Một trong những chuối giá trị (value chain) đặc thù của việc sử dụng API được minh họa như hình trên. Doanh nghiệp sẽ mở các tài sản kinh doanh (business assets) của mình ra dưới dạng APIs. Tài sản này có thể là thông tin, dữ liệu, có thể là dịch vụ tùy thuộc vào đặc thù ngành nghề của doanh nghiệp. Các API này sẽ được khai thác và sử dụng với lập trình viên (trong và ngoài công ty). Thường thì các API được tích hợp và kết hợp với những ứng dụng và dịch vụ khác để cung cấp tới người dùng đầu cuối (consumers) một giá trị mới.
Chuỗi giá trị đặc thù
Figure 1- Chuỗi khai thác giá trị của API. |
Một ví dụ là chuỗi bán lẻ Walgreens tại Bắc Mỹ, họ mở dịch vụ in ấn ảnh ra ngoài qua dạng API. Rất nhiều nhà phát triển bên thứ ba (third-party developers) đã khai thác sử dụng. Một trong những ứng dụng thông dụng sử dụng API của Walgreens là http://printicular.com/ nó cho phép người dùng in ảnh từ điện thoại hoặc tài khoản Facebook của mình, người dùng đến lấy ảnh in ra một trong 8000+ địa điểm của Walgreens trên toàn nước Mỹ. Printicular sẽ được chia tỷ lệ doanh thu từ việc sử dụng dịch vụ của Walgreens. Thống kê cho thấy doanh thu trên đầu khách hàng có tương tác với các dịch vụ như vậy cao hơn hẳn các khách hàng khác.
Figure 2- Room77 là trang search tổng hợp, các kết quả sẽ được chuyển về những nhà cung cấp gốc như Expedia. |
Một công ty khác kinh doanh rất tốt qua cơ chế API đó là Expedia, hơn 90% doanh thu của họ là đến từ kênh API. Expedia là một công ty đặt phòng khách sạn và vé máy bay trực tuyến, họ mở API để các trang đối tác truy cập toàn bộ thông tin về danh sách khách, đánh giá người dùng, dịch vụ tuyến bay... Các thông tin này được tích hợp để hiển thị vào trang web của bên thứ ba. Khi người dùng click vào nội dung thông tin cung cấp bởi Expedia thì người dùng được đưa về trang của Expedia; việc này giúp Expedia tăng doanh thu, tìm được khách hàng mới.
Kết hợp các API khác nhau
Ngoài việc API được khai thác bởi bên thứ ba, thì APIs của các công ty khác nhau còn có thể kết hợp lại thành những dịch vụ mới mà một công ty thường không làm được. Một ứng dụng như vậy được đề cập đến ở bài trước đó là the Chicago Crimes Map.
Figure 3 - Chicago Crimes Map. |
Ứng dụng trên là một bản đồ của thành phố Chicago (bản đồ dùng dịch vụ API của Google Maps) được lồng thông tin về tội phạm của thành phố lên (dữ liệu thông tin tội phạm của thành phố được cung cấp dưới dạng API để máy có thể truy cập). Kết quả là người dùng có thể hình dung ra tình trạng tội phạm của thành phố Chicago một cách dễ dàng; ngoài ra người dùng có thể tương tác/khám phá dữ liệu một cách trực quan (xem thể loại tội phạm của một khu dân cư, hoặc tần xuất phạm tội ở các khung giờ khác nhau).
Ngoài việc tự kết hợp các API từ một số công ty khác nhau để tạo ra dịch vụ mới, nhiều nhà phát triển còn tạo ra nền tảng (platform) kết nối các APIs lại để cho phép người dùng tự khai thác và kiểm soát các API theo ý mình. Một platform nổi tiếng trong lĩnh vực này là IFTTT (viết tắt của cụm từ If This, Then That).
Sau khi các API được kết nối vào hệ thống của IFTTT, người dùng có thể tạo ra những luật (rules) cho tình huống sử dụng như: nếu mặt trời lặn thì bật đèn (đèn thông minh). Thông tin lúc nào mặt trời lặn được cung cấp bởi API của các công ty thời tiết, còn việc điều khiển đèn thông minh được IFTTT truy cập từ API của đèn. Như vậy ngôi nhà luôn được cung cấp sáng đúng lúc mà gia chủ không phải làm gì cả. Có rất nhiều luật được thiết kế sẵn được mọi người chia sẻ tại kho của IFTTT: https://ifttt.com/recipes.
Trên đây là một số ví dụ mà API được dùng và khai thác để tạo ra giá trị mới. Trên thực tế API được sử dụng và khai thác rất đa dạng chứ không giới hạn như các phương pháp trình bên trên. Trong loạt bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm các khía cạnh khác của hệ sinh thái API như: các mô hình kinh doanh mà doanh nghiệp có thể kiếm tiền từ việc mở API của mình và lợi ích khác nhau của việc mở API.
Trần Tuấn Anh
Ý kiến
()