Chúng ta

Một chặng đường đã qua

Thứ sáu, 25/5/2018 | 13:34 GMT+7

Ở FPT, có mấy ai mà làm được chuyện động trời như vậy? Kèm cặp Phó Tổng giám đốc FPT, phang anh Hùng râu - người 4.000 năm mới có một - và đốn ngã Tổng giám đốc Công ty Phân phối FPT. Có mà ngủ mơ giữa ban ngày. Vậy mà lại là chuyện có thật.

Tôi gia nhập FPT Internet từ cuối năm 2000, tính đến nay cũng đã gần 3 năm. Khoảng thời gian đó không phải là dài so với con đường 15 năm FPT đã qua. Tôi đã chứng kiến nhiều những cuộc chia tay với các anh, chị và các bạn cùng trang lứa. Tôi cũng đã được đại diện cho công ty đón thêm nhiều lớp người trẻ tuổi gia nhập tập đoàn. Nhưng dù là chia ly hay chào đón thì tôi thấy công ty vẫn đang ngày một lớn mạnh hơn, mỗi người như chúng tôi ngày một trưởng thành hơn. Nhân dịp công ty tròn 15 tuổi, tôi có một vài cảm xúc chia sẻ với những thành viên đã, đang và sẽ trở thành một phần không thể thiếu của FPT.

Lành mạnh và phát triển

Tôi là một đứa may mắn hơn nhiều so với những đứa trẻ khác. Tôi nghĩ vậy. Bởi vì ngoài việc đi học sớm một năm, tôi lại chỉ phải học chương trình đại học 5 năm trong vòng có 3 năm rưỡi. Khi tôi cầm tấm bằng cử nhân từ Hà Lan về thì những đứa bằng tuổi mới bắt đầu học chuyên ngành. Vào thời điểm đó, trong số những người bạn thân của tôi, chỉ có PtDuc là có việc làm. PtDuc gia nhập FPT được hơn 3 năm và công tác tại phòng Web thuộc FPT Internet. Sau một vài lần nói chuyện, Đức rủ tôi về FPT làm cùng. Lúc đó, ấn tượng của tôi về FPT là mạng TTVN, cảm nghĩ của tôi về công ty là sự ngưỡng mộ. Tôi tự nhủ rằng nếu làm việc tại đây chắc là mình phải cố gắng nhiều lắm thì mới có thể tồn tại được. Thực ra, tôi chưa có định hình gì về công việc cả, chỉ có một bầu nhiệt huyết muốn đem những gì đã học để cống hiến mà thôi. Nhưng nếu chỉ có vậy, thì chắc là tôi sẽ chưa quyết định đi làm cho FPT ngay.

Quyết định gia nhập FPT của tôi là do tác động của ông cụ thân sinh ra PtDuc. Một lần đến rủ PtDuc đi chơi, tôi được ngồi nói chuyện với bác. Khi tôi hỏi bác về việc Đức làm ở FPT, bác đã khuyên tôi một câu mà đến giờ tôi vẫn nhớ mãi: "Thực ra các cháu còn trẻ thì làm ở đâu cũng được, làm việc gì cũng làm được. Nhưng bác nghĩ là nên lựa chọn nơi nào LÀNH MẠNH VÀ PHÁT TRIỂN. Bác thấy FPT là một nơi như vậy." Không biết những người bạn FPT của tôi có nghĩ rằng công ty là một nơi lành mạnh và phát triển đối với họ hay không. Nhưng cho đến tận bây giờ, hình như đây vẫn là lý do lớn nhất khiến tôi gắn bó và cống hiến cho công ty này.

Đi khách

Công việc chính của tôi cũng như khoảng 60% nhân viên tại FPT Internet là đi bán hàng. Hằng ngày, tôi phải đi gặp khách hàng, thuyết phục họ xây dựng website cho công ty hoặc quảng cáo trên Internet. Hồi năm 2000, người dùng Internet Việt Nam còn ít. Các doanh nghiệp hầu như hững hờ với web nên mỗi khách hàng đối với chúng tôi còn quý hơn cả thượng đế. Thuyết phục họ quan tâm đến Web và Internet đã khó. Hẹn để được gặp mặt trình bày về các lợi ích của thương mại điện tử thì là cả một cơ hội lớn. Chúng tôi gọi mỗi lần đi gặp khách hàng như vậy là đi khách. Mỗi ngày, một nhân viên kinh doanh web giỏi lắm đi khách được 4 lượt. Công việc thì vất vả nhưng hiệu quả chẳng được bao nhiêu vì thực ra lúc đó thị trường Internet Việt Nam mới có khoảng 200.000 người dùng là cùng. Tôi còn giữ một thói quen là trước khi đi khách đều nói cho các anh chị thiết kế biết để được nhận những lời chúc may mắn từ mọi người. Đôi lúc, những lời chúc làm tôi cảm thấy tự tin hơn.

