Làm ở FPT đã hơn 10 năm, tôi chứng kiến cứ mỗi đợt viết sử ký lại phát sinh ra bao tranh cãi. Tại sao phải viết, cơ sở pháp lý nào để phạt, em viết sử ký trong giờ làm việc thì khai Timesheet như thế nào…
Nói thật, bản thân tôi cũng không “khoái” cái lệnh phạt đó lắm, có điều rất tâm đắc một câu của một anh - “Có nhiều chuyện chúng mày mà không viết ra thì chẳng ai biết cả”. Đúng vậy, công việc ở FPT thực sự muôn hình muôn vẻ và trong đó có rất nhiều thứ hay, thú vị đáng để ghi lại và đáng để đọc.
Tôi định nhân dịp này cố khắc họa lại một số nhân vật vào Đà Nẵng xây dựng chi nhánh từ những ngày đầu tiên và đóng quân tại cứ điểm 22 Nguyễn Văn Linh. Văn chương thì chắc sẽ lộn xộn, chuyện cũng khó mà đầy đủ, nhưng mà sẽ nỗ lực hết mình.
Bùi Thiện Cảnh
Ấn tượng đầu tiên của mọi người về anh sẽ là bộ râu quai nón. Một số lời đồn đại không kiểm duyệt cho rằng anh Cảnh phải mang bộ râu quai nón để làm dấu hiệu nhận biết, nhờ đó vợ anh có thể kiểm soát anh mọi nơi mọi chỗ. Quả thật sau khi vào Đà Nẵng, anh Cảnh nhanh chóng thành người nổi tiếng, đi đâu cũng được mọi tầng lớp bắt tay chào hỏi, từ các vị quan chức, nhà doanh nghiệp đến chủ quán ăn, nhà hàng, đặc biệt là các em phục vụ xinh đẹp.
Anh chia sẻ với tôi là râu của anh có hệ số mọc rất cao, nếu muốn cạo thì hằng ngày phải thực hiện hai lần nên cứ để vậy cho bọn Gillette phá sản. Có lẽ nếu chiết xuất được thành thuốc mọc tóc thì đám đàn ông hói đầu sẽ cảm ơn anh rất nhiều.
Anh Bùi Thiện Cảnh (bên trái) gây ấn tượng bởi bộ râu quai nón. Ảnh: C.T. |
Bên cạnh bộ râu quý, anh cũng ghi điểm bởi giọng nói rất lớn. Phòng họp của chúng tôi tại 51 Nguyễn Văn Linh - trụ sở đầu tiên của FPT Đà Nẵng - thường xuyên ghi nhận tình trạng mọi người bên ngoài phòng họp nghe được hết nội dung bên trong. Có lẽ vì thế nên khi xây dựng trụ sở Massda, riêng phòng của anh có cánh cửa rất dày dặn đến nỗi khi người bên ngoài gõ cửa, người bên trong phải cật lực gào lên thì may ra mới trả lời được.
Anh còn có năng lực hiếm người biết hơn - ngáy. Anh ngáy to, vang với nhịp điệu… ngẫu hứng, thành thử đồng nghiệp thường cố nhường anh ngủ riêng một phòng cho an toàn. Cũng có khá nhiều truyền thuyết về chuyện này, ví dụ chuyện G5 cùng đi nghỉ mát. Anh Cảnh đã ngủ ở một phòng, phòng còn lại tụ họp khá đông các chiến sĩ G5 nhậu nhẹt tưng bừng, thậm chí “cho chó ăn chè”. ThuVT kinh hãi quá liền lén lút chui vào phòng anh Cảnh định ngủ nhờ, nhưng được một lúc thì chịu không nổi và lại chạy sang phòng kia ngủ.
Anh Cảnh cũng là một trong số ít người sớm ý thức được cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố quan trọng đối với việc kinh doanh của công ty - từ bán hàng, thuyết phục đối tác, thu hút nhân lực… Bản thân anh là người đã thuyết phục lãnh đạo mua và xây dựng trụ sở chi nhánh tại Massda và cũng là người quản lý dự án xây dựng này. Mô hình campus sau đó đã tận dụng và phát triển trong các dự án xây dựng về sau của FPT Software như F-Town, F-Ville.
