Chúng ta

Onsiter 'cày' chất, chơi vui

Thứ sáu, 24/3/2017 | 17:59 GMT+7

Khách hàng yêu cầu đúng dịp có kế hoạch đi du lịch Mỹ, sợ công ty tốn tiền làm visa, chị Lê Nguyễn Ngọc Anh Tú giơ tay xung phong đi onsite.

“Đối tác request (yêu cầu) một nhân sự sang Mỹ công tác ba tháng. Khi đó tôi đang có dự định đi Mỹ chơi, để khỏi phí tiền công ty bỏ ra xin visa trong khi tôi hỗ trợ phần công việc này cho đội ở nhà nên… giơ tay xin đi”, Lê Nguyễn Ngọc Anh Tú, Tester (Kiểm thử) FSU1.BU27, nhớ lại cơ duyên với nghiệp onsite. Lý giải rõ hơn, Tú nói trước đó công ty xin visa nhưng dự định thay đổi nên chị chưa đi. Kế hoạch đi Mỹ tự túc nhen lên khi visa gần hết hạn.

Chuyến đầu suôn sẻ, Tú vừa làm vừa tranh thủ đi chơi. Một công đôi việc. Những ngày tháng 3, nữ Tester đang trong chuyến onsite thứ tư tại Texas, và tổng thời gian đi công tác nước ngoài của chị khoảng một năm. Công việc một ngày của chị cũng giống như khi làm việc ở nhà, chỉ khác về địa điểm và múi giờ (location/time zone) nhưng lại thuận tiện vô cùng. “Cần hỏi gì có thể lao ngay đi mà không phải chờ email trả lời sau 24h", Tú cười vang.

C360-2015-09-05-15-46-49-210.jpg

Tròn 10 năm gia nhập ngôi nhà FPT Software, Tú từng đảm nhận rất nhiều công việc như Web Dev, Tester và kiêm nhiệm vị trí cán bộ Tổng hội và truyền thông nội bộ. Ảnh chị Tú trong một lần đến trụ sở Google.

Sau giờ làm, cũng giống như khi ở nhà, cô gái Kiểm thử sẽ đi café tán gẫu với đồng nghiệp hoặc lượn lờ ngó nghiêng (windows shopping) ở các trung tâm mua sắm lớn như Macy’s để thư giãn.

Cuối tuần các đồng nghiệp thường tụ tập ăn uống ở nhà ai đó và tham gia các trò tập thể vui vẻ. Nếu thời tiết đẹp, mọi người cũng có nhiều lựa chọn như: tham quan và chụp hình (thời tiết nào cây/hoa đó, và giờ đang là mùa anh đào), các bảo tàng nghệ thuật, lịch sử trong thành phố… “Nếu trúng kỳ holiday (nghỉ từ thứ Sáu tuần trước hoặc nghỉ thêm thứ Hai tuần sau) thì…bang khác thẳng tiến”.

Đi Mỹ nhiều lần nhưng nhớ nhất với Tú là đợt bão tuyết năm 2015, chị phải ở khách sạn một mình bởi công ty khách hàng gửi mail thông báo không cần đến văn phòng. “Chút chút mọi người lại ping pong lẫn nhau trong nhóm để… cập nhật tình hình “đồ ăn nhà chị đã hết” hay “đường cao tốc…đã thông báo đóng” trong khi tôi cứ post hình ăn uống, tự sướng ở khách sạn để khoe”, Tú kể.

Xa gia đình lâu, nhưng nhờ các mạng xã hội như Facebook/Skype có chức năng chat nhóm hoặc video cũng kéo mọi người gần nhau hơn. “Có khi tôi hứng chí muốn nấu món nào đó mà chưa bao giờ thực hiện ở nhà hay khoe món mới học thì cầu truyền hình “Tu can cook” cũng khởi động với nhà tài trợ công nghệ đến từ Skype/Facebook Messenger video call…”, chị vui vẻ chia sẻ. “Đôi khi gia đình đi ăn ngoài hoặc bạn bè “iu” mình quá, chương trình “ăn uống trực tiếp” cũng được diễn ra nhưng thường là không nói gì mà chỉ nhìn và cười”.