Cho đến bây giờ, Công ty Truyền thông FPT đã có những thành tựu nhất định trong kinh doanh. Phòng Quảng cáo và Phát triển của tôi cũng đã tăng trưởng gấp 5-6 lần ngày xưa về mọi mặt. Tuy nhiên, việc đi khách vẫn diễn ra thường xuyên và hầu như không khác xưa là mấy. Nhiệm vụ mới khiến thỉnh thoảng tôi phải ngồi lỳ ở văn phòng vài ngày. Những lúc như vậy, thấy nhớ điên lên và phê lòi như một con nghiện. Đi khách là nghề của tôi mà.

Học hát “MTĐ đi tắm sông”

Tôi là một thằng cực kỳ máu me nghệ thuật nhưng lại rất ngại thể hiện. Thực ra, các môn như hát, đàn, vẽ, nặn tượng, võ, cờ, bơi, bóng, gấp giấy, nhảy dù… và cả múa tôi đều đã được học qua từ hồi nhỏ ở cung thiếu nhi. Dài thì 3, 5 năm. Ngắn thì cũng là 3 tháng. Bố mẹ sợ tôi là con trai, lớn lên nếu đất nước có chiến tranh thì sẽ phải đi bộ đội. Nếu có chút hiểu biết nghệ thuật sẽ được vào văn công, đỡ phải ra tiền tuyến.

Cũng vì yếu tố lịch sử đó mà tôi hoà nhập với văn hoá và con người FPT rất nhanh. Chỉ cần trong các đám hồi hè đình đám của FPT có hát hò là tôi sẽ chú ý nhẩm theo và gần như thuộc ngay lời những bài hát đó. Người ta gọi là học mót. Học mót giúp tôi biết khá nhiều bài hát Stico. Tuy nhiên, lần đầu tiên tôi được học một bài hát Stico lại là trong một lần đi đá bóng cùng đội tuyển FPT.

Lúc đó khoảng cuối năm 2002, anh Hoàng Minh Châu ra Hà Nội công tác đã đến cổ vũ đội tuyển FPT trong một trận đấu thuộc Giải Hà Nội League lần thứ I. Sau trận đấu, anh Châu, anh Nguyễn Thành Nam và cả đội bóng kéo nhau ra quán bia Cây Si trên đường Chùa Bộc. Hết vài tuần bia uý lạo, anh Châu bắt đầu cổ vũ mọi người hát. Đầu tiên là bài “Người FPT” bằng tiếng Việt. Rồi bài “The FPT” bằng tiếng Anh. Anh Châu bắt nhịp và chúng tôi hát theo. Lúc đầu còn ngại nhưng sau thì chúng tôi hát say sưa trong ánh mắt tò mò của tất cả các bàn nhậu khác. Tôi còn nhớ, gần như một nửa số nhân viên phục vụ của quán Cây Si và không dưới 10 ông khách nhậu đã quay hẳn về phía chúng tôi để nghe hát. Hát một lúc, anh Châu, anh Nam chuyển qua kể về những kỷ niệm Stico, những câu chuyện cười vui. Tôi còn nhớ anh Châu kể chuyện “Người xứ Nghệ học tiếng Anh” với I did và I do thế nào mà chúng tôi ai cũng cười chảy cả nước mắt.

Thế rồi, anh Châu bắt đầu dạy khởi xướng việc khôi phục và truyền bá một bài hát Stico mà theo anh là đã thất truyền từ lâu. Đó là bài “MTĐ đi tắm sông” được phóng tác theo dân ca Nga. Nếu chỉ là một bài hát thông thường thì không có gì lạ. Nhưng sự hấp dẫn là ở chỗ anh Châu vừa hát vừa kể lịch sử bài hát, giải nghĩa từng câu hát. Bài hát có câu:

“Dòng Trường Giang trào dâng…

… Nếu so da người trắng hơn cò…”.

Anh Châu giải thích rằng lông con cò thì trắng rồi nhưng nếu không so lông mà so da thì người trắng hơn cò.

