Chúng ta

Xử lý sự cố nhanh, FPT Telecom được tặng HC Chiến công hạng Nhì

Thứ sáu, 22/9/2017 | 22:44 GMT+7

Vượt khó khăn để nhanh chóng kết nối lại hệ thống Internet và khắc phục sự cố do cơn bão số 10 gây ra ở miền Trung, Viễn thông FPT được tập đoàn tôn vinh.

TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc vừa quyết định trao thưởng HC Chiến công hạng Nhì và 20 triệu đồng cho FPT Telecom.

Các tập thể được khen thưởng gồm: Ban Quản lý và Phát triển Đường trục (PMB); Trung tâm Phát triển và Quản lý hạ tầng miền Bắc (INF); Trung tâm Điều hành mạng (NOC); Trung tâm An ninh mạng (CSOC); Trung tâm Hệ thống Thông tin (ISC), Trung tâm Giám sát và Đảm bảo dịch vụ (SCC); Trung tâm Quản lý Đối tác phía Bắc (TIN); các chi nhánh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; đội xe thuộc Văn phòng phía Bắc.

6-1505931197-1200x0-8189-1506079032.jpg

Bão có thể quật ngã cây cối nhà cửa, nhưng không thể quật ngã được lòng người FPT Telecom - những chiến binh kiên cường. Ảnh: Ngọc Thắng.

Tối ngày 15/9, bão số 10 quần thảo với sức gió ở cấp 12-13 (115-150 km/h), giật cấp 15 khiến đường truyền Internet trục Bắc Nam bị đứt. Ngay lập tức, nhân sự FPT Telecom nỗ lực khắc phục trong đêm. Sáng ngày 16/9, FPT Telecom đã hàn xong các mối cáp đứt, tín hiệu dần được khôi phục toàn hệ thống.

Ban Quản lý đường trục (PMB) và Trung tâm Phát triển hạ tầng miền Bắc (INF), hai đơn vị có nhiệm vụ quản lý và đảm bảo hạ tầng, đã phải huy động tối đa nguồn lực để khắc phục. Nhớ lại khoảnh khắc, anh Phan Văn Khoa, PGĐ INF miền Bắc, cho hay, khi cơn bão có nguy cơ ảnh hưởng tới các tỉnh ven biển, INF đã thông báo cho các đơn vị lập tức kích hoạt kịch bản phòng, ứng cứu bão số 10.

Trực tiếp tham gia công tác khắc phục sự cố ngày 15/9, anh Khoa thông tin, trục Bắc - Nam có hơn 20 điểm bị đứt, sự cố nặng nhất từ trước đến nay, khiến hạ tầng tê liệt. Ngay trong đêm mưa bão, 3 nhóm nhân sự đã phải "xé gió" để tìm vị trí và khắc phục. “Anh em đoàn kết chiến đấu vì trách nhiệm, danh dự và dịch vụ của rất nhiều khách hàng đang chờ”, anh Khoa chia sẻ và cho hay, cả đêm anh và các đồng sự không ngủ để tìm và xử lý sự cố, băng qua vùng ngập sông Gianh hay đi bộ dọc đường sắt 5 km để tiếp cận điểm đứt và hàn nối kênh...

F3A0E29A3C5D180B2990B8E1BCA18D-3086-3757

Lần đầu anh em TIN (Hà Nội) và PNC (Sài Gòn) hội ngộ trong hoàn cảnh đặc biệt. Ảnh: TIN-PNC.

Là nhân sự thuộc FPT Telecom Hà Tĩnh đi SWAP (chuyển đổi hạ tầng) tại Nghệ An, Quách Hữu Thưởng được điều động trở lại đơn vị trước khi bão vào. “Nghe tin bão là thấy bồn chồn rồi. Tôi về nhà để hỗ trợ gia đình cũng như sẵn sàng cùng các đồng nghiệp ứng cứu sự cố nếu có”, anh Thưởng khảng khái.

Ngay sau bão, như các đồng sự khác, Thưởng đã phải làm gấp đôi gấp ba so với bình thường. “Thông thường ngày 5 ca, tham gia khắc phục hậu quả của bão, chúng tôi làm 12-15 ca. Từ sáng sớm đến 7-8h tối mới về lại văn phòng”, Thưởng chia sẻ và cho biết, sau khi hoàn thành ở thành phố Hà Tĩnh, sáng ngày 22/9, anh được điều động vào Kỳ Anh, địa phương bị thiệt hại nặng nhất, để tiếp tục công việc.

