164 sĩ tử vượt qua vòng Sơ loại đã bước vào vòng Viết luận từ ngày 25/9. Trong vòng hai này, các sĩ tử thể hiện tư duy phân tích, tổng hợp, logic và sáng tạo qua bài thi luận theo đề thi do chính Chủ tịch Trương Gia Bình ra đề. Đề thi năm nay nói về sứ mạng của FPT trong Cách mạng công nghiệp 4.0.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, dù muốn hay không muốn vẫn đang đến rất nhanh với những hiểm họa và những cơ hội. Trong bối cảnh đó, Tập đoàn FPT quyết định chọn sứ mạng trở thành người tiên phong trong cuộc cách mạng này. Hỡi các sĩ tử Trạng nguyên của tập đoàn, các bạn có lời khuyên nào, chúng ta cần làm gì để sứ mạng của chúng ta trở thành hiện thực. Trương Gia Bình |
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra từ những năm 2000 còn được gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), mạng xã hội, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Đến nay, Cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, mang lại không ít ứng dụng trong xã hội, song đồng thời đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói riêng.
Đa phần sĩ tử tham gia Trạng 2017 đều đánh giá đề thi năm nay mang tính thời sự và gắn liền với thực tế đang biến động từng ngày. Vì đúng với xu hướng hiện nay, một số sĩ tử cho rằng đề thi khá dễ đoán. Thông tin về Cách mạng 4.0 trên báo chí và phương tiện truyền thông không thiếu, nên họ có thể dễ dàng tìm kiếm nguồn tư liệu làm bài. Tuy nhiên, cái khó của đề thi là khá chung chung, thời gian làm bài ngắn và giới hạn độ dài của bài viết.
"Mỗi đề thi đều có cái khó riêng. Đề thi Trạng năm nay cũng không ngoại lệ. Với đề tài hot như Cách mạng 4.0, sĩ tử sẽ có nhiều ý tưởng để diễn tả và sáng tạo. Nhưng điều khó khăn nhất là làm sao gói gém chúng chỉ trong 1.500 từ", anh Đinh Tiến Thịnh, FPT Telecom HCM, nhận xét.
Cách mạng 4.0 tạo nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra thách thức với con người trong tương lai. Ảnh minh họa: iotindiamag.com |
Trong khi đó, nội dung đề thi năm nay xoáy đúng vào những điều mà sĩ tử Ngô Trương Ân Thi, FPT Trading HCM, đang băn khoăn về định hướng và sứ mệnh của tập đoàn trong tương lai. Gặp được đề thi này giống hành trình đi tìm câu trả lời cho chính mình nên chị rất tâm đắc. Theo nữ sĩ tử, mục đích của BGĐ là hoàn thành sứ mệnh, nhưng liệu bao nhiêu % nhân viên biết và thực sự hiểu. Một điều nữa khiến chị suy nghĩ là làm thế nào để mọi người nhận thức về sứ mệnh này.
Để thực hiện phần thi trong thời gian ngắn, các sĩ tử cho biết họ chủ yếu khai thác và tham khảo thông tin trên mạng, nghiền ngẫm các đánh giá hay bài thảo luận của chuyên gia, tổ chức về Cách mạng 4.0, qua đó liên hệ với tình hình thực tế ở FPT để định hình nội dung bài viết. Những tin tức trên trang nội san Chungta.vn cũng được sĩ tử khai thác triệt để.
Đối với anh Bùi Quang Hùng, FPT Education, đây là một đề thi khó vì yêu cầu các sĩ tử cần có kiến thức và sự hiểu biết về tất cả đơn vị thành viên của FPT để có thể đưa ra chiến lược và giải pháp chung cho FPT nói chung và từng đơn vị nói riêng. "Với yêu cầu do anh Bình đặt ra, tôi đã tham khảo bạn bè đang làm việc ở các đơn vị trong FPT để nắm qua tình hình hoạt động hiện tại. Từ đó, tôi suy nghĩ để đưa ra quan điểm cá nhân", anh Hùng chia sẻ.
Trong phần thi luận, sĩ tử có thể đề xuất chiến lược, giải pháp hay kế hoạch hành động để đưa sứ mệnh của FPT thành hiện thực. Đây được cho là cơ hội để người FPT nói lên mong muốn và tâm tư, nguyện vọng một cách chân thực và rõ ràng nhất mà lâu nay không phải lúc nào cũng có dịp.
"4.0 thực sự là cơ hội với FPT, nhưng cơ hội này cũng tiềm ẩn nhiều thách thức" là quan điểm xuyên suốt trong bài viết của Lê Quang Trung, FPT IS. Anh Trung đưa ra hai nhóm đề xuất, một nhóm là để đón bắt cơ hội, nhóm còn lại để khắc phục những hạn chế gây cản trở sứ mệnh 4.0 tại FPT.
