foursquare, Systrom cùng người bạn Mike Krieger ra mắt trò chơi check-in (đánh dấu vị trí) di động Burbn vào năm 2010. Systrom nhanh chóng phát triển sang ứng dụng hình ảnh, tạo ra chức năng lọc ảnh đầu tiên, X-Pro II, trong lúc đi nghỉ ở Mexico. Sau đó, anh có thêm nhiều bộ lọc khác và hàng triệu khách hàng.
Nhưng ngay cả khi đó, Instagram vẫn rất nhỏ gọn, chỉ có 6 nhân viên trong năm đầu tiên và 13 nhân viên khi được Facebook mua lại. “Phần lớn công ty có nửa tỷ người dùng sẽ có hàng nghìn nhân viên. Instagram vẫn chỉ có vài trăm nhân sự, nên chúng tôi phải tập trung”, Systrom nói. “Biết cách ưu tiên công việc giúp chúng tôi hoạt động hiệu quả và thành công”. Sự đơn giản luôn là cương lĩnh của Systrom.
>> Xem tiếp
Chi Vy (theo Forbes)
Ý kiến
()