Trước đó, tối 17/9, hậu phương hùng hậu từ Hà Nội (TIN - 70 người) và Sài Gòn (PNC - 30 người) cùng xung phong vào miền Trung hỗ trợ đồng nghiệp.

Sáng 17/9, GĐ Trung tâm Quản lý Đối tác phía Nam - anh Phạm Như Hoài Bảo thông báo toàn Phương Nam về việc tuyển nhân sự tình nguyện ra miền Trung hỗ trợ. Sau một giờ, có đủ 30 người từ các đội đăng ký. 22h đêm đó, chuyến tàu đêm đã khởi hành từ ga Sài Gòn đưa 30 “chiến binh chống bão" của Phương Nam hướng về Quảng Bình. Khác với những hành khách bình thường, mỗi người Phương Nam mang theo một chiếc thang và lỉnh lỉnh những thiết bị chuyên dụng.

8-1505886563-660x0-5267-1506079032.jpg

Chia sẻ trước giờ lên tàu về Quảng Bình, Ngô Đình Phước, Phương Nam 1, cho hay, nhà ở huyện Quảng Ninh, sát thành phố Đồng Hới, nên anh là một trong những người đăng ký đầu tiên. "Không có nhiều cơ hội về quê, nên ban ngày làm việc còn buổi tối tôi tranh thủ chạy về nhà phụ mẹ. Bão số 10 đã cướp đi số lượng lớn cây rừng keo của gia đình", anh thông tin. "Chuyến này vừa về thăm nhà vừa được hỗ trợ quê hương nên tôi rất háo hức và nỗ lực tối đa". Ảnh: Việt Nguyễn.

“Nhận thông tin, tôi không kịp suy nghĩ gì ngoài việc đồng ý”, anh Chung Quốc Huy, Giám đốc Phương Nam 4, quản lý nhóm nhân sự đơn vị ra miền Trung hỗ trợ, chia sẻ.

Chỉ vài tiếng, anh Huy phải hoàn thành “núi việc”: Tập hợp danh sách, ra ga mua vé tàu, nhắc nhở anh em chiến binh chuẩn bị đầy đủ thiết bị. “Đây là lần đầu tiên ra miền Trung công tác và hỗ trợ bão lũ nên rất nóng lòng đến nơi để cùng khắc phục với anh em Quảng Bình”.

Từng đi hỗ trợ kỹ thuật ở nhiều tỉnh miền Tây rồi quản lý SWAP Cần Thơ thành công, Huy tự tin sẽ hoàn thành thật tốt công việc hỗ trợ miền Trung khắc phục bão. Tuy nhiên, do vài năm gần đây nhân sự kỹ thuật của Sài Gòn chỉ làm cáp quang trong khi Quảng Bình lại là cáp đồng, với nhiệm vụ để anh em nắm bắt ADSL nhanh nhất, ngay trên tàu, anh Huy đã lên phương án chia tách tổ hợp lý, dành thời gian đào tạo lại quy trình triển khai cáp đồng, đấu nhảy ở tủ cáp, tập điểm, cách đo đếm port và sử dụng máy đặc thù… để tàu đáp Quảng Bình là có thể vào việc ngay.

Tính đến chiều 22/9, “FPT Telecom Quảng Bình đã cơ bản hoàn thành việc khắc phục sự cố. Cả chi nhánh chỉ còn khoảng 150 ca bảo trì. Dự kiến thứ Bảy (ngày 23/9) mọi công tác sẽ hoàn tất”, anh Nguyễn Mậu Nhật Khánh, PGĐ FPT Telecom Quảng Bình, chia sẻ.

K1-1367-1505930171.jpg

Giám đốc FPT Telecom Hà Tĩnh cho hay, do lượng trụ điện và cây ở Kỳ Anh đổ nhiều khiến đơn vị gặp khó trong công tác khắc phục sự cố. Ảnh: Ngọc Thắng.

Trong khi đó, theo GĐ FPT Telecom Hà Tĩnh - anh Phạm Trần Phúc Hậu, nhờ sự hỗ trợ của TIN và anh em chi nhánh, đơn vị đã hoàn thành kết nối cho các khách hàng ở thành phố Hà Tĩnh và Hồng Lĩnh. “Tất cả nhân sự đang dồn về Kỳ Anh. Do một vài khó khăn phát sinh nên dự kiến đến Chủ nhật này, việc khắc phục sự cố cho những khách hàng cuối cùng sẽ cơ bản hoàn thành”, anh Hậu khẳng định.

>> Vừa canh vợ sinh con, vừa trực bão

Nguyên Văn

Ý kiến

()