Từ ngày 17/4, anh Phan Thanh Sơn chính thức được bổ nhiệm làm Giám đốc Công nghệ FPT IS. Tân CTO của FPT IS có hơn 20 năm làm việc tại các công ty đa quốc gia, 15 năm gắn bó với Cisco, trải qua các vị trí Giám đốc Công nghệ và Tổng Giám đốc của Cisco Việt Nam.
Anh gọi FPT IS là cơ duyên bởi đây là đối tác của Cisco suốt thời gian qua khi anh cùng công ty Equant IS tham gia dự án Thiết lập hạ tầng Internet quốc gia đầu tiên cho Việt Nam mà FPT IS là nhà thầu chính... Vì vậy, gia nhập FPT IS, anh cảm giác như trở về nhà gặp những người thầy, người anh bởi trong quá trình làm việc đó, anh đã có cơ hội hợp tác và học hỏi nhiều từ các lãnh đạo của FPT.
Anh cho rằng, FPT IS là công ty tích hợp hệ thống lớn nhất tại Việt Nam, có tầm nhìn đầy tham vọng và thực hiện nhiều sứ mệnh lớn, khó ai có thể làm hoặc dám làm như: Hệ thống chuyển mạch tài chính quốc gia, hệ thống Thuế cho Việt Nam và Bangladesh… Do đó, anh mong muốn mang những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng bản thân đã đúc kết, rèn luyện suốt hơn 20 năm trong môi trường công ty đa quốc gia để đóng góp cho sự phát triển của FPT IS.
Tân CTO đánh giá, FPT IS đang có cơ hội tương tự như Equant IS cách đây 20 năm với thách thức “Thay đổi hay là chết”. Từ năm 1997, Equant IS có 1.700 nhân viên, doanh số 260 triệu USD. Đến năm 2011, Equant IS (sau khi sát nhập với Global One trở thành OBS của Frances Telecom) đã là công ty 7 tỷ Euro với 30.000 nhân viên.
"Tôi cảm nhận cơ hội tương tự đang có ở FPT IS để tôi có thể tham gia vào cuộc chuyển đổi sang một thời kỳ phát triển mới của FPT IS. Chỉ khác lần này là một công ty Việt Nam và tôi không dự định chỉ là một quan sát viên", Tân CTO của FPT IS nhấn mạnh.
Anh Sơn mong muốn mang những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng bản thân đã đúc kết, rèn luyện suốt hơn 20 năm trong môi trường công ty đa quốc gia để đóng góp cho sự phát triển của FPT IS. Ảnh: S.T. |
Xuất phát từ tâm niệm đó, anh đặt mục tiêu xây dựng ở FPT IS một “cỗ máy cách tân (Innovation Engine), đón nhận ý tưởng từ bên trong, từ khách hàng/đối tác, từ bên ngoài… Từ đó, phát triển thành những công nghệ tiềm năng hàng triệu USD, đáp ứng nhu cầu khách hàng và thị trường.
Anh cũng đặt mục tiêu sẽ xây dựng các kế hoạch trung hạn/dài hạn cho chiến lược, nền tảng, nguồn lực công nghệ của FPT IS dựa trên các cách tân công nghệ; Đưa FPT IS lên vị trí đứng đầu, tiên phong ở Việt Nam, và top đầu trong khu vực về định hướng, cung cấp giải pháp, xây dựng hệ sinh thái công nghệ. Đồng thời, thực hiện quá trình Digital Transformation ngay trong FPT IS nhằm mang lại hiệu quả điều hành, kinh doanh qua mô hình F-on-F (FPT on FPT), trong đó khách hàng chính là FPT IS và các công ty con của FPT.
