Chúng ta

Chuyển đổi công nghệ cơ hội và thách thức

Thứ tư, 18/7/2018 | 09:15 GMT+7

Bây giờ nghĩ lại chúng tôi vẫn mơ ước giá nhưng lúc đó chúng tôi táo bạo hơn, có nhiều kinh phí để đầu tư hơn chắc chắn qui mô khách hàng của FPT Telecom, thị phần của FPT Telecom còn lớn hơn nữa. Đối với lĩnh vực viễn thông mỗi lần thay đổi công nghệ là một cơ hội to lớn đối với những công ty nhanh nhẹn, có lựa chọn đúng đắn và có khả năng tạo ra một cuộc chơi mới.

Vào khoảng năm 2012, một bài toán lớn đối với FPT Telecom là băng thông cho Internet sau một thời gian dài nâng cấp đã đạt mức độ giới hạn, tốc độ trung bình của cáp đồng với công nghệ ADSL là 10Mbps, một vài khu vực cáp tốt thì chúng tôi đạt được tối đa 14Mbps, các công nghệ mới hơn như VDSL… cũng chỉ mang lại băng thông cỡ 25Mbps.

Sau khi tìm hiểu, mời đủ các chuyên gia về hạ tầng phân tích thì chúng tôi đối diện với một thách thức lớn là mạng cáp dày đặc như mạng nhện treo ngoài đường có chất lượng rất tệ, tồi hơn là các hộp đấu nối cáp chúng tôi gọi là các tập điểm treo trên cột điện bị ảnh hưởng của mưa, nắng liên tục làm các mối nối bị ảnh hưởng nghiêm trọng gần như không có cách khắc phục. Với tình hình này chắc chắn chúng tôi sẽ húc vào tường vì không thể tiếp tục nâng cao băng thông Internet cho các khách hàng lên nữa và hiển nhiên đây sẽ là ác mộng với kinh doanh, vì hàng năm chúng tôi đều cạnh tranh với đối thủ, giữ chân khách hàng bằng cách nâng tốc độ và giữ nguyên giá cước. Phải làm gì đây ? Trong cùng thời điểm đó trên thị trường các công ty truyền hình cáp lớn như SCTV, VTVCab và vô vàn các công ty truyền hình cáp ở các tỉnh phát triển vô cùng mạnh mẽ thu hút một số lượng lớn thuê bao chấp nhận trả tiền để xem truyền hình. Viettel người khổng lồ viễn thông sau khi thành công với di động cũng xây dựng một dự án vô cùng lớn về truyền hình trả tiền với những nhân sự theo chúng tôi đánh giá là tốt nhất về truyền hình và viễn thông thời điểm đó.

Theo những thông tin chính thống cũng như vỉa hè thì có vẻ sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng thì Viettel sẽ triển khai cáp đồng trục trên toàn quốc để cung cấp cả dịch vụ truyền hình và Internet, trong năm 2013 họ sẽ triển khai trên toàn quốc. Còn VNPT lúc đó khá thành công với khoảng 600.000 khách hàng truyền hình theo công nghệ IPTV nhưng cũng tương tự chúng tôi là chất lượng IPTV tệ do hoạt động trên cáp đồng không ổn định. Đối với chúng tôi lúc đó dễ nhất là làm theo thị trường, theo cách Viettel cứ thế triển khai cáp đồng trục. Đối với nhóm kĩ thuật của FPT Telecom, tôi, anh Khoa TGD lúc đó, thì chúng tôi không thoả mãn với phương án này. Cá nhân tôi và anh Khoa đánh giá cáp đồng trục không phải là tương lai, chúng tôi tin tưởng cáp quang mới là tương lai.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó chỉ có Hàn Quốc, Nhật Bản thành công với việc triển khai cáp quang FTTH (Fiber-to-the-home) và cần phải tìm hiểu lý do gì không ở đâu triển khai được ngoài 2 nước đó. Câu trả lời hoá ra rất đơn giản là từ những báo cáo của các công ty hàng đầu về nghiên cứu thị trường chúng tôi biết được triển khai cáp quang chi phí rất lớn, riêng thiết bị lắp cho nhà khách hàng đã cao gấp 3 lần thiết bị chúng tôi đang cung cấp rồi hạ tầng, rồi cáp… đều có chi phí cao hơn nhiều lần.

Nhưng với kinh nghiệm thực tiễn FPT Telecom đã làm thì chúng tôi tin tưởng có thể giải quyết bài toán này bằng những cách rất đặc biệt, vậy là tổ “Đánh hàng Quảng Châu” được thành lập gồm có tôi, anh Việt Anh (phụ trách mua hàng), HuyVD, anh TuấnPA, anh ToảnNC, KhoaPV có nhiệm vụ lang thang đi khắp nơi để tìm được các kiểu đối tác có thể giúp chúng tôi triển khai hạ tầng quang với chi phí tương đương cáp đồng. Một nhiệm vụ khá kì lạ giống như việc làm sao để sản xuất xe máy với chi phí sản xuất tương đương xe đạp vậy.

