Chúng ta

Anh Trương Gia Bình: 'Cuộc đua số là sân chơi đẳng cấp quốc tế'

Chủ nhật, 26/5/2019 | 08:49 GMT+7

Tự hào khi là doanh nghiệp tiên phong trên Thế giới tổ chức cuộc thi về xe tự hành cho sinh viên, Chủ tịch Trương Gia Bình cho biết: "Sau Cuộc đua số của FPT, Audi đã tổ chức một cuộc thi tương tự cho sinh viên Đức, Amazon cũng mới tổ chức cho các lập trình viên của mình".

Tiếp nối thành công của hai mùa giải trước, ở mùa thứ ba, FPT tiếp tục tiên phong, lan tỏa những thành tựu công nghệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực tự hành đến với giới trẻ Việt Nam để họ được tiếp cận, trải nghiệm sớm nhất những công nghệ tiên tiến của thế giới. Cuộc đua số mùa thứ 3 diễn ra với nhiều cải tiến mới lạ, hấp dẫn hơn. Bên cạnh việc nâng cấp đề thi với mức độ khó cao hơn khá nhiều, cuộc thi còn có sự tranh tài của các sinh viên quốc tế đến từ ĐH Greenwich (Vương Quốc Anh) và ĐH Tổng hợp Liên bang Viễn đông Nga.

CHT-5320-JPG-1113-1558818536.jpg

Đường hầm và dốc cao là một trong những thử thách mới của đề bài Cuộc đua số năm nay.

20h30 ngày 25/5, trận Chung kết Cuộc đua số 2018-2019 đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin & Thể thao Tây Hồ (99 Võ Chí Công, quận Tây Hồ, Hà Nội) với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Bùi Thế Duy; Trưởng ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam; phía FPT có sự hiện diện của Chủ tịch Trương Gia Bình và PTGĐ Nguyễn Thế Phương.

Các đội tuyển thi đấu trong đêm Chung kết là 8 đội mạnh nhất trong nước gồm: UET Fastest (ĐH Công nghệ - ĐHQGHN); MTA_R4F (Học viện Kỹ thuật Quân sự), Fast and Fiery và PTIT Word.Exe (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), SQ26 (ĐHThông tin liên lạc), CDS-NTU2 (Đại học Nha Trang), Dateh IT (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP HCM) và LHU The Walkers (ĐH Lạc Hồng). Đặc biệt 2 đội khách mời đến từ Anh và Nga là một điểm mới trong cuộc thi năm nay.

Để tăng phần kịch tính cho cuộc thi, cũng là để khuyến khích các bạn sinh viên nỗ lực, sáng tạo và nâng cao khả năng của mình hơn, BTC Cuộc đua số đã thay đổi đề bài, tăng độ khó của phần thi hơn những năm trước.

"Trong sân xuất hiện khu đỗ xe, các đội phải đỗ xe vào đúng chỗ chứ không phải chỉ quay về vạch đích như mọi năm", Trưởng phòng IoT Ban Công nghệ FPT, Trưởng ban Trọng tài Cuộc đua số Lê Ngọc Tuấn cho hay.

Bên cạnh đó, đường hầm cũng là một thách thức mới với các đội thi. Anh Tuấn cho biết đường hầm làm thay đổi ánh sáng gây khó khăn cho camera nhận biết đường đi. Chiếc cầu to và cao hơn so với mùa đầu tiên cũng là cản trở không nhỏ với các đội.

Đặc biệt, trong vòng đối kháng đấu loại trực tiếp giữa 4 đội cuối cùng để chọn ra nhà Vô địch, đề thi chỉ có trước khi bắt đầu vài giây. "Các đội không hề biết mình sẽ đi đâu và cần đi như nào. Điều này đòi hỏi các đội phải xác định đúng lộ trình với phần lập trình sẵn để robot tự hiểu đường đi và tự ra quyết định đi ở những khúc cua", anh Tuấn nói.

CHT-5351-JPG-4228-1558818536.jpg

Cuộc đua số càng trở nên gay cấn, hấp dẫn hơn khi có sự tham gia của 2 đội ngoại quốc đến từ ĐH Greenwich (Vương quốc Anh) và ĐH Tổng hợp Liên bang Viễn đông Nga.

Cũng chính bởi độ khó cao như vậy nên Chủ tịch Trương Gia Bình đánh giá Cuộc đua số là sân chơi mang tầm đẳng cấp quốc tế. "Xe mà các bạn đang chơi không khác gì những chiếc xe tự lái với nền tảng công nghệ tương tự đang chạy khắp nơi trên thế giới", anh Bình nhấn mạnh. Anh cho biết thêm hiện nay, trên thế giới có những xe tự lái hoàn toàn đáng tin cậy chạy trên đường cao tốc khi có 2 làn đường chính xác. Trong khi bài toán ở Cuộc đua số khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều. 

"Vào xem cuộc đua nó mê như xem một cuộc đối kháng đẳng cấp cao, thắng bại thấy rõ ngay. Đằng sau cảm xúc ấy là một khát vọng lớn: Khát vọng Việt Nam sẽ sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ đã dạy", người đứng đầu FPT chia sẻ.