Lê Hà Đức
Chắc chắn Đức là người nổi tiếng, được nhiều người quý mến (đặc biệt là chị em). Học từ Pháp về, mang chất lãng mạn của Pháp, anh có nụ cười ngây ngô, khiếu nói chuyện tự nhiên, hài hước, khả năng nhớ và trình diễn rất tốt các tác phẩm STCo mọi thể loại. Đặc biệt khi anh giao tiếp từ khóa “chim” xuất hiện rất nhiều. Có thể nói phong cách này đã ảnh hưởng sâu đậm đến các thế hệ đàn em của Đức như ThanhLV, TuanTA, HuyNT… thậm chí là một số chị em khi nói chuyện vui vẻ cùng nhau cũng không thiếu từ đệm này.
Anh Lê Hà Đức (ngoài cùng bên phải) học từ Pháp về, mang chất lãng mạn của Pháp. Ảnh: C.T. |
Đức cũng thường thể hiện sự ga-lăng của mình với chị em với phong cách đặc biệt. Chắc chắn những bạn gái từng là đồng nghiệp với Đức như em HồngDTT, ThươngDTM… đều không thể quên những lần anh đóng giả công an gõ cửa vào phòng truy bắt mại dâm hay khi dẫn nhau qua đường - “Em đi trước đi, để nhỡ có xe ô tô nó đến thì đâm em trước”. Chiếc quần đùi đỏ, bài hát “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” và câu nói nổi tiếng “Đây đây, em đang đến cửa thang máy” (dù có thể đang cách nơi họp cả chục km) đã trở thành nét nhận dạng thương hiệu cho anh.
Đức là người đã xây dựng lên G10, đem đến cho FPT Đà Nẵng những khách hàng và dự án quan trọng như IBM Total, Millicom hay Neopost, có đóng góp đặc biệt đến sự phát triển của FPT Đà Nẵng. Cho đến ngày nay, anh vẫn luôn được tôn vinh như người có công đặc biệt đối với SU17 - tiền thân của FSU17 sau này với danh hiệu “cụ tổ”.
Bùi Anh Tuấn (Tuấn "Bass")
Trùng tên với họa sĩ nổi tiếng của FPT nhưng anh lại sở hữu một phong cách khác biệt. Đầu tiên phải kể đến uy tín đã được xác thực của anh trong lĩnh vực ẩm thực - kỷ lục ăn 27 quả trứng vịt lộn, câu chuyện “góp gạo thổi cơm chung” với Huy Anh khi hai người cùng mua 10 hộp sữa chua ăn chung nhưng Huy Anh ăn được hai hộp thì Tuấn "Bass" đã kịp xơi tái phần còn lại. Có thể nói rằng, câu nói “Mọi vật trên đời chia ra hai loại, ăn được và ăn được nhiều hơn” đã trở thành tuyên ngôn bất hủ của anh.
Anh cũng là người có “gu” ăn mặc độc đáo. Khi chúng tôi tiếp khách hàng quan trọng từ IBM GPSG, anh đã đóng thùng một bộ sơ mi quần âu rất lịch lãm, kèm theo là đôi dép tông mòn vẹt không khác gì đôi dép Bác Hồ. Rất may chúng tôi kịp thời phát hiện và yêu cầu anh trưng dụng giầy của Lê Vĩnh Thành để thay thế. Nói chung hình ảnh anh mặc quần ngố, đi dép tông hùng hục săn lùng sữa chua trên đường phố Đà Nẵng có thể được nhận biết từ cách xa hàng km.
Tuấn "Bass" là chuyên gia kỹ thuật cứng nhất của FPT Đà Nẵng, tham gia nhiều trận chiến khó khăn từ WhiteBox Test, IAO hay FutureH. Luôn là người giải quyết những bài toán kỹ thuật hóc búa nhất, anh giúp cho đội ngũ non trẻ của FPT Đà Nẵng tự tin vượt qua nhiều thử thách.
Đoàn Thị Mỹ Thường (Thường “Khấu” hay Thường “Béo”)
Đình đám không kém những nhân vật ở trên, Thường cũng là người vào Đà Nẵng từ những ngày đầu tiên. Rất xì-tin, luôn chạy theo mốt thời thượng với váy ngắn, tóc highlight, là đối tác quan trọng trong các cuộc khẩu chiến về tất cả mọi vấn đề.
