Chúng ta

Người nhà F lì xì như thế nào

Thứ tư, 6/2/2019 | 07:00 GMT+7

Bốc thăm may mắn, tặng sách, lì xì số đẹp theo phong thủy... là các cách CBNV FPT mừng tuổi trẻ nhỏ, người già trong gia đình và lì xì đồng nghiệp, cấp dưới của mình trong ngày đầu năm mới.

Lì xì ngày đầu năm là một phong tục lâu đời của người Việt. Dù là Tết xưa hay Tết nay, tục lệ này vẫn luôn được gìn giữ và trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong những ngày tết đến xuân về. Tùy theo mỗi nhà, số tiền mừng tuổi được chuẩn bị sẵn trong mỗi phong bao lì xì là khác nhau, có thể là tiền lẻ hoặc tiền chẵn. Và ý nghĩa cũng không nằm ở số tiền nhiều hay ít tiền mà tục lì xì tượng trưng cho tài lộc đầu năm.

Trước đây, người Việt thường mừng tuổi trẻ con, người già những đồng tiền có màu đỏ (500 đồng và 10.000 đồng) để chúc may mắn, sức khỏe. Ngày nay, tiền lì xì tùy thuộc vào kinh tế của mỗi người và mức độ quan hệ giữa người mừng và người được mừng tuổi. Tiền lì xì đôi khi trở thành gánh nặng với những gia đình khó khăn, thu nhập thấp.

Để vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc trong ngày đầu xuân năm mới, lại không quá áp lực về tài chính, người nhà F có rất nhiều cách lì xì khác nhau. "Với trẻ con trong gia đình, tôi sẽ chuẩn bị rất nhiều bao lì xì với các mệnh giá từ 5.000-200.000 đồng để các cháu bốc thăm cùng một món quà nhỏ như kẹo mút, bim bim... đi kèm", chị Khuất Thị Hoa, FPT Edu, chia sẻ.

Lì xì đầu năm mới là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt Nam.

Lì xì đầu năm mới là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt Nam. Ảnh: Lao động.

Dù ở nước Mỹ xa xôi nhưng anh Nguyễn Bảo Huỳnh (FAM) vẫn cùng gia đình đón Tết Nguyên đán và mừng tuổi cho các con, các đồng nghiệp thân thiết. "Thường tôi sẽ lì xì một số tiền ngẫu nhiên, kiểu bốc thăm may mắn. Với anh em bạn bè quen thì số tiền lì xì sẽ là một số có ý nghĩa để cầu may mắn đến với họ", anh Huỳnh cho hay.

Cũng lựa chọn những con số may mắn (theo phong thủy) để mừng tuổi các đồng nghiệp, chị Đinh Thị Phương Anh (FPT Online) cho biết: "Tôi thường khai xuân lì xì cho nhóm và đồng nghiệp theo hướng lấy lộc. Có năm tôi mua tờ 2 đô mới tinh để lì xì; có năm tôi chuyển khoản cho anh em mỗi người 68.868 đồng; có năm lại bốc thăm may mắn... Quan trọng là vui và có ý nghĩa về việc thêm lộc số cho năm mới".

Là một người yêu thích đọc sách, chị Lê Như Anh (FPT Software) đã lì xì cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp bằng những cuốn sách hay, ý nghĩa. "Tôi hay mừng tuổi bằng quà tặng, phần nhiều là sách vì kiến thức thì thường sẽ được lưu giữ lâu hơn. Sách cũng có chọn lọc với đối tượng nhận, ví dụ năm ngoái ai bầu, mới làm mẹ tôi tặng sách chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con; ai mới lên chức tôi tặng sách kỹ năng quản lý....", chị Như Anh tâm sự.

Dù mừng tuổi bằng hình thức nào và với giá trị bao nhiêu thì món quà lì xì đầu năm cũng mang ý nghĩa của lời chúc may mắn, sức khỏe và sung túc. Tặng lì xì là tặng món tiền thể hiện điều lành và may mắn cho trẻ em.

Người FPT bắt đầu nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 từ ngày 2/2 (28 Tết) đến hết ngày 10/2 (mồng 6 Tết).

Tục lệ lì xì đầu năm mới đã có từ thời xa xưa, xuất xứ từ Trung Quốc. Tương truyền, có một con yêu quái chuyên xuất hiện vào đêm Giao thừa, thích xoa đầu những đứa trẻ đang ngủ ngon giấc làm chúng bị sốt cao hoặc trở nên ngớ ngẩn. Vì thế những gia đình có con nhỏ phải thức cả đêm để canh không cho yêu quái làm hại con mình.

Có một gia đình nhà nọ ngoài 50 tuổi mới sinh được một mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà biết rằng chú bé này sẽ gặp họa với yêu quái nên biến thành 8 đồng tiền đồng, cha mẹ chú đem gói vào một mảnh giấy đỏ, đặt bên cạnh gối đứa bé. Khi con quái vật đến, những đồng tiền lóe lên khiến con quái vật hoảng sợ phải bỏ chạy.

Câu chuyện đã được lan truyền khắp mọi nơi và cũng kể từ đó, cứ mỗi dịp Tết đến, người ta lại đem tiền bỏ vào một phong bì đỏ để đem tặng trẻ nhỏ. Dần dần việc ấy đã trở thành thói quen và duy trì cho đến tận bây giờ, mọi người gọi đó là tục lì xì đầu năm mới. 

  Diệu Anh

Ý kiến

()