15 năm trước, chị Tú được rủ sang làm thu ngân dịch vụ Internet ngay sau khi bảo vệ xong luận văn tại ĐH Hà Nội. Người phỏng vấn chị là anh Trương Đình Anh, GĐ Trung tâm dịch vụ trực tuyến - FPT Online Exchange (FOX - tiền thân của FPT Telecom).
“Em không làm thu ngân được đâu. Người bé thế này có mà bị trấn lột hết”, đồng sáng lập FOX phán. Chị Tú trở thành nhân viên kinh doanh. FPT Telecom kinh doanh gì, salesman như chị Tú bán nấy: Thẻ cào Internet, phát triển thuê bao đại lý Internet, bán quảng cáo VnExpress, thiết kế Web, Hosting, IP…
Tháng đầu, lương thử việc là 700.000 đồng. Đến tháng thứ hai, chị Tú được 2.750.000 đồng. Choáng quá, salesman FPT rút hết. Tết đầu tiên ở nhà F, chị Tú được thưởng 6 triệu đồng.
Chị Đặng Anh Tú đang là Giám đốc ngành hàng phụ kiện, FPT Retail. Nữ quản lý U40 nhận định con người như một hạt giống. “May gieo đúng đất tốt, lại mưa gió thuận hoà, thiên thời địa lợi nên cũng nhân hoà. Sự kiện FPT lên sàn chỉ một lần duy nhất trong cả đời người. 100 năm nữa cũng không có ‘sóng’ tương tự”. |
Ban đầu chưa biết dùng vào việc gì, chị Tú chọn cách mua vàng và đôla. Theo học MBA nên “khôn ra”, cô gái bắt đầu vay tiền phụ huynh mua đất. Cuối năm lãnh thưởng Tết lại mang trả.
Năm 2002, FPT cổ phần hóa, nhân viên được mua cổ phiếu tính theo thâm niên và thành tích đóng góp. Chị Tú cũng ôm cổ FPT nhưng do mấy năm đầu không thấy cổ tức gì nên cứ chị cặm cụi làm lĩnh lương và thưởng để tích lũy.
Khi FPT rục rịch lên sàn, đồng nghiệp chuyển nhượng nội bộ đã sang tay nhau giá 150.000 đồng/cổ phiếu. Thấy nhân viên bán, chị Tú cứ can và bản thân thì ngại không dám thu gom.
“Nếu tôi gom, chắc không hình dung nổi”. Khi giá giao dịch ở sàn tự do là 200.000-250.000 đồng/cổ phiếu, như các đồng nghiệp khác, chị Tú đứng ngồi không yên.
Ngày 13/12/2006, cổ phiếu của FPT chính thức tham gia giao dịch tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP HCM, đánh dấu sự kiện doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực CNTT - Viễn thông trở thành công ty đại chúng. Giá chốt phiên là 400.000 đồng/cổ phiếu. “Tôi theo dõi giá từng ngày, lúc lên 450.000 đồng, thấy cao rồi nên bán béng một phần ba”, chị Tú kể. “Lên 520.000 đồng tôi bán một mớ và lúc giá 620.000 đồng còn bao nhiêu bán hết”.
“Em không tin vào FPT hay sao mà bán tất thế?”, một sếp hỏi khi biết nhân viên bán hết cổ phiếu. “Em tin chứ. Em vẫn làm việc ở đây mà”, chị Tú dõng dạc. “Nhưng em bán để mua cái nhà. Tính em thích đất và vàng”.
Hiện thực hoá ngay ước mơ, tiền bán cổ phiếu vừa về tài khoản, chị Tú đi mua nhà liền tay. Còn dư, chị mua tiếp các loại cổ phiếu khác bởi lúc đó thị trường chứng khoán đang nhộn nhịp, từ Vinaconex cho đến Cao su miền Nam và nhiều mã nữa. Đến năm 2010, chị bán sạch, không còn giữ cổ phiếu nào.