Gần đây, Thường khá nổi tiếng với nghề bán bánh, bán kem nhưng thực chất đây chỉ là tiếp nối giấc mơ từ xưa vì Thường luôn ước mơ có quán phở, quán bún gì đó. Những hộp kem nhãn hiệu bà Thường trôi nổi trên thị trường hiện giờ thực chất đã được pilot bằng dạ dày của anh em ở 22 Nguyễn Văn Linh. Khi đó ấn tượng sâu đậm nhất cho chúng tôi là một hộp kem to màu vàng (hình như là kem xoài) mà Thường bắt chúng tôi ăn cho bằng hết. Dĩ nhiên dưới áp lực khủng khiếp mỗi người lấm lét lấy thìa cạo cạo một chút rồi nhắm mắt ăn, nhưng mãi vẫn không hoàn thành nhiệm vụ.
Thường từng là một cây bút lãng mạn bay bổng, nhưng sau khi vào Đà Nẵng thì hoàn toàn chuyển sang dòng văn hiện thực phê phán. Cho đến nay Thường vẫn giữ thói quen thỉnh thoảng lại gửi một bài chửi hay như hát cho anh em, từ chuyện cây phơi quần áo, tủ lạnh, lò vi sóng… Nói chung cho đến giờ chúng tôi vẫn đùa rằng nếu Thường thực hiện được giấc mơ mở quán thì chắc Đà Nẵng sẽ có quán phở quát.
Thường kinh qua đủ loại vị trí từ Đảm bảo chất lượng (QA), phòng hành chính tổng hợp cho đến nhân sự tuyển dụng đào tạo. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ, Thường còn đào tạo ra không ít cán bộ QA khác cho FPT Đà Nẵng.
Bùi Nguyễn Anh Tuấn (Tuấn “Chuối”)
Tốt nghiệp đại học ở Nhật về, Tuấn “Chuối” không ở Đà Nẵng lâu nhưng vẫn để lại dấu ấn đậm nét. Anh chính là hướng dẫn viên đầu tiên cho Noboru ở FPT Đà Nẵng, cũng là cán bộ sale duy nhất mà FPT Đà Nẵng có vào thời điểm 2005. Với dáng vẻ thư sinh, anh làm không ít thiếu nữ Đà Nẵng xiêu lòng, điển hình là em Yến Vy, Hoa hậu FPT Đà Nẵng, thời điểm đó. Về sau em Yến Vy từng thổ lộ rằng em học tiếng Nhật là hoàn toàn vì muốn được giỏi “sánh với anh Tuấn”.
Với tác phong mạnh mẽ, Tuấn chuối nhanh chóng trở thành hạt nhân thể thao ở 22 Nguyễn Văn Linh. Anh dựng lên những hiệp hội tập thể hình, tập Judo, tích cực tham gia phong trào bơi lội (vụ này khá tai tiếng vì anh đã đánh mất kính khi bơi với Thường khấu). Tiếc là chiếc vé mua chung để tập thể hình của anh cùng Tuấn BASS, Tạ Kim Ngọc (Takin) thấy sau khi đi buổi đầu thì vẫn còn mãi mấy chục lần chưa được sử dụng, còn sau buổi tập võ đầu tiên, chúng tôi được chứng kiến bộ quần áo tập màu trắng của anh phơi vô thời hạn ở tầng thượng tòa nhà 22 Nguyễn Văn Linh.
Tạ Kim Ngọc (Takin)
Cao, gầy, cận, mặt không mấy mịn màng, hơi lòng khòng, hài hước, rất nhiệt tình, chăm chỉ nghe lời các chị gái, Takin cũng nằm trong lứa những quân nhảy dù đầu tiên xuống đất Đà Nẵng. Nói về biệt hiệu này, có lẽ nghe cái tên Tạ Kim Ngọc quá “lừa tình” nên mọi người đều quen gọi Ngọc là Takin.
Bất cứ ai gặp Takin đều ấn tượng bởi sự nhiệt tình chân thành, sẵn sàng giúp đỡ trong mọi việc từ nhỏ đến lớn dù là chở các bà chị già đi chợ hay xắn tay giúp bưng bê bàn ghế trong công ty. Có lẽ vì tính cách này mà Takin lao vào mọi cuộc chơi, dù là bơi lội tập thể hình hay tập đàn guitar với Tuấn "Bass" hay theo chân Tuấn “Chuối”, Thường “Khấu” phóng xe mò ra Quảng Ngãi Dung Quất để xem nhà máy lọc dầu chưa xây dựng trông như thế nào.
Takin có duyên với rất nhiều chị em gái, đặc biệt là có một cơ số em nuôi xinh đẹp. Anh là một trong những PM đầu tiên của FPT Đà Nẵng, là người đại diện dẫn quân cho Đà Nẵng trong trận chiến P1 và đặc biệt là người có đóng góp to lớn trong việc đào tạo sinh viên và fresher.
