Chúng ta

Anh Hoàng Nam Tiến 'đứng hình' vì một nàng geisha

Thứ sáu, 11/8/2017 | 10:22 GMT+7

Trong bữa ăn tối do đối tác Nhật Bản mời đoàn FPT, những geisha dập dìu bước vào căn phòng. Chẳng có gì lạ, người FPT sang đây đã chuẩn bị kỹ, nói tiếng Nhật, học cách nâng ly sake đúng chuẩn. Thế nhưng, khi cô geisha vừa cất lời, Chủ tịch FPT Software đã bị "mê hoặc" ngay từ câu hỏi đầu tiên.

Anh Hoàng Nam Tiến vừa chia sẻ những kiến thức môn Toàn cầu hóa, trong khóa học MiniMBA dành cho nhà quản lý FPT năm 2017, trong đó sống động nhất vẫn là những câu chuyện thực tế từ trải nghiệm của anh trong hành trình vươn ra toàn cầu của nhà F.

Những ngày vẫn còn là lính mới "chinh chiến" ở thị trường Nhật, cô geisha có nhiệm vụ tiếp đãi đoàn khách từ Việt Nam đã mang đến bài học không thể quên với những người FPT "go global". 

DSC-1338-JPG.jpg

Anh Hoàng Nam Tiến còn chia sẻ nhiều câu chuyện về những cuộc gặp gỡ trong hành trình "go global" của FPT và FPT Software, trong đó anh nhấn mạnh đến việc gây ấn tượng bằng sự khác biệt và am hiểu về đối phương. 

Geisha được gọi là nghệ sĩ trò chuyện với tài nghệ rất phong phú. Sau khi rót rượu, đàn hát, cô geisha hỏi bằng tiếng Anh: "Ông có biết chữ Việt trong từ Việt Nam có ý nghĩa gì không"? Lãnh đạo nhà Phần mềm thoáng kinh ngạc, nhưng may quá, anh Tiến biết câu trả lời. Nàng lại tiếp tục: "Người Việt cổ từng có chữ viết riêng, ông biết chứ". Lần này, anh Tiến đứng hình hẳn. Cô gái người Nhật, ăn mặc như tổ tiên của cô cách đây hàng trăm năm cắt nghĩa rõ ràng về người Việt, nước Việt. 

Sau cuộc trò chuyện đầy thích thú, mang đến những thông tin mới mà chính người luôn tự tin về việc chịu khó đọc, học hỏi như anh Hoàng Nam Tiến phải ngưỡng mộ, anh tìm hiểu lý do nàng geisha hỏi và nói những điều đó với anh. Thì ra, trước khi đoàn khách đến, nhà hàng đã "nghiên cứu" về khách hàng và anh Tiến được mô tả là người yêu thích, am hiểu về lịch sử. 

"Cô geisha ở Nhật là một người sống ở địa phương nhưng hành xử như một công dân toàn cầu. Và nếu chúng ta đi ra toàn cầu hãy hành động tựa như ta là người địa phương", anh Tiến nhận xét. Đó cũng chính là điều mà người FPT đã làm và mỗi lần "bám" vào điều này là khi FPT đạt được thành công, dấu ấn trên thị trường. Suy nghĩ toàn cầu tạo ra những sản phẩm trong nước nhưng phục vụ thế giới như phần mềm, ứng dụng cho Vietnam Airlines. Hành xử địa phương giúp FPT, đặc biệt là FPT Software, thành công ở Nhật, rồi sau đó là Âu Mỹ. 

"FPT Software từng thất bại "go global" khi đến Ấn Độ. Khi phải cạnh tranh với những người bản địa, chúng ta chẳng có "cửa" gì vì không hành động như họ, không hiểu khách hàng muốn gì", anh Tiến chia sẻ thẳng thắn. Nhưng khi đến Nhật, nhà Phần mềm đã sửa chữa sai lầm này. Nói tiếng Nhật, học cách im lặng, xếp hàng là những chi tiết đã giúp người FPT thắng người Ấn trên đất Nhật, dù các kỹ sư nói tiếng Anh của họ từng thành công khắp thế giới.

Theo các học viên lớp miniMBA, buổi học của anh Tiến rất thú vị và khơi gợi cảm hứng để áp dụng ngay vào công việc ở đơn vị mình. Anh Lê Ngọc Thạch, FPT Software chia sẻ giờ học kéo dài nhưng không ai muốn anh Tiến dừng lại. Chị

Theo các học viên lớp miniMBA, buổi học của anh Tiến rất thú vị và khơi gợi cảm hứng để áp dụng ngay vào công việc ở đơn vị mình. Chị Trần Thu Hà, GĐ Kinh doanh FPT Retail HCM, chia sẻ đây là một trong những buổi học hay nhất của khóa miniMBA. 

Từ từ khóa "nghĩ toàn cầu, làm địa phương" (think global, act local) đã trở thành cánh cửa giúp FPT Software thêm am hiểu khách hàng, tạo dựng lòng tin cá nhân và xác lập sự khác biệt của doanh nghiệp.

Tầm nhìn của anh Trương Gia Bình, anh Hoàng Nam Tiến và nhiều lãnh đạo nhà F đã tạo dựng được niềm tin ở người lãnh đạo tổ chức với những người đứng đầu các đế chế "sừng sỏ" trên khắp thế giới, mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các đơn vị của FPT.

Tại FPT Software, nơi anh Tiến giữ cương vị Chủ tịch, giữa "rừng" cơ hội, công việc có thể làm, doanh nghiệp đã gắn mình với những định vị khác biệt, tiên phong, giúp rút ngắn khoảng cách với những công ty công nghệ hàng đầu như SMAC (xã hội, di động, phân tích dữ liệu, đám mây), IoT (internet kết nối vạn vật), Digital Transformation (chuyển dịch số), Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Trong buổi học kéo dài 3 giờ, anh Tiến còn chỉ ra hai bí quyết để người lãnh đạo thành công là biết "nói không" và "tận tâm", tận lực (say no and devoted). "Nói không" để khẳng định những thế mạnh của mình, những gì mình làm tốt. "Trong 10 điều họ đưa ra thì chỉ có 3 điều thôi, là những gì mình hiểu nhất, muốn làm nhất. Quyết định không làm gì mới là quan trọng", anh Tiến nói. Còn "tận tụy" luôn là quan niệm của anh Tiến trong mọi công việc bởi "chỉ có dồn mọi tâm huyết, hết sức lực trí lực thì mới mong đạt được kết quả". 

Những chia sẻ của anh Hoàng Nam Tiến trong môn Toàn câu hóa là buổi học cuối cùng của lớp MiniMBA khóa 35 do Trường Đào tạo cán bộ FPT (FCU) phối hợp với Viện Quản trị kinh doanh FPT (FSB) tổ chức. Chiều ngày 10/8, 28 học viên là cán bộ quản lý FPT đủ tiêu chuẩn tham dự Lễ tốt nghiệp và nhận bằng miniMBA.  

>>Bí mật tăng trưởng của FPT Software nằm trong... một bài hát

Ngọc Dung

Ý kiến

()