Nữ Tiến sĩ trẻ nhất FPT
Chị Nguyễn Hồng Phương đang là tiến sĩ trẻ nhất FPT. Ảnh: C.T.
Dù đã 16 năm trôi qua nhưng chị Nguyễn Hồng Phương, ĐH FPT, vẫn nhớ như in cảm giác xúc động đến rơi nước mắt khi cầm tấm bằng Tiến sĩ trong tay khi mới 26 tuổi 253 ngày. “Lúc ấy, mình đã bật khóc vì mọi gian nan đã kết thúc. Tiếp đến là niềm tự hào vì đã thắng được chính mình và hạnh phúc vì sắp được về với gia đình, người yêu. Cuối cùng, mình không thể tránh khỏi hụt hẫng bởi phải đặt mục tiêu tiếp theo trong cuộc đời”, chị nhớ lại.
Chia sẻ về lý do quyết định học lên Tiến sĩ khi tuổi đời còn rất trẻ, chị Phương cho rằng chính mẹ là người đã có ảnh hưởng rất lớn: “Mẹ đã giải thích với hai chị em mình là muốn các con được tiếp cận một nền giáo dục khác, trước tiên là để tự hoàn thiện bản thân, sau đó so sánh và định hướng giáo dục con cái sau này. Cuối cùng là suy nghĩ xem có thể làm gì giúp ích cho đất nước”.
Những ngày đầu du học, để theo kịp bạn bè, chị đã phải cố gắng rất nhiều bằng cách ghi lại các điểm trọng tâm trên lớp, sau đó đến thư viện tìm tài liệu đọc cho đến khi thông suốt vấn đề mới thôi. Sau khi thư viện đóng cửa, chị lại về nhà tiếp tục học đến 1h sáng để rồi 6h lại tất tả bắt tàu đi học.
Trong hình dung của nhiều người, nữ Tiến sĩ chắc chỉ biết đến sách vở nhưng chị Phương luôn được bạn bè, đồng nghiệp đánh giá là người “biết tận hưởng cuộc sống”. Những ngày làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, bên cạnh thời gian học tập, chị còn là thành viên của hai câu lạc bộ nhảy Salsa và Rock’n Roll của Cité International Universitaire de Paris trong suốt 3 năm và từng đi biểu diễn. Đến giờ, ngoài công việc, chị luôn biết cách tự cân bằng và tìm niềm vui trong cuộc sống với gia đình nhỏ của mình.
Hiện, chị là Giám đốc Đào tạo ĐH FPT tại TP HCM, đồng thời là Phó trưởng ban Phát triển chương trình của nhà trường.
Được ghi nhận là Nữ tiến sĩ trẻ nhất FPT, chị Phương rất vui bởi với chị, cuộc thi Kỷ lục FPT thú vị, bất ngờ và hơn nữa “trong một chừng mực nào đó có thể tác động tích cực đến thế hệ trẻ trên con đường phát triển nghề nghiệp”.
PM trẻ nhất tập đoàn
Anh Duy được công nhận là PM khi mới bước sang 22 tuổi. Ảnh: C.T.
Trong khi bạn bè còn đang loay hoay với các kỳ thực tập hoặc thử việc thì Tô Quang Duy (FSU17.BU2 thuộc FPT Software) đã được công nhận là PM (Quản trị dự án) khi vừa tốt nghiệp và mới bước sang tuổi 22. Chia sẻ kinh nghiệm trở thành PM ngay từ khi còn trẻ, Duy cho rằng phải làm việc có trách nhiệm, chất lượng, đúng hạn ở mọi vị trí. Bên cạnh đó, cần tăng cường học hỏi, không ngại việc khó, không ngại thử sức tại những vị trí cao hơn khi được tạo điều kiện vì “càng lên cao càng được học hỏi nhiều hơn”và cần có những người bạn giỏi.Là PM trẻ, quản lý nhiều nhân viên hơn tuổi nhưng Duy luôn cân bằng được các mối quan hệ và hơn cả, cậu quan niệm ở dự án, công việc luôn được ưu tiên hàng đầu và mọi người cần hoàn thành công việc với tinh thần trách nhiệm cao. Tham gia cuộc thi kỷ lục FPT, Duy mong muốn sẽ lưu giữ được dấu ấn của riêng mình nhân dịp FPT tròn 25 tuổi.
‘Đại gia’ kỷ lục
Anh Ngọc hiện đang nắm giữ 7 kỷ lục ở FPT. Ảnh: C.T.
Nắm giữ 7 kỷ lục: Người FPT sở hữu nhiều điện thoại di động nhất; Người sở hữu thẻ nhớ điện thoại di động dung lượng nhỏ nhất; Người sở hữu nhiều bật lửa nhất; Người đạp xe tốc độ nhanh nhất; Người sở hữu điện thoại di động cổ nhất; Người sử dụng laptop được mua lâu nhất; Người sở hữu bật lửa cổ nhất, anh Nguyễn Văn Ngọc (FPT Trading) đang sở hữu nhiều kỷ lục nhất FPT.
Bí quyết của “đại gia” kỷ lục là khi đăng ký cần phải cân nhắc xem có chắc chắn được giải không thì mới gửi dự thi.
