Chúng ta

‘Tiến sĩ não bộ’ Nguyễn Hồng Phương: 'Đừng từ bỏ nỗ lực ghi nhớ'

Thứ sáu, 10/4/2015 | 08:06 GMT+7

"Trong điều kiện công nghệ càng phát triển như hiện nay, nếu chúng ta phó thác hết cho các sản phẩm công nghệ mà từ bỏ thói quen và nỗ lực ghi nhớ thì chẳng khác gì chúng ta đánh mất "quyền làm người" của chính mình", TS. Nguyễn Hồng Phương nhấn mạnh. 

Ngày 2/4 vừa qua là thời khắc ý nghĩa và nhiều cảm xúc đối với TS. Nguyễn Hồng Phương, Trưởng Ban Đào tạo và Phát triển chương trình ĐH FPT, khi chứng kiến 15 sinh viên nhận chứng chỉ Memory Grand Master do TGĐ Tổ chức Kỷ lục châu Á Biswaroop Roy Chowdhury trực tiếp trao.  Đây có thể coi là phần tưởng thưởng xứng đáng cho nỗ lực rèn luyện của giảng viên và sinh viên ĐH FPT trên con đường khám phá và chinh phục năng lực não bộ còn rất mới mẻ ở Việt Nam.

Không chỉ là Tiến sĩ CNTT trẻ nhất FPT, Trưởng Ban Đào tạo và Phát triển chương trình ĐH FPT còn được mọi người gọi với cái tên trìu mến “Tiến sĩ não bộ”, bởi chị là người thầy đầu tiên tại Việt Nam đưa việc rèn luyện não bộ vào chương trình đào tạo. Chúng ta trao đổi với TS. Nguyễn Hồng Phương về cột mốc quan trọng này:

-  Cơ duyên nào đưa chị đến với lớp học của TS. Biswaroop?

- Đó là một buổi tối thứ Sáu, ngày 9/5/2014, ĐH FPT phối hợp với Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục châu Á và Dynamic Team Việt Nam tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Tối ưu hóa năng lực trí nhớ trong học tập và giảng dạy”. Đã ngồi vị trí Chủ tịch hội đồng bảo vệ đề án tốt nghiệp suốt hơn 10 giờ, tôi tự hỏi bản thân có còn đủ sức tham dự hay không nhưng cái tên hội thảo quá hấp dẫn cùng với bản tính vốn cầu toàn của mình, tôi quyết định “phải cố thêm hai tiếng nữa”. 

Chúng tôi - giảng viên, cán bộ nhân viên và sinh viên ĐH FPT - đã hoàn toàn bị chinh phục bởi trí nhớ tuyệt vời của TS. Biswaroop Roy Chowdhury. Trong 5 phút đầu tiên, ông đã ghi nhớ và đọc xuôi rồi đọc ngược lại đầy đủ 50 số bất kỳ do 25 bạn sinh viên cung cấp ngẫu nhiên. Ngay sau đó, chỉ với vài phút, kỷ lục gia thế giới về não bộ đã giúp chúng tôi có thể nhớ, đọc ngược, đọc xuôi và đọc ngẫu nhiên một danh sách có 15 món phải đi chợ vào cuối tuần này theo đúng thứ tự. 

Điều đó chứng tỏ TS. Biswaroop Roy Chowdhury có phương pháp ghi nhớ và nếu kiên trì rèn luyện, ai cũng có thể làm được chứ đó không phải là một khả năng thiên phú.

trong điều kiện công nghệ càng phát triển như hiện nay, nếu chúng ta phó thác hết cho các sản phẩm công nghệ, từ bỏ thói quen và nỗ lực ghi nhớ thì chẳng khác gì chúng ta đánh mất “quyền làm người” của chính mình

Theo "Tiến sĩ não bộ" Nguyễn Hồng Phương, trong điều kiện công nghệ càng phát triển như hiện nay, nếu chúng ta phó thác hết cho các sản phẩm công nghệ, từ bỏ thói quen và nỗ lực ghi nhớ thì chẳng khác gì chúng ta đánh mất “quyền làm người” của chính mình. 

- Sau khi “ngộ đạo” khả năng của TS. Biswaroop, chị đã bước vào việc rèn luyện não bộ như thế nào? 

