Chúng ta

Bí quyết không thành 'người thừa' trong ngành IT của giám đốc 9x FPT Software

Thứ năm, 17/8/2023 | 07:00 GMT+7

Trượt chuyên Toán, tốt nghiệp đại học loại Trung bình, Nguyễn Nhất Nguyên (sinh năm 1994) vẫn từng bước tạo giá trị riêng và trở thành giám đốc bộ phận của FPT Software tại Mỹ ở tuổi 27.

Hiện, Nguyễn Nhất Nguyên là Giám đốc mảng công nghệ chăm sóc sức khỏe, thiết bị y tế và khoa học đời sống (Department Head of Healthcare and Life science transformation) thị trường Bắc Mỹ của FPT Software.

Theo anh, thông tin về thực trạng thiếu nhân sự ngành IT có thể trở thành "cú lừa" đối với nhiều bạn trẻ. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng giá trị bản thân một cách bền vững, người làm nghề có nguy cơ trở thành "người thừa" trong ngành.

"Ngành IT vừa thừa vừa thiếu nhân sự"

Vị giám đốc trẻ chia sẻ, ngành công nghệ thông tin luôn thiếu nhân sự. Tuy nhiên, trên các nền tảng truyền thông, người đọc có thể nhận thấy luôn có hai luồng thông tin đi song song với nhau. Một mặt là lượng lớn nhân sự bị sa thải hay sinh viên công nghệ thông tin phải chuyển nghề do không có công việc phù hợp. Mặt khác là ngành "khát" nhân sự trong hàng chục năm tới.

Hai luồng này hoàn toàn đúng với thực tế. Đơn vị của anh Nguyên luôn luôn trong tình trạng vừa thiếu vừa thừa nhân sự, tức thừa những người không phù hợp và thiếu những người có năng lực thật sự.

"Tôi không thể sắp xếp vị trí hợp lý cho một số bạn nhưng nhiều vị trí trong đơn vị lại luôn trống. Vì vậy, việc thiếu nhân sự luôn có yếu tố phụ thuộc kèm theo", anh nói thêm.

Theo đó, để tránh trở nên "thừa" trong thị trường công nghệ, người trẻ cần có hai kỹ năng: học tập suốt đời và thay đổi. Sinh viên vẫn phải học bản chất của vấn đề như công nghệ thông tin là gì, cách thức hoạt động và ngôn ngữ lập trình sẽ là công cụ. Các bạn phải thích nghi về công cụ một cách nhanh nhẹn nhưng không được quên bản chất của khoa học máy tính là gì. Đó là kiến thức đầu tiên để có thể làm nghề.

Ví dụ, khi muốn trở thành lập trình viên phát triển website (Web Developer), các bạn cần công cụ là một ngôn ngữ lập trình. Do đó, để không bị đào thải, lập trình viên phải trang bị tư duy sẵn sàng thay đổi, thích nghi với một công cụ mới, tiện dụng hơn vì những cái mới sẽ giải quyết được vấn đề của các cái cũ.

"Đó là trình độ cốt lõi và lúc nào cũng phải trau dồi. Trong khi đó, công cụ là khía cạnh cần thích nghi. Như vậy, kỹ năng học hỏi và thay đổi là điều không thể thiếu trong bối cảnh thế giới biến đổi nhanh chóng", anh nhấn mạnh.

-1846-1692180720.jpg

Nguyễn Nhất Nguyên - Department Head of Healthcare and Life science transformation, FPT Software tại sự kiện HIMSS (Orlando, Mỹ). Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Học điều mình thích, thích việc mình làm"

Nhất Nguyên tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm (Software Engineer), chuyên môn về Hệ thống thông tin (Information System) tại Trường Đại học FPT với tấm bằng đạt loại Trung bình.

