Tôi vào quân ngũ năm 1979. Thực ra là vào học Đại học Kỹ thuật Quân sự - trường mà hầu hết lãnh đạo FPT như anh Trương Gia Bình, Lê Quang Tiến, Đỗ Cao Bảo, Hoàng Minh Châu, Lê Trường Tùng… theo học. Tôi học lớp Lý, nghiên cứu về vật lý nguyên tử. Tôi gặp anh Bảo ở đây. Anh Bảo là Lớp trưởng - Trung đội trưởng của lớp Toán điều khiển. Chúng tôi cùng đại đội.
Anh có dáng thư sinh hơn là có dáng của một người chỉ huy quân đội. Ảnh: C.T. |
Ấn tượng của tôi về anh Bảo hoàn toàn chẳng có gì đáng kể. Giọng nói the thé của anh thì trước nay vẫn thế. Ăn nói thì không được lưu loát lắm, thậm chí còn hơi lắp bắp. Người thì vừa gầy vừa trắng, đã thế lại còn đeo kính cận. Còn có một điểm khá thú vị khác nữa là anh hay xấu hổ, đỏ mặt. Nói tóm lại là anh có dáng thư sinh hơn là có dáng của một người chỉ huy quân đội. Dần dần tôi mới được biết là anh học rất giỏi, đáng lẽ đã được sang Liên Xô học nhưng không hiểu vì lý do gì mà anh vẫn học tại Việt Nam.
Những năm này đã là thời bình nhưng cuộc sống người lính vẫn vô cùng gian khổ. Những ngày đầu tới Vĩnh Yên, chúng tôi phải tự làm lán trại để ở. Với những anh lính xuất thân học trò như chúng tôi thì đấy quả là một việc khó. Tuy nhiên mọi thứ đều có vẻ ổn trừ việc đánh tranh lợp mái.
Cuộc sống quân ngũ thời đó đúng vào những năm Việt Nam mất mùa. Lương thực chủ yếu là bo bo được các nước XHCN anh em viện trợ. Bo bo chỉ được xát vỏ rồi nấu lên, rất khó ăn. Vả lại có lẽ món bo bo này không hợp với dạ dày người Việt nên ăn vào bụng là hạt bo bo mà ra khỏi bụng vẫn gần như là hạt bo bo. Chúng tôi vẫn thường nói đùa một hạt bo bo nuôi sống được cả người, gà và chó. Người ăn hạt bo bo, gà ăn lại của người, chó ăn lại của gà.
Với những người khoẻ mạnh như chúng tôi còn thấy khó nuốt thì mới biết với một người thường xuyên đau dạ dày kinh niên như anh Bảo thì cuộc sống trong những ngày đó quả là gian khổ. Về chứng đau dạ dày kinh niên của anh Bảo tôi vẫn còn nhớ một kỷ niệm.
Lần đó, chúng tôi đi coi thi đại học ở Vĩnh Tường (Vĩnh Yên), nửa đêm anh Bảo lên cơn đau dạ dày, sau ngày coi thi đầu tiên đến tối thì anh bị chảy máu dạ dày phải đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện Vĩnh Tường. Nằm đau từ 3h đến tận 5h sáng mà chẳng ma nào ngó đến. Tức mình đoàn coi thi của Đại học Kỹ thuật Quân sự bao vây bệnh viện. Một số anh em nóng tính còn tóm lấy lão giám đốc bệnh viện định nện cho một trận. May cho lão là có người can ngăn kịp thời. Anh em quyết định dùng xe của đơn vị để chuyển anh Bảo về điều trị ở Quân Y viện 108. Rất may là tại bệnh viện này anh Bảo được quan tâm cứu chữa kịp thời. Đúng là cùng là lính với nhau vẫn khác.
Tôi ra quân và chuyển về công tác tại Hà Nội. Bẵng đi một thời gian dài, đến tận năm 1986, tôi tình cờ gặp lại anh trên đường. Dáng vẻ anh vẫn như xưa, nghĩa là vừa gầy vừa trắng, kính thì tất nhiên là không thể thiếu rồi. Anh vẫn mặc áo lính, và đã đeo quân hàm thượng úy. Gặp nhau hỏi thăm mới biết anh đã chuyển về Cục tác chiến. Sau đó vài năm được biết anh xuất ngũ và là sáng lập viên của Công ty Cổ phần FPT. 10 năm sau, đầu năm 1996, tôi được anh rủ về FPT IS, lại làm đồng đội của anh.
Cuối năm 1996, anh Bảo, anh Bùi Hùng và tôi cùng làm thầu “Hệ thống Internet Việt Nam” của VDC và FPT IS thắng thầu. Đây là một trong những trận thắng thầu oanh liệt của FPT IS thời đó.
Năm 1997, tôi chuyển sang Global One (một hãng nước ngoài) và năm 2000 quay lại FPT IS.
Xuất ngũ nhiều năm nhưng chất lính trong người anh Bảo vẫn còn rất đậm. Những câu chuyện về quân đội, về các vị tướng, về chiến thuật binh pháp, về vũ khí vẫn là những câu chuyện mà anh hào hứng nhất. Anh vẫn luôn nói: “Thương trường là chiến trường”.
Anh thường xuyên ví von FPT IS và những công ty, trung tâm thuộc FPT IS như những đơn vị quân đội. Tất nhiên khi anh kể những câu chuyện đó, bạn luôn thấy ẩn hiện trong anh niềm tự hào của một người chỉ huy tài giỏi. Chắc hẳn mọi người còn nhớ anh hào hứng thế nào trong “ Chiến dịch 45 ngày hoàn thành kế hoạch kinh doanh” năm 2012 của Quân đoàn FPT IS. “Tướng Đỗ Cao Bảo” - thỉnh thoảng tôi vẫn thấy anh Bình nói về anh Bảo như vậy đấy.
Lê Ngọc Kiên
(Theo sách Sử ký FPT 25 năm)
Ý kiến
()