- Ngay sau buổi sinh hoạt chuyên đề “Tối ưu hóa năng lực trí nhớ trong học tập và giảng dạy”, tôi trao đổi với gia đình và quyết định sẽ tham dự chương trình tập huấn của TS. Biswaroop Roy Chowdhury diễn ra vào ngày hôm sau. Mục tiêu ban đầu chỉ là đi học để nắm phương pháp và hướng dẫn lại cho con. Ngoài ra, tôi cũng muốn cải thiện trí nhớ của bản thân và mong muốn rèn luyện để khi về già không mắc bệnh… mất trí nhớ.

Sau nhiều tuần rèn luyện, tôi đã nghiệm thấy những kết quả đáng kể như: Khả năng ghi nhớ tốt hơn, vận dụng được phương pháp ghi nhớ khi đi du lịch nước ngoài để nhớ tên người, tên địa danh, học các câu giao tiếp tiếng nước ngoài thông dụng… Tất cả đều diễn ra một cách dễ dàng.

Các phương pháp tiếp thu được từ khóa hoc đã giúp tôi ghi nhớ nhanh hơn, lâu hơn, có khoa học hơn và nhờ đó tiết kiệm được thời gian trong công việc và cuộc sống. Sử dụng các phương pháp này hằng ngày cũng giúp não hoạt động thường xuyên và trở nên linh hoạt, nhạy bén hơn. 

- Từ những kết quả thiết thực này mà chị quyết định cho ra đời ý tưởng và hiện thực hóa khóa học “Nâng cao năng lực não bộ” vào tuần định hướng dành cho 100% tân sinh viên? 

- Sau khi được hướng dẫn và qua một thời gian rèn luyện, các con tôi đã cải thiện đáng kể khả năng ghi nhớ. Điều đó khiến tôi hình thành mong mỏi lớn hơn, đó là đưa các phương pháp cải thiện trí nhớ, nâng cao năng lực não bộ vào chương trình đào tạo cho sinh viên FPT, giúp các em có thể tiếp cận và ứng dụng những phương pháp ghi nhớ này trong việc học tập lẫn cuộc sống. Vì vậy, tôi tiếp tục tham gia khóa huấn luyện chuyên viên đào tạo do Trung tâm Huấn luyện năng lực não bộ Bimemo tổ chức vào tháng 7/2014.

Đến tháng  9/2014, khóa học “Nâng cao năng lực não bộ” chính thức được đưa chương trình rèn luyện kỹ năng trong tuần lễ định hướng cho 100% tân sinh viên ĐH FPT. Sinh viên được học cách tập trung để học tập và làm việc hiệu quả bằng việc liên tưởng, liên kết đến những hình ảnh, câu chuyện và hành trình xoay quanh đời sống thường ngày với những kiến thức được học. 

Trong khóa học này, sinh viên được hướng dẫn các kỹ thuật học thuộc danh sách 20 đồ vật; học thuộc, đọc ngược và đọc xuôi 50 số; ghi nhớ danh sách công việc cần giải quyết; các nguyên tắc để nhớ các sự kiện lịch sử, số điện thoại, cụm số liệu; cách ghi nhớ kiến thức được truyền đạt trong lớp, cách ghi nhớ nội dung chính của một quyển sách; cách tính toán để biết thứ từ ngày tháng năm…

Sinh viên FPT thể hiện khả năng

Sinh viên FPT thể hiện khả năng đoán thứ từ ngày, tháng, năm bất kỳ và đọc lại 50 số bất kỳ. 

-  Vậy, kết quả đạt được từ khóa học “Nâng cao năng lực não bộ” dành cho 100% tân sinh viên ĐH FPT như thế nào? 

- Theo tôi, tất cả sinh viên đều cảm thấy thích thú, ngạc nhiên về khả năng của bộ não. Tuy nhiên, nếu không kiên trì luyện tập thì nó sẽ không trở thành kỹ năng của mỗi người.

Rào cản lớn nhất với sinh viên là sự trì hoãn. Đây là quán tính chung của con người. Tôi biết gần 2.000 học viên đã đăng ký học trực tiếp TS. Biswaroop Roy Chowdhury với học phí khá cao nhưng số lượng học viên thật sự rèn luyện hằng ngày thì lại không nhiều. Đó là lý do mà tôi tiếp tục xây dựng chương trình "Hành trình khám phá não bộ" kéo dài trong 2 tháng cho 55 sinh viên được chọn và 15 em trong số này hiện nay có kết quả học tập khá tốt.

- Chỉ có 15 trong số hàng trăm sinh viên vượt qua kỳ kiểm tra năng lực não bộ và nhận chứng chỉ Memory Grand Master, chị nhận xét như thế nào về lứa trái ngọt đầu tiên này?