Chàng trai Đồng Tháp cho biết, ngay từ thời học phổ thông, anh đã tập trung học những điều mình thích. Nhất Nguyên từng trượt lớp chuyên Toán vì bị điểm liệt môn Ngữ Văn, dù điểm số của anh thuộc top ba của trường chuyên. Tuy nhiên, anh luôn tâm niệm, điểm số không phải là yếu tố quan trọng nhất, được học điều mình thích và hiểu bản chất kiến thức mình tiếp nhận. Đến bậc đại học, tuy điểm số không cao nhưng khi tốt nghiệp, anh được giảng viên đề cử là "hạt giống số một" với nhà tuyển dụng.

"Tôi tập trung vào tính hiệu quả, thay vì một kết quả tuyệt đối. Trong một khoảng gian thích hợp, tôi xác định mình cần làm thế nào để đạt được hiệu quả lớn nhất và dành thời gian còn lại vào những việc khác", anh nói thêm.

Chàng trai sinh năm 1994 kể lại, thời điểm học đại học, anh đặt việc theo đuổi nghiệp vụ thực tế và con đường học thuật, nghiên cứu lên bàn cân. Từ đó, anh xác định bản thân muốn tập trung, nắm vững một mảng, thay vì đạt điểm tuyệt đối với tất cả các môn.

Với môi trường học tập tại Trường Đại học FPT, anh chia sẻ thẳng thắn điều này với giảng viên. Kết quả, thầy cô hoàn toàn tạo điều kiện cho nam sinh đi theo định hướng này.

"Điều tôi thích nhất ở trường đại học của mình là thầy cô thẳng thắn, cởi mở cho sinh viên chia sẻ. Thầy cô tôn trọng cách học và hỗ trợ cách học của tôi trong suốt bốn năm học tập", anh chia sẻ.

Trong một môn Giải thuật và lập trình, anh Nguyên đã trao đổi với thầy Ngô Đăng Hà An về việc bản thân đã "nằm lòng" cuốn sách này do từng học chuyên Toán - Tin và thi đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Tin. Do đó, thầy sẵn sàng ngồi kiểm tra, hỏi ngẫu nhiên kiến thức trong sách. Sau khi đạt yêu cầu, anh được miễn học môn này và chỉ cần thi cuối kỳ.

Theo vị giám đốc trẻ, điều thứ hai sinh viên cần chuẩn bị trước khi gia nhập thị trường lao động là thích điều mình làm, từ đó, sẵn sàng học những điều cần cho công việc. Ngay từ thời đi học, anh đã nhận dự án của công ty Australia. Cân bằng với thời gian học, anh cọ xát thực tế để tạo nên nhiều giá trị cho bản thân hơn.

Bên cạnh đó, anh cũng mở một quán cà phê Italy. Sau một năm vừa học, vừa kinh doanh và làm việc như vậy, chàng trai trẻ đã tích lũy được kỹ năng như đối mặt với biến cố, giải quyết vấn đề, quản lý nhân sự, tài chính, đặt mục tiêu... từ đó, áp dụng vào công việc quản lý dự án ở công ty sau này.

Nhất Nguyên cho biết, ngoài việc nhận công việc bên ngoài, sinh viên Trường Đại học FPT đã được tiếp xúc với bài toán thực tế thông qua bài tập tại trường. Hầu hết giảng viên tại đây đều có kinh nghiệm thực chiến và sở hữu doanh nghiệp riêng. Do đó, thầy cô thường xuyên đưa các vấn đề thực tiễn vào bài giảng, kiểm tra...

-1219-1692180720.jpg

Anh Nhất Nguyên (thứ ba từ trái sang) cùng các kỹ sư của FPT Software tại sự kiện Total Health (Chicago, Mỹ). Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Hãy cứ dại khờ, sùng bái khi còn trẻ"

Theo anh Nhất Nguyên, tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm là một trong những yếu tố quan trọng nhất để thành công trong bất kỳ ngành nghề nào, đặc biệt là IT - lĩnh vực biến đổi không ngừng.

