Chúng ta

‘Mini MBA được đào tạo theo kiểu cào bằng’

Thứ sáu, 19/10/2012 | 10:45 GMT+7

Một số cán bộ trong danh sách 40 học viên Mini MBA bị kỷ luật vừa qua cho rằng, một trong những điểm khiến học viên tỏ ra không hào hứng với khoá học nằm ở nội dung của chương trình.
> Học viên Mini MBA 'lên tiếng' khi bị phạt/ ‘Thiếu ý thức học, ai cũng có thể bị kỷ luật’

Trao đổi với Chúng ta, một số học viên bị kỷ luật đều đưa ra lý do của việc nghỉ học nhiều hoặc không thể tham gia đầy đủ chương trình học là vì công việc quá bận. Tuy nhiên, một trong những điểm khiến học viên tỏ ra không hào hứng với Mini MBA còn nằm ở nội dung của chương trình.

Phó Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT (FUN) Đinh Tiến Dũng nhận xét, với những môn từng học qua, anh thấy Mini MBA chưa đem lại lợi ích cho bản thân hoặc do anh chưa biết cách vận dụng kiến thức hiệu quả. “Cách đào tạo hiện nay của FLI là kiểu ‘cào bằng’, ai cũng phải học như ai, dù nhiều môn với tôi chẳng có nghĩa lý gì. Trong khi, những cái tôi cần thì dạy chưa tới hoặc ‘bói chẳng ra’, anh nói.

Mini MBA được thiết kế dành cho các cán bộ quản lý L4-5-6. Ảnh: C.T.

Mini MBA được thiết kế dành cho các cán bộ quản lý L4-5-6. Ảnh: C.T.

Chẳng hạn, với công việc của FUN, điều anh Dũng cần là kiến thức về tổ chức sự kiện lớn, văn hóa doanh nghiệp và xử lý khủng hoảng truyền thông. Bản thân anh phải tự đi học nơi khác. “Tiền của tôi, thời gian của tôi và tôi vẫn mang tiếng là bỏ học, vẫn bị kỷ luật ở Mini MBA”, Phó ban FUN bức xúc.

Đồng quan điểm, Giám đốc FPT IS Bank HCM Nguyễn Minh Nhựt nhận định: “Dù không tham gia, nhưng qua tham khảo từ tài liệu và trao đổi với đồng nghiệp thì tôi thấy Mini MBA không giúp gì cho cá nhân trong công việc”.

Theo anh Nhật, Mini MBA là chương trình thu nhỏ, mỗi một nội dung điều bị cắt xén dạng “cưỡi ngựa xem hoa”. “Ở FPT, những người tham dự học là để đáp ứng “lệnh” của cấp trên nhiều hơn thực học vì thấy nó hay”, anh chia sẻ.

Có khá nhiều thắc mắc, anh nói: “Dường như chương trình học của FLI đang là cần người học có mặt điểm danh chứ chẳng cần xem học có được hay không. Tập đoàn cần phài rõ ràng nếu muốn nhân viên được đào tạo thì phải giải quyết vấn đề thời gian cho nhân viên chứ không nên nói suông”.

Phản hồi những ý kiến này, Phó Giám đốc FLI Nguyễn Lệ Hằng khẳng định, hoàn toàn không có chuyện FLI dựa trên số buổi tham gia đầy đủ để trao bằng tốt nghiệp.

“Chương trình Mini MBA có bài thi cuối môn bằng các hình thức làm bài online, làm bài thi giấy và bài presentation. Điểm số các học viên đạt được đều được ghi nhận cụ thể trong học bạ là căn cứ để trao chứng chỉ hoàn thành chương trình. Tôi hoàn toàn chia sẻ với 40 học viên nhận quyết định kỷ luật lần này. Về phương diện cá nhân, tôi nhận thấy quyết đinh kỷ luật thể hiện tập đoàn rất chú trọng đầu tư cho tương lai thông qua đào tạo cũng như sự quyết tâm của Ban lãnh đạo trong việc chuẩn hóa công tác đào tạo”, chị bày tỏ.

Về câu chuyện nội dung và chất lượng đào tạo, chị Hằng cho rằng, dù MiniMBA là sản phẩm đầu tay do FPT tự thiết kế và triển khai, nhưng không vì thế mà FLI lơ là với khâu khảo sát để nắm bắt nhu cầu đào tạo, chia sẻ của các học viên, đặc biệt là cán bộ quản lý cấp cao như những học viên của lớp.

Chị Hằng cho biết: “Luôn luôn có khoảng cách giữa việc học trên lớp và thực hành thực tiễn. Mỗi cá nhân sẽ có cách lĩnh hội và biến sự chia sẻ đó thành kiến thức của mình nên khi thiết kế chương trình, FLI đặt mục tiêu cho mục tiêu bổ sung kiến thức bằng cách chia sẻ các lối tư duy và tiếp cận vấn đề hơn là đào tạo các kỹ năng để áp dụng ngay vào công việc hằng ngày của học viên”.

Theo Phó Giám đốc FLI, ở cương vị lãnh đạo đơn vị, các học viên đã có rất nhiều năm kinh nghiệm và họ sẽ có nhiều cơ hội để áp dụng kiến thức này.