Hoặc như câu:

“…Tàu từ từ tăng hết số

Lúc ló ra người vẫn bơi đầu…”

Thì anh giải thích là thực ra là người đâu có bơi mà đứng trên mũi tàu ngầm cho nên tăng hết số thì người vẫn bơi đầu.

Rồi đến đoạn kết:

“…Người từ từ buông khăn tắm

Trắng phau phau trừ mỗi nốt ruồi…”

Cái này thì quả là cao trào của bài hát và cũng là cao trào của tinh thần Stico mà lớp những người hậu duệ chúng tôi được học, được cảm từ những người đã sáng lập ra Stico. Chúng tôi say sưa nghe, say sưa hát và cảm thấy trong mình như mới chảy thêm một dòng máu nữa. Dòng Trường Giang Stico đang trào dâng.

Marketing

Người ta nói rằng FPT là một trường đào tạo lớn nhưng thực tế mô hình đào tạo ở đây là “Training on job” chứ chẳng có trường lớp nào cả. Có nghĩa là công việc, thách thức, sự khích lệ và tin tưởng giúp từng nhân viên phát huy hết khả năng và tự rút ra những bài học cho mình.

Tôi cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó. Tôi học được cách đánh giá khách hàng tiềm năng từ những lần đi khách với PtDuc. Qua anh KhoaNV, tôi biết được những mối quan hệ có giá trị như thế nào khi làm việc với các cơ quan nhà nước. Những lần thất bại giúp tôi dần tìm ra được những chiêu thức để đánh bại các đối thủ từ VDC, NetNam… Nhưng có lẽ chị Chu Thanh Hà mới thực sự là người khiến tôi có những thay đổi tích cực về phong cách làm việc FPT. Lần đó, tôi được tháp tùng chị HaCT đến một buổi chiêu đãi của DAAD (Viện Hàn lâm Đức). Ngoài chuyện cảm thấy vinh dự vì đang là một nhân viên quèn mà lại được tháp tùng phó giám đốc thì tôi chỉ nghĩ làm sao đi đứng chào hỏi cho cẩn thận thôi. Tuy nhiên, mọi việc diễn ra ngoài suy đoán của tôi. Có lẽ chẳng bao giờ tôi tưởng tượng được rằng ngay từ khi bước vào sảnh đợi thì chị Hà đã bận rộn với việc rút name card ra làm quen với bất cứ giám đốc công ty, các khách mời là doanh nghiệp Đức tại Việt Nam. Chị chủ động giới thiệu về FPT, dịch vụ kết nối Internet và hỏi xem công ty họ đang dùng Internet của VDC hay Netnam và mời dùng thử dịch vụ của FPT. Phần tôi, chị giới thiệu làm về thiết kế website và hỏi tôi lấy name card ra để tiện liên lạc. Lúc nào, tôi mới thấy ngượng vì lúc chiều đi chẳng chuẩn bị gì cả, đành khất hẹn với khách hàng.

Ấn tượng về việc một cán bộ quản lý cấp cao trực tiếp tiếp thị dịch vụ khiến tôi đã có rất nhiều thay đổi trong suy nghĩ về công việc và cách làm việc. Công việc của tôi bây giờ cũng có nhiều cơ hội trao đổi trực tiếp với chị HaCT hơn. Và tôi luôn nhớ mang theo mình rất nhiều name card cũng như không bao giờ quên bài học Marketing ngày ấy.

Kèm cặp anh NgọcBQ, phang anh Hùng râu và đốn ngã anh Hoàng Nam Tiến như thế nào?

Ở FPT, có mấy ai mà làm được chuyện động trời như vậy? Kèm cặp Phó Tổng giám đốc FPT, phang anh Hùng râu - người 4.000 năm mới có một - và đốn ngã Tổng giám đốc Công ty Phân phối FPT. Có mà ngủ mơ giữa ban ngày. Vậy mà lại là chuyện có thật.

Theo tôi có ít nhất 20, 30 cầu thủ của các bộ phận khác nhau đã có vinh dự được kèm anh NgọcBQ trong các giải bóng đá thuộc FPT. Số thường xuyên phang chân anh Hùng râu sau những pha đua tốc độ bất thành thì vô số. Còn số đốn ngã được anh Tiến “béo” trên sân đất thì ít hơn. Nhưng tôi là một thằng có cả ba vinh dự như vậy. Mà lại không phải một lần.

