Sau 2 năm 4 tháng học tập ở môi trường FPT Polytechnic Đà Nẵng, Hồng Hạnh sẽ tốt nghiệp vào đầu tháng 4 tới. Bồi hồi với khoảng thời gian ngắn còn lại của thời sinh viên, nữ sinh chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp - Marketing & Sales quyết định viết những dòng tâm sự để nói lên tâm tư tình cảm của mình.
Nguyên văn "Bức thư tình" của sinh viên Hồng Hạnh:
Lễ tốt nghiệp khóa 9.3 sắp cận kề cũng là khoảng thời gian mà trong lòng mình lại bồi hồi nhiều cảm xúc khi nhớ về trường, nơi mà mình đã có quãng thời gian thật đẹp với nhiều kỷ niệm. Trước khi chính thức trở thành một cựu sinh viên, mình muốn có vài dòng chia sẻ gửi đến FPT Polytechnic, trong đó có tất cả thầy cô, bạn bè mà mình từng gắn bó với tình cảm đặc biệt nhất.
Ngày đầu bước chân vào trường, mình đã ấn tượng ngay bởi sự thân thiện, cởi mở của chị Đỗ Thị Thiên Ngân và hai chị cùng tên Thảo (Lê Mai Thanh Thảo và Nguyễn Thị Thu Thảo) tại phòng Công tác sinh viên, FPT Polytechnic Đà Nẵng. Không có cảm giác e dè, mình cảm nhận được ngay sự thân thiện và cởi mở từ lúc lạ lẫm đến đăng ký học cho đến khi xếp lớp. Chính những ấn tượng đầu tiên này đã cho mình sự phấn khởi đầu tiên khi vào học.
Trần Thị Hồng Hạnh là sinh viên chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp - Marketing & Sales ở FPT Polytechnic Đà Nẵng. |
Học kỳ đầu tiên đối với mình cũng như bao sinh viên khác là sự bỡ ngỡ về cách học tại trường. Khi đó, mình cùng các bạn sinh viên đã nôm na nhận xét: “trường dạy cho các thánh”, “học như điện xẹt”, “bài Assignment như thách đố con người ta”… đại loại là toàn những suy nghĩ than thở. Cũng bởi còn bỡ ngỡ nên kỳ đầu tiên, thành tích học của mình khá lẹt đẹt. Cho đến kỳ thứ hai, cảm thấy “bức xúc với chính mình” nên mình cố “chiến đấu” với các môn học như thể “trả đũa” cho một kỳ từng kém cỏi. Mình lao vào học, lên lớp là tập trung, về nhà là tự nghiên cứu, tìm tòi và học hỏi. Thật không uổng công, thành tích của mình được nâng lên rõ rệt. Càng về sau, mình càng nhận ra rằng, chính triết lý đào tạo “Thực học - Thực nghiệp” của FPT Polytechnic đã đưa đẩy, thúc ép mình trở nên giỏi hơn và thuần thục hơn trong công việc. Cũng nhờ những kỹ năng được rèn giũa đó, từ khi quyết tâm cho tới khi tốt nghiệp, không còn môn học nào mà mình không tự tin và “cân” được.