Cách nay hơn 10 năm, tháng 5/2006, anh Lê Đức Tiệp, Quản trị dự án của FSU1.BU2, lần đầu đi onsite khi mới vào FPT Software được 6 tháng. “Dự án tôi làm bị chậm tiến độ do kết nối VPN giữa offshore và phòng lab của khách hàng thấp. Sang làm việc tại site của khách hàng sẽ giải quyết vấn đề về network nên tôi có cơ hội để đi Mỹ”, anh Tiệp nhớ lại cơ duyên.

Thấm thoát đã hơn thập kỷ, anh Tiệp cũng không còn nhớ chính xác là đi onsite bao lần, chỉ ước chừng 12-13 chuyến đi về. Không phải onsite dài hạn, những lần bay nửa vòng trái đất của anh thường từ 3 tuần đến hơn 2 tháng là xong việc tại trụ sở khách hàng là hãng máy bay hàng đầu thế giới. “Với tôi, giá trị lớn nhất khi đi onsite là học được phong cách làm việc chuyên nghiệp của các bạn khách hàng trong cùng vị trí, lĩnh vực và sự tự tin khi làm việc với người nước ngoài”.

IMG-5351-1661-1490349928.jpg

Anh Tiệp trong lần onsite tại Mỹ dịp Tết Đinh Dậu.

Quản trị dự án của FSU1.BU2 kể, ngoài công việc tại trụ sở khách hàng, thời gian còn lại của các ngày trong tuần anh sẽ tranh thủ làm việc cùng với đội offshore ở Việt Nam để chuyển đổi thông tin mà dự án, khách hàng yêu cầu. “Cuối tuần tôi sẽ tìm cơ hội để đi thăm thú các địa điểm đẹp ở quanh chỗ ở”.

Dù đi xứ Cờ hoa nhiều lần, nhưng Tết Đinh Dậu 2017 vừa qua khiến anh ấn tượng nhất. “Lần đầu tiên tôi đón Tết xa nhà, ở nơi cách nửa vòng trái đất. Mặc dù rất nhớ không khí đoàn tụ cùng gia đình, nỗi nhớ đó đã được làm nguôi ngoai bởi tình cảm của anh em onsite ở Denver, bang Colorado. Mọi người cùng nhau gói bánh chưng, rồi trực nồi bánh dưới cái lạnh -5 độ C ở nhà anh Đặng Trần Phương (CDO FUSA - Giám đốc Sản xuất FPT Mỹ), đón giao thừa và lì xì mừng năm mới. Dù đón Tết xa nhà nhưng anh em ai cũng vui vẻ và thấy không khí Tết ở ngay trên đất Mỹ”, anh Tiệp chia sẻ và cho biết đi nhiều nên kỷ niệm đáng nhớ cũng dày như lần đầu tiên thì bị shock văn hóa, rồi lần khác bị ốm, phải vào bệnh viện ở địa phương để khám và lấy thuốc.

Chia sẻ về chính sách với onsiter, anh Tiệp cho rằng hiện công ty đã có chính sách khá tốt cho các các onsiter dài hạn và kỳ vọng là chế độ đãi ngộ cho các onsiter ngắn hạn cũng sẽ tốt hơn trong thời gian tới. 

Trong khi đó, với Mai Thị Thu, F500 FPT Software, lần đầu onsite là dự án ở Osaka (Nhật Bản) gắn với rất nhiều cái “đầu tiên”: Đi nước ngoài, đi xa một mình, sợ bị lạc đường… “Và ấn tượng đầu tiên về người Nhật để lại cho tôi cũng thật tốt đẹp”, Thu nhẹ nhàng. “Một bác người Nhật giúp chỉ đường và lấy bản đồ tàu điện cho tôi. Hơn thế, bác còn cẩn thận đợi tôi mua vé vào đúng line đi tàu mới yên tâm chào tạm biệt. Chỉ là người đi cùng chuyến tàu thôi nhưng thật cảm động. Thế là yêu nước Nhật luôn từ ngày đó”.

