Chúng ta
Thứ hai, 4/11/2019 | 14:47 GMT+7

Thám hoa 2019 - Ngọn lửa của Đại học FPT

12 năm gắn bó ĐH FPT, nữ trưởng phòng Công tác Sinh viên với quan điểm “chơi hết mình, làm hết sức” vẫn ngày ngày máu lửa và “cháy” để cống hiến nhiều nhất có thể. 

Thám hoa 2019 - Ngọn lửa của Đại học FPT

12 năm gắn bó ĐH FPT, nữ trưởng phòng Công tác Sinh viên với quan điểm “chơi hết mình, làm hết sức” vẫn ngày ngày máu lửa và “cháy” để cống hiến nhiều nhất có thể. 

Vội vã bước vào quán cafe cùng chiếc điện thoại trên tay, Hà vẫn chưa thể kết thúc công việc dù đã rời khỏi Hòa Lạc. Chị nhanh chóng giải quyết vấn đề về một cậu sinh viên nào đó. Ăn vận đơn giản đến mức “xuề xòa” với áo phông, quần jean, giày thể thao như nữ sinh đôi mươi. Hay bị nhầm là sinh viên, nhưng cô gái 8x từng được vinh danh là Á hậu 2 của FPT năm 2018 và vừa giành danh hiệu Thám hoa FPT 2019.

Ba năm trước, Phạm Tuyết Hạnh Hà lần đầu thi Trạng FPT. Lí do chỉ vì “rảnh rỗi sinh nông nổi”. “Tôi chuẩn bị nhiều thứ lắm. Đọc ngấu nghiến những tài liệu về FPT, hết thứ này đến thứ khác. Và tôi… trượt”, chị cười khi nhớ về ký ức đau thương ấy. Nữ trưởng phòng nhà Giáo dục cũng chẳng nhớ tại sao hồi đó lại “liều” thế, dám đăng ký một cuộc thi lớn như vậy trong khi hoàn toàn trống rỗng.

“Tôi còn nguyên cảm giác buồn bã khi bấm thang máy tầng 13 xuống sảnh tòa nhà Cầu Giấy. Tôi là một trong những thí sinh phải ra về khi không lọt vào top 16. Ngày đó cách thức thi không như như bây giờ. Dù đến với cuộc thi không có chủ đích rõ ràng, sự chuẩn bị không tới nhưng vẫn… buồn chứ”.

Song, kết quả không như ý lại là là cơ hội để Hạnh Hà nhìn ra bản thân đang ở đâu, đang thiếu điều gì. Chị không cho phép mình chững lại. Đọc sách là cách tốt nhất và nhanh nhất để bù lấp những lỗ hổng kiến thức. Chị tham gia thử thách đọc 18 cuốn sách một năm; kết quả, chị làm được nhiều hơn thế. Đến bây giờ, Hà vẫn duy trì thói quen này. Đi đâu cũng có cuốn sách trong túi để đọc mọi lúc.

Năm 2019, chị trở lại với Trạng FPT trong tâm thế vững vàng cùng sự tự tin về vốn kiến thức đã thu nạp trong những năm qua. Cuộc hội ngộ giữa Phạm Tuyết Hạnh Hà và Trạng đã được xác định từ đầu năm. Danh hiệu Trạng nguyên FPT cũng là một trong những OKR của Hạnh Hà trong năm nay. Chị đặt mục tiêu giành vị trí cao nhất như một món quà kỷ niệm 20 năm Tổ chức Giáo dục FPT.

Chặng đường để chạm tay đến danh hiệu Thám Hoa FPT 2019 của Phạm Tuyết Hạnh Hà là chuỗi ngày chuẩn bị kỹ càng. Trong thời gian gấp rút, chị tìm đến những người có hiểu biết sâu về công ty thành viên của FPT để trò chuyện, nghe ngóng, học hỏi. Chị đọc mục Góc nhìn của VnExpress hàng ngày, đọc những tài liệu về các quốc gia khác trong công cuộc chuyển đổi 4.0, phát triển nguồn nhân lực…