Trong quá trình học tập tại trường, mình ấn tượng và luôn nhớ đến cô Lê Thị Thùy Linh - Trưởng khoa Kinh tế, FPT Polytechnic Đà Nẵng. Mình và các bạn cùng lớp rất may mắn khi được cô giảng dạy khá nhiều môn học chuyên ngành. Khi mới gặp cô lần đầu, ấn tượng của mình về cô là nghiêm túc và có phần “hù dọa”. Tuy nhiên, bằng tài năng và kiến thức sâu rộng, những bài học khó hiểu, khó nhớ qua sự hướng dẫn của cô đều trở nên dễ tiếp thu, dễ thực hiện, logic và chặt chẽ. Những bài Assignment khó trước đây, nhờ sự nỗ lực của chúng mình cộng thêm sự giảng dạy của cô đều được dễ dàng giải quyết. Mình từng bị cô la vì mắc lỗi trình bày slide nhiều chữ. Khi đó, cô đã lên tận bục giảng chỉnh sửa từng câu chữ trên slide. Sau lần đó, mình rút kinh nghiệm cho bản thân và không để lặp lại lỗi này lần nữa. Sau này, những lần cô Linh “hù” để chúng mình lấy tinh thần, mình không còn thấy sợ mà chỉ thấy vui và muốn làm tốt hơn, vì mình biết cô luôn ở đó nhiệt tình giảng dạy. Những lần cô khen hay cô chê là mỗi bài học, mình cũng như các bạn đều nhận thấy sự quan tâm lo lắng và nhiệt tình mà cô dành cho đám sinh viên “lố nhố” chúng mình. Mình rất cảm động vì tất cả những điều đó.
Tại FPT Polytechnic, mọi kiến thức và kỹ năng đều được lồng gép với các bài thực hành từ bên ngoài thông qua các bài tập lớn gọi là Assignment. Vì vậy, với mỗi môn học chúng mình đều phải ra sức tìm hiểu, cọ sát thực tế. Chính điều này đã giúp mình khắc sâu kiến thức và kỹ năng, đồng thời để lại nhiều kỷ niệm thật đẹp thật vui khi làm việc nhóm.
Mình từng làm trưởng nhóm dự án trong môn học Quản trị dự án kinh doanh do cô Thùy Linh hướng dẫn. Trước khi đi vào dự án lớn của môn học, cô đã cho mỗi nhóm thử nghiệm với một dự án bán hàng nho nhỏ để làm quen trước. Cả 2 dự án này đều là đề tài mà cô đưa ra, khi đó, mình cùng nhóm bạn đã mở một quầy bán xôi gà và nước chanh trước trường. Cả nhóm phân công ai việc nấy, dậy từ sáng sớm để nấu xôi, mang nước rồi chở đến trường. Trước khi bán, mỗi thành viên trong nhóm đều tranh thủ xơi một hộp xôi kèm một ly nước chanh lấy khí thế. Ở trường, thầy cô và các bạn sinh viên đã ủng hộ rất nhiệt tình nên quầy hàng nhóm mình chỉ bán trong buổi sáng là đã hết veo.
Tiếp theo đó, nhóm mình được giao làm dự án có đề tài mang tính thiết thực đáp ứng được nhu cầu xã hội. Mình cùng các thành viên trong nhóm đã đưa ra dự án trồng rau mầm sạch để phân phối tại các chợ nhằm quảng bá về thực phẩm sạch an toàn tốt cho sức khỏe. Để hoàn thành dự án này, cả 10 thành viên trong nhóm đã lặn lội vào Hội An tìm người quen tại vùng trồng rau sạch ở Trà Quế để thương lượng đặt rau mầm. Đặt rau xong xuôi, chúng mình đã chia ra 2 ngày đem đến chợ Hàn để bán.
Trong quá trình thực hiện dự án, mình cùng nhóm đã tranh thủ dạo chơi tại phố cổ Hội An và chụp hình kỷ niệm. Cũng với dự án này, mình đã đem tham dự cuộc thi “Poly sáng tạo”. Tuy không nhận được giải thưởng nhưng mình đã được học hỏi rất nhiều kinh nghiệm và sự chia sẻ không chỉ từ các thầy cô tại FPT Polytechnic Đà Nẵng mà còn có thầy cô Cao đẳng Thực hành FPT HCM thông qua tư vấn trực tuyến. Đối với mình, đó là một kỷ niệm đẹp và ý nghĩa. Qua cuộc thi này, mình không chỉ được cùng vui với các bạn mà còn trưởng thành hơn và tự tin hơn vào bản thân.