Yếu tố con người cũng được đề cập nhiều ở nội dung này. Theo anh Lê Nhật Túc, FPT Software Đà Nẵng, con người là nhân tố quan trọng trong công cuộc hiện thực hóa sứ mệnh của FPT. Để FPT đóng vai trò tiên phong trong cuộc Cách mạng 4.0, mỗi cá nhân FPT phải là người tiên phong trong việc hiểu rõ và đúng về cuộc cách mạng. Nhưng bên cạnh đó, FPT cần đưa ra các chương trình đào tạo và chiến dịch truyền thông để giúp nhân viên làm được điều này. Để đi tới cùng sứ mệnh đó, FPT cần tận dụng những lợi thế đang có về mặt hạ tầng viễn thông và CNTT để phát triển các lĩnh vực liên quan.
Các sĩ tử có thể đề xuất chiến lược, giải pháp hay kế hoạch hành động để hiện thực hóa sứ mệnh của FPT trong bài thi. Ảnh: C.T |
Từ khóa "Cách mạng công nghiệp 4.0" được nhắc đến dày đặc trên báo chí thời gian vừa qua và cũng được các lãnh đạo FPT quan tâm, trong đó có nhiều bài chia sẻ tâm huyết của anh Trương Gia Bình.
"Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định của anh Bình, rằng Việt Nam nói chung và FPT nói riêng đang đứng trước cơ hội lịch sử nếu nắm bắt được cơ hội trong Cách mạng 4.0. Nhưng để có được thành tựu, cần những hành động đồng bộ trong toàn tập đoàn. Mỗi công ty thành viên cần xác định sứ mệnh riêng của mình trong sứ mệnh tiên phong chung của tập đoàn. Bên cạnh đó, tôi cũng đưa ra một vài quan điểm về những hành động, giải pháp chung về mặt quản trị, nhân lực", anh Hùng bật mí về bài dự thi.
Trạng nguyên FPT 2016 Nguyễn Đỗ Quyên từng "mách nước" cho các sĩ tử nên bám sát các chủ đề hay định hướng mà cả tập đoàn đang cùng hướng tới. Tuy nhiên, mỗi người phải có góc nhìn riêng, định vị bản thân trong sứ mệnh đó. Đồng quan điểm với Trạng 2016, chị Thi đã trình bày những suy nghĩ thật tâm của mình, những mong muốn được bày tỏ với BGĐ tập đoàn qua bài dự thi.
"Còn việc đánh giá những giải pháp đó như thế nào tùy thuộc vào Ban tổ chức và Ban giám khảo thôi", chị Thi nói.
Ở phần thi này, nếu như một số sĩ tử tự tin rằng kinh nghiệm gắn bó lâu năm với FPT có thể giúp họ hiểu biết sơ bộ về các đơn vị trong tập đoàn và đưa ra hành động chiến lược phù hợp, thì những người mới tham gia lần đầu không hy vọng mình sẽ đạt điểm cao.
"Cố gắng giãi bày hết được những điều mình hiểu và suy nghĩ là tốt rồi", một sĩ tử bộc bạch.
Nếu may mắn vượt qua vòng Viết luận, các sĩ tử tiết lộ họ sẽ nghiên cứu kỹ hơn về Cách mạng 4.0, "vì biết đâu sẽ gặp lại đề tài này ở các vòng tiếp theo", đồng thời nghe tư vấn của những đồng nghiệp từng đi thi để thêm kinh nghiệm. Nhưng cũng có những người cho rằng trong trường hợp này "kế hoạch hay nhất là không có kế hoạch", bởi một khi bình tâm, họ sẽ có khoảng trống để nhìn xa hơn và có thể ứng biến với những tình huống "khó đỡ" ở phần thi tiếp theo.
Các sĩ tử đạt kết quả cao trong vòng Viết luận sẽ có mặt ở vòng Đồng đội được tổ chức vào ngày 12/10. Ngày 13/10, Ban lãnh đạo Tập đoàn sẽ phỏng vấn 6 gương mặt xuất sắc để tìm ra Trạng nguyên. Tổng giá trị giải thưởng cuộc thi năm nay lên tới 35 triệu đồng. Trong đó, Trạng nguyên được thưởng 15 triệu đồng, Bảng nhãn 10 triệu đồng và Thám hoa 7 triệu đồng. Các cá nhân lọt Top 6 cũng được thưởng 1 triệu đồng. Ngoài ra, Tam khôi sẽ được vinh danh trong lễ rước Trạng tại Hội làng 2018 diễn ra dịp cuối năm ở Hà Nội. Cuộc thi Trạng được khởi động từ năm 1998. Trạng nguyên đầu tiên của FPT là anh Hoàng Việt Anh, hiện là Tổng Giám đốc FPT Software. Đến nay, FPT có 20 Trạng nguyên được vinh danh. Trạng nguyên 2016 là Nguyễn Đỗ Quyên, FPT Retail. Bảng nhãn là Trần Hoàng Giang, FPT Software. Thám hoa thuộc về Đỗ Thành Nam, FPT Telecom. |
Thùy Linh
Ý kiến
()