Sự kiện do Chungta.vn tổ chức chiều ngày 7/12, tại tầng 13 toàn nhà FPT Cầu Giấy (Hà Nội). Chủ tịch Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT Telecom Chu Thanh Hà cùng nhiều chứng nhân quan trọng trong hành trình 20 năm Internet FPT đồng hành Việt Nam như Nguyễn Công Toản, Phạm Thanh Tuấn, Nguyễn Hoài Nam, Hoàng Trung Kiên, Vũ Giáng Hương, Nguyễn Thị Thu Phượng, Thái Thanh Sơn, Lê Minh Đức, Trần Thanh Hải… đã có mặt trong cuộc hội ngộ này. Khách mời đặc biệt là TS. Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu Điện, người đã ký giấy phép để FPT có thể đưa dịch vụ Internet đến với người dân Việt Nam.
TS. Trực luôn được người FPT nói chung và FPT Telecom nói riêng kính trọng vì những đấu tranh không ngừng nghỉ của ông chống lại sự bảo thủ để những doanh nghiệp tư nhân có thể kinh doanh dịch vụ Internet. Nhưng khi được phát biểu, ông thẳng thắn nói rằng chính ông mới là người phải cảm ơn FPT, cảm ơn những con người đã kiên trì theo đuổi lý tưởng lan tỏa Internet, kiên trì đấu tranh với cơ chế độc quyền để giờ đây người Việt Nam được tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. “Các bạn thành công chứng tỏ quyết định của tôi đúng đắn. Các bạn thất bại cũng chính là tôi thất bại”, ông chia sẻ.
TS. Mai Liêm Trực là người đã đấu tranh không ngừng để chống lại cơ chế độc quyền, cho phép doanh nghiệp tư nhân cung cấp Internet. |
Trong phần chia sẻ của mình, niềm tin vào trí tuệ và ý chí của người FPT chính là cơ sở để TS. Mai Liêm Trực ký giấy phép ISP (nhà cung cấp dịch vụ) cho FPT Telecom. Và những gì nhà Cáo làm được đã chứng minh rằng niềm tin của ông được đặt đúng chỗ.
Khi Việt Nam chưa có Internet, FPT đã có mạng Trí tuệ Việt Nam (TTVN), một sản phẩm tiền thân của mạng xã hội, tạo cho người dùng một thói quen và một không gian tương tác nội bộ với nhau trước khi Internet chính thức vào Việt Nam năm 1997. Thời đó, những người trẻ tuổi như Chu Thanh Hà, Thái Thanh Sơn, Nguyễn Thị Huệ, Lã Hồng Nguyên… đã lập nickname, chat với nhau, bán C sủi, lập box Tâm sự… Toàn những thứ vài ba năm sau đó giới trẻ mới quen dùng. “Chỉ một cái nhấp chuột là một bức thư đã được gửi đến máy tính cách xa gần chục cây số là điều làm tôi rất phấn khích. Cũng từ đây, nhiều đôi đã nên duyên, nhiều tổ ấm được hình thành sau này”, chị Hà hồi tưởng.
Đằng sau những quyết định mang tính lịch sử lại là những câu chuyện vô cùng giản dị. |
Khi có giấy phép, khách hàng của FPT Telecom tăng không ngừng. 30% thị phần Internet của Việt Nam như một giấc mơ đã thành sự thực của nhà Cáo. Đội bán hàng thời kỳ đầu là những người phổ biến cho người dân biết Internet là gì, hiểu vì sao lại phải dùng Internet và dùng Internet như thế nào trước khi đi mời chào khách hàng. Những chiêu độc, lạ liên tục được tung ra như: Khuyến mại tặng modem, thẻ cào Internet trả trước, dùng đội kinh doanh trẻ, PG xinh đẹp tiếp cận khách hàng... “Cứ mỗi lần nghe âm thanh "tè tè tè" rồi "rít rít rít" của modem báo thông tín hiệu tôi lại vui mừng khôn xiết. Giờ nghĩ lại vẫn thấy yêu vô cùng”, chị Lê Minh Đức, một trong những salesman máu lửa đời đầu, nhớ lại.
Thử thách đến nhưng những cái đầu cứng không chịu khuất phục. Đã có những lúc đường cùng khi VNPT triển khai ADSL và không cho nhà mạng khác thuê hạ tầng. Trước bờ vực, FPT Telecom phải “phá rào”, đưa người chưa có kinh nghiệm dắt cả nhân viên nữ đi kéo cáp chui. Lúc bị cơ quan chức năng “tuýt còi” tưởng như FPT Telecom đã sụp đổ. "Sống hay là chết", nhà Cáo chọn thay đổi mô hình công ty để có được giấy phép hạ tầng năm 2005.
