Từ ngày 1/7, FPT Software bắt đầu áp dụng chính sách “Khoán chi phí dự án” cho các PM (quản trị dự án). Theo đó, thay vì chỉ quản lý công việc của dự án như trước đây thì với chính sách mới này, PM sẽ là người đề xuất và quản lý toàn bộ chi phí của dự án.
Chính sách khoán chi phí dự án mà FPT Software đưa ra nhằm khuyến khích thành viên dự án thay đổi cách triển khai dự án, giúp tăng năng suất, tạo ra nhiều thành tựu đột phá, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Chính sách này được áp dụng cho các dự án có giá cố định và khách hàng không quản lý nhân sự cụ thể.
Tính đến giữa tháng 9, FPT Software đã có 6 dự án được phê duyệt và 8 dự án được gửi đi chờ phê duyệt áp dụng chính sách khoán. Đi vào thực tiễn, chính sách khoán được kỳ vọng sẽ làm tăng thu nhập và thúc đẩy thành viên dự án chủ động, sáng tạo và tích cực tạo nên những giá trị cao hơn, chất lượng hơn.
TGĐ FPT Software Phạm Minh Tuấn đề cao tính minh bạch và sự kiên định trong quá trình triển khai chính sách khoán dự án. “Đây là một sân chơi được mở ra để ai cũng có thể tham gia. Chúng tôi sẽ làm thử từng bước một, nếu hiệu quả thì làm tiếp, không hiệu quả sẽ thay đổi cho phù hợp. Điều quan trọng nhất là các dự án phải xây dựng kế hoạch khoán một cách chi tiết, cụ thể, khoán tới từng cá nhân người lao động và phải thực hiện đúng theo kế hoạch ban đầu đề ra”, anh Tuấn cho biết.
Năm 2018, mục tiêu đặt ra là 20% dự án áp dụng chính sách khoán, 80% các dự án còn lại vẫn làm theo cách thông thường. CEO FPT Software nhấn mạnh: "Mục đích cuối cùng của việc khoán dự án là tăng hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực và để thu nhập của mỗi người xứng đáng với công sức họ bỏ ra, góp phần nâng cao thu nhập cho CBNV theo đúng phương châm “Làm theo năng lực, hưởng theo lao động” và dần gỡ bỏ khái niệm về mức thu nhập chuẩn, mức thu nhập cố định ở FPT Software".
Chính sách khoán sẽ giúp FPT Software giải quyết được bài toán năng suất lao động đối với khối Sản xuất. |
Anh Nguyễn Văn Tú (FSU1.BzDev), PM dự án DevOps-FSS đến từ FSU1, một trong những dự án đầu tiên áp dụng chính sách khoán, cho biết: “Chính sách khoán đã khuyến khích nhân viên tăng năng suất đi đôi với quyền lợi, tận dụng thời gian để làm được nhiều nhất có thể. Hiện tại, công việc của đội dự án vẫn suôn sẻ, ổn định. Dự án đang trong quá trình triển khai nên chưa đánh giá được nhiều về hiệu quả của chính sách này”.
Anh Tú cũng cho hay anh em dự án hào hứng và nhiệt huyết hơn khi dự án áp dụng chính sách khoán. Ai cũng cố gắng làm việc nhiều hơn và tích cực đưa ra những phương pháp để rút ngắn thời gian hoàn thành dự án, tăng năng suất lao động với mong muốn tăng lợi nhuận thu về sau khi dự án kết thúc.
Chị Nguyễn Thị Soa (FGA.FTEST), PM một dự án đang chờ phê duyệt triển khai chính sách khoán, hào hứng khi dự án của mình có thể sẽ được áp dụng chính sách khoán trong thời gian tới: “Chính sách mới đem lại kỳ vọng về việc tăng thu nhập cho các bạn trong dự án. Nếu dự án này thành công, có thể làm tiền đề để nâng cao động lực cho các bạn phấn đấu ở những dự án tiếp theo”.
Theo chị Soa, khi áp dụng chính sách trong dự án, khó khăn nằm ở khâu tính toán chi phí làm sao cho chuẩn xác nhất vì chính sách liên quan mật thiết đến gói thu nhập của các thành viên. Khi áp dụng chính sách khoán, đội dự án của chị Soa phải tăng cường các hoạt động nâng cao kỹ năng cho thành viên dự án, có kế hoạch đào tạo và chuyển đổi phương pháp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và tiến độ công việc.
Theo chính sách khoán chi phí dự án, các PM sẽ được quyền đề xuất chi phí cho toàn bộ dự án của mình dưới sự phê duyệt của GĐ FSU. Sau khi dự án kết thúc, nếu chi phí thực tế nhỏ hơn hoặc bằng 90% chi phí đề xuất ban đầu thì phần thừa ra chính là thặng dư. Phần thặng dư này sẽ được chia cho đội dự án căn cứ theo loại dự án. Nếu chi phí thực tế vượt quá 120% chi phí khoán có nghĩa dự án bị lỗ, PM sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Quá 2 lần lỗ dự án, PM sẽ bị tước quyền đề xuất chi phí trong vòng một năm. Các bước để thực hiện chính sách “Khoán chi phí dự án" bao gồm: Đăng ký khoán theo mẫu có sẵn; Chờ xét duyệt của FSU Lead; Gửi tờ trình xin khoán chi phí đã được phê duyệt trước khi kick off dự án và Tổng kết chi phí thực tế sau khi dự án kết thúc. Định mức khoán được quy định theo từng cấp độ dự án. |
Diệu Anh - Thu Quế
Ý kiến
()