Chúng ta

80% người trẻ học IT không làm được việc ở môi trường toàn cầu

Chủ nhật, 3/9/2017 | 12:35 GMT+7

"Sinh viên mới ra trường được đào tạo khá cẩn thận về chuyên môn nhưng lại rất khó làm việc trong môi trường đủ lớn. Các bạn có thể lập trình nhưng... chẳng ai hiểu được, làm sản phẩm xong lại không biết hướng dẫn, chẳng ai dùng được", anh Hoàng Nam Tiến nhận xét về chất lượng nguồn lực CNTT của Việt Nam. 

Anh Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, là khách mời của chương trình Hỏi đáp cùng chuyên gia công nghệ được phát trực tiếp trên kênh Facebook ĐH trực tuyến kiểu FUNiX tối ngày 25/8. Với lời khẳng định "cứ hỏi thoải mái", anh Tiến đã trả lời thẳng thắn nhiều câu hỏi liên quan đến nguồn lực CNTT, cơ hội việc làm ở FPT Software và những thất bại của bản thân. 

Lấy dẫn chứng từ chính nhân sự của FPT Software với hàng nghìn nhân viên làm việc ở môi trường toàn cầu (Nhật, Châu Âu, Mỹ) hầu hết đều học ở các trường Việt như ĐH Bách khoa, ĐH FPT, Học viện Kỹ thuật quân sự..., anh Tiến nhận định các trường trong nước đào tạo ra đội ngũ làm được việc. "Nhưng tỷ lệ đó không cao", anh bổ sung.  

Hoang-Nam-Tien-livestream-6387-150423351

Anh Hoàng Nam Tiến trên sóng livestream của ĐH trực tuyến kiểu FUNiX. Anh đã dành thời lượng hơn 1 giờ để trả lời câu hỏi của các sinh viên FUNiX và người tham gia chương trình Mentor4all.

Thống kê của FPT Software cho thấy mỗi năm hệ thống ĐH, CĐ Việt Nam đào tạo chừng 43.000 nhân sự liên quan đến ngành IT nhưng lại chỉ "lọt" từ 9.000 đến 15.000 người có thể làm việc trong môi trường toàn cầu, tức đáp ứng được cả về chuyên môn, ngoại ngữ. 

"Soi" ngay những dẫn chứng từ nhà Phần mềm FPT, đơn vị đang trong "cơn khát" nhân lực với mục tiêu 20.000 nhân viên vào năm 2020. Riêng trong năm 2017, FPT Software dự định tuyển 5.000 người và 6 tháng đầu năm đã cán mốc 2.400 nhân sự mới.

"Thế nhưng cả nghìn người cũng sẽ rời FPT Software, trong đó tới một nửa là không chịu nổi yêu cầu và áp lực ở đây. Mỗi phần lỗi của chúng tôi trong khâu lọc tuyển, đào tạo nhưng tôi phải thừa nhận nhiều bạn... kém thật", Chủ tịch FPT Software thẳng thắn. Anh biết nhiều sinh viên còn mơ mộng nhiều khi gia nhập công ty nhưng thực tế, FPT Software là môi trường cạnh tranh toàn cầu, đòi hỏi những chuẩn mực cao. 

Anh Tiến nêu hai điểm yếu dẫn đến việc làm được nhưng không ai hiểu được, không thuyết phục nổi ai của các bạn trẻ Việt Nam, đó là thiếu ngoại ngữ và không có kỹ năng trình bày do ảnh hưởng từ nền giáo dục một chiều truyền thống. Người đứng đầu nhà Phần mềm FPT đưa ra lời khuyên bức thiết về học ngoại ngữ cho các lập trình viên. 

Theo anh, lợi thế của nguồn lực IT Việt Nam không phải là "giá rẻ" mà là nắm bắt được những xu hướng mới nhất của thế giới. "Khi ra toàn cầu, chúng tôi nhận ra nếu cứ cạnh tranh với các nước, đặc biệt Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines bằng thứ vũ khí cũ kỹ như kỹ năng lập trình, testing… thì chúng ta không có cửa vì họ vừa nhiều kinh nghiệm hơn, giá lập trình viên cũng thấp hơn", anh Tiến nêu quan điểm của mình, giống như khi anh trả lời anh Trương Gia Bình với thắc mắc tương tự. 

Điểm mấu chốt của lợi thế mang dấu ấn Việt Nam là nắm bắt, săn đón những kiến thức đang là xu thế của thế giới như Cloud Computing, AI, big Data, Robotic. Và ngoại ngữ luôn không thể thiếu, không chỉ là tiếng Anh mà còn là tiếng Nhật, Hàn. 

"Ngoài việc biết một ngôn ngữ lập trình, nếu các bạn có tiếng Anh khoảng 7.0 (điểm IELTS), hoặc có ngay một ngoại ngữ, chắc chắn các bạn sẽ được tuyển dụng vào FPT Software. Có thêm một hoặc vài certificate (chứng nhận) về AI, Big Data hay Robot từ Microsoft, Amazon thì lương còn cao nữa", anh Tiến mời gọi. 

Tuy cơ hội nghề nghiệp trong ngành IT là rất lớn, nhưng lĩnh vực này không phải toàn "màu hồng" với những người theo học. Anh Hoàng Nam Tiến chia sẻ thực tế: "Nghề lập trình rất vất vả. Chẳng riêng ở Việt Nam mà ở khắp nơi trên thế giới, đây là nghề thường xuyên phải làm việc đến 14 giờ/ ngày, thường xuyên OT (over time), nhất là khi chuyển giao dự án thì việc "cày" đêm hôm không phải chuyện xa lạ".

>>Vừa tạo đột phá công nghệ, sếp vừa phải... khỏe để 'hấp dẫn' nhân viên

Kim Ngân

Ý kiến

()