“Một lần dùng bữa với tỷ phú Warren Buffet trị giá hàng triệu đôla và không phải người nào dùng bữa với ông thì sẽ trở thành tỷ phú đôla ngay sau đó. Câu chuyện sẽ có kết khi họ có thời gian trải nghiệm với những gì Buffet chia sẻ. Đào tạo cũng vậy, đó là một quá trình lắng nghe và trải nghiệm. Sau khi khóa học kết thúc, FLI cũng nhận được sự tán thành của các học viên khi tham dự chương trình và chúng tôi đang chờ câu trả lời của thời gian”, chị chia sẻ.

Hiện tại, khung chương trình đào tạo Mini MBA được FLI xây dựng dựa trên ba tiêu chí gồm: Tạo lập và phát triển network giữa các lãnh đạo; tạo cơ hội phát triển sự hợp lực trong doanh nghiệp và bổ sung kiến thức.

Câu chuyện đo đạc chất lượng đào tạo không giống việc đo đếm hiệu quả đầu tư trên từng đồng bỏ ra. Vì vậy, FLI đã và đang áp dụng các khảo sát để đánh giá ở mức có thể số hóa các chỉ số phản ánh chất lượng của các chương trình đào tạo.

Thực tế, trong năm 2011, qua các tạp chí bên ngoài, FPT được đánh giá là một trong những tập đoàn có sự đầu tư bài bản và nghiêm túc về chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Sau sự khởi xướng của FPT, rất nhiều doanh nghiệp lớn đã xem xét và triển khai các chương trình Mini MBA cho đội ngũ CBNV của họ.

Về việc lựa chọn học viên, đối tượng tham gia chương trình là những cán bộ quản lý được tập đoàn và đơn vị quy hoạch, chứ không phải ai đăng ký cũng có thể đi học. Vì vậy, MiniMBA được xem là cơ hội và lợi ích cho đội ngũ quản lý này. Việc đón nhận cơ hội hay không sẽ theo suy nghĩ và góc nhìn của mỗi người.

“Thực tế khi tuyển sinh cho chương trình, Ban Nhân sự FPT (FHR) và FLI cũng nhận được phản hồi “bận nên không tham dự được” của học viên, phải chăng việc này có liên quan đến câu chuyện học Mini MBA tại FPT như bị ép buộc? Trong trường hợp này, FLI không có giải pháp nào tốt hơn là bám sát lớp học để có những cải tiến và điều chỉnh kịp thời nhằm nâng cao chất lượng chương trình. Hiện có gần 300 trong số 850 học viên đã tốt nghiệp chương trình trên toàn tập đoàn, đây liệu có phải là kết quả của sự ép buộc?”, chị Hằng giãi bày.

Là một trong những học viên tốt nghiệp Mini MBA năm đầu, Giám đốc trung tâm FPT IS ERP Vương Quân Ngọc đánh giá mục đích đào tạo và việc học viên được đi học là tốt. Anh chia sẻ: “Tôi cho rằng, được tham gia các khoá đào tạo luôn đem lại lợi ích cho bản thân, cho dù chỉ ở góc độ lý thuyết hoặc trong các ngành nghề khác nhau”.

Hiệu quả lớn nhất của việc học chính là được ngắt mình ra khỏi công việc để tư duy lại, nhìn công việc của mình ở những góc độ khác nhau qua các môn học, dù liên quan trực tiếp hoặc không trực tiếp để bản thân hoàn thiện hơn về trình độ quản lý, về khả năng làm các công việc khác nhau trong công ty. Bên cạnh đó là cơ hội giao lưu, làm quen với nhiều anh chị quản lý khác trong tập đoàn, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong những câu chuyện ngoài giờ.

Tuy nhiên, anh Ngọc cũng thừa nhận, chương trình Mini MBA tại FPT dù đã được customize riêng cho tập đoàn nhưng vẫn nặng về tóm tắt lý thuyết và thiếu các “case” thực tế, đặc biệt là các “case” liên quan tới công việc tại FPT.

“FLI từng gửi bản khảo sát về những vấn đề học viên quan tâm, cần xử lý nhưng phản hồi thì ít, một phần giáo viên không phản hồi lại các ý kiến này nên việc xử lý case của FPT là khá hiếm. Việc thiếu xử lý các case của FPT tại chỗ là lý do chương trình Mini MBA ít thân thiện với người FPT”, anh Ngọc nhận xét.

MiniMBA là chương trình đào tạo trọng điểm của FLI nhằm cung cấp kiến thức quản trị chuẩn MBA quốc tế, kết hợp với thực tiễn FPT cho các đối tượng học viên là các CBQL L4-5-6 trong toàn tập đoàn.

Đầu tháng 10, Phó Chủ tịch HĐQT FPT Bùi Quang Ngọc đã ký quyết định lỷ luật 40 học viên Mini MBA vì thái độ thiếu nghiêm tục trong học tập, nghỉ học thường xuyên. Trước đó, anh Ngọc cũng đã ký quyết định kỷ luật 8 học viên lớp L6 Mini MBA.

Thanh Nga

Ý kiến

()