Ban đầu, cách dễ nhất là chúng tôi gặp hầu hết các công ty lớn về thiết bị viễn thông của Trung Quốc như Huawei, ZTE, Fiberhome và đặt cho họ một yêu cầu về mua hàng cho 50.000 thuê bao với chi phí cao hơn cáp đồng cỡ 50%. Chúng tôi đều nhận được những cái lắc đầu cùng với lời chào thân ái. Với vống tiếng Trung đủ để gọi món ăn của anh Việt Anh chúng tôi lần mò ở Trung Quốc đến những công ty OEM là những công ty sản xuất cho Huawei, ZTE, Fiberhome, các công ty sản xuất cáp, sản xuất vật tư phụ trợ… để tìm lời giải. May mắn lại đến vào một dịp hội thảo tôi và anh Khoa tham dự, vô tình chúng tôi đã gặp được một công ty OEM lớn nhưng lại có năng lực về R&D khá tốt. Chúng tôi liều mình chém gió hỏi: "Nếu tao cam kết mua vài trăm ngàn thuê bao mày có bán được giá như vậy không? (vào lúc đó FPT Telecom mới có 900.000 thuê bao, con số vài trăm ngàn chuyển sang cáp quang là không tưởng).

Và sau nhiều ngày đàm phán chúng tôi đã tìm được điểm chung. Nhưng ngay cả trong Ban điều hành của FPT Telecom cũng chỉ có tôi và anh Khoa ủng hộ phương án triển khai cáp quang, số còn lại đòi hỏi triển khai ngay cáp đồng trục để kinh doanh truyền hình cáp cho nhanh. Vậy là vào cuối 2013 chúng tôi triển khai song song cáp đồng trục và truyền hình cáp tại Bình Dương, cáp quang ở vài chi nhánh nhỏ, đồng thời chuẩn bị xin giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Do đây là dự án lớn nên cả anh Trương Gia Bình, anh Bùi Quang Ngọc đều quan tâm và triệu tập chúng tôi họp hàng tuần đề bàn xem phương án triển khai cáp đồng trục cùng truyền hình cáp hay cáp quang với truyền hình IPTV?

Rồi dần dần anh Khoa thuyết phục chị Chu Thanh Hà, Chủ tịch FPT Telecom, đồng ý triển khai cáp quang và chúng tôi cùng nhau làm, anh Bình, anh Ngọc tin rằng chỉ có hạ tầng cáp quang mới là tương lai cả chục năm tới của FPT Telecom. Chúng tôi mạnh dạn hơn nữa tìm cách chuyển đổi toàn bộ cả những thuê bao cáp đồng ở Hà Nội và TP HCM sang luôn hạ tầng quang trong 2 năm 2014-2015, cũng như các chi nhánh mới mở sẽ triển khai hạ tầng quang.

Vậy là kế hoạch swap thuê bao ra đời huy động đầy đủ các đơn vị từ hạ tầng, chăm sóc khách hàng, kinh doanh tham gia và tôi được tin tưởng giao nhiệm vụ phụ trách dự án này. Với một lực lượng hàng năm lắp đặt mới cỡ 200.000 thuê bao, chúng tôi vạch ra kế hoạch đầu tiên là chuyển đổi 120.000 khách hàng tại Hà Nội và TP HCM sang hạ tầng mới tức là tăng 50% khối lượng công việc. Bắt đầu việc này ngay từ tháng 1/2014, đến tháng 5/2014, tất cả các dấu hiệu đều khả quan, tiến độ chuyển đổi đúng kế hoạch, khách hàng chuyển sang hạ tầng mới có đánh giá rất tốt về chất lượng dịch vụ, số lượng bán mới ở các khu vực cáp quang tăng gấp đôi. Đến tháng 6 chúng tôi quyết định tiếp tục tăng thêm 50% khối lượng công việc lên mức chuyển đổi 200.000 thuê bao trong năm 2014 và vào thời điểm đó chúng tôi đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ Internet cáp quang cho 400.000 khách hàng trên toàn quốc.

Cùng thời điểm này FPT Telecom cũng thành lập đơn vị mới tập trung phát triển IPTV trên hạ tầng cáp quang với mục tiêu cung cấp tới khách hàng một dịch vụ truyền hình số kiểu mới với chất lượng vượt trội, chúng tôi đặt mục tiêu cứ 10 khách hàng đăng kí Internet thì có 8 khách hàng đăng kí IPTV. Đến cuối năm 2014, chúng tôi hoàn tất chuyển đổi 240.000 khách hàng ở Hà Nội và TP HCM sang hạ tầng quang, quý 3 năm 2015 cũng hoàn tất chuyển đổi toàn bộ thuê bao tại hai địa phương này, song song đó là tiến hành triển khai swap tại 5 tỉnh lớn trên toàn quốc. Đến 2015, FPT Telecom trở thành nhà mạng có số lượng thuê bao FTTH lớn nhất tại Việt nam và rất nhanh chóng Viettel cũng thay đổi kế hoạch chuyển sang đầu tư hạ tầng quang trên toàn quốc với số lượng hàng triệu cổng kết nối, tiếp theo đó là VNPT.

Đến năm 2016, tổng số thuê bao FTTH của toàn bộ Việt Nam là 4 triệu thuê bao tăng 21 lần so với 2013, FPT Telecom tự hào là những người tiên phong trong cuộc chuyển đổi công nghệ lớn này. Bây giờ nghĩ lại, chúng tôi vẫn mơ ước giá nhưng lúc đó chúng tôi táo bạo hơn, có nhiều kinh phí để đầu tư hơn chắc chắn qui mô khách hàng của FPT Telecom, thị phần của FPT Telecom còn lớn hơn nữa, đối với lĩnh vực viễn thông mỗi lần thay đổi công nghệ là một cơ hội to lớn đối với những công ty nhanh nhẹn, có lựa chọn đúng đắn và có khả năng tạo ra một cuộc chơi mới.

Vũ Anh Tú

PTGĐ FPT Telecom 

Ý kiến

()