14h30 ngày 23/10, hơn 300 sinh viên đã phủ kín Hội trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng để tham gia chương trình CEO Talk lần thứ 12 với chủ đề “You can make it too”. Chương trình tại thủ phủ miền Trung có sự xuất diện của CEO FPT Software Hoàng Việt Anh, Trưởng ban Nhân sự FPT Trịnh Thu Hồng, GĐ FPT Software Đà Nẵng Nguyễn Tuấn Phương. 6 diễn giả của CEO Talk lần này là anh Đinh Văn Năm, Kỹ sư cầu nối tiếng Nhật; Ngô Sỹ Việt Phú, Giám đốc Trung tâm Phần mềm chuyên về các giải pháp lĩnh vực sản xuất ôtô; Nguyễn Tấn Huy, Giảng viên Trung tâm Đào tạo của FPT Software Đà Nẵng; Doãn Phú Tài, Giám đốc Trung tâm phần mềm số 36, FPT Software Đà Nẵng; Đoàn Nguyễn Vũ Nguyên, Phó GĐ FSU11.BU365; và chị Nguyễn Thị Hoài Uyên, Quản trị dự án, thuộc đơn vị FSU17.BU17.
Hơn 300 sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng có mặt từ khá sớm để được lắng nghe những chia sẻ của các diễn giả. |
Đảm nhận vai trò MC trong chương trình này là anh Nguyễn Tuấn Phương. Câu chuyện của anh Phương được bắt đầu bằng niềm tự hào của đồng bào H'Rê: anh Đinh Văn Năm, Kỹ sư cầu nối tiếng Nhật. Thành công của anh Năm là một hành trình dài với nhiều câu chuyện. Anh Năm, từ một người đã vượt qua nỗi "sợ học tiếng Kinh" đã trở thành biểu tượng thành công của người dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi.
"Năm 2007, tôi đã vượt qua 400 sinh viên để giành một trong 5 suất tuyển dụng của Tập đoàn Takemoto Denki, qua Nhật Bản làm việc và đào tạo. Ba năm trải nghiệm ở nước ngoài, dù được mời tiếp tục ở lại lâu dài làm việc nhưng tôi vẫn quyết trở về quê nhà bắt tay xây dựng một dự án mới. Song sau gần một năm tự phát triển sản phẩm, kết quả không như mong muốn, tôi đã đầu quân về FPT Software Đà Nẵng".
Hiện tại, anh đang làm việc trực tiếp với khách hàng Nhật liên quan đến sản phẩm ô tô. Anh mong muốn mình và đồng nghiệp sẽ tạo được sản phẩm riêng chứ không chỉ làm theo đơn đặt hàng.
Các diễn giả lần lượt bày tỏ quan điểm về định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. |
Anh Năm chia sẻ điều khó khăn nhất của nghề Kỹ sư cầu nối không phải ngôn ngữ mà là văn hóa và kinh nghiệm. Theo anh, sinh viên hiện còn rất mơ hồ nhưng quan trọng nhất các bạn phải đặt mục tiêu và theo đuổi đến cùng. "Thành công không phải ngày một ngày hai mà cả chặng đường dài, chỉ cần chọn đúng thế mạnh thì cơ hội khá lớn. Điều quan trọng không kém là các bạn phải học cho tốt kèm theo định hướng tốt", anh nói.
Đồng quan điểm, anh Ngô Sỹ Việt Phú, khẳng định một người không mua vé số bao giờ sẽ không bao giờ trúng vé số. Trong công việc cũng vậy, không nên ngồi không mà phải cố gắng hết mình như vậy may mắn mới đến. Việc xây dựng một tổ chức lớn cũng tương tự khi phải đồng lòng đoàn kết, giống như việc truyền máu cho mỗi người, từ lứa này sang lứa khác và ngày càng chiếm được lòng tin.
Anh Phú kể, mình còn nhớ mãi về câu hỏi của một vị khách hàng người Nhật, từ đó khiến anh ngộ ra được nhiều điều. "'Tương lai anh muốn làm gì?', khách hàng hỏi. Tôi trả lời: 'Khởi nghiệp'. Bác hỏi tiếp: Để làm gì? Trả lời theo bản năng, tôi nói 'để kiếm tiền'. Và bác cho lời khuyên: Bất cứ công ty nào cũng cần có khách hàng nên cái quan trọng nhất là làm thế nào để thỏa mãn được khách hàng mới là quan trọng".
Nói về khởi nghiệp, anh Đoàn Nguyễn Vũ Nguyên, Phó GĐ FSU11.BU365 lại cho rằng, chọn con đường lập nghiệp còn phụ thuộc vào tính cách của mỗi người, đặc biệt khả năng cảm nhận và mục tiêu đề ra trước đó. Nếu được, sinh viên khi ra trường hãy trải nghiệm nơi xa để đem lại những cái nhìn mới mẻ hơn về công việc. Ở FPT chỉ cần có tài và khả năng thì sẽ rất dễ phát triển.
Anh Doãn Phú Tài, Giám đốc Trung tâm phần mềm số 36, FPT Software Đà Nẵng, kinh qua rất nhiều vị trí và làm việc tại nhiều nước khác nhau đã có những chia sẻ thẳng thắn với sinh viên. |
Còn anh Nguyễn Tấn Huy, Giảng viên Trung tâm Đào tạo của FPT Software Đà Nẵng, người có gần 10 năm ở FPT và được làm việc với nhiều khách hàng ở Mỹ, Nhật Bản... lại chia sẻ về kinh nghiệm khi làm việc với đối tác nước ngoài. Theo anh, người Nhật rất tốt và giỏi nhưng không vì thế mà người Việt lúc nào cũng chịu thua. "Với tôi, người Nhật thường coi trọng hình thức và sự tiến bộ. Chúng ta khi làm việc với họ phải nắm bắt tâm lý và có phương pháp cụ thể", anh Huy nói.