- Đây là con số rất khả quan và đáng khích lệ. Tôi cũng rất ấn tượng với cảm nhận của kỷ lục gia thế giới Biswaroop Roy Chowdhury trong buổi lễ trao chứng chỉ Memory Grand Master cho sinh viên FPT. 

Ông chia sẻ, bản thân đã đi rất nhiều nước trên thế giới, đến với nhiều trường đại học, trong đó có cả những đại học danh tiếng và ông thật sự ấn tượng về kết quả mà ĐH FPT đạt được, rất xuất sắc. Với những kết quả này, TGĐ Tổ chức Kỷ lục châu Á tin tưởng các em sẽ có khả năng tiếp tục nâng cao năng lực não bộ để thực hiện những đam mê của mình, như câu slogan của ĐH FPT - “Khát vọng đổi thay - Dream of Innovation”.

TS. Biswaroop Roy Chowdhury (phải) - TGĐ Tổ chức Kỷ lục châu Á, kỷ lục gia thế giới về não bộ, trực tiếp trao chứng chỉ

TS. Biswaroop Roy Chowdhury (phải), TGĐ Tổ chức Kỷ lục châu Á, kỷ lục gia thế giới về não bộ, trực tiếp trao chứng chỉ Memory Grand Master cho sinh viên ĐH FPT.

- Với những sinh viên đạt chứng chỉ Memory Grand Master vừa qua, chị và nhà trường có kế hoạch gì để bồi dưỡng, đào tạo các sinh viên này có cơ hội thử sức ở những sân chơi lớn hơn?

- Hiện nay, tôi vẫn động viên các em duy trì hoạt động luyện tập. Tháng 6 tới, Tổ chức kỷ lục Việt Nam sẽ có những kỳ thi trí nhớ cho các cá nhân, hy vọng sinh viên FPT sẽ là những thành viên đi đầu trong những hoạt động này.

Tuy nhiên, cũng xin nói thêm, các em đã trưởng thành và cần biết cách tự tạo động cơ cho riêng mình. Đây cũng là một trong những nội dung đã được rèn luyện trong "Hành trình khám phá não bộ" diễn ra trong hai tháng 11-12/2014.

- Với cuộc sống hiện đại ngày nay, con người có rất nhiều công cụ hỗ trợ cho khả năng ghi nhớ như thiết bị di động, máy tính... Liệu điều này có làm cho con người lười biếng hơn trong việc ghi nhớ và vận động não bộ?

- Trong cuộc sống hiện đại, các thiết bị công nghệ thông tin đã và đang giúp con người rất nhiều trong việc lưu trữ thông tin và ghi nhớ mọi thứ. Tuy nhiên, tôi cho rằng con người vẫn nên là chủ thể cao nhất và nên chủ động cao nhất trong việc nắm bắt, ghi nhớ thông tin. Việc rèn luyện trí nhớ sẽ giúp con người thêm minh mẫn, linh hoạt hơn mà không lo sợ gây “mệt” cho bộ não.

Thứ nhất, theo các nghiên cứu khoa học, mỗi người bình thường trong chúng ta chỉ mới sử dụng tối đa khoảng 3% bộ não. Vì vậy, chúng ta đừng vội lo sợ sẽ sử dụng quá nhiều khả năng của não bộ vào việc ghi nhớ. Thứ hai, não người là tập hợp các tế bào, nếu không được vận động hằng ngày, các tế bào ấy sẽ thiếu nhạy bén, thiếu linh hoạt khiến con người phải đối mặt với những nguy cơ như suy nghĩ trì trệ, hay quên và tệ hơn là mất trí nhớ. Thứ ba, đặc biệt quan trọng, đó là trong điều kiện công nghệ càng phát triển như hiện nay, nếu chúng ta phó thác hết cho các sản phẩm công nghệ, từ bỏ thói quen và nỗ lực ghi nhớ thì chẳng khác gì chúng ta đánh mất “quyền làm người” của chính mình.

- Là người thầy trực tiếp truyền cảm hứng và hướng dẫn các phương pháp rèn luyện, chị có lời khuyên gì dành cho sinh viên FPT và những người có mong muốn nâng cao khả năng ghi nhớ?

- Kiên trì luyện tập mỗi ngày và thực hiện cam kết thứ hai của nhóm "Hành trình khám phá não bộ" là "Không bao giờ từ bỏ".

Hà Dương thực hiện

Ý kiến

()