Trần Anh Tuấn
Khác với lũ luộm thuộm ở 22 Nguyễn Văn Linh, trông anh khá giống giáo sư với đầu húi cua, đeo kính, mặc đồ John Henry, thường được trang bị máy ảnh. Bên cạnh đá xoáy Lê Hà Đức, có lẽ chụp ảnh là niềm đam mê lớn nhất của anh.
Anh cũng nổi bật bởi khả năng ngoại ngữ, bằng chứng là trong WhiteBox - dự án đầu tay của FPT Đà Nẵng, anh chính là team lead của nhóm gồm Ngô Thành Lợi, Hoàng Công Nguyên Linh, Trương Thanh Tuấn. Vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, team của TuấnTA hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sau khi dự án kết thúc, chính anh là người đã nghĩ ra danh hiệu “Giáo sư ngôn ngữ học” để trao cho Ngô Thành Lợi.
Tuấn là một trong những PM đầu tiên của FPT Đà Nẵng và đã tham gia chiến đấu với những dự án cực kỳ xương xẩu - Kepler, JIP, PSA. Những trận chiến “trầy vi tróc vẩy” của anh không chỉ giúp FPT Đà Nẵng sống sót mà còn đào tạo ra những thế hệ đàn em tiếp bước xông lên.
Lê Vĩnh Thành
Anh Thành luôn chủ động xông xáo và trở thành một trong những thành viên đóng góp lớn nhất cho sự phát triển của FPT Đà Nẵng. Ảnh: C.T. |
Thành xuất hiện ở Đà Nẵng muộn hơn do phải “giải quyết hậu quả” của dự án TougoDB anh bắt đầu làm từ hồi còn ở TP HCM. Cao, đen, hôi nhưng hồi đó không to, khác biệt rất nhiều với dáng vẻ "XXXXL" của hiện tại, khi đó Thành nặng chắc chưa đến 60 kg.
Anh đặc biệt gây ấn tượng cho những người ở 22 Nguyễn Văn Linh ở khả năng lười - lười một cách có hệ thống và rất hiệu quả. Mỗi khi xông vào ngồi ở bàn ăn trưa, Thành thường khéo léo chọn được vị trí rất thích hợp để tránh không phải đi lấy cơm. Có lần khi anh em đã cố tình trấn giữ mọi vị trí đắc địa để bắt anh ngồi cạnh nồi cơm, Thành ung dung trả lời: “Thôi, em chỉ ăn thức ăn cũng được”. Trước lời hăm dọa này, mọi người đành phải nước mắt lưng tròng đi lấy cơm phục vụ anh.
Có thể nói đóng góp của Thành cho nhà 22 Nguyễn Văn Linh đã được Thường tổng kết lại. Việc duy nhất Thành làm ở nhà là giết được con chuột. Chẳng là trong nhà có chú Tý phá phách, tự nhiên một hôm dở hơi chạy thế nào lao vào chân Thành rồi lăn quay ra chết. Quả là đóng góp to lớn cho xã hội.
Bên cạnh đó, anh cũng luôn là kẻ tích cực khơi mào các cuộc khẩu chiến trên bàn ăn, khiến cho những bữa ăn luôn trở thành sự tranh giành khốc liệt và đôi khi trở thành “nghẹn ngào nước mắt”. Danh sách nạn nhân có không ít, dù là Lê Hà Đức, Tuấn "Bass", ThuVT hay NamLH, nhưng xếp đầu bảng phải là anh Điệp “Gà”, miếng mồi quen thuộc của Thành và đồng bọn. Có lẽ vì anh Điệp hay cãi lại một cách rất trẻ con nên càng tạo hứng khởi cho Thành.
Thành đã phối hợp cùng Noboru trở thành cặp tấn công rất hiệu quả giúp tạo niềm tin và thuyết phục khách hàng Hitachi giao công việc cho FPT Đà Nẵng. Từ SU17, G17 đến FSU17 bây giờ, Thành luôn chủ động xông xáo và trở thành một trong những thành viên đóng góp lớn nhất cho sự phát triển của FPT Đà Nẵng.
Nguyễn Tuấn Phương
"Chuyện Đà Nẵng" là bài viết cho "Cuộc thi sử ký 25 năm" của Nguyễn Tuấn Phương, FPT Đà Nẵng. |
Ý kiến
()