Anh đưa ra ba lời khuyên cho sinh viên là: ngoài việc học cần phải tập trung tham gia hoạt động phong trào; phải yêu trước khi đi làm; ba năm đầu tiên phải chọn môi trường làm việc có thể rèn luyện kỹ năng tốt nhất. Anh cho rằng, kỹ năng rất quan trọng và được hình thành trong 5 năm đầu tiên, do đó, sinh viên cần tích lũy để "sau 30 tuổi sẽ tiêu sài kỹ năng đó". Ở phía dưới, sinh viên đều chăm chú lắng nghe các chia sẻ của diễn giả và vỗ tay khi được nghe diễn giả đánh giá về mình.
Ở phần chia sẻ của mình, nữ diễn giả duy nhất trong chương trình, chị Nguyễn Thị Hoài Uyên, người lập kỷ lục 8 dự án liên tiếp đạt điểm thoả mãn khách hàng Hitachi với 100 CSS, mong muốn sinh viên nên học kỹ năng mềm trước khi nghĩ tới việc lập nghiệp.
Chị cho rằng, công việc phần mềm không hề đơn giản với nữ giới nhưng "hãy suy nghĩ tích cực vì mọi người đều có thể làm được. Cái quan trọng ở mỗi người chính là niềm đam mê và tinh thần không ngại khó".
Với nhiều kinh nghiệm tích lũy được sau những chuyến công tác từ châu Á sang châu Âu, anh Doãn Phú Tài, Giám đốc Trung tâm phần mềm số 36, FPT Software Đà Nẵng đúc kết: "FPT Software cho tôi nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều môi trường khác nhau. FPT mang cho mọi người cơ hội tiếp cận môi trường quốc tế và giúp bạn thỏa sức ước mơ. Điều quan trọng là mọi người có dám đi hay không".
Anh cũng khuyên sinh viên, làm việc ở môi trường quốc tế quan trọng nhất phải đối mặt tận cùng của vấn đề, không được từ bỏ. Cho dù kết quả sai cũng có thể thu được nhiều điều bổ ích. Dù có thất bại cũng không được hối hận, không bao giờ bỏ cuộc.
Nhiều sinh viên đặt câu hỏi cho các diễn giả liên quan đến từng lĩnh vực cụ thể. |
Kết thúc phần chia sẻ, sinh viên đã liên tiếp đặt câu hỏi về nhiều lĩnh vực khác nhau về công việc Kỹ sự cầu nối, tuyển dụng, ngành sản xuất ô tô hay văn hóa... cho 6 diễn giả. Anh Đinh Văn Năm, cho rằng, kỹ sư cầu nối là cơ hội rất tốt để được làm việc và trở thành chuyên gia CNTT tại Nhật Bản.
"Muốn thoát khỏi khó khăn thì hãy đặt mục tiêu, mọi người làm được thì mình cũng vậy và hãy làm theo cách của mình. Tất cả phải quyết tâm, cố gắng và không được ngại khó khăn. Các bạn hãy chấp nhận những thất bại để có được ý chí mạnh hơn, quyết tâm cao hơn. Tất cả hãy suy nghĩ lạc quan, không nên bi quan", anh Năm nhấn mạnh.
Trước khi chương trình khép lại, CEO Hoàng Việt Anh đã lên sân khấu gửi lời cảm ơn thầy và trò ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Anh cam kết tiếp tục phối hợp trường nhằm giúp sinh viên có cái nhìn đa chiều về lĩnh vực CNTT. Người điều hành FPT Software mời nhà trường và sinh viên xuống thăm FPT Complex, tòa nhà có sức chứa 10.000 kỹ sư - được xem là công trình biểu tượng của FPT tại Đà Nẵng.
Hồ Nhân Trí, ngành Điện tử viễn thông, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, người có mặt sớm nhất tại hội trường, chia sẻ: “Chương trình khá hấp dẫn vì các diễn giả FPT đều xuất thân từ trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng và thành đạt khi tuổi đời còn khá trẻ". Điều Trí hài lòng là sau buổi nói chuyện sẽ có thêm kinh nghiệm và kiến thức về phỏng vấn xin việc cũng như những kỹ năng cần thiết mà nhà tuyển dụng mong muốn.
Năm 2014, chương trình lần đầu tiên được tổ chức tại ĐH Bách khoa Đà Nẵng với sự hiện diện của 3 diễn giả là TGĐ FPT City Bùi Thiện Cảnh, Giám đốc FPT Software Đà Nẵng Nguyễn Tuấn Phương và Giám đốc FPT Telecom khu vực miền Trung Nguyễn Thế Quang.
Trước đó, ngày 24/9, TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc, Phó TGĐ FPT Dương Dũng Triều, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến và TGĐ FPT Software Hoàng Việt Anh cũng đã đăng đàn bàn về chủ đề "Chất Bách khoa trong FPT", diễn ra tại Hội trường C2, ĐH Bách khoa Hà Nội. Chương trình thu hút được 1.200 sinh viên tham gia và gây được ấn tượng mạnh.
Việt Nguyễn
Ý kiến
()