Sau 20 năm, thế hệ cũ và mới của nhà Cáo cùng ngồi với nhau "ôn cố tri tân". |
Trong 5 năm, FPT Telecom đã gần phủ kín toàn Việt Nam và vươn ra Campuchia. Người từ khắp các đơn vị ở FPT đổ về nhà Cáo vẫn không đủ nhân lực cho sự phát triển mới. Những giám đốc vùng được giao nhiệm vụ tìm người. Những người trẻ có thực lực được giao trọng trách. Những người từ nhà mạng khác cũng được câu kéo về. Anh Phạm Thanh Tuấn, GĐ Vùng 5, phải dùng chiêu bắt mối mời đi nhậu, đi hát lâu ngày mới có thể “tán” được “chiến tướng” từ một nhà mạng lớn về với FPT.
Khi các cánh quân đổ về tỉnh, FPT Telecom quyết định xây tuyến trục Bắc - Nam đáp ứng tốt hơn việc cung cấp Internet ở các địa phương mà FPT có mặt. Với nhân lực, vật lực hạn chế, đoàn quân kéo cáp trục đã làm được điều tưởng chừng không thể: Hoàn thành tuyến trục trong 9 tháng 10 ngày. Không thể kể hết những khó khăn mà 27 thành viên trong Ban dự án đã phải trải qua. Kéo liền mạch hơn 8 km cáp trục qua hầm đèo Hải Vân là một phần làm nên điều không tưởng đó. Trong khi các nhà mạng khác phải nối hai đoạn cáp 4 km và thường xuyên bị sự cố thì đoạn cáp này của FPT vẫn luôn là niền tự hào của Ban dự án ngày đó.
"Cáo cần phải thay đổi. Hãy trở thành Sư tử để chiếm lấy lãnh thổ riêng", Chủ tịch Trương Gia Bình nhắn nhủ. |
Đó là những trang lịch sử hào hùng đã khép lại, những cơ hội mới đang mở ra cũng mang theo nhiều thách thức. Chuyến tàu Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tới liệu FPT Telecom có bắt kịp? Và ai sẽ là người “nhảy tàu”? Đó là câu hỏi đặt ra cho những người trẻ nhà Cáo. Theo anh Trần Thanh Hải, CTO FPT Telecom, việc trước tiên là chúng ta cần thay đổi định nghĩa về thuê bao không chỉ là số người mà phải là số lượng thiết bị kết nối với Internet. Nếu vậy, cơ hội của FPT không chỉ là 90 triệu dân Việt Nam mà đó có thể là hàng chục tỷ thiết bị IoT. Đó là nguồn cung cấp dữ liệu khổng lồ cho FPT.
Chủ tịch Trương Gia Bình nhấn mạnh, đây chính là cơ hội để FPT Telecom thay đổi lần nữa. Đã đến lúc Cáo phải trở thành Sư tử để chiếm lĩnh lãnh thổ riêng cho mình. "Chúng ta cần phải có một hạ tầng hùng mạnh đáp ứng cho tương lai 4.0. Để có được điều này cần phải tư duy theo cách “đầu tư trước thu lợi sau” thay vì “cấy đến đâu ăn đến đấy” như trước đây. Chúng ta đã lỡ mất 3 cơ hội trong quá khứ chỉ vì nghĩ mình là Cáo thì không được làm mà không nghĩ chân trời cũng là cơ hội. Cơ hội sẽ bùng nổ trong tương lai, chúng ta cần chuẩn bị một cách bài bản từ bây giờ để nắm bắt được những cơ hội này", anh nhắn nhủ.
Ngày 14/11/1997, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực đã ký giấy ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet) cho FPT. Tiến sĩ Mai Liêm Trực từng chia sẻ: “Tôi tin vào ý chí và tinh thần của người FPT. Đó là lý do cá nhân tôi đặt trọn niềm tin khi tham gia vào quá trình cấp phép triển khai dịch vụ viễn thông cho FPT, để FPT có thể tham gia ngay từ đầu, phá bỏ thế độc quyền, mở cánh cửa khi đưa Internet vào Việt Nam”. Những ý tưởng kinh doanh mới lạ, táo bạo và quyết liệt của FPT ngay từ khi tham gia thị trường đã góp phần xóa bỏ thế độc quyền về Internet và viễn thông trong nước, trở thành một trong những nhà cung cấp mang lại nhiều lợi ích và dịch vụ giá trị gia tăng nhất cho người dùng. Sau hai thập kỷ, từ 4 người đầu tiên, Viễn thông FPT đã có 14.000 người, bao gồm hai đối tác kỹ thuật là TIN và PNC, sở hữu tuyến trục Bắc - Nam dài hơn 9.200 km, hiện diện ở 59 tỉnh thành và không ngừng mở rộng vùng phủ ra ngoài biên giới Việt Nam. |
Nguyễn Thắng
Ý kiến
()