Ở vòng phỏng vấn, Hạnh Hà trình bày về khát vọng thay đổi, phát triển ĐH FPT cả về số lượng lẫn chất lượng. Trước Chủ tịch Trương Gia Bình, TGĐ Nguyễn Văn Khoa, chị tự tin nói về ước mơ chạm đến một ĐH FPT thật “tinh tế”, "hấp dẫn", chất lượng trong đào tạo, dịch vụ và sản sinh ra nhiều hơn những con người máu lửa, truyền cảm hứng. Đến giờ, Hạnh Hà tiếc nuối nhiều khi không thể có đủ thời gian để bày tỏ thêm những băn khoăn về FPT Education nói riêng và FPT nói chung. 
Hà trở thành Thám hoa FPT 2019, thành tích mà Chủ tịch ĐH FPT Lê Trường Tùng cho rằng còn đáng trân trọng hơn cả danh hiệu Trạng nguyên. Đó là minh chứng không thể tốt hơn cho thái độ làm việc nghiêm túc và hết mình vì mục tiêu.
Ba năm không bỏ cuộc, Phạm Tuyết Hạnh Hà cuối cùng đã hái được trái ngọt. Nhưng hơn cả, chị muốn bản thân sẽ là nguồn cảm hứng cho các đồng nghiệp. “Tôi nghĩ những người làm Giáo dục phải tiên phong trong việc tự học, tự đọc, tự rèn luyện bản thân. Cách đây 3 năm, tôi từng thất bại. Tôi nhận ra mình chẳng bằng ai cả. Hiện tại, có thể tôi vẫn chẳng hơn ai nhưng có một điều chắc chắn là tôi đã hơn chính mình ngày đó rất nhiều”, Hà nắm chặt bàn tay.

Chị lặp đi lặp lại rất nhiều lần điều này trong cuộc trò chuyện. Nhắc tới sinh viên ĐH FPT, chị như có một nguồn năng lượng vô hình, một tình yêu mãnh liệt chỉ chờ chực tuôn trào.

Gia nhập nhà F cách đây tròn một giáp, nơi đầu tiên của Phạm Tuyết Hạnh Hà đặt chân đến là phòng Văn hóa Đoàn thể (FUN) của tập đoàn. Cho đến một ngày, chị nhận được “lời mời” bất ngờ từ “Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng. Anh bảo: “Cô hợp với sinh viên đấy, về đại học làm đi”. Và đó là khởi đầu cho mối lương duyên của Hạnh Hà và ĐH FPT.

Chị nói say sưa về sinh viên, về cái cách chị dung hòa với tuổi trẻ của các bạn như nào. Chị yêu năng lượng của các bạn trẻ, yêu chính công việc của mình. 12 năm ở đây, cái Hạnh Hà luôn đặt ưu tiên lên hàng đầu là các em muốn gì, các em cần gì.

Chị cũng là người gánh trên vai trọng trách “quan hệ doanh nghiệp” để tạo việc làm cho sinh viên chuẩn bị ra trường. Những chuỗi chương trình như: The Dialogue, Here To Hunt, Company Tour giúp sinh viên nhà F có trải nghiệm ban đầu tại môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Có những ngày, công việc bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc khi đồng hồ chỉ sang ngày mới. Có lần, chị tổ chức sự kiện kéo dài liên tiếp một tuần với hàng chục hoạt động lớn nhỏ. “Về đến nhà, tôi chỉ kịp lao lên giường và thiếp đi không biết gì nữa”, chị kể.

Thời gian đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm về quản lý, chị không thể tìm ra động lực làm việc. “Thời điểm đó, tôi luôn cảm thấy mình làm chưa tốt, tự ti và xấu hổ với đồng nghiệp. Thậm chí còn làm tổn thương chính mình. Tôi bế tắc lắm”. Chị phải nhờ đến sự giúp đỡ của đồng nghiệp, của chính sinh viên để tìm những lời khuyên và hướng đi mới vững vàng hơn.

Chơi hết mình, làm hết sức, sẵn sàng dấn thân, sau cùng Phạm Tuyết Hạnh Hà vẫn hiên ngang bước đi và ngày một hoàn thiện. Đối với chị, được cống hiến, đồng hành cùng “bọn trẻ” trong nhiều năm qua luôn là những trải nghiệm đầy trân quý.

Sự gần gũi, chân thành của chị khiến rất nhiều thế hệ sinh viên ĐH FPT dù đã ra trường như Trạng nguyên FPT năm 2017 Võ Đặng Phát, như FPT Under 35 Nguyễn Hoàng Quân vẫn nhớ về “chị Hạnh Hà”. Chị tự hào rằng mình có thể kết nối với những cựu sinh viên ở hàng chục quốc gia trên thế giới như Thụy Điển, Pháp, Iceland, Nhật, Mỹ… cùng một lúc. Điều mà hiếm ai làm được.

