STCo là nội dung thi cuối cùng để tìm ra "BU toàn năng" nhân dịp sinh nhật FPT Software Đà Nẵng lần thứ 11. Đơn vị thắng cuộc có cơ hội nhận giải thưởng trị giá 11 triệu đồng. Chương trình sẽ diễn ra vào trưa ngày 30/8, tại phòng họp 300 người của tòa nhà FPT Complex.
GĐ sản xuất FPT Software Đào Duy Cường là một trong ba vị giám khảo sẽ tham gia chấm điểm nội dung thi STCo. |
Ban giám khảo ngoài anh Nguyễn Tuấn Phương, GĐ FPT Software Đà Nẵng, và Lâm Hoàng Sơn, Cán bộ Truyền thông FPT Software, còn có GĐ Sản xuất FPT Software Đào Duy Cường. Đây là lần đầu tiên anh Cường nhận lời mời ngồi ghế nóng một chương trình nghệ thuật của FPT Software.
“Năm ngoái được tham dự lễ kỷ niệm 10 năm FPT Software Đà Nẵng, tôi đã rất ấn tượng với sức trẻ, độ máu và sáng tạo của anh em. Vì vậy, khi được mời, tôi háo hức nhận ngay. Xoay quanh những chủ đề, tôi kỳ vọng sẽ thu nhận được nhiều ý kiến đa chiều để cải tiến các chính sách liên quan", anh Cường cho biết lý do ngồi ghế nóng.
Phần thi STCo sẽ có 7 tiết mục được trình diễn theo hình thức kịch hoặc nhạc kịch với chủ đề "Hay dở F-Complex". Mỗi tiết mục có thời lượng tối đa 10 phút, ít nhất 3 người trên sân khấu, và phải có đại diện lãnh đạo đơn vị tham gia. Tiết mục thắng cuộc phải đảm bảo các yếu tố sáng tạo, dàn dựng, diễn xuất, kịch bản và lãnh đạo tham gia. Bên cạnh đó, nội dung và trang phục thi phải phù hợp thuần phong mỹ tục. Kịch bản, diễn xuất trên sân khấu không được dùng những từ ngữ thô tục, kể cả tiếng lái, tiếng các miền, phiên âm…
Cơ cấu giải thưởng gồm: Đỉnh của đỉnh; Sáng tạo bá đạo; Dàn dựng công phu; Thâm thúy; Diễn viên chính xuất sắc; Diễn viên phụ xuất sắc. Điểm trong phần thi STCo còn mang tính quyết định đến giải "BU toàn năng".
"BU toàn năng" có tổng cộng 4 hoạt động, gồm: Vợt lưới Champion, Bowling Champion, Ba môn phối hợp và STCo. Ba nội dung trước đó đã diễn ra sôi nổi, hấp dẫn và nhiều tiếng cười. Nằm trong chương trình sinh nhật, FPT Software Đà Nẵng cũng đã tổ chức lễ vinh danh hơn 60 cá nhân có đóng góp 5 và 10 năm.
Được thành lập ngày 13/8/2005, trong 11 năm qua, FPT Software Đà Nẵng không ngừng nỗ lực đưa đơn vị trở thành điểm đến hấp dẫn về xuất khẩu phần mềm. Hiện có trên 30 công ty lớn trên thế giới đã chọn FPT Software Đà Nẵng để ủy thác dịch vụ phần mềm, trong đó phần lớn là các đối tác Nhật Bản. Trong 3 năm gần đây, mảng xuất khẩu phần mềm của FPT Đà Nẵng luôn đạt con số tăng trưởng trung bình 50-60% mỗi năm, đội ngũ kỹ sư CNTT cũng tăng lên nhanh chóng, từ khoảng 400 người trong năm 2011 lên gần 2.000 người năm 2016. Nhiều dự án trị giá triệu USD với các đối tác lớn trên thế giới đã được triển khai tại FPT Đà Nẵng, đặc biệt là các dự án theo xu hướng công nghệ mới điện toán đám mây. Để đáp ứng mục tiêu 10.000 người và 300 triệu USD doanh thu vào năm 2020, trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2020, FPT Software Đà Nẵng cần tuyển trung bình từ 800 đến 2.000 người mỗi năm. Cuối tháng 4 vừa qua, đơn vị đã khánh thành công trình FPT Complex, tọa lạc ở quận Ngũ Hành Sơn, dự án giai đoạn một đáp ứng nơi làm việc cho 3.200 người và hoàn thiện vào năm 2020 với sức chứa 10.000 người. Thành công của FPT góp phần đưa Đà Nẵng đạt tổng doanh thu toàn ngành CNTT năm 2015 tăng 15,9% so với năm 2014; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt gần 49,3 triệu USD, tăng trưởng 50% so với 2014. |
>> FPT Software Đà Nẵng vững bước tuổi 11
Việt Nguyễn
Ý kiến
()