Khi học tại Trường Đại học FPT, anh được học toàn bộ về kiến thức học thuật, đồng thời, thực hành với bài toán thực tế, thuyết trình, demo sản phẩm... sau đó, tiếp tục tham gia kỳ học tại doanh nghiệp - On the Job Training trước khi chọn chuyên ngành. Từ đây, anh có cơ hội thực tập, tham gia dự án xây dựng hệ thống đào tạo của công ty và xây dựng mạng lưới quan hệ (networking) từ khi chưa ra trường.

Nhờ tinh thần ham học hỏi, quá trình học, thực tập và làm việc đã mang lại cho anh những mối quan hệ giá trị, cố vấn (mentor) tâm huyết. Trong đó, thầy Kiều Trọng Khánh - giảng viên Trường Đại học FPT vẫn luôn đưa ra cho anh nhiều lời khuyên dù đã tốt nghiệp nhiều năm, đồng thời, gửi đến danh sách những sinh viên là "hạt giống" tốt để anh bổ sung vào nhóm nhân sự "tinh nhuệ".

Bên cạnh đó, trong quá trình thực tập và khoảng thời gian mới đi làm, chàng trai Đồng Tháp còn nhận được sự chỉ dạy của anh Đỗ Đức Anh - Phó giám đốc GHS (Global Healthcare Services) - đơn vị đầu tiên anh làm việc tại FPT Software. Anh Đức Anh là người nhìn nhận năng lực và giúp cựu sinh viên Trường Đại học FPT vào vị trí công việc phù hợp.

"Hãy cứ dại khờ, sùng bái. Bất cứ ai cũng có thể là mentor của mình. Đừng nghi ngờ người khác quá nhiều. Mọi sự giúp đỡ đều là một điều đáng quý. Mình có thể lựa chọn tiếp nhận hay không, thay vì phán xét", anh Nguyên nhấn mạnh.

Sinh viên cũng cần xác định chính xác, nếu theo IT, bản thân nên đi con đường nào và muốn đạt được những thành tựu nhất định trước khi khó nghiêng xung quanh. Như vậy, bất cứ cơ hội nào đến, các bạn cũng có thể sẵn sàng nắm bắt, đảm nhận những nhiệm vụ chưa từng làm, từ đó, tạo nên nhiều bước tiến trong sự nghiệp.

"Tôi từng thất bại đồng thời 11 dự án đấu thầu. Thế nhưng, với tôi, mỗi thất bại là một bài học, miễn sao, không thất bại hai lần với cùng một lý do", anh khẳng định.

Ngoài ra, nam giám đốc khuyên các bạn trẻ nên trau dồi ít nhất một ngoại ngữ. Đây là năng lực mặc định của một nhân sự ngành công nghệ thông tin. Mọi kiến thức của ngành IT đều phát triển rất nhanh, do đó, tốc độ dịch thuật khó có thể theo kịp. Nhân sự không thể chờ một kiến thức nào đó chuyển ngữ, lúc đó, mọi thứ có thể đã trở nên "lỗi thời".

"Cái nôi sinh ra những ngôn ngữ lập trình mới là Mỹ, thuật ngữ cũng hầu hết là tiếng Anh. Dù bạn gia nhập thị trường nào, dù tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản hay Pháp, bạn vẫn cần tiếng Anh để tiếp cận nguồn học liệu nhanh, hiệu quả nhất", anh khẳng định.

Vì vậy, dù đã có chỗ đứng trong sự nghiệp và thành thạo tiếng Anh, sắp tới, anh sẽ học thêm tiếng Tây Ban Nha. Anh cũng cho biết, bản thân muốn học hỏi, thực chiến nhiều hơn trên thị trường Mỹ để thực hiện kế hoạch trở lại Trường Đại học FPT làm giảng viên vào năm 40 tuổi.

Nhật Lệ

Ý kiến

()