Trong thời gian đầu tiếp nhận "ghế nóng", tân CTO FPT IS sẽ tập trung làm việc với các cấp quản lý để hiểu rõ hơn về nhu cầu, khó khăn và kỳ vọng của từng bộ phận về nguồn lực, công nghệ; Tiếp xúc với nhóm Giải pháp giao thông vận tải và Thành phố thông minh để nắm giải pháp hiện tại và góp ý những phản hồi trước mắt cùng với các thông tin hỗ trợ. Anh cũng tìm hiểu về quy trình bán hàng/quá trình dự báo để đưa ra những giải pháp triển khai CRM (Customer Relationship Management - quản lý các mối quan hệ khách hàng) hướng đến giải phóng chuyên viên kinh doanh khỏi văn phòng; Tìm hiểu chính sách, mô hình phối hợp với Ban Truyền thông trong truyền thông, tiếp thị, xây dựng nhận thức, xây dựng thương hiệu và vai trò dẫn dắt của FPT IS về công nghệ (nội bộ và đại chúng)...
Song song với đó là ưu tiên nghiên cứu và xây dựng các giải pháp mới về hạ tầng, phần mềm nền tảng để phát triển các phần mềm đóng gói mới, phần mềm cho thuê, "may đo" theo nhu cầu; Định hướng, chỉ đạo và giám sát các hoạt động và dự án R&D (Research & Development) nhằm phát triển các giải pháp mới cho công ty; Xây dựng, thiết kế kiến trúc hạ tầng, ứng dụng phục vụ hoạt động quản trị nội bộ của FPT IS...
Anh Phan Thanh Sơn đặt mục tiêu xây dựng ở FPT IS một "cỗ máy cách tân/ Innovation Engine”, đón nhận ý tưởng từ bên trong, từ khách hàng/đối tác, từ bên ngoài… Từ đó, phát triển thành những công nghệ tiềm năng trị giá hàng triệu USD, đáp ứng nhu cầu khách hàng và thị trường. Ảnh: S.T. |
"Tôi từng làm CTO Cisco trong 12 năm, đồng thời với các vai trò khác như phát triển thị trường, phụ trách lập kế hoạch và chiến lược nên trước tiên tôi cảm thấy mình “làm được”. Thứ hai, những điều mới, quy mô mới, bối cảnh mới, môi trường mới, khó khăn hiện tại cho tôi cảm giác của sự thách thức, hứng thú, của những suy nghĩ mang tính chiến lược để có thể đáp ứng trên mức mong đợi của Ban lãnh đạo, nội bộ công ty cũng như khách hàng, cổ đông và các bên liên quan khác", anh Sơn trải lòng về sự kỳ vọng của Ban lãnh đạo FPT IS đối với một CTO.
Đánh giá cao tham vọng và tiềm năng công nghệ của FPT IS, nhưng anh Sơn cũng cho rằng các giải pháp, công nghệ tại đơn vị còn chưa được tổ chức hợp lý, chưa được sắp xếp vào các tầng/module của kiến trúc ICT tổng thể để có thể tiếp nhận, tư vấn hiệu quả đến khách hàng. Bên cạnh đó, FPT IS chưa là doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng The Third Platform/SMAC nên những thách thức ở vị trí CTO không dễ dàng thực hiện nếu không có sự ủng hộ của Ban lãnh đạo cũng như các công ty thành viên của FPT IS.
“Phía trước là bão tố, bình minh, đỉnh núi, vực sâu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bên cạnh là những người chị, người anh, người đồng nghiệp sống nhiệt thành, cháy với đam mê..., những bước chân tôi đã thấy rộn ràng, vững tin hơn trước”, tân CTO trải lòng về hành trình sắp tới tại FPT IS.
Phan Thanh Sơn sinh năm 1970, tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Bách Khoa TP HCM, và từng đảm nhiệm vị trí TGĐ và CTO của Cisco Việt Nam. Anh có những đóng góp quan trọng khi đưa rất nhiều công nghệ mới của Cisco đến với thị trường Việt Nam. Anh cũng là diễn giả chính trong nhiều hội nghị CNTT quan trọng của quốc gia và ở sự kiện công nghệ của FPT. Ngoài ra, anh còn là thành viên chủ chốt trong hoạt động của rất nhiều hiệp hội, câu lạc bộ CNTT trong nước và quốc tế. |
Thiên Bình - Thanh Trang
Ý kiến
()