Chúng ta

4 tác giả FPT Edu mang công trình khoa học đến ICIIT 2020

Thứ tư, 19/2/2020 | 09:16 GMT+7

Nhóm giảng viên FPT với các công trình nghiên cứu nổi bật lần đầu góp mặt tại hội nghị Công nghệ thông tin thông minh (ICIIT 2020) cùng các nhà khoa học quốc tế.

Từ ngày 19 đến 22/2, hội thảo Quốc tế Conference on Intelligent Information Technology (ICIIT 2020) lần thứ 5 do ĐH FPT phối hợp tổ chức cùng Hiệp hội Hóa học, Sinh học và Kỹ thuật môi trường Hong Kong sẽ diễn ra tại Hà Nội.

Tiếp nối sự thành công của 4 lần trước đây, hội thảo về CNTT thông minh 2020 tiếp tục được tổ chức với sự tham gia của nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu, học giả tiên phong trong lĩnh vực CNTT trên toàn thế giới như: Giáo sư Ford Lumban Gaol (Đại học Bina Nusantara, Indonesia), Giáo sư Zuriati Ahmad Zukarnain (Đại học Putra Malaysia, Malaysia), Giáo sư Anand Nayyar (Đại học Duy Tân, Việt Nam), Giáo sư Xingbo Wang (Đại học Phật Sơn, Trung Quốc), PGS Phạm Văn Hải (Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Việt Nam). Đây cũng là diễn đàn hàng đầu để các nhà nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm có được và trình bày các kết quả nghiên cứu mới trong lĩnh vực này.

1-6080-1582023393.jpg

TS Trần Đức Chung là 1 trong 4 tác giả gửi báo cáo nghiên cứu khoa học tới ICIIT 2020. Ảnh: FPT Edu 

Hiện có 4 tác giả đến từ FPT Edu xác nhận mang công trình khoa học đến trình bày ở ICIIT 2020. Đó là TS Phan Duy Hùng - giảng viên ĐH FPT Hà Nội, TS Trần Đức Chung - giảng viên, nghiên cứu viên ĐH FPT Hà Nội và TS Dương Trung Nghĩa, ThS Lương Hoàng Hướng - ĐH FPT Cần Thơ.

TS Dương Trung Nghĩa, ThS Lương Hoàng Hướng cùng nhóm tác giả đến từ ĐH Cần Thơ mang tới báo cáo “Nghiên cứu chất lượng khí quyển dựa trên kỹ thuật Cellular Automata”. Công trình tập trung vào các nghiên cứu lý thuyết về đặc tính của chất lượng khí quyển, bao gồm cơ sở toán học để đánh giá ô nhiễm, các mô hình đánh giá ô nhiễm…; xây dựng chương trình mô phỏng hiện trạng ô nhiễm không khí và dự báo mức độ ô nhiễm trong tương lai dựa trên kỹ thuật Cellular Automata. Nghiên cứu có thể được ứng dụng thực tiễn để giúp cộng đồng có cái nhìn tổng quan hơn về hiện trạng ô nhiễm, từ đó đưa ra biện pháp cụ thể để cải thiện chất lượng khí quyển.

Cạnh đó, tác giả Lương Hoàng Hướng cũng có thêm một nghiên cứu về phương pháp trích xuất và xử lý thông tin theo cách phân tán và song song để phân cụm thông tin, làm giảm dữ liệu không cần thiết để tối ưu hóa xử lý dữ liệu quy mô lớn. Nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng trong việc rút trích các thông tin quan trọng từ lượng dữ liệu, thông tin lớn, nhằm giảm thiểu tối đa thời gian xử lý cho những dữ liệu không cần thiết.

TS Phan Duy Hùng (giảng viên Trường ĐH FPT Hà Nội) gửi tới 2 báo cáo “Đánh giá việc thực hiện phép nhân ma trận kích thước cực lớn trên cụm máy tính dữ liệu lớn thực chạy Hadoop” và “Các đúc rút thực tiễn có giá trị về quản trị trung tâm phát triển phần mềm dạng Offshore (ở Việt Nam)”.

Trong khi đó, TS Trần Đức Chung (giảng viên, nghiên cứu viên Trường ĐH FPT Hà Nội) cũng trình bày 2 nghiên cứu gồm “Giải thuật nhận diện câu hỏi cho phân tích văn bản” và “Hệ thống điều khiển kết nối mạng không dây công nghiệp với bộ lọc trung bình di chuyển theo cấp số nhân được điều chỉnh động”.

Ngoài 4 công trình của các tác giả nhà F, ICIIT 2020 còn có sự góp mặt của gần 40 báo cáo đến từ các nhà khoa học của 8 quốc gia trên thế giới. Các báo cáo tại hội nghị có cơ hội xuất hiện trong kỷ yếu hội nghị, lưu trữ trong thư viện số ACM và được phê duyệt bởi danh mục trích dẫn kỷ yếu hội nghị Thomson Reuters; hoặc xuất bản trên Journal of Advances in Information Technology - tạp chí được lập chỉ mục bởi EBSCO, Google Scholar, WorldCat,…

ICIIT 2020 mong muốn xây dựng một nền tảng ý tưởng, khuyến khích nhà nghiên cứu tham gia vào sự kiện này. Các chủ đề được quan tâm gồm: Multimedia signal processing (Xử lý tín hiệu đa phương tiện, Signal Processing (Xử lý tín hiệu), Communication theory and techniques (Lý thuyết và kỹ thuật truyền thông), Internet Technologies (Công nghệ Internet), Wireless Networks (Kết nối không dây) và Information Security (Bảo mật thông tin).

Trước đó, ĐH FPT cũng tham gia tổ chức nhiều hội thảo đáng chú ý như Hội nghị ngôn ngữ học máy tính Pacling 2019, Educamp 2019 với chủ đề "Chuyển đổi số trong giáo dục", Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học 2018...

Hội thảo Conference on Intelligent Information Technology 2020 là hội nghị mang tính quốc tế được tổ chức lần thứ 5 về công nghệ thông tin thông minh, thu hút sự tham gia của nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu, học giả tiên phong trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên toàn thế giới.

Hội thảo sẽ diễn ra liên tục trong 4 ngày, bắt đầu từ ngày 19/2 tới ngày 22/2 tại khách sạn Silk Path, 199 Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại đây

Trâm Nguyễn

Ý kiến

()