Những năm tháng qua, Hạnh Hà chẳng thể nhớ rõ đã từng làm bao nhiêu sự kiện cho sinh viên. Chỉ trong năm 2018, chị cùng các cộng sự đã đồng hành cùng sinh viên trong nhiều sự kiện lớn như: Chuỗi cuộc thi học thuật lớn toàn FPT Edu (FPT Edu Hackathon, FPT Edu Biz Talent), Job Fair, Lễ Khai giảng, Lễ Tốt nghiệp, Tuần lễ định hướng cho tân sinh viên, Lễ Tôn vinh, Thực tập tại doanh nghiệp, Talk show Truyền cảm hứng… Hỗ trợ tổ chức các sân chơi cho sinh viên FPTU như: Cuộc thi Sinh viên tới An toàn thông tin, Cuộc thi ACM/ICPC, Cuộc đua số…

Khi được hỏi về thành công từng có được, chị vội vàng xua tay và cười xuề xòa: “Tôi không bao giờ nhớ đã làm thành công sự kiện gì. Cái tôi lưu tâm chỉ là những thất bại”.

Chị nhớ rõ từng chi tiết đã làm sai trong một sự kiện và kể như thể nó mới diễn ra ngày hôm qua. Bởi chị cho rằng đó thành công luôn ở phía trước. Và những thất bại ở quá khứ là thành công cho tương lai.

Hiểu rõ con người mình, biết mình là ai, mình ở đâu và mình muốn gì là điều chị tâm niệm trong suy nghĩ. Chị thôi thúc mình phải luôn làm gương cho nhân viên của mình. Muốn nhân viên sáng tạo, trước hết bản thân phải là người sáng tạo. Có thể mọi người nghĩ sáng tạo phải là một điều gì đó lớn lao, khủng khiếp, đột biến. Còn với chị, sáng tạo là mình tự làm mới mình, tự thay đổi mình.

“Bạn có thể xem Youtube, xem Internet. Cả kho tàng tri thức ở trên đó. Vấn đề chỉ là ta tận dụng bằng cách nào. Rất nhiều chương trình của Mỹ, của Hàn Quốc, hay chẳng đâu xa ở ngay Việt Nam có những thứ hay ho để học hỏi. Nói đơn giản hơn, trong lễ tốt nghiệp ở Harvard, ở Stanford, thay vì đứng lên đọc bài phát biểu dài dằng dặc thì sinh viên có thể đọc rap, đọc thơ. Tại sao mình không học tập và áp dụng vào ngay ĐH FPT?”.

“Tôi muốn làm nhiều hơn nữa, nâng cao cả số lượng và chất lượng sự kiện so với năm trước, mở các lớp training cho nhân viên của tôi để các bạn có thể trở thành những người đa-zi-năng, linh hoạt, làm được mọi thứ đơn giản như content, video, nâng cao tư duy thẩm mỹ… và quan trọng hơn là tinh thần học hỏi không ngừng ”, ánh mắt chị đầy hứng khởi khi nói về con đường trước mắt.

Bận rộn và căng thẳng với những ý tưởng, sự kiện nối tiếp sự kiện nhưng Hạnh Hà luôn biết cân bằng cuộc sống. “Tôi yêu bản thân. Tôi luôn biết tự thưởng và khuyến khích chính mình. Mua một cuốn sách mới hay một món đồ nữ tính sẽ khiến mình thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Và tôi đặc biệt thích… ngủ”, chị cười phá lên. 

12 năm hết mình vì công việc, cái chị nhận được là niềm tin và tình yêu của sinh viên, của nhân viên và cả lãnh đạo. Danh hiệu Á hậu 2 FPT 2018 và Thám hoa 2019 cũng là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực trong năm qua của chị.

“ĐH FPT trong tôi là văn hóa, là đồng nghiệp, là sinh viên. Mọi thứ đều quá đáng yêu, quá thoải mái để làm việc, vui chơi, thỏa sức vùng vẫy mà không bị bó buộc gì cả. ĐH FPT chính là tuổi trẻ của tôi”. 

Trâm Nguyễn

Ảnh: NVCC

Ý kiến

()
 
Tags: