Chúng ta

Chuyện mở cõi Viễn thông FPT từ góc nhìn của người trong cuộc

Thứ tư, 13/12/2017 | 18:50 GMT+7

Câu chuyện hậu trường, những hoàn cảnh, tình huống gặp phải được các "nhân chứng sống" FPT Telecom, những lãnh đạo đóng vai trò chủ chốt kể lại trong hành trình "mở cõi", mang Internet tới muôn nơi. 

20 năm Internet FPT là một bản hùng ca gồm nhiều giai đoạn thăng trầm. Trong chương trình Open Talk "20 năm Internet FPT - Chuyện nhà Cáo" diễn ra chiều ngày 7/12 tại Hà Nội, lịch sử của Viễn thông FPT được tái hiện qua 6 phần tương ứng với 6 giai đoạn: Hồng hoang (996-1997), Ra riêng - Lập nghiệp (1998-2003), Tồn tại hay không tồn tại (2004-2006), Mở cõi (2007-2012), Xây tuyến trục 9 tháng 10 ngày (2012-2014), Mọi dịch vụ trên một kết nối và hơn thế (2013-nay). Xuyên suốt là những nhân vật gắn liền với những cột mốc, những câu chuyện chưa kể lần đầu tiên được tiết lộ.

Với anh Nguyễn Hoài Nam, Phó ban Đường trục, đó là câu chuyện về các tuyến cáp.

Chia sẻ về thời điểm năm 2008 khi FPT thực hiện tuyến kết nối từ TP HCM đến Vũng Tàu nhằm kết nối với tuyến cáp quang AAG (Asia America Gateway). "Thời điểm đó, chúng tôi có  một quyết định rất sáng suốt khi phá bỏ việc phải thuê đường dây của các đơn vị khác để có thể chủ động trong việc đón đầu với thế giới". Năm 2009, tuyến AAG được đưa vào sử dụng và FPT đã trở thành một trong những ISP (nhà cung cấp dịch vụ) có mặt trên tuyến với dung lượng 7,5 Gbps.

DSC-5656-1778-1512984750.jpg

Một trong những người có công xây dựng các tuyến cáp liên tỉnh - Anh Nguyễn Hoài Nam, Ban quản lý tuyến cáp trục Bắc Nam. Ảnh: Ngọc Thắng.

"Tuy nhiên, việc sử dụng chỉ một tuyến AAG ra quốc tế quá nguy hiểm, gần như phó thác may rủi vào tuyến cáp đó. Nó mà đứt thì mình cũng đứt", anh nói vui. Vì lý do đó, FPT Telecom quyết định làm tuyến liên tỉnh Hà Nội - Lạng Sơn để kết nối với Trung Quốc trên đất liền. Từ năm 2008 đến khoảng thời gian 2011-2012, FPT Telecom đã kết nối đủ với ba nhà mạng lớn nhất Trung Quốc.

Năm đầu tiên, FPT Telecom kết nối với nhà mạng được ví von như VNPT của Việt Nam - China Telecom. Sau đó đạt được thỏa thuận kết nối với hai nhà mạng nữa là China Mobile và China Unicom. Cuối cùng, đơn vị có 20 Gbps trên tuyến Hà Nội - Lạng Sơn.

Năm 2009-2010, Ban lãnh đạo ra quyết định thành lập chi nhánh Thái Nguyên và đơn vị buộc phải hợp tác với VTN (Vietnam Telecom National - Công ty Viễn thông Liên tỉnh trực thuộc VNPT). Thỏa thuận đã xong nhưng ngặt nỗi gặp phải sự cản trở của Công ty Viễn thông Thái Nguyên, việc đàm phán kéo dài dai dẳng với mức giá "trên trời". Với cách xử lý linh hoạt, chỉ một thời gian ngắn, chi nhánh FPT Thái Nguyên đi vào hoạt động. Anh Nam kể, đó là lần đầu tiên "một ISP chính thức ở Việt Nam lại không nhận được sự hỗ trợ của các ban ngành địa phương".

"Năm 2009, theo định hướng của Ban điều hành, tôi được giao quản lý chi nhánh Bắc Giang, đây cũng là nơi mang lại nhiều kỷ niệm nhất", anh Trần Hữu Sơn, Giám đốc INF miền Bắc, hồi tưởng.

Anh kể: "Hồi đó, thành phố Bắc Giang bé lắm, chỉ chưa đầy 4 km2. Tôi đi bộ một vòng trục đường Xương Giang và Hùng Vương là hết thành phố rồi. Dân số ít, chỉ khoảng 4.000 khách hàng, nhưng chúng tôi vẫn quyết làm vì có động lực là sự tin tưởng của các anh chị lãnh đạo giao cho".

DSC-5632-9786-1512984750.jpg

Anh Trần Hữu Sơn, Giám đốc INF miền Bắc, chia sẻ về quãng thời gian "mở cõi" tại thành phố Bắc Giang của FPT Telecom. Ảnh: Ngọc Thắng.

