Chúng ta

Diễn giả đặc biệt 'vượt mặt' cả Chủ tịch FPT Software

Thứ ba, 15/11/2016 | 14:30 GMT+7

Chỉ xuất hiện 10 phút ngắn ngủi nhưng robot NAO nhận được sự tán dương nhiệt liệt của các sinh viên trong ngày hội tuyển dụng hướng nghiệp Open Door Day tại FPT Software Campus vừa qua.

Robot NAO là "diễn giả" mở màn cho chương trình hội thảo công nghệ chủ đề "IoT - Internet of Things" (Internet kết nối vạn vật) cùng với các chuyên gia công nghệ, nhân sự của tập đoàn và FPT Software. NAO là sản phẩm ăn khách của Softbank, Nhật Bản và đã có mặt tại nhiều trường học trên thế giới với vai trò "trợ giảng" trong các môn học, đặc biệt là ngoại ngữ.

Phần tự giới thiệu bản thân của robot NAO bằng tiếng Việt chuẩn và mạch lạc khiến các sinh viên tham gia hội thảo thích thú.

Phần tự giới thiệu bản thân của robot NAO bằng tiếng Việt chuẩn và mạch lạc khiến các sinh viên tham gia hội thảo thích thú.

"NAO biết nói gần hai chục thứ tiếng, trừ tiếng Việt", một sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên tự tin khẳng định khi trả lời câu hỏi đầu chương trình về robot NAO của anh Nguyễn Đặng Quốc Khánh, Ban giải pháp công nghệ FPT Software HCM. 

Thế nhưng những gì mà NAO trình diễn trong hội thảo đã gây ngạc nhiên cùng sự phấn khích cho gần 400 sinh viên có mặt trong khán phòng. NAO không những nói thành thạo tiếng Việt mà còn có khả năng sử dụng "ngôn ngữ cơ thể" điêu luyện khi robot này liên tục dùng các bộ phận của của mình để minh họa cho lời nói và thậm chí nhảy theo nhịp điệu của ca khúc hit "Gangnam Style".

Chị Hoàng Sa đến từ Softbank, công ty sáng chế robot NAO là người giao tiếp dễ dàng nhất với NAO trong hội thảo. Chị có thể nói chuyện với NAO bằng cả tiếng Việt và Anh.

Chị Hoàng Sa, Softbank, là người giao tiếp dễ dàng nhất với NAO trong hội thảo. Chị có thể nói chuyện với NAO bằng cả tiếng Việt và Anh.

Tuy nhiên, giao tiếp với NAO không phải lúc nào cũng trôi chảy khi robot cao 58cm này giống như một đứa trẻ và phải hiểu cách trò chuyện với NAO thì "cậu bé" mới nhiệt tình hợp tác. Chính trong hội thảo này anh Khánh đã phải "nhờ cậy" chị Trần Vũ Hoàng Sa, Trưởng phòng phát triển kinh doanh Softbank tại Việt Nam để NAO biết vâng lời hơn.

Việc mào đầu của NAO đã giúp các diễn giả trong chương trình nhanh chóng lấy được sự chú ý của các sinh viên tham dự hội thảo về chủ đề chính IoT. Sau khi anh Khánh trình bày tổng quát về các xu hướng IoT trên thế giới, điểm nhấn của chương trình chính là phần nói chuyện về xe tự hành của anh Lê Ngọc Tuấn, Quản lý nhóm công nghệ IoT tập đoàn FPT. 

Anh Lê Ngọc Tuấn nói về dự án xe tự hành tại FPT và cơ hội rộng mở trong lĩnh vực này dành cho các bạn trẻ đam mê công nghệ. Ngay sau buổi hội thảo, nhiều sinh viên đã gặp trực tiếp để hỏi anh thêm về cuộc thi lập trình cho xe không người lái mà FPT đang tổ chức.

Anh Lê Ngọc Tuấn nói về dự án xe tự hành tại FPT và cơ hội rộng mở trong lĩnh vực này dành cho các bạn trẻ đam mê công nghệ. Ngay sau buổi hội thảo, nhiều sinh viên đã gặp trực tiếp để hỏi anh thêm về cuộc thi lập trình cho xe không người lái mà FPT đang tổ chức.

"Thế giới đang đổi thay từng ngày và giai đoạn này sự thay đổi còn mang tính cách mạng. Ô tô là ngành công nghiệp lâu đời cũng vụt chuyển hướng sang những nghiên cứu mới về xư tự hành", anh Tuấn nói. 

'Tiến sĩ Robot FPT' cho biết, tập đoàn đang song hành cùng thế giới trong các nghiên cứu về xe tự hành. "FPT không tham vọng tham gia vào ngành công nghiệp ô tô mà tham gia nghiên cứu phần "lõi" để những chiếc ô tô sản xuất ra có thể có những bộ phận điều khiển do người FPT xây dựng", anh chia sẻ. Bước đầu, FPT đang đặt ra mục tiêu làm các bộ phận điều khiển cho xe có tốc độ chậm và không đòi hỏi những xử lý quá phức tạp như xe chạy trong công viên, robot tự hành trong bệnh viện...  