Sau lần đầu nhiều bỡ ngỡ, những chuyến onsite sau này lại mang đến cho Thu nhiều trải nghiệm thú vị. Ba lần onsite ngắn hạn, mỗi lần ba tháng ở ba nơi khác nhau, nữ lập trình viên tiếng Nhật đi chơi gần hết địa điểm trong guidebook du lịch xứ sở mặt trời mọc.

Thu bảo, chị thích và thú vị vô cùng với những chuyến đi đó. Cứ cuối tuần là xách balo, máy ảnh, bản đồ lên đường. Sau một năm đi đi về về, nữ lập trình viên quyết định onsite dài hạn. Hết visa một năm, visa 3 năm và giờ Thu chuẩn bị có visa 5 năm.

DSC-1460-JPG.jpg

"Công việc ở Nhật cũng giống như ở Việt Nam thôi. Bởi yêu thích lập trình nên những bài toán luôn tạo cho mình hứng thú trong công việc", Thu chia sẻ. Ảnh nữ lập trình viên F500 và chồng trong một chuyến đi chơi tại Nhật.

Nữ onsiter F500 kể, học ĐH FPT, thực tập tại FPT Software, ra trường vào nhà Phần mềm làm việc luôn nên Thu đã được làm quen với công việc từ sớm. “Làm việc trực tiếp với khách hàng lâu nên tôi cũng bị nhiễm cách làm việc của họ từ khi nào chẳng hay. Sáng họp giao ban, bàn giao công việc, xác nhận, lên kế hoạch, thực hiện công việc trong ngày, cuối ngày luôn có báo cáo tiến độ, các vấn đề… Đầu tuần và cuối tuần có họp tổng quan tiến độ dự án”, Thu chia sẻ về một ngày làm việc.

Tuy nhiên, “tưởng vậy mà không phải vậy”. Có những vấn đề onsite và offshore phải cùng giải quyết. Những bài toán không phải chỉ đưa ra lời giải là xong mà còn có bài học kinh nghiệm nữa.

Hơn 4 năm làm việc với đối tác, Thu nhận định, khách hàng Nhật chỉ dạy một lần thôi nhưng đã dạy là chi tiết, cặn kẽ hết mức. Từ tác phong, cách làm việc, lối tư duy suy nghĩ giải quyết vấn đề chỉ cần chú ý một chút là sẽ học được rất nhiều.

Dân IT quen OT (Over Time - làm thêm giờ), và sang Nhật, chuyện về tàu cuối, đi làm cuối tuần hay nghỉ lễ cũng không phải là hiếm. “Thế nên, những khoảng thời gian ngoài công việc phải tích cực sử dụng”, Thu cười và liệt kê hàng loạt thú vui như: Mua sắm, tụ tập bạn bè, nghỉ dài thì đi chơi xa… “Tôi hay đi tắm onsen, ăn sushi, chơi bowling và rất hay nhậu. Chồng tôi cũng đang ở Nhật nên có cạ đi chơi, đi ăn. Chúng tôi rất hợp ý nhau vụ ăn chơi, du lịch bụi”.

So với đàn anh, Thu chỉ là tân binh trong "sự nghiệp onsite” nhưng ăn ba cái Tết xa nhà nên cựu nữ sinh ĐH FPT cũng thấm thía cái cái cảm giác thèm về nhà quây quần. “Trước đây, ở một mình, tối về ăn cơm xem quảng cáo trên Tivi gia đình sum họp cũng nhớ nhà khóc ngay được. Giờ có chồng ở cùng nên cũng đỡ hơn rồi”, Thu phân trần.

Tối tối, sau giờ làm, Thu lại kết nối video qua Facebook/Skype... cho bố mẹ. “Phụ huynh hay bảo giờ ở xa nhưng vẫn nhìn thấy con là bố mẹ cũng đỡ nhớ. Nhưng nếu được, tôi muốn một năm công ty cho về Việt Nam chơi hai lần bởi càng xa nhà lâu càng thấm thía và quý trọng hơn những lúc được ở bên gia đình”.