Tôi còn nhớ trận đầu tiên xách giầy đi đá cho FOX là trận gặp FHO trong giải Thu Đông năm 2000. Lúc đó mới vào FPT hơn 1 tuần. Tôi đá cánh phải, được giao kèm một anh râu ria xồm xoàm nhưng rất khoẻ và máu, lại còn đi giầy đinh. Pha đầu tiên, tôi vừa phá bóng vừa chủ động phang ngay một phát vào chân xem đối phương phản ứng thế nào. Cũng chẳng biết là do giầy đinh hay tại quen rồi nên đối thủ của tôi chẳng phản ứng gì cả, chỉ lùi về phần sân nhà. Đang định bụng đá tiếp thì tôi bị mấy anh ở ngoài sân thay ra ngay tức khắc. Chả hiểu mô tê gì, chỉ nghĩ rằng chắc là mình mới vào công ty nên các anh cho đá thế là tốt rồi. Đến lúc về mới thấy mọi người bàn tán hỏi là thằng nhân viên mới của phòng web tên là gì mà dám đá anh Hùng râu và mãi đến sau này mới biết anh Hùng râu là chồng chị HaCT. Thảo nào, chả ai dám động vào anh ý. Mỗi mình. Hú vía.

Sau trận đầu tiên ấy, còn nhiều lần tôi được tham dự các giải đá bóng của FFF. Và đối thủ đáng nhớ nhất của tôi lại không phải là Hùng râu mà là anh NgọcBQ. Bất cứ trận nào gặp FHO là tôi được giao kèm anh Ngọc. Thứ nhất tôi chơi hậu vệ nhưng không được to con nên anh em FOX nghĩ rằng anh Ngọc sẽ không cảnh giác về tôi lắm. Thứ hai, tôi khá bình tĩnh nên khi kèm sẽ không sợ bị tâm lý vì anh Ngọc chửi, doạ đuổi việc… Có lẽ vậy mà tôi kèm anh Ngọc khá thành công. Chưa bao giờ anh Ngọc có thể ghi bàn trong những trận cầu giữa FOX và FHO. Tôi cũng chỉ chăm chú vào việc hạn chế tối đa các pha lẻn xuống ghi bàn của anh Ngọc bằng các tiểu xảo mà tôi có. Tôi không biết anh Ngọc có bức xúc gì không nhưng cho đến giờ tôi vẫn làm việc tốt ở FPT và đá bóng cho cả đội tuyển nữa. Hi vọng, sẽ vẫn còn được kèm cặp anh NgọcBQ.

Anh Hoàng Nam Tiến béo như thế nào thì ai ở FPT cũng biết. Thế nhưng đốn ngã anh Tiến “béo” thế nào thì chắc là chỉ có tôi mới có vinh dự đó. Mà tôi nhớ, tôi đã đốn ngã anh Tiến béo đến hai lần. Ở trên tôi đã nói là tôi không được đô con cho lắm nên đá hậu vệ thường rất yếu thế trong các pha tì người hoặc dùng sức mạnh. Anh Tiến béo khi đá tiền đạo thường có thói quen nhận bóng trong tư thế xoay lưng về phía khung thành bạn rồi đè hậu vệ nhả bóng cho tuyến hai lên sút xa. Biết đặc điểm đó, tôi áp sát, để bị đè rồi khi anh Tiến béo nhấc một chân lên nhận bóng chuyền tới thì tôi “xin bát cơm nguội” vào chân trụ còn lại của anh. Thế là “Uỵch”. Cả thân hình to lớn của anh Tiến dập xuống sân. Trọng tài và tất cả khán giả đều chẳng hiểu thế nào mà tôi có thể hạ một võ sĩ sumo như vậy. Chỉ biết rằng, đến tận bây giờ, tôi vẫn mong có một ngày được xin lỗi anh Tiến béo.

Những câu chuyện tôi kể trên đây chỉ là một phần trong rất nhiều câu chuyện đời thường ở FPT mà tôi đã gặp. Tôi còn nhiều nhiều nữa những điều muốn kể về FPT, về FOX và về phòng Web của tôi. Tôi cũng ấp ủ một dự định viết về tất cả các FPT Nhân của phòng Web. Nhưng thời gian và công việc chưa cho phép tôi làm việc đó. Hẹn một ngày mai nhé FPT.

Lương Công Hiếu

Công ty Truyền thông FPT

Ý kiến

()