Thiết lập OKR trở thành nhiệm vụ mà mỗi CBNV phải thực hiện mỗi quý. Với nhân viên kỳ cựu sẽ có kinh nghiệm trong việc đặt mục tiêu và kết quả cho bộ OKR nhưng với những tân binh mới sẽ gặp vài khó khăn trong quá trình thực hiện.
Chính thức trở thành nhân viên FPT Education vào tháng 6, Trịnh Tuấn Nhi chủ động bắt tay vào việc thiết lập OKR cho cá nhân mình. Trước đó, cô cũng hoàn thành khóa hướng dẫn thiết lập OKR mà FPT triển khai. Nhi cho biết, xác định mục tiêu lớn cho OKR không phải là việc dễ dàng. Vì vậy, Nhi và đồng nghiệp thường sẽ trao đổi cụ thể mong muốn, mục tiêu dự định của bản thân trong quý đến quản lý trực tiếp để nhận được phản hồi và điều chỉnh phù hợp hơn. “Từ mục tiêu lớn đó, mình sẽ đề xuất ra những kết quả then chốt để phấn đấu đạt được”, Nhi nói.
Ngoài ra, khi lần đầu tiếp xúc với hệ thống OKR, Nhi khá mơ hồ và chưa nắm rõ cách sử dụng và điền OKR chính xác. Lúc này, cô sẽ nhờ sự trợ giúp từ đồng nghiệp để đảm bảo “lần đầu tiên này” suôn sẻ.
“OKR giúp mình vạch ra được phương hướng rõ ràng, có mục tiêu cụ thể trong công việc để làm việc hiệu quả, không bị mơ hồ. Mình cũng xác định được khối lượng công việc trong quý để cân chỉnh thời gian, sức lực hợp lý”, Nhi chia sẻ.
Tuy nhiên, cán bộ nhà Giáo dục cho rằng, trong quá trình làm việc sẽ phát sinh nhiều vấn đề mới nên đôi lúc sẽ cần phải thay đổi OKR nhưng lúc này không thể chỉnh sửa được. Đây chính là vấn đề mà cô gặp phải.
Trịnh Tuấn Nhi từng khá bỡ ngỡ khi lần đầu tiếp cận OKR. |
Còn với Phan Nguyễn Hoàng Nam (FPT Software), OKR giúp anh định hướng công việc, bám sát mục tiêu mà bản thân đặt ra trong quý để có kế hoạch thực hiện phù hợp. OKR còn tạo động lực để anh phấn đấu cho mục tiêu đầy thách thức này.
Sau khi tham gia khóa học Day-one dành cho người mới của nhà Phần mềm, Nam vẫn chưa hiểu rõ OKR là gì. Làm việc trong khối Back-Office nên việc xác lập OKR sẽ khác so với khối Delivery. “May mắn là quản lý trực tiếp đã hướng dẫn tạo lập OKR phù hợp với đặc thù công việc của mình. Kết quả (Key Result) mình cũng tham khảo ý kiến quản lý trước nhằm xác lập cho phù hợp, không quá ‘lố’ hoặc dư. Bên cạnh đó, công ty và sếp cũng nhắc nhở thường xuyên việc xác lập OKR mỗi quý bằng email, tin nhắn. Nên những người cho dù là ‘não cá vàng’ cũng khó quên việc lập OKR”, Nam hài hước chia sẻ.
Vì là một nhân viên mới nên yếu tố khả thi của OKR là một thách thức lớn nhất đối với Nam. Chàng trai nhà Phần mềm cũng loay hoay trong việc đề ra mục tiêu phù hợp với năng lực nhằm đưa ra kết quả tốt nhất. “Có rất nhiều mục tiêu trong công việc, mình chưa sắp xếp được cái nào ưu tiên, cái nào lớn hơn, cần giải quyết mục tiêu nào trước mắt”, Nam chỉ ra những khó khăn và nhận xét “việc xác lập OKR không khó, chắc tại bản thân mới tiếp cận, chưa hiểu rõ về đặc thù công việc”.
CBNV sau khi gia nhập FPT sẽ được tham gia khóa đào tạo về OKR để hiểu rõ mục đích và quy trình thiết lập. |
Bật mí thêm về cách tính OKR của đơn vị, Hoàng Nam cho biết, tại bộ phận anh làm việc, OKR được tính rất linh hoạt, bám sát vào kết quả hoạt động mà cá nhân đạt được. Bên cạnh đó, OKR được thực hiện theo quý (một khoảng thời gian khá xa) nên mục tiêu và kết quả đánh giá có thể thay đổi tùy theo đặc thù công việc.
“Trước khi tạo lập OKR, quản lý trực tiếp có thể sắp xếp thời gian, ngồi review OKR quý trước, rồi từ đó lên kế hoạch tiếp theo cho OKR quý này cho nhân viên. Việc này giúp nhân viên nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, từ đó đề ra mục tiêu và kết quả phù hợp”, Nam bày tỏ thêm.
Vượt qua những khó khăn khi lần đầu tiếp xúc OKR, nhân viên mới nhà FPT sẽ được hướng dẫn tận tình từ đồng nghiệp, định hướng rõ ràng từ quản lý để OKR cá nhân có thể đóng góp cho OKR tập thể, mỗi cá nhân cũng sẽ về đích "leng keng".
Nam Dung
Ý kiến
()