Thay đổi đề bài khó hơn, BTC cũng khuyến khích thí sinh bằng việc đưa ra giải thưởng vô cùng hấp dẫn. Đội vô địch sẽ được nhận phần thưởng có giá trị hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó có 01 chuyến trải nghiệm, tìm hiểu về công nghệ mới tại Mỹ hoặc Nhật Bản trong vòng một tuần, 15 triệu đồng tiền mặt và một suất học bổng Tiến sĩ về ngành Trí tuệ nhân tạo trị giá 700 triệu đồng dành cho thí sinh xuất sắc nhất.

Theo Chủ tịch Trương Gia Bình lần này giải to hơn tất cả các lần trước và có trao giải học bổng để trở thành Tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo. "Chúng ta cần rất nhiều tiến sĩ về AI, các bạn trẻ cần dấn thân vào sân chơi của thế giới, của thời đại để nuôi niềm hy vọng cho Việt Nam, xây hoài bão để nước ta trở thành quốc gia tiền tiến về AI".

Khẳng định thêm về điều này, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Bùi Thế Duy cho hay: "Cuộc đua số là một sân chơi bổ ích cho sinh viên các ngành khoa học kỹ thuật ở Việt Nam và giúp cho các em trải nghiệm kỹ năng về lập trình, AI, IoT, Robotic, sẵn sàng vươn ra biển lớn, vươn ra thế giới trong giai đoạn của khoa học công nghệ đang rất phát triển".

CHT-5532-JPG-6207-1558818536.jpg

Chung cuộc, đội MTA_R4F của Học viện Kỹ thuật Quân sự giành chiến thắng thuyết phục và mang về giải thưởng lên tới 1,2 tỷ đồng. 

Nhận định cuộc đua này là một phương pháp để triển khai cách thức giảng dạy dựa trên dự án, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng cách giảng dạy này cần được nhân rộng để làm sao cho các trường ĐH không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy về kỹ năng, cách làm dự án, cách thức tiếp cận với cuộc sống bằng những công nghệ mới nhất.

Ấn tượng với Cuộc đua số năm nay, Nguyễn Văn Tùng, đội trưởng UET Fastest (ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội) - đội Vô địch Cuộc đua số 2 mùa rất thích tính thực tiễn của đề bài năm nay. Tùng tin tưởng trong tương lai không xa rất có thể một trong những chiếc xe dự thi lần này sẽ chạy thật trong cuộc sống hằng ngày.

Đánh giá cao năng lực của các đội Việt Nam, 2 đội đến từ Anh và Nga thấy rất hài lòng khi có cơ hội tham gia Cuộc đua số lần này để được cọ sát, học hỏi. "Các bạn Việt Nam rất giỏi và thông minh. Chúng tôi vô cùng ấn tượng bởi sự bền bỉ, tỉ mỉ và lòng quyết tâm giành chiến thắng của các bạn. Chúng tôi cũng học hỏi thêm được rất nhiều điều mới sau cuộc thi lần này", thành viên đội ĐH Greenwich cho hay.

Giành chiến thắng thuyết phục tại trận Chung kết với đề bài không hề đơn giản, MTA Race4fun (Học viện Kỹ thuật Quân sự) đã chứng minh được khả năng về công nghệ của người trẻ Việt Nam không thua kém gì các nước phát triển trên thế giới. "Cuộc đua số thực sự là sân chơi bổ ích đối với chúng em, giúp chúng em có cơ hội giao lưu, học hỏi và áp dụng những kiến thức mình được học vào thực hành", Nguyễn Viết Dần, thành viên của đội bày tỏ.

Thầy Lê Minh Thái, PGĐ Học viện Kỹ thuật Quân sự bộc bạch: "Cuộc đua số đã thu hút sức trẻ, trí tuệ sáng tạo và đặc biệt là AI, thu hút sinh viên trẻ say mê nghiên cứu khoa học. Cuộc thi đã tích hợp hệ thống kiến thức tổng hợp, trong đó cao nhất là AI. BTC đã đưa ra những bài toán khó mà các thí sinh cần phải quyết định rất nhanh trên đường đi chưa biết trước. Cảm ơn FPT đã tạo ra sân chơi tuyệt vời này".

Cuộc đua số là cuộc thi công nghệ được FPT tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2016 - 2017 với mong muốn các bạn trẻ Việt Nam xây dựng một nền tảng vững chắc để đón nhận cơ hội và thành công trong cuộc cách mạng số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. FPT cũng kỳ vọng cuộc thi sẽ giúp phát hiện những sinh viên tiềm năng cùng FPT tiên phong trong cuộc cách mạng số.

Cuộc đua số mùa 2018-2019 được chính thức khởi động ngày 11/10/2018 với sự đồng tổ chức của VTV. Để đáp ứng các bài toán công nghệ ngày càng nâng cao đó, tại cuộc thi năm nay, FPT cũng nâng cấp phiên bản mô hình xe tự hành lên tỷ lệ 1/7 với động cơ mạnh mẽ hơn, khung xe chắc chắn tích hợp hệ thống giảm sóc.

Cuộc đua số mùa 3 kết thúc đánh dấu một bước trưởng thành mới cho nhiều sinh viên công nghệ. Từ sân chơi này, họ đã được học hỏi, tiếp cận và thực hành những công nghệ mới nhất trên thế giới do FPT tiên phong kiến tạo tại Việt Nam.

Diệu Anh

Ảnh: Thế Trâm

Ý kiến

()