Những năm tháng học tại trường, mình đã được tham gia rất nhiều hoạt động mặc dù trước đó mình không phải là sinh viên năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa. Khi tham gia câu lạc bộ Vovinam của thầy Nguyễn Xuân Biên, giảng viên thể chất nhà trường, mình được rèn luyện ý chí cũng như đạo đức và được hòa nhập cùng tập thể. Những giờ ngoại khóa đi chơi cùng câu lạc bộ, thầy Biên còn thể hiện với chúng mình giọng ca tuyệt vời qua những bài hát tình cảm. Kỷ niệm về thầy khiến mình nhớ và cảm động nhất là khi mình bị tai nạn, gót chân bị sưng và đi lại khó khăn. Khi đó, mình vẫn lên lớp tham gia học võ. Thầy biết mình bị đau nên đã đốt một cây nến để hơ lửa nóng, tự tay xoa thuốc trị đau và nắn gót chân cho mình. Nhờ có thầy, sau vài ngày, vết thương của mình khỏi hẳn. Chắc hẳn hình ảnh người thầy tận tụy, nhiệt tình và đầy tình cảm ấy, cả cuộc đời này mình sẽ không thể nào quên.
Kỷ niệm ùa về khi mình cầm bút viết lên bức thư này, nhiều điều muốn nói chưa thể gói gọn trong một bức thư. FPT Polytechnic biết không, khi còn đang học, mình đã từng tưởng tượng ra cảnh này, mình sẽ viết một bức thư bí mật để cảm ơn gửi đến trường. Thật không ngờ, hôm nay, mình đã thực sự làm được điều trước đây bản thân đã từng thấy ngại ngùng ấy.
Không biết phải mất bao lâu để nói hết những cảm xúc và kỷ niệm mình đã có với “người tình” đặc biệt mang tên FPT Polytechnic. Ở đâu cũng có những cảm nhận tốt xấu, chỉ cần chúng ta mở lòng thì cảm nhận điều tích cực sẽ nhiều hơn. Điều cuối cùng mình muốn gửi đến ngôi trường thân yêu FPT Polytechnic là sự cảm kích và cảm ơn chân thành khi đã luôn tạo điều kiện cho sinh viên chúng mình được học, được vui chơi và được cảm nhận tình yêu thương như một gia đình thứ hai.
>> 'Hai con tôi trưởng thành hơn khi học ĐH FPT'
Ngày 2/4, FPT Polytechnic Đà Nẵng sẽ tổ chức lễ tốt nghiệp đợt I/2016 cho hơn 100 sinh viên khóa 9.3 tại khách sạn One Opera. Với quy mô lớn, Đà Nẵng đã mời hơn 20 doanh nghiệp đối tác cùng các CBNV, phụ huynh tham dự. Nhiều tiết mục văn nghệ sôi động, hấp dẫn được dàn dựng công phu để chuẩn bị cho lễ tốt nghiệp này. Cùng ngày, Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức Lễ tốt nghiệp, vinh danh cho hơn 180 sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập và hoạt động phong trào tại Nhà Văn hóa Bắc Từ Liêm, Từ Liêm, Hà Nội. TP HCM và Tây Nguyên cũng đồng loạt trao bằng tốt nghiệp cho gần 200 sinh viên. Ra đời năm 2010 với sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, FPT Polytechnic hiện đang đào tạo 3 khối ngành: Công nghệ thông tin, Kinh tế - Kinh doanh và Du lịch - Lữ hành - Nhà hàng - Khách sạn với hơn 6.500 sinh viên đang học tập và rèn luyện. Trong gần 6 năm, 2.400 sinh viên FPT Polytechnic đã tốt nghiệp, với 85% sinh viên tìm được công việc phù hợp trong 6 tháng sau khi ra trường. Gần 98% sinh viên có việc làm với mức lương cạnh tranh, sau một năm tốt nghiệp như Samsung, FPT, VNP, Thế giới di động... |
Việt Nguyễn
Ý kiến
()