Chúng ta

Khi người nông dân lập trình

Thứ hai, 6/6/2016 | 10:49 GMT+7

Xuất thân từ vùng quê lúa Thái Bình, chàng thanh niên Vũ Văn Đông đăng ký thi khoa Cầu đường thuộc Đại học Xây dựng, chuyên ngành Tin học ứng dụng với mong ước sau này góp phần xây dựng quê lúa giàu mạnh hơn. Nhưng cơ duyên đưa Đông gia nhập FPT Software vào năm 2003 để từ đó đến nay là mười mấy năm làm việc hết mình, lăn xả cả ngày lẫn đêm, triền miên một cách rất cần mẫn ở các dự án thuộc mảng thị trường nước Anh, sang thị trường Mỹ rồi về thị trường Nhật Bản.

Chính Đông cũng không ngờ số phận đưa đẩy anh sau hơn chục năm lại trở thành Giám đốc Trung tâm Phần mềm số 17 thuộc Đơn vị phần mềm chiến lược số 17 (FSU17.BU17) tại thành phố biển Đà Nẵng nằm giữa Trung bộ xa xôi.

Năm 2015, FSU17.BU17 trở thành một trong các điểm sáng của FPT Software khi đạt mức tăng trưởng doanh thu 43% và lợi nhuận 31% so với năm 2014. Để có được thành công như vậy, người chèo lái con thuyền BU17 đã phải sát cánh cùng anh chị em cán bộ nhân viên làm việc không ngừng nghỉ.

24-6089-1465101265.jpg

Năm 2015, đơn vị FSU17.BU17 của anh Đông trở thành một trong các điểm sáng của FPT Software khi đạt mức tăng trưởng doanh thu 43% 

Đầu tiên là quy trình. Khách hàng HMP (Nhật Bản) đòi hỏi rất cao trong hai lĩnh vực: Quy trình sản xuất và bảo mật thông tin. Đây là khách hàng thuộc diện end-user (người dùng đầu cuối) nên các dự án đầu tiên với khách hàng đều chưa có một quy trình nào hoàn chỉnh. Đội dự án đã phải rất chủ động đề xuất cũng như đưa ra quy trình với khách hàng trong giai đoạn một năm. Bản thân phía khách hàng cũng thiếu nguồn lực chịu trách nhiệm về quy trình nên BU17 gặp không ít khó khăn, nhất là khi khách hàng thường xuyên thay đổi quy trình. Sau một thời gian, quy mô công việc bắt đầu tăng và khách hàng đã cùng với đội ngũ quản lý của BU17 từng bước cải tiến và hoàn thiện quy trình. 

Tiếp theo, năng suất cũng là một trong các mục tiêu team phải nỗ lực. Lúc đầu, một nhân viên Việt Nam chỉ đạt năng suất bằng 0,24 so với nhân viên người Nhật Bản (số liệu do khách hàng phân tích và cung cấp). Trước hoàn cảnh đó, Đông và đội ngũ lãnh đạo BU17 đã đề ra kế hoạch cải thiện và cam kết với khách hàng để thực hiện việc đo đạc và phân tích năng suất hằng tháng. Số liệu này được đưa ra bàn bạc trong các cuộc họp định kỳ cấp cao để đánh giá, tìm kiếm giải pháp khắc phục, nâng cao năng suất.

Hiện nay, một nhân viên tại Việt Nam đạt năng suất bằng 2 nhân viên Nhật Bản (gấp 8,3 lần so với lúc bắt đầu). Khách hàng đánh giá rất cao những cố gắng của nhóm đồng nghiệp tại Việt Nam, coi đơn vị  là “đối tác quan trọng và không thể thiếu”.

Song song với việc hoàn thiện quy trình, nâng cao năng suất, Đông cũng đã xây dựng được đội ngũ BA (Business Analytics - phân tích nghiệp vụ kinh doanh) vừa có khả năng hiểu nghiệp vụ tiếng Nhật ở mức có thể tự trao đổi trực tiếp với khách hàng nhuần nhuyễn, vừa có khả năng kỹ thuật cũng như tự tìm hiểu và phân tích hệ thống. Toàn bộ 13 thành viên BA được tham gia đào tạo cũng như vượt qua các kỳ thi đánh giá định kỳ mà khách hàng tổ chức. 70% thành viên có khả năng độc lập tác chiến mà không cần sự hỗ trợ của đội ngũ biên/phiên dịch viên tiếng Nhật. Khách hàng hoàn toàn tin tưởng vào BU17 và tiếp tục mở rộng sự hợp tác, giao nhiều dự án với khối lượng công việc bắt đầu từ giai đoạn Spec/SRS (giai đoạn xác định yêu cầu dự án).

BU17 cũng luôn duy trì và đảm bảo tốt các yêu cầu về bảo mật thông tin theo tiêu chuẩn rất chặt chẽ của khách hàng. Tất cả vấn đề phát sinh đều được Đông xử lý rất nhanh, ngăn chặn kịp thời các rủi ro có thể tiếp tục xảy ra.

Năng suất đội ngũ nhân viên tăng cao, sản phẩm đạt chất lượng tốt (có dự án như DOCSetting được khách hàng 9 lần đánh giá điểm thoả mãn là 100/100), an toàn thông tin được đảm bảo xuyên suốt. Từ tiền thân là Trung tâm MASC chỉ có 10 người, đến nay, FSU17.BU17 đạt quân số 170 người với tăng trưởng lợi nhuận 31% một năm.

“Người nông dân” ngày xưa đi dép lê, quần rộng ống, nay đã thành đạt với một vợ, một con gái, một con trai xinh xắn, quần áo lịch sự, đi lại bằng chiếc ô tô Ford Ecosport láng bóng nhưng mỗi khi xuống xe, anh em nhân viên ngồi quán nước nhìn thấy vẫn phải thốt lên: “Sếp mình dù có dát vàng nhìn vẫn ‘nông dân’ một cục”. Và dù giấc mơ “xây dựng quê lúa” thủa thiếu thời nay đã rất xa xôi, mỗi khi Vũ Văn Đông phải lên sân khấu trong các dịp liên hoan tổng kết đơn vị, đám cưới đồng nghiệp thì bài hát mà anh lựa chọn đầu tiên luôn là “Hát về quê lúa hôm nay”.

Vũ Văn Đông, sinh năm 1979, gia nhập FPT năm 2003 và hiện là GĐ FSU17.BU17 - FPT Software Đà Nẵng . Anh là một trong 100 cá nhân xuất sắc cấp tập đoàn năm 2015 và được vinh danh hồi đầu tháng 3 vừa qua ở Myanmar.

>>Chuyên gia thương thuyết của FPT Shop

Theo sách FPT 100

Ý kiến

()