Sau cơn lốc chứng khoán bắt đầu từ cổ phiếu FPT, chị Tú “vẫn còn vài cái nhà vì cứ bán mã nào thu hoạch to tiền là hiện thực hoá thành nhà luôn”.
Đến 2012, chị Tú chuyển sang FPT Retail, đơn vị Bán lẻ mới thành lập. Cùng các cán bộ quản lý khác, chị lại được mua cổ phiếu. Sắp đến hạn được phép giao dịch, chị Tú đã lên phương án mua nhà mới.
Chiêm nghiệm lại quãng thời gian hơn 15 năm gắn bó, Giám đốc ngành hàng phụ kiện FPT Retail “lúc nào cũng bùi ngùi thấy mình cống hiến chưa đủ vì được nhiều quá”.
Cũng được hưởng cổ phiếu ưu đãi như chị Tú, nhưng chị Phạm Thị Mai, FPT IS ERP, lại giống như Chủ tịch FPT Trương Gia Bình và TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc là chưa bán một cổ phiếu nào. “Số cổ phiếu của tôi vẫn còn nguyên và giờ số lượng gấp đôi lúc đầu”, chị Mai nói. “Tôi nhớ mãi câu nói của anh Hoàng Minh Châu: ‘Em có niềm tin với FPT thì giữ cổ phiếu’ nên giữ hoài đến bây giờ luôn”.
10 năm FPT lên sàn chứng khoán Việt - 13/12/2006, FPT là doanh nghiệp CNTT đầu tiên lên sàn. Chốt phiên cuối năm, ngày 29/12/2006, FPT đứng đầu thị trường chứng khoán về giá trị vốn hóa với 27.973 tỷ đồng. - 400.000 đồng/cổ phiếu là con số kết thúc phiên giao dịch đầu tiên (tương đương giá điều chỉnh hiện tại là 44.800 đồng/cổ phiếu). 672.000 đồng/cổ phiếu là đỉnh của mã FPT xác lập vào ngày 27/2/2007 (tương đương giá điều chỉnh là 74.300 đồng/cổ phiếu). Mức giá thấp nhất của cổ phiếu FPT là 32.500 đồng vào phiên ngày 3/12/2012. - FPT luôn kín room dành cho khối ngoại - 49% - từ năm 2011. Các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể mua bằng cách giao dịch nội khối. - FPT có hơn 5.000 cán bộ nhân viên khi lên sàn. Năm 2007, có 17 người FPT nằm trong danh sách Top 100 người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam, với tổng tài sản hơn 12.000 tỷ đồng. Năm 2015, danh sách Top 100 chỉ còn 4 người nhà F. - 11.693 tỷ đồng là doanh thu FPT năm đầu tiên lên sàn (2006). Năm 2015, doanh thu là 40.003 tỷ đồng. Tổng doanh thu tăng trung bình 15%/năm. Trong đó, doanh thu từ thị trường nước ngoài tăng hơn 18 lần, tương đương tốc độ tăng trung bình 38%/năm trong suốt giai đoạn 2006 - 2015. - 19%/năm là mức tăng trung bình tổng lợi nhuận trước thuế, tương đương tăng gấp gần 5 lần trong giai đoạn 2006-2015. - Cổ tức tiền mặt hằng năm tăng 28 lần so với số cổ tức trả năm 2006. Vốn chủ sở hữu tăng 6 lần (2006-2015) và tổng tài sản tăng gần 8 lần. - 9 năm lên sàn, vốn điều lệ FPT tăng 465%. Ngày lên sàn, vốn điều lệ của FPT là hơn 608 tỷ đồng. Sau 9 năm, hiện vốn điều lệ của FPT đã tăng hơn 6 lần, lên 3.995 tỷ đồng. - Nộp ngân sách Nhà nước tổng cộng 35.976 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2015 đóng góp 6.000 tỷ đồng, tăng hơn 4,6 lần so với thời điểm niêm yết. |
>> Chủ tịch FPT Telecom: Đam mê dẫn bước thành công
Nguyên Văn
Ý kiến
()