Chúng ta

Chàng trai 25 tuổi đổi ngành để theo đuổi đam mê công nghệ

Thứ ba, 25/6/2019 | 10:25 GMT+7

Nguyễn Quốc Tuấn (quê Long An) chọn học trực tuyến tại FUNiX để vừa học vừa làm kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí, lại thỏa mãn đam mê.

Học lại ở tuổi 25

Ở tuổi 25, trong khi nhiều bạn bè đã ra trường, công việc ổn định, Nguyễn Quốc Tuấn vẫn ngày đêm chạy đua với những bài học online. Tự sự chuyện học code, Tuấn nói, không có đam mê thì không theo nổi. Có những bài tập liên quan đến thiết kế sáng tạo giao diện, cậu code suốt 3 tiếng đồng hồ, dò lỗi, kiểm tra rồi hoàn thiện mất thêm 6 tiếng. Vậy mà không hài lòng, cậu làm lại mất thêm 9 tiếng nữa mới ra sản phẩm như ý.

Hay có những khi đối mặt với định kiến học là phải đến trường, ngồi máy tính là chơi game, hư hỏng... Tuấn không khỏi cảm thấy chán nản. Dù vậy, coi đó như cục đá tảng ngáng đường, Tuấn chỉ có một lựa chọn ứng xử là đường ta chọn, ta cứ đi.

Tuấn cho biết, cậu chọn học FUNiX để không phải mạo hiểm "ăn bám" ba mẹ học thêm ba năm mới lấy được bằng Đại học Công nghệ thông tin, hay chấp nhận làm trái ngành nghề yêu thích mãi mãi. "Biết đến FUNiX vì có hai người bạn đại học chuyển nghề thành công khi học ở đây, giấc mơ CNTT của tôi như sống lại", Tuấn kể về cơ duyên trở thành xTer.

Quốc Tuấn từng nghỉ làm ở hai công ty khi được mời vào vị trí cao hơn, vì nếu nhận lời, cậu sẽ không có thời gian cho việc học, cũng như "phụ" tấm lòng của ông chủ. Hiện cậu vừa làm trợ lý sản xuất cho Giám đốc tại một công ty thép, vừa làm sinh viên. Có những khi công việc bận, phải đi làm tới 8-9 giờ tối, 10 giờ mới ngồi vào bàn học.

Sự đồng hành của đội ngũ mentor – các chuyên gia công nghệ giúp sinh viên FUNiX tự tin trong hành trình học tập.

Sự đồng hành của đội ngũ mentor – các chuyên gia công nghệ giúp sinh viên FUNiX tự tin trong hành trình học tập.

"Cũng có khi làm về quá mệt không học nổi một chữ... nhưng rồi tận dụng tối đa thời gian trống, cũng như tận dụng sự hỗ trợ nhiệt tình của mentor, tôi đã hoàn thành 2 chứng chỉ đầu tiên", Tuấn chia sẻ.

Những thời điểm nghỉ làm để chuyên tâm học, Nguyễn Quốc Tuấn phải gom góp từng đồng lấy tiền trang trải học phí, sinh hoạt phí và phụ giúp mẹ. Không đủ tiền để học liên tục, cậu sinh viên Long An phải nghỉ học vài tháng để tiếp tục tích góp, mục tiêu học cho bằng xong Chứng chỉ 2.

Đầu tháng 4/2019, nhiều dự định của Tuấn sụp đổ vì tài chính eo hẹp. Suốt hai tháng Tuấn không có thời gian cho việc học, liên tục nợ môn. Không muốn dở dang ước mơ lần nữa, cậu hạ quyết tâm cao đến tháng 6/2019 phải hoàn thành Chứng chỉ 3 để có đủ tự tin vào làm việc tại một công ty công nghệ ở đúng chuyên ngành mình yêu thích.

Bài học chọn nghề

Nguyễn Quốc Tuấn nói, thực ra sau hai chứng chỉ đầu của FUNiX, tôi có thể đảm nhận một số công việc freelancer trong ngành. Nhưng vì đã bỏ lỡ nhiều năm, giờ cậu vẫn muốn học hành bài bản, trang bị những kiến thức quan trọng, để tự tin nhất trong công việc. Đồng thời, cậu hoàn thành một số khóa học online cần thiết khác bổ trợ cho nghề lập trình sau này.

"Khi học, tôi thường làm theo nguyên tắc: nắm được khái niệm cơ bản và tự soạn tài liệu ghi chép lại những thứ mình hiểu, để nhớ nhiều hơn thì tranh thủ làm bài tập và đặt vấn đề", Quốc Tuấn nói.

Có lần Tuấn đặt câu hỏi cho mentor mà chưa chịu tìm hiểu về chủ đề này trước đó, bị mentor hỏi ngược lại, cậu lúng túng và có được một bài học quan trọng: Luôn tìm hiểu thông tin trước khi đặt câu hỏi, hỏi theo hướng xin lời khuyên từ mentor, hỏi có chất lượng. Nhờ những lần trao đổi này, được các đàn anh trong nghề hướng dẫn cả kiến thức và phương pháp học, Tuấn hiện đã tự tin đi đến chặng cuối của Chứng chỉ 3.

[Caption]

25 tuổi, Nguyễn Quốc Tuấn quyết định chuyển ngành theo đúng đam mê, bắt đầu bằng việc học lập trình tại FUNiX.

Bằng chính câu chuyện của mình, Tuấn cho rằng, các bạn trẻ khi quyết định chọn hướng nghề nghiệp cần phải xác định rõ tính cách con người và khả năng của mình và chọn nghề phù hợp.

"Đừng nên lựa chọn một cách mơ hồ, thiếu phân tích. Trong trường hợp đam mê nhưng bạn nhìn thấy khả năng, tính cách của mình không phù hợp thì hãy cố tìm hiểu ngành mình thích cần những gì và có cách để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng phù hợp. Quan trọng nhất vẫn là quyết tâm, nỗ lực cá nhân", chàng xTer quê Long An cho biết.

Trong tương lai gần, Tuấn muốn dành nhiều thời gian rèn luyện kỹ năng lập trình và học nâng cao để hoàn thành mơ ước làm một lập trình viên, một chuyên gia CNTT. Xa hơn, chàng trai 25 tuổi cũng mong muốn mình có thể trở thành một người thầy trong nghề, chia sẻ và truyền cảm hứng với những người cần đến - như cậu hiện nay.

Theo VnExpress

Ý kiến

()