Trong số các kỷ lục đang nắm giữ, anh Ngọc ấn tượng với danh hiệu "Người FPT sở hữu nhiều điện thoại" nhất. Anh chia sẻ: “Mình đang làm kinh doanh ở FPT Trading, đơn vị phân phối các sản phẩm công nghệ, trong đó có điện thoại, nên kỷ lục này có liên quan và gắn bó với công việc. Mình có thể chia sẻ niềm yêu thích sưu tập điện thoại với khách hàng, ngoài ra còn bổ sung được kiến thức khi bán hàng”.
Nhận định về cuộc thi kỷ lục của FPT, anh cho rằng cuộc thi đã khích lệ được tình yêu công ty của CBNV. “Tập đoàn có gần 16.000 người, rất nhiều người âm thầm sở hữu những tài năng, món đồ, công việc... độc đáo nhưng không có cơ hội chia sẻ với mọi người. Cuộc thi giúp mọi người có thể chia sẻ niềm vui, sở thích. Qua đó bồi đắp thêm tình yêu và niềm tự hào với đồ vật, công việc”, anh Ngọc bày tỏ.
Đồng phục FPT '20 năm vẫn dùng tốt' của Viện sĩ STCo Khắc Thành
Bộ đồng phục kỷ lục của viện sĩ STCo Nguyễn Khắc Thành. Ảnh: C.T.
Với “thâm niên” hai thập kỷ, bộ comple đồng phục của Phó Hiệu trưởng ĐH FPT, Viện sĩ STCo Nguyễn Khắc Thành được ghi nhận kỷ lục "Đồng phục FPT được sử dụng trong thời gian dài nhất".
Bắt đầu sử dụng từ năm 1992, bộ đồng phục này đã cùng viện sĩ Khắc Thành trải qua hầu hết những sự kiện quan trọng của cuộc đời: Lễ cưới, lên truyền hình trao giải và phát biểu trong tất cả các chương trình Trí tuệ Việt Nam, tham dự hội nghị quốc tế...
Chia sẻ về lý do sử dụng mãi một bộ comple, anh Thành hóm hỉnh cho rằng “vì chưa rách vẫn cứ dùng”. Những ngày đầu được phát bộ đồng phục, anh Thành sung sướng và giữ gìn rấtcẩn thận, hễ cứ bẩn là mang ra hiệu giặt khô cho yên tâm. Thế nhưng về sau, độ lười tăng lên, lại có máy giặt nên anh thử “thảy vào đó” mà vẫn chưa hỏng.
Anh Thành dự định tiếp tục sử dụng thêm nhiều năm nữa, chỉ khi nào “rách hoặc béo quá không mặc được” thì mới cho bộ đồng phục của mình “nghỉ hưu”.
Người có tên dài nhất FPT
Chị Trương Nguyễn Thanh Thiên Hương (FPT Online) hơi bất ngờ khi mình là người nắm giữ kỷ lục tên dài nhất FPT. Ảnh: C.T. |
Biết mình nắm giữ kỷ lục“Người có tên dài nhất” , chị Trương Nguyễn Thanh Thiên Hương (FPT Online) hơi bất ngờ bởi “biết một số bạn bè, đồng nghiệp cũng có tên 5 chữ cái nên không nghĩ tên mình là dài nhất”.
Chia sẻ về cái tên dài tới 27 ký tự của mình, chị cho biết: “Khi đặt tên ba mẹ mình đã ghép họ của hai người lại, cộng thêm tên Thanh Thiên Hương với mong muốn, kỳ vọng con mình là người có nhiều tính cách tốt đẹp”.
Ngoài việc gây ấn tượng cho mọi người, việc sở hữu cái tên dài còn mang lại không ít bất tiện cho chị. “Ví dụ khi đi thi, do tên quá dài nên phần điền họ tên của mình chắc chắn mất thời gian hơn các bạn. Đến khi đi làm, nếu phải ký giấy tờ gì thì phải viết mỏi tay mới xong. Đôi khi, do chỗ để viết tên quá bé mình đành phải viết tắt, người khác đọc không hiểu nên thường dịch tên mình lộn xộn, linh tinh”, chị hài hước.
Tự nhận chỉ có mỗi cái tên dài là ấn tượng nhất, ngoài ra không có điểm gì đặc biệt nên chị Hương mong kỷ lục của mình sẽ được giữ lâu lâu một chút để làm kỷ niệm.
Được phát động từ tháng 3/2013, trải qua gần 8 tháng, Tiểu ban Thi đua - Kỷ lục FPT ghi nhận được tổng số 234 đơn đăng ký, trong đó có 108 kỷ lục đã được công bố và trao bằng chứng nhận.
Hầu hết các kỷ lục đều được xác lập trong phạm vi FPT, có nội dung về đặc điểm của người FPT, kết quả hoạt động, sản phẩm, đặc tính các công cụ và đồ vật thuộc FPT... Đồng thời, thỏa mãn tiêu chí: Đo được (dài nhất, nhanh nhất…), đơn biến (nhanh nhất hoặc dài nhất...), kiểm chứng và có thể phá được.
Đây là một trong những nội dung quan trọng chào mừng Đại lễ FPT 25 năm, bên cạnh các hoạt động khác như: Thi đua, Kinh doanh, Quà tặng, Sử ký, Trao tặng tủ sách…
Đồng Bằng
Ý kiến
()