Hội thảo IoT - Định hướng và nghề nghiệp thu hút số sinh viên tham gia đông kỷ lục trong các phiên hội thảo tại Open Door Day. Ước tính gần 400 sinh viên đã tham dự hội thảo này.

Hội thảo IoT - Định hướng và nghề nghiệp thu hút số sinh viên tham gia đông kỷ lục trong các phiên hội thảo tại Open Door Day. Ước tính gần 400 sinh viên đã tham dự hội thảo này.

Nói về tính ứng dụng của các nghiên cứu về xe tự hành, anh Tuấn cho rằng lĩnh vực này rất rộng mở với vô vàn cơ hội: "Chẳng hạn trong ngành bảo hiểm, bạn có thể cung cấp cho khách hàng một ứng dụng giúp ghi lại và phân tích hành trình của người tham gia giao thông. Khi tai nạn xảy ra, ứng dụng sẽ cho biết ngay nguyên nhân nào dẫn đến tai nạn, do khách quan hay do lái ẩu từ đó giúp các tình huống bảo hiểm được xử lý chính xác hơn". 

Anh Tuấn đặt niềm tin vào thế hệ sinh viên công nghệ sẽ là người phát triển xe tự hành làm chủ công nghệ này và tạo ra một nền tảng (platform) cho các ứng dụng và thiết bị khác.

Các sinh viên cũng được nghe giới thiệu về FPT Driveless, dự án xây dựng platform cho xe tự hành tại Việt Nam, trong đó cuộc thi Cuộc đua số với chủ đề "Xe không người lái" dành cho sinh viên trên cả nước là một trong những hoạt động của dự án. Diễn ra từ tháng 11/2016 đến tháng 4/2017, Cuộc đua số nhằm tìm ra đội xuất sắc trong việc lập trình cho xe ô tô mô hình với giải thưởng lên đến 700 triệu đồng cho đội thắng cuộc, trong đó bao gồm một chuyến đi tới thung lũng Sillicon, Mỹ và tham quan dự án xe tự hành của Google. 

Chủ đề xe tự hành và các thiết bị thông minh nhận được sự quan tâm của sinh viên về các vấn đề an toàn, bảo mật và hệ thống năng lượng sử dụng. Đáp lại, các chuyên gia công nghệ của FPT cho rằng những băn khoăn của sinh viên cũng là bài toán buộc phải giải của những người nghiên cứu. "Nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn, bảo mật thì "lứa con" công nghệ này sẽ chẳng bao giờ ra đời được nên đây là những phần tất yếu trong nghiên cứu và thử nghiệm". Ban công nghệ FPT cũng cho biết thêm, các mô hình xe tự hành mà FPT đang sử dụng để nghiên cứu chạy bằng điện.

Chủ đề xe tự hành và các thiết bị thông minh nhận được sự quan tâm của sinh viên về các vấn đề an toàn, bảo mật và hệ thống năng lượng sử dụng. Các chuyên gia công nghệ của FPT cho rằng băn khoăn của sinh viên cũng là bài toán buộc phải giải của những người nghiên cứu. "Nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn, bảo mật thì "lứa con" công nghệ này sẽ chẳng bao giờ ra đời được nên đây là những phần tất yếu trong nghiên cứu và thử nghiệm". Ban công nghệ FPT cũng cho biết thêm, các mô hình xe tự hành mà FPT đang sử dụng để nghiên cứu chạy bằng điện.

Hội thảo về IoT nằm trong khuôn khổ ngày hội tuyển dụng, hướng nghiệp Open Door Day sau đó còn dành thời gian để trả lời các câu hỏi của sinh viên về cơ hội việc làm tại FPT Software và nhu cầu tuyển dụng của các ngôn ngữ lập trình. Đại diện Phòng tuyển dụng FPT Software cho biết, từ nay đến năm 2019, đơn vị có nhu cầu tuyển hơn 20.000 nhân lực, trong đó có 15.000 nhân lực thuộc nhóm sinh viên mới tốt nghiệp. 

Open Door Day 2016 tại TP HCM diễn ra vào ngày 12/11 tại FPT Software Campus, Khu công nghệ cao, quận 9 với chủ đề "Code Your Life - Cùng FPT Software lập trình cuộc sống". Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 1.500 sinh viên đến từ các trường đại học trong nhóm ngành Công nghệ Thông tin, Điện tử Viễn thông, Ngoại ngữ… trên địa bàn TP HCM.

Bên cạnh các hoạt động tham quan văn phòng, giao lưu với lãnh đạo công ty, tại sự kiện sinh viên còn được trực tiếp trải nghiệm các công nghệ mới nhất mà FPT Software đang nghiên cứu, phát triển,  tham gia tuyển dụng trực tiếp vào vị trí lập trình viên, nhân viên thực tập và tham dự các hội thảo công nghệ về các chủ đề hot nhất hiện nay như số hóa, IoT, giao thông thông minh, trợ lý ảo, dữ liệu lớn (big data) và điện toán đám mây với diễn giả là các CEO và chuyên gia công nghệ. 

Ngọc Dung

Ý kiến

()