Cuộc thi Bàn tay vàng kỹ thuật hạ tầng miền Bắc sẽ diễn ra tại 48 Vạn Bảo, Ba Đình, Hà Nội trong hai ngày 8-9/12.
Trước thềm cuộc thi, anh Nguyễn Quốc Huy, Trung tâm kinh doanh Hà Nội 13 (HN13), chia sẻ, cuộc thi là một thử thách lớn với anh và người đồng đội Nguyễn Quang Tuyên.
Với anh Huy, phần thực hành sẽ “khó nhằn” nhất, cụ thể là phần thi lắp đặt thiết bị OLT (Optical Line Terminator - Thiết bị kết cuối sợi quang) vào tủ POP (Point of presence - đài trạm) bởi ngoài những vấn đề như lắp đúng chiều, đúng dây điện thì còn vô số các chi tiết nhỏ khác, nếu làm sai hoặc không đúng kỹ thuật thì sẽ bị trừ điểm. Ngoài ra, đội HN13 còn gặp khó khăn khi không có tủ POP để thực hành, anh cho rằng ‘đây là một điểm yếu so với các đội bạn’.
Có kinh nghiệm làm việc 7 năm tại FPT Telecom, anh Tuyên khá tự tin về kinh nghiệm xử lý các tình huống khó. "Nhưng đó chỉ là những tình huống, những vấn đề đơn lẻ trong khi bài thi yêu cầu xử lý tổng thể theo quy trình nghiêm ngặt", anh Tuyên bày tỏ.
Vào thời điểm cuối năm, công việc tất bật khi phải quản lý hạ tầng một khu vực rộng lớn, thêm nữa nhân sự mỏng, "anh em phải cố gắng cùng làm việc với nhau thì mới phục vụ được khách hàng tốt nhất".
Không có thời gian ôn luyện vì khối lượng công việc nhiều, anh coi "đây là cơ hội cọ xát với các đội khác nên sẽ cố gắng hết sức".
Hai thành viên HN13 dành chút thời gian buổi sáng cùng luyện tập với thiết bị nằm trong phần thi thực hành. |
Đến từ chi nhánh Điện Biên, anh Phí Văn Thường còn chưa kịp biết người đồng đội của mình đến từ Cao Bằng là anh Nguyễn Tiến Thành. Đều là những chi nhánh nhỏ, nguồn lực có hạn nên việc kết hợp với nhau là cách duy nhất để đội hạ tầng Điện Biên và Cao Bằng có thể tham gia cuộc thi này. Vì không có cơ hội cùng làm việc với nhau nên hai anh phải bàn bạc, lên kế hoạch chuẩn bị qua email hoặc qua điện thoại.
Đánh giá về đề thi, anh Thường cho rằng thời gian cho thực hành quá ngắn, gây nhiều áp lực cho các đội thi. “Để thực hiện bài thi cần khoảng một ngày mới xong. Nhưng chỉ có 3,5 tiếng nên thời gian là yếu tố cần phải chú ý. Tôi cần trao đổi với đồng đội và phân chia công việc sao cho hoàn thành đúng thời gian và đủ công đoạn”.
Anh Thường cũng cho biết, thiết bị POP của chi nhánh Điện Biên đang sử dụng khác hoàn toàn với thiết bị của Ban tổ chức đưa ra. Vấn đề lắp đặt cũng là điều khiến anh bỡ ngỡ vì không chỉ làm đúng mà còn phải đủ quy trình. Lắp đặt tủ POP có nhiều công đoạn, phải làm tỉ mỉ, hình thức đẹp để không bị trừ điểm. Anh cảm thấy có chút lo lắng khi không biết người đồng đội của mình sẽ thể hiện ra sao.
Đến với "chủ nhà" Vạn Bảo, không khí tấp nập chuẩn bị cho cuộc thi được hiện rõ nét khi anh Đào Duy Được, Ban bảo trì 1, đang test lại chiếc máy OLT. "Qua cuộc thi, tôi mong muốn có cơ hội cọ xát với những anh em trên khắp miền Bắc cũng như gặp lại nhiều người từng học hỏi kinh nghiệm".
Anh Được thực hiện khai báo chất lượng dịch vụ sau khi hoàn thành việc cài đặt thiết bị ONT. |
Mối bận tâm nhất của anh là việc thiết lập cấu hình, khai báo thiết bị và báo cáo chất lượng dịch vụ vì khâu này tốn nhiều thời gian thực hiện trong khi yêu cầu của Ban giám khảo rất khắt khe. Anh tự tin đội có thể nắm chắc khoảng 70% chiến thắng, bên cạnh các đối thủ mạnh như BT2, BT3, chi nhánh HN8...
Năm đầu tiên tổ chức, cuộc thi Bàn tay vàng kỹ thuật hạ tầng miền Bắc được Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng Miền Bắc (INF/MB) phối hợp với Trung tâm Đào tạo (FTC) tổ chức nhằm mục đích tạo sân chơi cho các kỹ thuật viên cùng cọ xát và nâng cao tay nghề cũng như trao thưởng với các đội có thành tích xuất sắc. Có 31 đội sẽ bắt đầu cuộc thi vào lúc 6h ngày 8/12 tại văn phòng FPT Vạn Bảo, Hà Nội.
Nội dung thi gồm: Lắp đặt, đấu nối hoàn thiện POP; Cấu hình hoạt động và hòa mạng POP; Khai báo quản lý, gửi thông tin báo cáo hoàn thành lắp đặt; Bảo hộ lao động, công cụ thực hành.
Trọng Nghĩa
Ảnh: Đức Thắng
Ý kiến
()