Học lĩnh vực CNTT bằng tiếng Nhật và làm việc với khách hàng Nhật, bài học giá trị lớn nhất khi onsite của Thu cũng "đậm tinh thần Nhật Bản": Trung thực, cầu tiến và đam mê là chìa khóa mang lại thành công. “Bạn phải luôn giữ cho mình sự đam mê thì sẽ càng thêm yêu quý và cố gắng hơn với sự lựa chọn của mình. Luôn sẵn sàng thích ứng”, Thu tự đúc kết.

Nhưng với cô gái ham chơi Anh Tú, giá trị lớn nhất khi onsite là tối thiểu có một suất du lịch Mỹ mà được miễn phí cặp vé khứ hồi và được bao ăn ở. Tú cười lớn trước khi kể về trải nghiệm đáng nhớ: “Không biết hên hay xui nhưng tôi từng tham gia UAT (User Acceptance Testing - Test chấp nhận từ người sử dụng) tại site khách hàng. Cảm giác ngồi demo để được khách hàng đồng ý chấp nhận sản phẩm, tim nhảy liên hồi khi có vấn đề (issue) xuất hiện trước rất nhiều con mắt cùng nhìn vào màn hình hay lắng nghe chia sẻ về thiệt hại hàng triệu USD chỉ vì một lỗi mà khi mình nhận được cứ nghĩ là nó nhỏ xíu”.

Video Ban lãnh đạo FPT Software thể hiện bài hát "Đêm Onsite" của nhạc sĩ Trương Quý Hải viết tặng các Onsiter:

Từ năm 2009, ngày 25/3 được chọn làm ngày Onsiter (Onsiter’s Day) của FPT Software. Dấu ấn của những onsiter được khởi nguồn từ chuyến onsite đầu tiên của anh Nguyễn Lâm Phương, nguyên PTGĐ FPT Software, nguyên Giám đốc Công nghệ FPT), sang Mỹ để thực hiện dự án Smart Touch vào ngày 25/3/2000. Hiện anh Phương làm việc tại FPT USA.

Nhân Onsiter’s Day 2017, TGĐ FPT Software Hoàng Việt Anh, một onsiter chinh chiến qua nhiều thị trường, đã gửi thư chúc mừng đến toàn thể onsiter. "Ngày hôm nay, FPT Software có hơn 1.300 thành viên đang làm việc tại các chi nhánh trên toàn cầu. Các bạn chính là những người đại diện cho Phần mềm FPT trong công việc hằng ngày với khách hàng, cũng như chịu trách nhiệm lớn trong việc phát triển không chỉ kinh doanh mà cả hình ảnh của đơn vị tại các nước sở tại.

Tôi nhớ khi dự án YSD cho thị trường Nhật Bản kết thúc, trong phần tổng kết dự án, anh Lê Téc Nen đại diện cho anh em onsiter đội dự án tại Tokyo đã chia sẻ, để phối hợp thành công 5 site khác nhau của dự án (Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Cebu, Tokyo), đội onsiter nhiều hôm cũng chỉ ngủ có 2-3 giờ, và khi gần release dự án thì thức trắng nhiều đêm để đảm bảo những cam kết với khách hàng. Đó là một trong rất nhiều câu chuyện về những vất vả và hy sinh của các FPT Software tại tuyến đầu. Những đóng góp thầm lặng đó của các bạn là một trong những yếu tố quan trọng nhất để góp phần tạo cho FPT Software một vị thế như ngày hôm nay.

Nhân ngày Onsiter 25/3, tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành, và lời chúc mừng nhiệt liệt nhất tới tất cả các bạn. Chúc các bạn và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc và nhiều thành công!”, CEO Hoàng Việt Anh viết.

>> Quy trình là xương sống của FPT Software’

Nguyên Văn

Ý kiến

()