Buổi thưởng trà dưới sự chủ trì của CLB trà đạo Urasenke được tổ chức tại trà thất Am Đức Viên, tầng 15 toàn nhà FPT Cầu Giấy (17 Duy Tân, Hà Nội) nhân chuyến thăm của ông Hajime Furuta đến Việt Nam. Tham gia uống trà còn có ông Nguyễn Quốc Cường, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, cùng đại diện các cơ quan của tỉnh Gifu đi theo chuyến công tác của ông Thống đốc.
Phát biểu trước khách quan, TGĐ Bùi Quang Ngọc bày tỏ niềm hân hạnh khi có trà thất đầu tiên ở Việt Nam đặt tại trụ sở tập đoàn. Trà đạo vẫn luôn được coi là sự kết tinh của văn hóa Nhật Bản. Với việc xây dựng Viên Đức Am, FPT mong muốn đây sẽ là cầu nối để văn hóa đất nước mặt trời mọc tiếp cận với nhiều hơn trước hết là CBNV tập đoàn sau đó là cho tất cả mọi người dân Việt Nam có chung niềm quan tâm.
Ông Hajime Furuta gửi lời cảm ơn tới ban lãnh đạo FPT khi đã xúc tiến việc xây dựng Viên Đức Am trong thời gian ngắn, giúp CLB trà đạo Urasenke Nhật Bản có được một trà thất theo đúng phong cách truyền thống để có thể sinh hoạt và truyền bá tinh thần vủa trà đạo. Theo Thống đốc tỉnh Gifu, uống trà tại Viên Đức Am cảm giác không khác gì tại quê nhà. “Lần sau nếu có dịp sang công tác tại Việt Nam, nơi đầu tiên tôi sẽ đến là trà thất này, uống trà xong mới làm việc khác”, ông Hajime Furuta bày tỏ.
Trà đạo là tinh hoa của văn hóa Nhật Bản. FPT mong muốn đưa nét truyền thống này của xứ Phù Tang đến gần hơn với người dân Việt Nam. |
Một tháng trước, ngày 14/10, trà thất được khai trương với sự tham gia của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu; ông Sen Genshitsu Daisosho - hậu duệ đời thứ 15 của phái Trà đạo Urasenke Nhật Bản; Chủ tịch FPT Trương Gia Bình; ông Nguyễn Phú Bình, Phó Chủ tịch CLB trà đạo Urasenke Tankokai Hà Nội, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản; ông Ashazuma Shinichi, Công sứ Nhật Bản, Văn phòng Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
Trà thất sẽ là nơi sinh hoạt định kỳ của các thành viên Câu lạc bộ Urasenke Tankokai Hà Nội kết nối và huấn luyện những người yêu thích hiểu về các giá trị của văn hóa truyền thống Nhật Bản từ các nghệ nhân truyền bá trà đạo.
Trà đạo xuất hiện ở Nhật Bản vào thế kỷ XII, đến cuối thế kỷ XVI trà đạo được trà sư Sen no Rikyu hoàn thiện. Đầu thế kỷ XIX, tức cuối thời kỳ Edo (1603-1868), văn hóa trà Nhật được phát triển rộng khắp. Việc uống trà thực sự phổ biến trong mọi tầng lớp ở Nhật Bản. Urasenke là một trong ba trường phái trà đạo chính của Nhật Bản được nhiều người biết tới.
Nguyên lý và các phép tắc trong trà đạo Nhật Bản gói gọn trong 4 từ “hòa, kính, tinh, mịch”.
"Hòa" là sự bình đẳng xã hội của mọi người trong trà thất. "Kính" thể hiện chữ hòa trên bình diện ứng xử cá nhân. "Tinh" chỉ sự tinh khiết không vướng bụi trần ai. "Mịch" không chỉ là cảnh tịch mịch tạo nên nơi trà thất.
Câu lạc bộ Trà đạo Urasenke Hà Nội được thành lập tháng 10/2015, trở thành chi nhành thứ 109 tại nước ngoài của Hiệp hội Trà đạo lớn nhất Nhật Bản Urasenke. Số thành viên của hội tính đến tháng 10/2018 là 45 người (trong đó có 34 người Nhật và 11 người Việt Nam). Hoạt động chính của Câu lạc bộ là thực hành và phổ biến trà đạo, và hoạt động giao lưu văn hóa Nhật Việt thông qua trà đạo. Mỗi tháng, Câu lạc bộ sinh hoạt luyện tập trà đạo khoảng 5 lần, ngoài ra còn tham gia rất nhiều sự kiện khác.
Nguyễn Thắng
Ý kiến
()