Được Ban lãnh đạo đầu tư hạ tầng, chi phí để mua tủ, mua cột điện căng cáp nên với anh, điều quan trọng là phải tính toán sao cho chi thu hợp lý, sử dụng hiệu quả, có lãi. "Anh em trong chi nhánh ai cũng lo, tôi cùng các anh em tính toán, cân đo đong đếm, cố gắng gây dựng. FPT Telecom Bắc Giang sau đó trở thành chi nhánh có doanh số bán hàng tốt chỉ sau chi nhánh Hải Phòng", anh tự hào kể. 

Trong hành trình đó, với "máu liều" và để kịp tiến độ, FPT Telecom tiến hành công việc theo phương châm "vừa xin, vừa làm". Việc kéo cáp ở Bắc Giang cũng là một trường hợp như vậy. 

Một buổi trưa như mọi ngày, anh cùng đồng nghiệp "cứ trải cáp ra đường mà kéo cho dễ". Ai ngờ lại trải cáp trước cửa nhà vị Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. Toàn bộ số cáp bị tịch thu. Anh Sơn đã phải ngồi lì trong phòng xin bằng được cho cáp ra ngoài. Hai ngày liền, sau bao nhiêu "năn nỉ ỉ ôi", cuối cùng cũng được giải quyết êm thấm. Anh thú nhận, lúc đó đúng là "điếc không sợ súng". Khi xong vụ việc, không những hoàn thành tốt công việc, anh còn nhận được sự hỗ trợ từ phía chính quyền. 

Khoảng thời gian FPT Telecom mở chi nhánh tại Myanmar, anh Nguyễn Viết Hòa, là thành viên nhóm công tác (taskforce)

25276447-1630573763675692-1593-7114-2427

“Tôi thích du lịch và khám phá, đó là động lực ban đầu khi nhận nhiệm vụ khai phá thị trường Myanmar cho FPT Telecom”, anh Hòa chia sẻ.  Ảnh: Trọng Nghĩa.

Tháng 7/2015, gần một năm ròng rã theo đuổi, cạnh tranh với hàng loạt tên tuổi viễn thông nổi tiếng của châu Âu, Nhật Bản, Singapore và ngay cả các nhà mạng lớn tại Việt Nam, FPT trở thành công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông NFSI tại Myanmar. Khi ngồi lại cùng anh em, anh Hòa cho rằng lý do có thể thắng các "ông lớn" chính là sự chân thành. "Bằng sự chân thành, FPT Telecom đã giành được chiến thắng, phần nhiều nhờ cảm giác đầm ấm một nhà mà FPT mang đến cho người dân".

Nghĩ về kỷ niệm đáng nhớ, anh Hòa chia sẻ, khoảng tháng 7/2013, anh nhận nhiệm vụ sắp xếp một cuộc gặp giữa anh Bình và vị Bộ trưởng Quốc phòng Myanmar, cũng là người đứng đầu tập đoàn mà FPT định hợp tác.

Chuyện dàn xếp đã khó, anh Bình còn khăng khăng muốn anh em phải tìm "cái gì đó" để anh có thể "hòa" vào người dân Myanmar. Phương án là để anh Bình mặc váy longyi - loại váy truyền thống của nam giới Myanmar. Khổ nỗi, anh Bình có vóc người "hơi thừa cân" nên khi mặc loại váy này, cứ chốc chốc lại phải quấn lại cho chặt. Lúc bước đi, anh chỉ dám đi rón rén vì sợ tuột. Anh em đi cùng ai nhìn cũng vừa buồn cười vừa thương người anh cả của FPT.

FPT Telecom thành lập ngày 30/1/1997. Thời kỳ khởi phát, FPT Telecom chỉ có 4 người trong căn phòng 6m2 ở tầng 3 tòa nhà FPT 89 Láng Hạ với tài sản quý nhất là chiếc PC Server IBM chạy phần mềm TTVN Server, 12 modem xếp chồng lên nhau trong một chạn bát bằng nhựa mua ngoài siêu thị và được một chiếc quạt cây thổi liên tục cho mát.

Năm 2002, FOX được Tổng cục Bưu điện trao giấy phép cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP), trở thành đơn vị đầu tiên phá vỡ thế độc quyền trong việc cung cấp dịch vụ kết nối đường truyền Internet.

Sau gần 20 năm hoạt động, FPT Telecom đã lớn mạnh vượt bậc với hơn 7.000 nhân viên chính thức, gần 200 văn phòng điểm giao dịch thuộc hơn 80 chi nhánh tại 59 tỉnh thành trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Công ty đã và đang đặt dấu ấn trên trường quốc tế bằng 8 chi nhánh trải dài khắp Campuchia, cũng như việc được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ tại Myanmar.

Trọng Nghĩa

Ý kiến

()