Chúng ta

Kỳ tích của người mẹ trẻ bị u não

Thứ năm, 18/5/2017 | 12:00 GMT+7

Đứa bé được sinh ra lành lặn sau 9 tháng thai nghén trên giường bệnh với đủ loại thuốc kháng sinh liều cao là phép màu đối với Nguyễn Thị Mười (FQC.CME thuộc FPT Software) và gia đình. Cô đang cố gắng giành lấy sức khỏe cho bản thân, khao khát chờ đến ngày được ôm con vào lòng, cho con bú mớm như hạnh phúc bình dị của bao bà mẹ khác.  

Sau ca mổ sinh ngày 15/5, Nguyễn Thị Mười được chuyển về phòng hồi sức Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội). Cô cần tĩnh dưỡng và thực hiện theo yêu cầu của bác sĩ. Nét mặt Mười khá hơn trước rất nhiều, mái tóc ngắn đen nhánh đã phủ trọn mái đầu từng trơ trọc bị băng trắng cách đây 4 tháng. Nhận ra có khách đến thăm, dù nụ cười chưa được tròn trịa và giọng nói còn ngọng, cô vui vẻ chuyện trò. Thần sắc tươi tắn, Mười chia sẻ: "Em mong đi làm lắm, ở nhà mãi cũng chán. Nhớ mọi người ở công ty quá".

Hiện tại, Mười chưa thể đi lại. Cố gắng lắm, cô mới ngồi dậy để ăn vài thìa cháo. Mọi sinh hoạt được thực hiện ngay trên giường bệnh. Dấu hiệu khả quan là Mười không còn đau đầu, cô ngủ được và chỉ thỉnh thoảng bị tê chân. Nhưng thị lực bên phải yếu và khó kiểm soát. Ảnh hưởng từ ca mổ lúc trước với việc ăn xông từ cổ đã hạn chế rất nhiều khả năng nuốt của Mười. Cứ một chốc, câu chuyện lại ngắt quãng để Mười khạc đờm. Vết mổ sinh chưa khô chỉ khâu nên khá nhức. 

Mười bảo, khi trở lại làm việc, cô vẫn cố gắng học tiếng Nhật vì yêu thích nó.

Chia sẻ với Chúng ta tối ngày 17/5, Mười bảo, khi trở lại làm việc, cô vẫn cố gắng học tiếng Nhật vì yêu thích nó.

Sau hơn 6 tháng điều trị căn bệnh u não, những đau đớn với Mười đã tạm khép lại. Ngày 15/5 vừa qua, bé trai của cô được chào đời bằng phương pháp sinh mổ. Bé nặng 2,3 kg, hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh. Nhờ quyết tâm của người mẹ trẻ, đến hôm nay (ngày 18/5), bé đã được ăn sữa mẹ vắt ra. Em bé hiện được các y tá chăm sóc, chờ ngày đoàn tụ. 

Mười không giấu được nỗi xúc động khi nghĩ đến đứa con bé bỏng chưa được nhìn mặt. Cô tâm sự: "Đẻ xong, em vui lắm. Con là niềm hy vọng của em. Trước đây, khi biết bệnh, ngày nào em cũng nói chuyện với con. Tự bảo rằng: Hai mẹ con phải cố lên, sắp về đích rồi! Từ hôm mổ sinh, em chưa được gặp con. Chỉ kịp hỏi con có sao không. Lúc bác sĩ bảo: Tốt, bình thường, chẳng làm sao cả, em mới dám vui thật sự". 

Nhiều người trong hoàn cảnh của Mười có thể oán trách số phận trớ trêu khi niềm vui mang thai chưa kịp mừng thì tin dữ mang trọng bệnh đã ập tới. Từ một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, Mười phải nằm bất động trên giường bệnh. Mọi thứ tưởng như đã buông xuôi và trông chờ vào sự may rủi thì không ai ngờ được mọi chuyện lại tốt đẹp đến thế. Đứa con sinh ra chính là tâm nguyện của Mười. Cô từng mong em bé đầu tiên sẽ là con trai, khỏe mạnh. Rồi mọi chuyện y như vậy. Bé được bố mẹ đặt tên là Phạm Minh Nghĩa với hàm ý là "ý nghĩa", "hiệp nghĩa".

