Thầy Nguyễn Xuân Biên, giảng viên FPT Polytechnic Đà Nẵng (ngoài cùng bên phải), chụp hình lưu niệm trong kỳ thi thăng cấp Cao đẳng Vovinam 2017 tại TP HCM. |
Hoạt động diễn ra từ ngày 3 đến 6/5 tại Nhà thi đấu Quận 8, TP HCM. Giảng viên Nguyễn Xuân Biên là đại diện duy nhất của FPT tham gia kỳ thi thăng cấp Cao đẳng Vovinam, tham dự nội dung thi từ cấp Hoàng đai tam lên Chuẩn hồng đai với các nội dung Việt võ đạo quyền, Tứ trượng côn pháp, Mộc bản pháp, Phân thế 12 thế côn, Tay không đoạt súng và Song luyện 4.
Tất cả nội dung thi đều áp dụng theo chương trình thi và tập luyện hiện hành của Liên đoàn Vovinam. Thông qua kỳ thi, ngoài việc kiểm tra, đánh giá và thăng cấp cho các môn sinh trúng tuyển thì đây là lực lượng HLV nòng cốt trong việc phát triển phong trào, quảng bá môn võ Việt tại quốc nội và các nước trên thế giới.
"Để chuẩn bị cho kỳ thi, tôi đã lên lộ trình, kế hoạch từ hai năm trước. Mốc thời gian quan trọng nhất là sau kỳ nghỉ Tết 2017, bản thân tập trung tinh thần cho kỳ thi từ quá trình luyện tập, lịch sinh hoạt điều độ đúng giờ, giữ gìn kỷ luật bản thân để đảm bảo tâm lý và sức khỏe", giảng viên FPT tâm sự.
"Kết quả phản ánh quá trình tập luyện cùng niềm đam mê với môn võ Vovinam. Trong thời gian công tác tại trường, tôi đã có nhiều cải tiến trong phương pháp giảng dạy, tạo hiệu ứng tích cực giúp sinh viên ngày càng yêu thích bộ môn võ Vovinam. Gần nhất, tôi đã thực hiện nhiều clip hướng dẫn sinh viên học môn võ Vovinam", anh tâm sự.
Kỳ thi nhằm nâng cao trình độ, đánh giá kết quả tập luyện và năng lực chuyên môn, kỹ thuật của lực lượng võ sư, huấn luyện viên, vận động viên phong trào và chuyên nghiệp của các đơn vị. |
Được đào tạo chính quy trong trường ĐH Thể dục Thể thao Đà Nẵng, anh có cơ hội tiếp xúc với nhiều bộ môn võ thuật như Taekwondo, Karatedo, Boxing… Tuy nhiên, Vovinam - môn võ cổ truyền của người Việt với đòn thế đẹp và triết lý nhân sinh sâu sắc mới thực sự lôi cuốn chàng trai sinh năm 1986. Kể từ đó, ước mơ trở thành giáo viên thể chất đã nhen nhóm trong anh từ ngày còn ngồi trên ghế giảng đường.
Tốt nghiệp, anh Biên được Hội Vovinam TP Đà Nẵng giới thiệu đến giảng dạy tại FPT Polytechnic và gắn bó với công việc đến bây giờ. Ngoài võ thuật, anh còn có sở thích âm nhạc, ca hát. Anh là giọng ca nam có tiếng ở các sự kiện do trường và FPT tổ chức. Học trò ở FPT Polytechnic Đà Nẵng vẫn thường truyền tai nhau về một người thầy dạy Vovinam đàn hay, hát giỏi, được sinh viên vừa quý vừa “sợ” bởi cái uy trên võ đường của mình.
Môn võ cổ truyền của người Việt hiện có mặt ở hơn 40 quốc gia trên thế giới. Ngày nay, Vovinam được đưa vào giảng dạy ở một số trường học, điển hình là ĐH FPT. Bên cạnh yếu tố rèn luyện thể chất, nhà trường còn mong muốn truyền đến học sinh, sinh viên tinh thần thượng võ, tôn sư trọng đạo. Với khoảng 10 giảng viên cùng số lượng học sinh, sinh viên đạt khoảng 20.000 người, hiện Tổ chức Giáo dục FPT trở thành võ đường Vovinam lớn nhất Đông Nam Á.
>> Mồ hôi và tiếng hát nơi võ đường
Việt Nguyễn
Ý kiến
()