Niềm hạnh phúc trào dâng từ khóe mắt dù đã cố kìm nén, Mười xúc động nói: ng nội thích tên con là Bình An, ông ngoại thì thích cái tên Minh Quân. Với em, tên nào cũng được. Nhưng em chọn cho con tên gọi ở nhà bằng tiếng Anh là "Hope", tức là "Hy vọng". Em chẳng biết nói gì nữa. Cảm ơn mọi người nhiều lắm".

Bên góc giường, cô Đinh Thị Thẫm, mẹ đẻ của Mười, không giấu được niềm vui sướng khi đón nhận tin lành. Suốt thời gian biết tin con nhập viện, cô và con rể luôn túc trực ở bên. Từ cái đêm sấp ngửa lên Hà Nội, cô chỉ kịp về nhà ở Hải Dương có vài lần. "Mấy tháng trời khóc đứng khóc ngồi trong bệnh viện, lúc nào tôi cũng suy nghĩ không biết con có qua được không. Tôi đã tưởng mất con vài lần, nhưng giờ được thế này là may mắn lắm rồi. Cứ nghĩ chỉ cứu được mẹ thôi, mà trời Phật phù hộ đứa con vẫn chui ra lành lặn, bình thường. Phấn khởi lắm", cô Thẫm rưng rưng.

Trong ký ức của người mẹ, hình ảnh về đứa con gái trên giường bệnh chưa lúc nào thôi ám ảnh. "Nhiều lúc Mười bảo con thương mẹ lắm. Tôi chỉ nói với con rằng: Mẹ cũng hết lòng vì con, con phải cố gắng lên, coi như con trả công mẹ. Ngày nào cũng động viên con ăn để khỏe, dù khó khăn, nhưng nó cố gắng nuốt từng miếng một".

Đồng hành với con trong quá trình chiến đấu bênh tật, cô Thẫm kể lại: "Bác sĩ khám cho Mười ở Viện 108 cứ bảo con gái cô là kỳ tích đấy. Tôi quê mùa không hiểu kỳ tích là gì. Cậu ấy nói vì Mười bệnh nặng thế mà cái thai vẫn bám trụ và phát triển bình thường. Giờ thì cứ được đến đâu hay đến đó. Tôi chỉ mong con gái mau khỏe".

Anh Phạm Minh Hiệp, chồng của Mười, cho biết, nếu tiến triển tốt, cuối tuần này, Mười sẽ được ra viện để về nhà nghỉ ngơi. Sau khi ổn định, Mười sẽ tiếp tục xạ trị và thực hiện phẫu thuật ghép sọ.

Trước mắt, anh và gia đình vẫn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để chăm sóc vợ và con trai. Lúc nào anh cũng tin tưởng, sức khỏe vợ mình sẽ tốt lên. "Tôi từng tuyệt vọng và nghĩ tới tình huống xấu nhất xảy ra, nhưng nhớ câu nói: Mất tiền mất ít, mất sức là mất nhiều nhưng mất niềm tin là mất tất cả, bản thân lại tự trấn an và tiếp tục nuôi hy vọng".

Nguyễn Thị Mười gia nhập FPT Software từ tháng 9/2014 với công việc Đảm bảo chất lượng (QA) cho FQC.CME (Hà Nội). Mới lập gia đình vào tháng 2/2016, khi đang mang thai, Mười có triệu chứng đau đầu nên phải vào cấp cứu tại Bệnh viện 108. Chi phí điều trị khi ấy là 5 triệu đồng/ngày chưa kể các khoản chụp chiếu, xét nghiệm. 

Trước hoàn cảnh của Mười, Công đoàn FPT Software đã kêu gọi ủng hộ trong toàn công ty. Cuối tháng 12/2016, Công đoàn FPT Software cùng đại diện Công đoàn FPT đã đến thăm Mười và trao toàn bộ số tiền ủng hộ là 410 triệu đồng và 123.000 JPY (tương đương 25 triệu đồng) từ FPT Japan. Trong số này, có 50 triệu đồng được trích từ Quỹ "Người FPT vì cộng đồng" và 20 triệu đồng từ Công đoàn FPT hỗ trợ. Ngoài ra, nhiều CBNV trong và ngoài FPT Software cũng đã gửi lời động viên, giúp cô gái trẻ vững tin.

Video chia sẻ của Nguyễn Thị Mười và gia đình sau ca sinh em bé thành công tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội, ngày 17/5:

 Xem bằng link YouTube tại đây.

Thanh Nga

Video: Thanh Tùng

Ý kiến

()